Hiển thị các bài đăng có nhãn CÁC BÀI VĂN HAY VÀ DỞ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CÁC BÀI VĂN HAY VÀ DỞ. Hiển thị tất cả bài đăng

24/10/12

Bài văn hội ngộ Tấm Cám dưới âm phủ



 - Với đề bài “hãy kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ”, một học sinh lớp 10 chuyên Anh đã có bài tưởng tượng sinh động.
Đã ba năm trời kể từ ngày Cám và dì mất, cũng là từng ấy thời gian Tấm trở lại sống trong cung cùng nhà vua. Mặc dù cuộc sống trôi đi yên bình, hạnh phúc, nhưng luôn có một nỗi niềm làm Tấm không khỏi bận lòng - về Cám!

Tháng bảy mới sang, lại gần đến ngày lễ Vu lan và ngày Xá tội vong nhân. Độ này Tấm hay nằm mơ thấy Cám. Những giấc mơ - kì lạ thay - giống hệt như nhau. Cám lơ lửng trong một khoảng không mịt mùng, vừa như gần mà lại xa vời vợi, mỏng manh như sương khói. Cám bận bộ quần áo giản đơn, trông gầy guộc xanh xao, hai hốc mắt trũng sâu, chỉ nhìn Tấm buồn rầu rầu, ánh mắt thiết tha như có điều muốn rãi tỏ. Giấc mơ lặp đi lặp lại khiến Tấm suy nghĩ rất nhiều - phải chăng ngày xá tội gần kề, Cám muốn gặp Tấm để bày tỏ điều gì? Nghĩ vậy, nàng quyết định sẽ lên chùa vào ngày xá tội năm nay.

Ngày xá tội vong nhân đến. Sáng sớm, Tấm đã dậy, tự tay làm chút đồ lễ rồi khởi hành đến ngôi chùa trên núi - có tiếng rất thiêng. Tấm đến chùa thì đã gần trưa, nàng sắp lễ rồi thắp một nén nhang, thành tâm cầu khẩn! Nàng khấn cho Dì, cho Cám, cầu cho linh hồn của hai người được rửa tội và siêu thoát! Giữa lúc ấy, đột nhiên Tấm nghe ù ù bên tai, mở mắt ra thì không còn thấy điện thờ nữa, chỉ thấy mình đang lơ lửng giữa khoảng không xám đặc, cuộn xoáy! Chưa kịp định thần thì Tấm thấy mình bị hút về phía trước, mãi cho đến khi gặp một cánh cửa, cửa bật tung, Tấm bị hút vào đó. Sau cánh cửa là một căn phòng. Căn phòng trống không, tường và trần đều một màu xám, Tấm ngỡ ngàng. Nhưng đó chưa phải là điều lạ lùng nhất, cảnh cửa mở ra lần nữa, và Cám bước vào. Đúng là Cám, không mờ ảo như trong giấc mơ của Tấm, mà thực sự hiện hữu - Cám bằng xương bằng thịt! Tấm không nói được lời nào, trong nàng tràn ngập nỗi hoang mang và hàng trăm ngàn câu hỏi. Nàng đang ở đâu? Tại sao nàng bị đưa đến đây? Nơi này cách ngôi chùa kia bao xa? Giữa lúc bối rối, Cám chợt lên tiếng, tiếng nói nghe cũng rất thật, rất đỗi thân quen, nhưng thoáng chút gì như nghẹn ngào, và vang hơn bình thường:

- Chị Tấm!

Tấm hoảng hốt, hình ảnh Cám, giọng nói Cám, sống động quá. Nàng hoang mang: đây là mơ, hay là thực? Như đọc được suy nghĩ của Tấm, Cám tiếp:

- Chị Tấm, chị và em đang ở dưới Âm Phủ! Đây là nơi mà người trần lẽ ra không được đến, chỉ có chị - người được thần thánh phù độ, trải qua bao kiếp nạn mới tới được!

Tấm không biết nói gì, nàng còn chưa hết sững sờ.

- Chị Tấm, sao chị không nói gì?

Tấm nhắm mắt, hít một hơi dài. Giờ thì nàng chắc chắn rằng đây không phải là mơ, nàng chọn lời:

- Em Cám à! Em đưa chị đến đây sao? Có phải em đã tìm gặp chị suốt mấy đêm rồi?

Cám gật đầu.

- Vậy phải chăng em có điều gì muốn nói? - Tấm tiếp.

- Vâng, hôm nay là ngày phán quyết của em. Hôm nay Diêm Vương sẽ định đoạt liệu linh hồn em có được siêu thoát, được đầu thai hay không.

"Cám khác quá!" - Tấm tự nhủ. Cám đang đứng trước mặt Tấm lễ phép, điềm đạm, hoàn toàn khác xưa.
- Em Cám, suốt ba năm qua em ở đâu?

