10/10/11

THƯ GỬI CON , nhói lòng con trẻ!





Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn xôn xao bàn tán về một bức thư của cha mẹ gửi đến những đứa con thân yêu của mình. Dưới đây là đoạn trích bức thư giản dị nhưng khiến những người làm con phải nhìn nhận lại chính mình.
Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung!
Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ.
Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!... vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn".
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều...
Bố mẹ...
Theo Pierre Antoine
(Việt kiều Pháp)

Vinh danh những nhân tài đất Việt


(Dân trí) - Cả hội trường vỡ òa khi BTC xướng tên những cá nhân và nhóm tác giả đoạt giải Nhân tài Đất Việt vào tối 21/11 tại Cung Hữu Nghị (Hà Nội). Đây là lần thứ 6 những tài năng được vinh danh bởi giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

40 phút trước thời điểm bắt đầu lễ trao giải, không khí tại Cung Hữu Nghị đã trở nên nhộn nhịp. Rất nhiều bạn trẻ yêu thích công nghệ thông tin, sinh viên các trường đại học đã đổ về đây. Nhiều người thân của các thí sinh, các ứng viên đoạt giải đêm nay cũng có mặt rất sớm, với những bó hoa trên tay, sẵn sàng “ứng biến” khi các giải thưởng được công bố.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự lễ trao giải
Đến dự Lễ trao giải có bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước; ông Phạm Thế Duyệt - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Vũ Oanh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Lê Doãn Hợp - Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông; ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Giàng Seo Phử - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Trưởng Ban tổ chức Phạm Huy Hoàn và ông Tô Mạnh Cường, Phó TGĐ VNPT đón nhận  hai lẵng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư chúc mừng Lễ trao giải tôn vinh nhân tài đất Việt
Dù không tới dự được Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2010,  nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trương Tấn Sang, Thường trực ban Bí thư cũng gửi lẵng hoa chúc mừng giải thưởng Nhân tài Đất Việt và những nhân tài được tôn vinh.
20h, Lễ trao giải bắt đầu với màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng hoành tráng. Các nhóm tác giả tham dự Giải thưởng năm 2010 và cả những tác giả của các năm trước từ từ bước ra sân khấu sau bài hát “Nhân tài Đất Việt” do ca sỹ Minh Quân cùng ca sĩ nhí và nhóm múa biểu diễn.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quí tại lễ trao giải
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, Nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT báo Dân trí, Trưởng Ban tổ chức bày tỏ lời cám ơn chân thành về những tình cảm cao đẹp và sự quan tâm chăm sóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trương Tấn Sang , Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã và đang dành cho Nhân tài đất Việt.
Ông Phạm Huy Hoàn phát biểu khai mạc lễ trao giải
Nhà báo Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh, Giải thưởng  Nhân tài đất Việt  do Hội Khuyến học VN khởi xướng, và Báo Dân trí - Đài Truyền hình VN cùng Tập đoàn VNPT phối hợp  tổ chức  đã bước vào tuổi thứ 6. Năm nay có 3 lĩnh vực được xét trao giải là: CNTT - Khoa học tự nhiên và Y  học .
Nhà báo Phạm Huy Hoàn cho biết, lĩnh  vực CNTT năm nay đã đón nhận gần 200 sản phẩm của  trên 500  thí sinh gửi  về Ban tổ chức từ  mọi miền đất nước. Ở nước ngoài  cũng có thí sinh từ Thụy Sĩ và Hoa Kỳ đăng ký  sản phẩm dự thi. Năm  nay tỉ lệ nữ thí sinh CNTT  lên tới 17% ,cao nhất từ 6 năm qua. Thí sinh cao niên nhất đăng ký sản phẩm dự thi là  ông Vũ Văn Bằng, 70 tuổi  ở Hà Nội. Nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Hà Phan, 10 tuổi một  học sinh tại TP Hồ Chí Minh. Có thể nói tài năng về  CNTT  ở mọi lứa tuổi  đang hòa  mình với  Nhân tài đất Việt 
Cùng  với lĩnh vực  CNTT và  lĩnh vực Khoa học tự nhiên, năm nay  lần đầu tiên Hội đồng Khoa học  thuộc Bộ Y tế  chính thức tổ chức  đánh giá  những  tài năng xuất  sắc  về y học  để   tôn vinh trong  Lễ trao giải. 
Sau phần khai mạc, cả hội trường hồi hội chờ đợi phút đăng quang của các sản phẩm đoạt giải: 
