13/4/15

Chọn trường cho con

Trường công lập có thể chia ra nhóm có thương hiệu và nhóm “nghe nói” có thương hiệu.
Những trường tư thục chất lượng cao đã có bề dày hoạt động cạnh tranh đầu vào gay gắt, trong khi một số trường mới chưa được khẳng định về thương hiệu. Những trường có yếu tố nước ngoài như trường quốc tế, trường song ngữ hoặc tư thục chất lượng cao đang có vấn đề là thu học phí rất đắt.
chạy trường, trường điểm
Ảnh minh họa (Văn Chung)
Dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về định hướng của nhà trường thay vì chạy theo xu hướng, lựa chọn môi trường phù hợp, định hướng rõ rệt với sự phát triển của các em nhỏ... là góp ý của các chuyên gia giáo dục
Không chọn trường theo sự “nghe đồn”
Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, hiệu trưởng hệ thống trường mầm non Just Kids, phụ huynh nên nhìn nhận lại về các khóa học chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1. “Chúng ta hay nghĩ “chuẩn bị” xong là có thể “ném” trẻ vào môi trường mới. Tuy nhiên, “hành trang” không quan trọng bằng “sức chịu đựng””.
Hai kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với trẻ khi từ mầm non lên lớp một, theo bà Cúc Hà, là kỹ năng vệ sinh và kỹ năng tự phục vụ. “Các con phải đảm bảo tự giữ được vệ sinh và phục vụ bản thân mình khi không có các cô giáo giám sát giúp đỡ như ở mầm non. Những kỹ năng này cần đặc biệt lưu ý khi con học ở trường đông học sinh”.
Tuy nhiên, theo bà Cúc Hà, kỹ năng quan trọng nhất để trẻ chịu dựng được ở môi trường mới là cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. “Điều này hay bị bỏ quên, mặc dù thực hiện đơn giản thôi. Ví dụ khi con cầm cốc nước và kêu nước nóng quá, thông thường mẹ sẽ bảo để mẹ đổ thêm nước nguội vào cho. Như vậy là lấy đi mất khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Thay vì giải quyết hộ trẻ, hãy tạo cho bản thân mình thói quen hỏi lại, như “Ý con là gì?”, “Con nghĩ như thế nào?”… để con tự xoay xở vấn đề”.
Nhưng có chuẩn bị mấy cũng không đủ, mà cần chọn cho trẻ một môi trường phù hợp.
Th.S Hoàng Tùng, giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên tạm quên chuyện chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp về tài chính, bởi nuôi con là chặng đường dài. Phụ huynh cần tránh tự tạo sức ép cho nhau bằng cách theo phong trào, trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ”.
Còn với bà Cúc Hà, sự phù hợp còn liên quan tới tính cách, đặc điểm của trẻ: “Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, tăng động, không nên cho vào trường công vì với một lớp học quá đông học sinh, cô sẽ “ghét” do không xử lý được. Trẻ sẽ trở nên cá biệt trong môi trường đó. Trong khi đó, cũng trong nhà trường công lập, một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú. Một ví dụ dễ thấy là nếu như ở các cấp học dưới có thể trẻ ở trường công, tư đều có kết quả học tập sàn sàn như nhau, nhưng lên đến các cấp học cao hơn, ở các kỳ thi quốc tế, những em đạt kết quả xuất sắc nhất bao giờ cũng là học sinh trường công lập, và thường là các em chăm, ngoan từ nhỏ”.
Thế nào là môi trường phù hợp?
Sự phù hợp mà ở đây còn liên quan tới tài chính.
“Một gia đình không có tích lũy, đầu tư quá nhiều cho việc học của con là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc bố mẹ phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Tôi không lo ngại khả năng thích nghi của trẻ, nhưng thay đổi định hướng giáo dục (chẳng hạn từ môi trường đa dạng, chú trọng vui chơi và tinh thần, sang môi trường chỉ biết điểm số) luôn tạo ra ảnh hưởng không tốt, thậm chí hạn chế rất nhiều đến sự phát triển lâu dài của trẻ” – ông Hoàng Tùng phân tích.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), “không có mô hình không tốt, chỉ có phù hợp ở mức độ nào”.
Ông Việt Hùng đưa ra ví dụ một trường hợp xảy ra tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Với đề bài: “Hãy mô tả loài hoa mà con yêu thích nhất”, một học sinh đã viết như thế này: “Con xin lỗi cô con không làm bài văn này. Vì con không thực sự yêu quý loài hoa nào. Cô vẫn thường nói nếu chúng ta không yêu thích việc gì thì chúng ta sẽ làm không tốt”.
“Có hai khả năng xảy ra khi giáo viên nhận bài viết này. Khả năng thứ nhất là giáo viên có thể cho điểm 1, và phụ huynh cần chia sẻ với giáo viên nếu họ làm điều này” – ông Hùng nhận xét. “Thế nhưng, đáng mừng là đã xảy ra khả năng thứ hai, khi không có điểm 1 nào, mà giáo viên đã giải thích cho trẻ dựa trên triết lý giáo dục mà ngôi trường này theo đuổi: “Mỗi học sinh là một cá tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, học tập cũng là nghĩa vụ và có những nhiệm vụ cần được hoàn thành”.
Vì vậy, để chọn đúng trường, “Bạn cần đến tận trường để cảm nhận chính xác về không gian giáo dục ấy, đừng đổ xô vào trường điểm chỉ vì nghe đồn” – ông Hoàng Tùng gợi ý.
Chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp đầu cấp, tức là các phụ huynh cũng phải xác định cho và bản thân mình việc dành thời gian học cùng con, khi theo bà Cúc Hà “Con tôi vào lớp 6 tôi còn thấy nặng nề hơn khi con vào lớp 1”.
Phụ huynh rất hay than thở không có thời gian ngồi cùng học với con vì bận quá nhiều việc. “Nhưng…” - ông Việt Hùng đưa ra phép so sánh – “nếu như đọc 1.000 trang sách với tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 1.000 phút, quãng thời gian này = 8 trận bóng đá = 16 tập phim = 5 trận tennis = vài lần đi spa. Bớt thời gian dành cho thú vui riêng của mình, bạn sẽ có thời gian đồng hành với con, khi con chập chững bước vào môi trường mới”.