Cám cười, nụ cười rầu rầu:

- Em được Diêm Vương sai đi chứng kiến cảnh khổ đau trong nhân gian, cảnh người ta bị lừa gạt, bị hãm hại, chứng kiến lòng đó kị, tham lam. Cứ đi một ngày, em phải về báo những gì mình nhìn được cho Diêm Vương, và cả những gì mình cảm thấy.

- Rồi sao nữa?

- Ban đầu em dửng dưng, em vô cảm, nhìn người khác đau đớn, bất hạnh, em không có lấy một chút mủi lòng. Vì thế mà Diêm Vương trừng phạt em bằng cách bắt em chịu tất cả những cảm xúc đau khổ ấy. Em quằn quại, em cầu xin dừng tay, nhưng vô ích! Cảm giác của người bị tra tấn, của người mất cha, mất mẹ, của người bị ruồng bỏ, của người bị hãm hại, như trận cuồng phong cào xé em. Em bị trừng phạt cho đến khi em biết đồng cảm, biết thương xót.

- Đến khi nào em mới biết thương xót những cảnh khốn cùng ấy?

- Hai năm trời chị Tấm ạ!

- Thế một năm còn lại em làm gì?

- Em xá tội cho những tội lỗi của mình. Diêm Vương gửi hồn em vào một con bống, con bống bị lừa gạt rồi bị làm thịt; rồi Diêm Vương gửi em vào con chim vàng anh, con chim cũng bị giết; Diêm Vương lại cho em vào cây xoan đào, cây xoan đào cũng bị đốt trụi! Như thế em cũng phải bỏ mạng bốn lần, bằng số lần em hãm hại chị.

Tấm im lặng. Ba năm trời ròng linh hồn Cám bị đày đọa, cái giá đắt cho những lỗi lầm khi còn sống.

- Vậy dì đâu, em đã phải chịu phạt cho cả phần dì nữa ư?

Cám rùng mình một cái, cô cất giọng buồn. Trông Cám như muốn khóc mà không thể khóc. Hẳn là người chết rồi không khóc được nữa.

- Mẹ em khi xuống đây đã làm náo loạn cả âm phủ, đắc tội với Diêm Vương. Mẹ quyết không nhận lỗi, vì thế mà phải chịu trừng phạt đau đớn, không những thế, đời đời kiếp kiếp phải đầu thai vào con ruồi, con cóc.

Dẫu dì đã làm nhiều điều độc ác với Tấm, Tấm nghe vậy cũng không khỏi xót xa! Đúng là không gì qua được mắt thần linh, tội lỗi dù sớm muộn đều bị trừng trị. Nghĩ đến đây, Tấm nhìn lại mình, bàn tay Tấm cũng từng rót nước sôi giết Cám, bàn tay Tấm cùng từng gửi hũ mắm đến cho Dì, khiến dì chết vì kinh sợ, bàn tay ấy đã từng làm điều xấu, từng giết người!

- Em Cám, em nói hôm nay là ngày phán quyết, phải chăng đích thân Diêm Vương sẽ...

Tấm chưa dứt câu, đột nhiên cả căn phòng rung chuyển, rồi bất thình lình nới rộng ra, thành một nơi rộng mênh mông, u ám, tường vẽ đầy hình người bị tra tấn, trần thì cao hun hút. Tấm lờ mờ đoán ra: đây ắt hẳn là phòng xử của Âm Phủ.

Bàn xử án sừng sững trước mặt, Diêm Vương hiện ra. Vượt ra ngoài ngôn ngữ và trí tưởng tượng của con người, Diêm Vương, và cả bầu không khí toát ra từ Người không một từ nào có thể miêu tả. Ngài cất tiếng nói làm rúng động không gian:

- Cám, hẳn ngươi biết vì sao mình lại ở đây. Tấm, ngươi là người trần đầu tiên đặt chân xuống Âm Phủ, người biết vì sao không?

- Dạ bẩm, tì nữ người trần mắt thịt, không thấu được hết ý định của bậc thần linh.

Diêm Vương cười lớn:

- Hôm nay, ta sẽ ra phán quyết định đoạt số phận của hai ngươi. Cám, ngươi trước.

Cám bước về phía trước.

- Hẳn ngươi biết tội của mình chứ?

- Dạ, con biết. - Cám trả lời, nghe giọng nói thoáng run nhưng cứng cỏi lạ thường.

- Ngươi đã cùng mẹ hãm hại Tấm nhiều lần, còn tranh giành hạnh phúc của Tấm. Ta hỏi nhà ngươi, nhà ngươi có thật sự yêu vị vua đó không?

- Dạ bẩm, con không ạ.

- Vậy suy cho cùng ngươi vì lòng đố kị và lòng ham mê phú quý mà làm vậy?

- Dạ, vâng ạ.

- Ngươi đã chuộc tội suốt ba năm vừa rồi, đã học được cách thương xót, đã biết đồng cảm, đã nếm mọi khổ đau trong nhân gian. Ngươi có thấy mình xứng đáng được đầu thai làm người không?

Cám chợt im lặng. Một khoảng dài trôi qua, rồi Cám lên tiếng:

- Dạ bẩm, không ạ.

Diêm Vương thoáng ngạc nhiên, rồi gật đầu:

- Ngươi nói vậy, và ngươi thực sự nghĩ vậy, điều ngươi thật sự nghĩ mới quan trọng! Ngươi biết không, đầu thai làm người là một ân huệ lớn lao, nhưng cũng là một sứ mệnh khó khăn, làm người không hề dễ dàng. Ngươi đã chịu phạt không có nghĩa là linh hồn ngươi đã được gột rửa. Vì tội lỗi của ngươi một phần là do mẹ nhà ngươi xúi giục mà ngươi lại chịu đựng cả hình phạt của mẹ mình, nên ta cho phép nhà ngươi được đầu thai thành bông hoa sen. Ngươi sẽ có ba kiếp làm hoa trước khi ta xem xét ngươi có thể được đầu thai làm người một lần nữa không.

- Dạ! Con xin tạ ơn ân đức của Diêm Vương. - Cám nói, rồi bước xuống.

- Tấm, đến lượt ngươi.

Tấm bước lên trước.

- Tấm, ngươi không thắc mắc vì sao ngươi là người trần mà lại phải xuống âm phủ để nhận phán quyết về số phận mình không?

- Dạ bẩm, không ạ.

- Một phần là vì ta đã hứa với Cám sẽ ban một ân huệ cho những tháng ngày chuộc tội, và Cám xin được gặp ngươi. Phần khác, phần khiến ngươi được phán quyết khi còn sống là bởi ngươi đã trải qua bao khổ nạn - điều không hề được ghi trong sách sinh tử. Sức sống và sự trong sạch của ngươi đã khiến thần linh động lòng mà thay đổi điều được sắp đặt, lẽ ra ngươi đã chết ngay từ lúc dì ngươi chặt đổ cây cau, khiến ngươi ngã.

- Nhưng con đã giết người, thưa Diêm Vương, con đã làm việc tàn độc, linh hồn con đã bị vấy bẩn.

Diêm Vương khẽ làm một hành động như cười mỉm.

- Ngươi giết người đâu phải vì dã tâm. Ngươi đã cảnh báo mẹ con Cám nhiều lần nhưng hai người đó không hề thay đổi. Ngươi giết người là hành động tự bảo vệ mình, khi sự can thiệp của thánh thần cũng chỉ có hạn, khi người bên cạnh ngươi - là vị vua kia - cũng không ra tay giúp. Tuy vậy, hành động giết người luôn luôn là sai trái. Như thế, ngươi sẽ vẫn được đầu thai làm người. NHƯNG. Nhưng sau khi vị vua kia mất, ngươi sẽ phải quy y cửa phật và dành phần đời còn lại là một nữ tu, ăn chay niệm phận để xá tội.

- Dạ, tạ ơn ân đức của Diêm Vương.

Diêm Vương gật đầu

- Vậy thì ta tuyên bố: PHIÊN XỬ KẾT THÚC!

Nói rồi, Diêm vương biến mất, căn phòng lại chuyển động dữ dội, rồi trở lại là căn phòng nhỏ khi nãy.

- Chị Tấm! - Cám lên tiếng - Em phải chia tay chị thôi. Vậy là em được thỏa tâm nguyện gặp chị lần cuối. Em xin lỗi, chị Tấm ạ, em xin lỗi, cho những gì mẹ con em đã làm!

Tấm trào nước mắt, chỉ biết gật đầu.

- Vậy em đi nhé, chị Tấm! - Cám nói, đoạn đưa tay ra, rồi hình bóng mờ dần, mờ dần, đến khi biến mất hẳn.
Cửa phòng bật mở, Tấm bị hút ra ngoài, trở về với điện thờ.

***
Năm ấy, hồ sen trong cung chỉ nở đúng một bông, nhưng tươi tắn và thơm lạ thường. Tấm thường ra ngồi ở lầu trước hồ sen cùng nhà vua. Cứ mỗi lần ấy, Tấm lại thấy như nghe được giọng Cám nói khe khẽ :"Chị Tấm ơi! Chị Tấm ơi!" - như tiếng thỏ thẻ của người em gái ruột thân thương!
  • Dương Quỳnh Anh (Lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương)

11/10/12

Bài văn sâu sắc của nam sinh 15 tuổi về đường tắt


.

Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi.

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)
duongtat.jpg
Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình?
Bài làm

Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết rằng nhiều kẻ bằng "ô dù", bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm "ông ấy... bà nọ..." và ai cũng tặc lưỡi "biết rồi". Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi "Đường tắt"

"Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào"


Mở đầu bài thơ "Đường tắt", Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn - đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài - một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách - một bên "không có chướng ngại vật nào" và "không tốn thời gian". Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!

Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.

Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó

"Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn"


Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị con người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì?

"Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học"


Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.

Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: "Liệu chúng có thể tồn tại?". Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt "luôn là con đường sai". Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ... Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.