Theo Ngân Anh (Vietnamnet)

Bức thư đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU 43

(PLO) - Giải nhất của cuộc thi năm nay thuộc về em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 7B8, trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Một điểm khá thú vị, Phạm Phương Thảo là một học sinh lớp chuyên Toán.
Ngày 10-5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43.
Với chủ đề “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào” tác giả Phương Thảo đã hóa thân vào cây vĩ cầm của cậu con út bà chủ. Từ bối cảnh chồng bà chủ bỏ nhà đi theo cô nghệ sỹ chơi violin nổi tiếng khiến bà căm thù âm nhạc, căm thù cả cây đàn nhưng cậu út lại có ước mơ chiếm lĩnh âm nhạc để xóa đi những mặc cảm trước đây.
 
Phương Thảo, học sinh chuyên Toán được giải nhất cuộc thi 
Bức thư của Phương Thảo được Ban giám khảo đánh giá là một bức thư rất xúc động, giàu lòng nhân ái và có tính chung, tính phổ quát cao. 
Năm nay cuộc thi đã nhận được hơn 1,3 triệu bài dự thi, nhiều hơn gần 80.000 bài dự thi so với cuộc thi viết thư UPU 42, từ học sinh của 43 tỉnh, TP trên cả nước. 
Đánh giá về chất lượng cuộc thi năm nay, ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó trưởng Ban giám khảo quốc gia cuộc thi viết thư UPU 43, nhận định chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế năm nay được các giáo viên dạy văn và các em học sinh đánh giá là một đề bài hay. Qua cuộc thi UPU 43, các em thiếu nhi Việt Nam cũng đã cho thấy sự cảm thụ rất tinh tế, đặc biệt thể hiện rõ nhất là ở những bài đạt giải cao tại cuộc thi năm nay.
Sau năm vòng chấm, Ban tổ chức đã trao một giải nhất, ba giải nhì, năm giải ba, 30 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao ba giải phụ cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh dân tộc thiểu số và giải dành cho học sinh khuyết tật.
Các học sinh đạt giải của cuộc thi năm nay
Bức thư đạt giải Nhất quốc gia sẽ được dịch sang tiếng Pháp và được Ban tổ chức gửi tới Văn phòng UPU tại Thụy Sỹ vào ngày 25/4/2014 để đại diện thiếu nhi Việt Nam dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43.
Đây là cuộc thi lần thứ 24 được tổ chức ở Việt Nam.
Báo Pháp luật TP. HCM xin giới thiệu bức thư của Phương Thảo, đạt giải nhất cuộc thi
Ngày 17 tháng 1 năm 2014
Kính gửi bà!
Tôi là cây vĩ cầm nhỏ của cậu Vĩ Phong - con trai út của bà. Những ngày tháng vừa qua quả là những ngày tháng căng thẳng và vô cùng đau khổ của gia đình bà. Tôi xin chia buồn. Nhưng xin bà, bà đừng làm mất đi niềm đam mê âm nhạc của cậu con trai bé bỏng.
Là một cây đàn ngày ngày được để gọn ghẽ nơi góc phòng, tôi được chứng kiến sự tình đang diễn ra trong gia đình bà. Chồng bà đã bỏ đi theo cô nghệ sĩ chơi violin nổi tiếng khiến bà buồn bã và trở nên ghét violin, ghét cái gọi là âm nhạc. Vì vậy mà bà nỡ vô tình phá hỏng ước mơ âm nhạc của cậu con trai để cậu lại trở về sống lầm lũi như trước ư?