Ta phải nhìn thẳng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giở bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.

Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.  

Hãy thay đổi.

Vì dẫu biết những kẻ đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cũng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đầu còn hơn xây rồi và sau này phải hì hục sửa chữa, chắp vá.

Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng - sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.

Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?
Hoàng Quỳnh Phương (Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi
đường Ngô Quyền - TP Hải Dương - tỉnh Hải Dương)


VietNamNet

Bài văn điểm 3 của nữ sinh nhập vai Cám kể chuyện Tấm


- Với đề bài "hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám", một nữ sinh THPT ở Hà Nội đã có bài viết "đặc sắc".

Lời phê của cô giáo

Bài làm

Tôi là Cám, tôi sống với mẹ tôi và con của dượng tôi vì bố nó chết lâu rồi nên mẹ con tôi nuôi nó. Nhưng tôi cũng không ưa nó lắm vì nó lúc nào cũng ra vẻ làm chị. Hàng ngày nó cũng khá chăm chỉ vì việc nhà, tôi thấy cũng cỏn con: cho lợn ăn, chăn châu, nấu cơm, giặt quần áo… Tôi thấy ít việc đó nó làm hợp hơn tôi vì tôi còn bận chọn vải may quần áo và đi làm tóc tai. Tôi đang tuổi đôi mươi mà!
Có hôm mẹ tôi giao cho hai đứa công việc, mỗi đứa một giỏ để đi bắt đầy giỏ tôm cua. Đứa nào nhanh chân thì được cái yếm đỏ mẹ tôi mới mua đẹp mê hồn. Nhưng tôi thì có biết lội ao hồ bao giờ, bẩn hết quần áo mất. Con Tấm thì cứ tìm tìm mò mò đến bao giờ mới xong? Mình cứ đi hái hoa bắt bướm tí đã rồi về bắt tôm cua sau. Chiều khi tôi ra thì đã muộn rồi, thôi thì lừa con ngu kia một phen vậy: 
Chị Tấm ơi chị Tấm
Đầu chị bị lấm
Chị ra ruộng sâu mà gội đầu, không về mẹ mắng đó.
Bài làm của học sinh

Haha, nó đã tin lời mình, mình phải nhanh tay đổ hết tôm cua tép giỏ nó sang giỏ của mình mới được. Về nhà được lấy yếm đỏ, và tôi đã có cái yếm đỏ. 
Một hôm nọ, tôi thấy con Cám ít ăn, hay để giành một bát cơm của mình. Tôi với mẹ mới rình xem con ranh đang làm gì. Tôi và mẹ đã thấy nó gọi là:
Bống bống bang bang
Bống ăn cơm vàng
Cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm
Cháo hoa nhà người
thì có con cá bống bé lòi lên. Tôi và mẹ tính thịt nó làm bữa bống kho. Hôm sau tôi và mẹ lừa nó đi chăn trâu xa không thì người ta thu trâu. Rồi tôi và mẹ tôi bắt con cá bống lên ăn thả ruột lại. Giờ nó hết người làm bạn nhé! Mình phải giấu xương ở xó bếp không nó biết với được. 
Sắp đến vũ hội, mẹ và tôi chuẩn bị quần áo giầy dép mới cho tôi thật đẹp để kiếm chồng. Hôm đó tôi và mẹ chuẩn bị đi, con Tấm cũng đòi đi. Tôi tức quá, tôi suy mẹ đổ hết thóc gạo vào nhau cho nó ngồi mà sàng mà lọc. Haha, sáng mai cũng chưa xong đâu, rách rưới còn đòi theo quý tộc hahaha… 
Đang chơi hội vui vua ban lệnh thử giày, ai đi vừa là vợ vua. Mẹ và tôi cùng thử nhưng giầy con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được. Lựa đằng này đằng kia đau cả chân, bực cả mình đành thôi. Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi.
Đến ngày dỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen.
Độc giả Linh Ngân (giới thiệu)
Theo Vietnamnet

11/10/11

Toàn văn bài viết "yêu thầy" bị điểm 0 của nữ sinh Hải Phòng



Bản photo bài viết "Chuyện của tôi" của một nữ sinh lớp 12 trường PTTH Ngô Quyền, Hải Phòng kể về tình cảm thầy trò quá mức cho phép được truyền tay nhau đã khiến không ít người bị sốc.


Ngược lại, nhiều người lại tỏ ra thông cảm, sẻ chia với hoàn cảnh của nữ sinh trong bài văn cũng như tác giả.

Bài viết đó là của nữ sinh có tên Lương Thu H., học sinh lớp 12A5, trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng.

Cô giáo N. người trực tiếp chấm bài thi cho biết, đọc bài của H. không thể chê được vào đâu, từ nội dung, đến văn phong em viết đúng như một người viết văn thực sự. Nhưng bài văn đó vẫn bị chấm điểm 0, vì ngay từ đầu chính em đó cũng đã biết bài viết bị lạc đề.

Một số bạn học cùng trường với H. thì cho rằng, nội dung bài viết đoạn đầu hoàn toàn là sự thật.

Kể cả chuyện H. có tình cảm với một thầy giáo trong trường cũng là có thật. Bạn học của H. chia sẻ, H có tình cảm đặc biệt với một thầy giáo dạy Vật lý trong trường, nhưng đó chỉ là tình cảm một phía. H đã nhiều lần săn đón, chờ đợi chỉ để được nhìn, gặp thầy giáo nhưng tình cảm đó không được đáp lại.

baivan

Bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, nữ sinh này học khá giỏi, ngoan và đặc biệt rất mê viết truyện. Bà Thúy cho biết thêm, nữ sinh này đã có nhiều truyện được đăng báo, vì khả năng viết truyện rất khá. Còn chuyện nhắc nhở hay kỷ luật thì không có, trái lại “Chúng tôi đã quán triệt cho giáo viên chủ nhiệm là phải động viên cho cháu học, khi mà những kì thi quan trọng đang đến gần. Không nên gây tâm lý căng thẳng hay trách mắng em ấy”.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn nội dung bài viết "Chuyện của tôi" của Lương Thu H.

Em là thí sinh ban A. Văn em chẳng biết gì! Nhưng 180p chẳng lẽ ngồi không. Em viết bài lạc đề 100%. Đây là câu chuyện thật. Em thay lời cô bạn thân viết nên. Câu chuyện không hay nhưng hoàn toàn có thật. Các cô không cần phải chấm điểm bài văn này!

“Chuyện của tôi! Chuyện của một ngày se lạnh cuối tháng 3. Cái ẩm ướt khiến tôi khó ngủ. Mở toang cửa mong tìm được gió. Không gió! Chỉ toàn ẩm ướt. Trên bầu trời, những đám mây lâu dần kết tụ, rơi xuống những hạt nước long lanh đong trên ô cửa sổ. Trông chúng như là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt cho số phận con người. Xa xa, cánh buồm trắng trôi trên một mặt hồ phẳng. Tôi nhớ tuổi thơ tôi!...

Tuổi thơ không ai giống ai! Nó có thể đến từ mùi thơm trên mái tóc của mẹ, từ vị ngọt của chiếc kẹo vani.

Tuổi thơ không ai giống ai! Nó có thể đến từ mùi thơm trên mái tóc của mẹ, từ vị ngọt của chiếc kẹo vani, từ bùn lấm lem trên áo, từ những ngày “đuổi bướm ngắt hoa, mẹ chưa đánh roi nào đã khóc”… Riêng tôi! Tuổi thơ tôi đến từ ngày cha tôi mất. Cha chết trong một tai nạn giao thông. Cha chết thê thảm lắm! Xác không còn nguyên vẹn. Người phải đi lượm từng các xương còn chưa bị kẹp nát và nhặt nhạnh cẩn thận từng mảnh thịt của cha còn dính ở bánh công-te-nơ.

Cha mất hai cái chân, một cái tay, một con mắt và một nửa hộp sọ. Biết thế nhưng người ta dù có cố gắng cũng chẳng nhặt hết được. Máu, thịt người, xương người, bùn đất và xăng xe hoà thành một mớ hỗn độn như người ta vừa mổ một con lợn. Phát sợ! Những đứa trẻ con khóc ré lên chạy vào lòng mẹ, còn những người đàn ông thì bình tĩnh hơn, họ lấy tấm vai to đùng của mình để vợ con nép vào và cố phóng thật nhanh qua chỗ tai nạn đó. Và tôi chắc, những ai yếu bóng vía hoặc có tính hay sợ ma nhìn thấy cảnh đó chắc dễ cả tháng không dám ăn thịt nữa.

Người ta không cho mẹ nhìn cha, người ta sợ mẹ không chịu nổi. Rồi cứ thế, cứ thế người ta làm tang cho cha. Tang cha to lắm, hai đội kèn trống, dựng năm cái rạp cứ ỉ ôi cả ngày lẫn đêm không ngớt. Mẹ mặc áo xô trắng to đùng, quàng một miếng vải trắng ở đầu và ở lưng. Tôi cũng mặc, nhưng em tôi không, vì nó còn bé quá, lại cứ khóc ngặt nghẽo nên người ta thôi.. Âm thanh đám ma thật hỗn tạp và ầm ỹ. Tiếng ông trưởng ban tang lễ bắc loa mời viếng, tiếng nói xì xầm và tiếng bước chân rầm rập của từng đoàn người xếp hàng vào viếng, tiếng mời trà nước, tiếng người ta chia buồn, tiếng em gái tôi tức tưởi khóc mếu cả ngày đòi mẹ….đặc biệt là với tôi hơn cả  là tiếng khóc của mẹ tôi.