Cậu chủ bị mù từ nhỏ. Cậu đã nhiều lần tâm sự với tôi về cuộc sống xưa kia. Khi chưa có tôi, cậu lặng lẽ, cô đơn biết bao! Không bạn bè, không vui chơi, không dám bước chân ra khỏi nhà khi không có ba mẹ… Cậu mặc cảm, tự ti, luôn dựa dẫm vào người khác. Cho đến một ngày, vô tình nghe thấy tiếng đàn violin bên tai, cậu khao khát có một cây đàn. Nhiều lần như vậy, chẳng biết từ đâu, niềm đam mê âm nhạc đã trỗi dậy trong tâm hồn nhỏ bé của cậu. Từ khi tôi đến với cậu, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Âm nhạc với cậu là từ đôi tai, nhưng hơn cả là từ trái tim. Cậu đã học chơi đàn với đôi mắt mù lòa và niềm khâm phục của cô giáo dạy nhạc. Từng đầu ngón tay khẽ lướt gậy qua khung đàn, cậu đã cảm nhận âm nhạc bằng tình yêu, niềm say mê. Cậu quá yêu âm nhạc!
Và rồi, bà biết đấy, cậu chủ đã mở lòng với cuộc sống. Cậu đòi đi học, đòi đi chơi, đòi được giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Một phần cậu muốn khoe mình biết chơi đàn, và một phần là do sự tác động của âm nhạc với tâm hồn cậu. Âm nhạc ư? Nó không chỉ là thứ sinh ra để giải trí, mà còn làm thay đổi cuộc sống của cả một con người. Chính tôi - thứ nhạc cụ đại diện cho âm nhạc đã biến một cậu bé lầm lũi trở thành người có ước mơ, hoài bão. Bà có biết cậu đã ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi violin tài ba không?
Vậy là bà đã hiểu sự lay động của âm nhạc tới mỗi con người như thế nào. Cậu con trai bé nhỏ của bà là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Tâm hồn cậu trong sáng hơn, lạc quan hơn, cậu sống có mục đích hơn. Cậu muốn đi học, muốn được chơi với bạn bè, có nhiều bạn bè yêu mến. Cậu đã vứt hết cái mặc cảm của cuộc đời đen tối trước kia. Ấy là khi âm nhạc lên ngôi. Âm nhạc quá quan trọng, quá cần thiết với cậu. Nó mang đến một chân trời mới, một thế giới mới - thế giới của ánh sáng, của những thăng hoa mà cậu đã nhìn thấy không phải bằng đôi mắt. Tương lai đang đến, thử tưởng tượng một cậu bé có cái tên Vĩ Phong kiêu hãnh đứng trên sân khấu, mải miết theo những nốt nhạc cao vút và rong ruổi cùng sự tán thưởng của khán giả - thứ mà bà không mang đến được, ba cậu cũng không mang đến được.
Đó chẳng phải là một điều kì diệu ư?
Và bà chẳng phải sẽ rất hạnh phúc và tự hào ư?
Vậy mà tại sao bà nỡ cấm con trai mình chơi nhạc vì một lẽ quá ư là cá nhân. Nhưng bà có biết, mỗi khi bà ra khỏi nhà là cậu chủ vẫn lén lôi tôi ra, kéo lên những nốt nhạc bình yên, thả hồn mình vào những giai điệu trong veo. Để rồi mỗi lần bà về, cậu cuống lên vứt tôi vào xó, như những gì bà đã làm với tôi - đập tôi không thương tiếc để bà không phát hiện. Sau mỗi lần ném tôi như vậy, cậu lại sà vào chỗ tôi, ôm tôi trong lòng, thổn thức với những tiếng nấc trong đau đớn. Còn tôi, sau những trận bầm dập bởi bụi bặm, vì tình thương, sự nâng niu, trân trọng của cậu chủ, tôi vẫn sống như hôm nay.
Bà chủ đáng kính! Chẳng nhẽ bà muốn cuộc sống của con trai mình trở về sự lầm lũi ngày xưa sao? Chẳng nhẽ bà muốn cậu bé đầy khát khao và ước mơ kia phải từ giã âm nhạc, từ bỏ những tiếng đàn đã làm cho cậu tự tin như ngày hôm nay sao? Bà thật vô tâm và độc ác quá! Âm nhạc một khi đã là cuộc sống của con người thì khó có thể kéo nó ra khỏi họ.
Vì vậy, tôi mong bà sau khi đọc bức thư này, hãy gạt đi những nỗi buồn cá nhân mà nghĩ về con trai mình, về tương lai tươi sáng mà cậu đang hướng đến. Tôi rất mong có một sự thay đổi tốt đẹp.