Mẹ khóc nhiều lắm. Mẹ khóc từ khi biết tin cha mất đến khi đưa ma cha, lúc nào cũng thấy mẹ khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má vẫn còn đang căng tràn nét thanh xuân. Hai con mắt đen láy bỗng đục ngầu đầy nước mắt và dại hẳn đi. Hàng mi dài lâu ngày mới được dịp “tắm rửa” thoải mái tới như vậy nên chúng bỗng trở nên đậm nét hơn. Đôi môi mẹ tôi nhợt, áo chỗ còn bị toác chảy máu vì mẹ khóc nhiều quá.

Nước mắt thấm trên cổ áo, vai áo mẹ và lên cả đầu chúng tôi nữa. Mẹ ôm hai chúng tôi, mẹ khóc! Hồi đó, tôi còn quá bé để kịp hiểu tại sao mẹ tôi phải khóc nhiều như vậy. Cha tôi mất, tất nhiên tôi cũng khóc, khóc tại vì tôi nghĩ rằng từ nay sẽ không có ai cho tôi đi công viên chơi chủ nhật nữa, sẽ không ai kể chuyện ma cho tôi và đưa tôi đi học nữa…chỉ có vậy! Khi tôi biết nhận thức, cha đã ít ở bên tôi. Cuộc sống mưu sinh đã khiến cha phải đi xa nhiều hơn là thời gian ở bên hai mẹ con nên tôi không cảm nhận được sự thiếu vắng khi cha đã không còn nữa. Có lẽ chuyện cha chết với tôi khi ấy cũng chỉ bằng một chuyến cha đi xa.

Vậy tại sao mẹ cứ khóc hoài vậy? Tôi không hiểu, tôi cũng không dám hỏi vì người ta dặn tôi để mẹ tôi được nghỉ. Và ngay khi tang cha xong, tôi cũng bẵng đi không hỏi nữa. Năm qua năm, tôi lớn dần lên. Hình như một đứa trẻ sống không có ai che chở thì thường lớn nhanh hơn những đứa trẻ bình thường. Tôi đã biết suy nghĩ nhiều điều về cuộc sống. Và chính khi ấy tôi cũng đã tự trả lời được cho câu hỏi của tôi: “Tại sao mẹ tôi lại khóc nhiều thế?”.

Giờ  tôi đã hiểu, mẹ khóc không chỉ vì mẹ biết từ giờ phút ấy mẹ mất đi một người chồng mà mẹ khóc còn vì lý do hơn; từ nay mẹ sẽ mất đi rất rất nhiều thứ mà người ta không bao giờ nói được bằng lời khác. Quả thật chẳng sai. Trước đây, cha lấy mẹ hai gia đình ra sức cấm cản không phải vì mẹ tôi không xinh mà ngược lại mẹ tôi vô cùng mặn mà, nước da trắng hồng, đôi môi son đỏ, sống mũi dọc dừa, dáng người thon thả, hay cũng chẳng phải tính cách mẹ không tốt vì gia đình bên mẹ tôi 4 đời làm nghề giáo, ngay bản thân mẹ tôi cũng làm nghề giáo, không thể nào chê trách gì trong nết ăn nết ở của mẹ tôi.

Đơn giản chỉ là vì một chữ “nghèo”. Nhà nội chê nhà ngoại nghèo, chữ không mài ra được mà ăn, vả lại “lấy con vợ làm chữ về để dạy chồng à!” – trích nguyên văn lời của cụ nội tôi mà sau này khi tôi lớn có đôi lần mẹ kể lại. Còn nhà ngoại chê nhà nội “lắm tiền nghèo chữ”, tiền chết không mang đi được, không có tí tri thức nào, thương nhân là tư sản, tư sản là bóc lột, cách mạng ghét, căm thù và đào thải “kẻ bóc lột”. 

Thế đấy! Thế mà cha mẹ tôi vẫn tới với nhau đấy. Ông nội từ cha tôi, cha tôi vẫn lấy mẹ, còn ông ngoại sau này thì mất sớm. Cũng chính vì lấy nhau mà hai bên không “môn đăng hậu đối” như thế nên sau mẹ tôi khổ lắm. Cha chết, người ta đuổi khéo ba mẹ con  tôi ra đường. Không đuổi được, người ta nói vào nói ra, cạch khóe, chửi đổng, nhiếc móc cả ngày nhưng mẹ vẫn bỏ ngoài tai. Mẹ chẳng quan tâm.

Người ta chửi mẹ mặt dày, người ta tới tận cơ quan mẹ nói xấu nhưng mẹ vẫn chẳng mảy may quan tâm, cũng không giải thích. Tôi hiểu mẹ, nếu chỉ có một mình mẹ, mẹ đã đi lâu rồi, không cần ai phải nói bóng nói gió. Nhưng mẹ còn hai chúng tôi. Nhà là nhà của cha tôi, cái hồi cha tôi sống, cha và mẹ làm ăn, tích cóp mãi mới xây được cái nhà cấp bốn thay thế cái chỗ ở ọp ẹp mà mỗi lần mưa bão thì khổ thôi rồi, trời đất ơi. Một mình mẹ, mẹ chẳng cần gì, cơm rau cơm mắm cũng xong. Nhiều lần bị người ta chửi rủa, mẹ ức quá, trốn xuống bếp khóc. Nhưng khi mẹ nghĩ tới hai chị em tôi, mẹ gạt đi đôi hàng nước mắt. Mẹ mà dẫn tôi và em ra khỏi căn nhà này thì sẽ đi đâu.

Lương giáo viên nghèo lắm! Đời mẹ ăn cơm rau mắm đã quen rồi và ăn tới khi chết cũng được. Nhưng còn chúng tôi, chúng tôi phải được ăn cơm với cá với thịt. Người ta đã sống trong cái khổ quen rồi thì cho sung sướng cũng chả thèm, nhưng cuộc đời chúng tôi không thể lập lại cuộc đời mẹ…Và mỗi lần nghĩ thế thì mẹ tôi lại có thêm một chút nghị lực để đứng dậy, chống đỡ với mọi bão táp phong ba ngoài kia che chở cho chúng tôi.

Vài cái Tết nữa cũng trôi qua. Xuân năm ấy tôi mười tám. Mười tám tôi giống hệt mẹ tôi, cũng nước da ấy, màu tóc ấy, ánh mắt, nụ cười, dáng người ấy. Con trai trong lớp cũng hay theo tôi, nhưng tôi chẳng thiết. Vì chê chúng nó trẻ con. Những đứa con gái mà mất cha sớm thì thường hay như thế, thích tìm một cái gì đó chững chạc, già dặn, một người đàn ông chứ không phải một thằng con trai. Tôi muốn tìm người dựa vào thay thế cha tôi.

Tôi đã tìm thấy một người và duy chỉ có người đó làm tôi chú ý: đó là thầy giáo của tôi. Thầy hơn tôi hai mươi tuổi, thầy giỏi, rất giỏi, thầy là mẫu đàn ông mà lâu nay tôi vẫn mong đợi. Nhưng chỉ tiếc, thầy đã có gia đình. Mà cũng đúng thôi, có gì để mà lạ, mà tiếc đâu. Người đàn ông như thế thì bao cô gái mơ. Thầy chưa có gia đình thì đó mới là điều lạ…Trong con mắt cầu toàn của tôi, thầy là người tôi “ thích” và làm tôi “rung động” đầu tiên… Cũng chính vì vậy mà tôi học môn của thầy rất tiến bộ và luôn cố gắng đạt điểm cao nhất. Tôi luôn muốn trong mắt thầy, tôi là học sinh ngoan hiền và giỏi. Tôi muốn thầy gọi tôi và khen riêng tôi trong mỗi giờ trả bài… Thầy trong mắt tôi đẹp lắm.

Có thể mọi chuyện vẫn sẽ cứ thế, cứ thế tiếp diễn êm ả và “tình yêu” bé nhỏ của tôi dành cho thầy tôi cũng sẽ mãi im lặng như thế nếu không có một ngày… Một ngày, khi tôi về nhà, tôi thấy trong nhà tôi có thêm một người nữa. Và tất nhiên, nếu đó là một người đàn bà thì có lẽ chẳng có gì để nói lại, đáng nói đó là một người đàn ông, một người đàn ông tôi chưa bao giờ gặp . Tôi thấy cái cách mẹ tôi mời ông ấy thật hiền lành và dịu dàng. Đôi môi mẹ nở lên một nụ cười lấp lánh. Ánh mắt mẹ dường như cũng long lanh hơn. Khuôn mặt rạng rỡ ấy hình như đã lâu rồi tôi chưa thấy và đặc biệt hơn, chiếc áo cánh sen ấy hình như cũng đã rất rất lâu rồi, kể từ sau khi cha tôi chết mẹ tôi không còn mặc nữa.

Tôi hỏi ai, mẹ bảo bạn cha tôi. Tôi không tin và cũng chính bởi vì tôi không tin vào câu trả lời của mẹ cộng với sự thay đổi của mẹ, không hiểu tại sao mà trong lòng tôi bỗng trào lên một sự khó chịu tột đỉnh với mẹ tôi. Tôi linh cảm về người đàn ông đó sẽ chen vào để thay thế cha tôi, người đàn bà ba mươi chín tuổi mà da vẫn còn căng mịn, trắng phau chưa hề có vết đồi mồi, tóc vẫn còn đen láy, đôi chân dài mịn màng lộ ra sau chiếc đầm công sở và hàng cúc sơ mi không đủ để che hết các nét ngực vẫn còn căng tròn của mẹ.

Chao ôi ! Mẹ đẹp quá, mẹ vẫn đẹp, thời gian không giết đi cái đẹp của mẹ mà chỉ càng làm nó trở nên mặn mà hơn. Mẹ vẫn còn đẹp. Cái đẹp của mẹ khiến đàn ông vẫn còn nhiều người theo đuổi. Tôi biết mẹ còn trẻ, mẹ vẫn còn có thể tìm tình yêu khác. Lý trí của tôi nói như thế, tôi biết như thế mới đúng.