Từ căn phòng của cậu chủ.
Cây Violin

7/8/14

YBOOK.vn | Sách điện tử Trẻ - Hùng Gà Tre

YBOOK.vn | Sách điện tử Trẻ - Hùng Gà Tre


Tóm lược nội dung



Hùng Gà Tre thả gà của nó xuống vũ đài trước. Chú gà tre chính gốc chỉ to hơn cổ chân một chút nhưng tỏ ra lanh lợi và "sáng nước" lắm. Nó có một bộ lông màu sẫm rất óng mượt. Mỏ của nó nhỏ và sắc. Cặp chân vòng kiềng nên bộ vó của nó đi trông có vẻ xấc láo, khinh đời.
Mùa hè ở cái xóm nhỏ nằm lọt thõm giữa vùng sông nước mênh mông với cái tên vô cùng lạ, xóm "lưng chừng trời", và có những đứa trẻ với biệt danh cũng rất lạ "Hùng Gà Tre", "Công Gà Rù", "Tuấn Bác Học"; "Ngu Ma Vương",...
Tụi nó mỗi đứa một hoàn cảnh, đứa thì gia đình khá giả thuộc dạng nhất xóm, đứa thì nghèo thuộc diện gần "bét", nhưng cùng chung thú ham mê đá gà. Câu chuyện bắt đầu bởi một trận chọi gà "bắt xác" giữa "Hùng Gà Tre" và "Công Gà Rù". Số là tụi nó lâu nay chỉ nuôi gà để đá chơi, nhưng bỗng nhiên thằng "Công Gà Rù" thách đấu với "Hùng Gà Tre" nếu đứa nào thắng sẽ được bắt gà của đối phương. Phi vụ đổi chác này rồi sẽ kết thúc như thế nào?...
Những suy nghĩ của tuổi mới lớn, có chút nghịch ngợm ngang tàng, có chút quậy phá bốc đồng nhưng sâu thẳm bên trong là sự hồn nhiên trong trẻo của lứa tuổi đang chuyển mình trưởng thành. Hùng Gà Tre sẽ là những bài học, những trải nghiệm quý giá dành tặng đến các em đang tuổi ăn tuổi lớn.
Đấu trường bỗng trở nên im lặng, chờ đợi một sự thua cuộc nhục nhã của Hùng Gà Tre. Mà thật vậy, gà của Công Gà Rù lại tấn công nữa kìa! Ai nấy đều cảm thấy hồi hộp vì nghĩ rằng con gà của thằng Hùng Gà Tre sẽ bị gà của Công Gà Rù "dập" cho đến chết nếu như nó không khôn hồn bỏ chạy.



18/7/14

Nguời Bạn Đích Thực


Chúng ta ai cũng có bạn, nhưng tìm được người bạn thân thiết thực sự hiểu mình, cùng nhau chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau vượt qua những thách đố của cuộc sống, quả thực không phải dễ !  

Tình bạn là một tình cảm cao quý và cần thiết cho con người. Không có bạn, cuộc sống trở nên tẻ nhạt, cô đơn. Chúng ta ai cũng có bạn, nhưng tìm được người bạn thân thiết thực sự hiểu mình, cùng nhau chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau vượt qua những thách đố của cuộc sống, quả thực không phải dễ !

Xưa có một hai người bạn rủ nhau đi buôn qua sa mạc. Vì bị lạc hướng, họ tranh cãi với nhau. Không kiềm chế được sự bực tức và tuyệt vọng, một người đã tát vào mặt người kia. Người bị đánh rất đau không nói gì, chỉ viết một dòng lên trên cát : “Hôm nay người bạn rất thân đã tát tôi”.


Họ tiếp tục đi và đến được ốc đảo có một hồ nước lớn. Người bạn bị đánh vì vội vàng xuống tắm rửa và bị trượt chân té. Người kia vội vàng nhảy xuống cứu anh ta lên. Khi mọi sự đã qua, người bạn lúc trước bị đánh đã khắc một dòng chữ lên trên một phiến đá : “Hôm nay người bạn thân nhất đã cứu tôi”.

Người bạn còn lại ngạc nhiên hỏi : "Sau khi tôi đánh anh, anh viết trên cát, bây giờ anh lại viết trên đá. Tại sao vậy ?"

Người kia mỉm cười đáp : “Khi một người bạn làm ta đau, hãy viết lên cát để ngọn gió của sự tha thứ thổi qua mang nó đi cùng. Còn khi bạn làm cho ta một điều tốt, hãy khắc nó lên đá để nó bền vững dài lâu”

Nghe thế người này liền ôm chầm lấy bạn mình, và hai người trở thành đôi bạn thân thiết lâu dài.

Một bài học đặc biệt cho tình bạn : Có những điều nên nhớ mãi và có những điều cần phải biết quên đi.