Nhưng trong cuộc đời này đâu phải lúc nào người ta cũng làm theo lý trí kể cả khi người ta biết đó là đúng thì phần tình cảm, cái phần nói điều ngược lại vẫn chiếm ưu thế hơn. Mẹ là của tôi, của em gái tôi, của cha tôi (dù cha tôi đã chết) … mẹ lấy người đàn ông kia rồi sao? Tôi ghét sự có mặt của ông ấy trong gia đinh tôi. Và rồi, mẹ tôi có sinh thêm em bé nữa không?

Tôi chỉ có một đứa em, tôi không thích có thêm ai nữa. Tôi ghét sự thay đổi hoặc xáo trộn. Nói chung là như thế. Tôi ghét người đàn ông ấy không phải vì ông ấy làm sao, ông ấy chẳng làm sao cả, cũng đạo mạo, cao lớn , xem chừng là tốt tính. Nhưng tôi ghét ông ấy, căm thù và tôi đâm ra cáu gắt cả với mẹ tôi. Tôi ghét đến giận chỉ là vì tôi nghĩ người đàn ông ấy sẽ rất có thể thay thế cha tôi. Sự “ghét” ấy bắt nguồn từ lòng ích kỉ khi tôi nghĩ mẹ không là của riêng tôi nữa …

Một lần trong bữa ăn, mẹ ngỏ ý: “ Con nghĩ như thế nào nếu mẹ muốn “kết bạn” với bác ấy”. Câu nói của mẹ như làm thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trong tôi. Mọi phán đoán và lo sợ đã thành sự thật, tôi đập bàn, khóc tức tưởi, thay áo và chạy khỏi nhà. Đêm ấy mưa to lắm, bảy rưỡi mà trời đen như mực.

Trong đầu tôi nghĩ tới thầy, tôi chạy đến trường, thầy vừa dạy xong một ca, học sinh đã về hết, tôi ướt nhẹp, đứng cửa phòng. Thầy thấy tôi, nói tại sao tôi lại ở đây, tôi không nói gì chạy thẳng tới ôm chặt thầy, tôi không nghĩ gì cả. Tôi và thầy ngồi dựa vào chiếc ghế bàn mộc. Tôi vẫn ôm chặt thầy, tôi khóc nức nở và kể cho thầy nghe mọi chuyện.

Thầy ôm lấy tôi, im lặng một chút và nói sẽ đưa tôi về nhà nhưng tôi không chịu khóc thêm một lúc rồi tôi nín, tôi nhận ra thầy vẫn đang ôm tôi, cái ôm của một người thầy. Nhưng khi ấy, tôi không hiểu đó là cái ôm của một người thầy hoặc thành thật là tôi đã hiểu nhưng cố tình không hiểu. Mười tám tuổi, lần đầu tôi được một người đàn ông ôm, trong lòng tôi trào lên một cảm xúc rạo rực, tôi mân mê cái cúc áo của thầy. Áo thầy ướt hết vì ôm tôi. Rồi tôi vo tròn làm tuột nó mà thầy không biết. Một chiếc, hai chiếc rồi tới chiếc thứ ba….

Thầy nhận ra và nhìn xuống. Tôi như một con mèo chồm lên cắn vào môi thầy không kịp để thầy phản xạ. Tấm lưng thầy trượt dài trên chiếc ghê, tôi đặt tay thầy lên bộ ngực tròn căng thiếu nữ của tôi. Thầy đẩy tôi ra nhưng tôi vẫn cứ làm. Tôi không hiểu tôi đang làm gì nữa. Tôi nằm lên thầy, tự cởi áo trong khi thầy vẫn cố gắng đẩy tôi ra….. Tôi không hiểu sao khi ấy tôi to gan tới thế. Và thầy tát tôi. Tát rất đau…..

Cái gì xảy ra vẫn cứ xảy ra dù đúng dù sai nó vẫn xảy ra. Còn chuyện gì đã xảy ra tuỳ vào cách chúng ta suy nghĩ. Hai tháng sau cái bụng tôi ấm ách, tôi có thai. Mẹ tôi biết mọi chuyện. Nhưng bạn bè và người xung quanh tôi không biết. Mẹ không la mắng tôi nhưng mẹ khóc. Mẹ khóc như cha mất. Hôm sau hai mẹ con tôi cũng thoả thuận một điều, tôi đi phá thai, chuyển trường, tiếp tục học như bình thường còn mẹ tôi sẽ từ bỏ người đàn ông và mọi người đàn ông khác tới sau.

“Cuộc sống xung quanh ta không bao giờ xấu hơn hay đẹp hơn mà chỉ thực hơn tôi”…

Câu chuyện này với các cô có lẽ không có ý nghĩa gì nhưng với em nó lại có rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa cho riêng em!
 
Theo Chi
Phụ nữ Today