21h25 hội trường như vỡ òa khi BTC công bố các công trình đoạt giải nhất. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã trao giải nhất Nhân tài Đất Việt cho GS. TS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân với sản phẩm "Cụm các công trình nghiên cứu phản ứng hạt nhân". Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, những tác giả đạt giải thực sự là đại diện cho trí tuệ Việt Nam và với trí tuệ này, chúng ta hy vọng sẽ sánh vai được với các cường quốc năm châu.
GS.TS Đào Tiến Khoa sau khi gửi lời cảm ơn, tri ân tới các thầy giáo trong và ngoài nước, các đồng nghiệp từng là đồng tác giải các công trình nghiên cứu tại Đức, Italya, Nhật Bản… đã chia sẻ với các bạn trẻ: “lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học sẽ gian khổ, đôi khi khổ hạnh, nhưng sẽ là lựa chọn cao đẹp nhất”.
Bà Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng cho GS,TS Đào Tiến Khoa
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,  nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã trao giải nhất lĩnh vực Sinh học cho GS.TS. Bùi Chí Bửu - Ủy viên, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. PGS Bùi Chí Bửu cho biết, ông rất tự hào về kết quả đạt được, nhưng ông cùng các đồng nghiệp có cảm giác, mới bắt đầu công việc. “Mong có nhiều kết quả nghiên cứu tốt hơn để đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa gạo và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Bửu nói.
Ông Phạm Thế Duyệt trao giải thưởng cho GS Bùi Chí Bửu
Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Quốc Triệu đã trao giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y dược cho Nhóm Điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông - Viện tim mạch Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng Khoa C4, Viện tim mạch Việt Nam.TS. Phạm Mạnh Hùng - Trưởng phòng Thông tin và Can thiệp, Viện tim mạch Việt Nam.
Đây là hai người đầu tiên đưa can thiệp động mạch vành vào Việt Nam. Hai tác giả có nhiều công trình, giải thưởng khoa học… 1995 hai ông tham gia vào quá trình đưa can thiệp động mạch vành vào Việt Nam. Hai ông đã thành công khi can thiệp thành công động mạch vành của chính người thầy của mình. Bệnh nhân ít đau hơn, chi phí thấp hơn so với nước ngoài.
Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông và ông Tô Mạnh Cường, Tổng Giám đốc tập đoàn VNPT đã trao giải Nhất (100 triệu) cho sản phẩm Hệ thống số hoá tư duy con người.Tác giả: Nhóm MIMAS (Hà Nội).
Ra đời từ ý tưởng xây dựng công cụ hỗ trợ cho người bị một số bệnh liên quan đến thần kinh và bại liệt, “Hệ thống số hoá tư duy con người” sẽ là một công cụ giúp cho người bệnh trong việc giao tiếp với các thiết bị điện như tivi, đèn... một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Nhờ sóng điện não EEG- Electroencephalography, “Hệ thống số hoá tư duy con người” giúp người bệnh có thể dùng suy nghĩ để liên lạc, vận hành một số thiết bị theo ý muốn mà không cần có sự trợ giúp của người khác.
Nhóm tác giả MIMAS nhận giải Nhất (100 triệu) cho sản phẩm Hệ thống số hoá tư duy con người
Giải Nhì (50 triệu) thuộc về sản phẩm Thế giới vận tải Letgo 24. Tác giả: Nguyễn Hoàng Khang, Lê Đức Quyết (TP.HCM).
Với ý tưởng xây dựng một sàn giao dịch, một kênh thông tin kết nối nhu cầu vận tải, đặc biệt cho các chuyến XE QUAY VỀ nhằm tăng doanh thu cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp hay chủ hàng.
Sàn giao dịch vận tải - Kho bãi Letgo24 đầu tiên ở Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu hình thành các trung tâm logistics, thành tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng, điều hoà, nâng cao hiệu quả hệ thống logistics vĩ mô, trung mô cũng như vi mô tại Việt Nam.
Vỡ òa hạnh phúc khi đoạt giải
3 sản phẩm đoạt giải 3 có tiềm năng ứng dụng (30 triệu):      
Tim!Books - Phần mềm đọc và nghe sách điện tử dành cho các thiết bị di động và máy tính dạng bảng. Tác giả: Nguyễn Minh Thảo, Trần Hải Thành, Lê Đức Hùng, Trịnh Bá Quý, Tạ Kiên Cường, Trần Ngọc Anh (Hà Nội).
Dịch vụ HomeSys.info trên nền Ubuntu, ứng dụng tiện ích công nghệ 3G và xDSL. Tác giả: Võ Viết Tài, Ngô Nhân Tâm, Đỗ Lý Việt Hùng (TP.HCM).
Phần mềm học từ vựng. Tác giả: Trần Khương Tuấn, Trần Khương Tú (Bà Rịa Vũng Tàu). 
Giải Ba dành cho sản phẩm đã ứng dụng rộng rãi trong thực tế:
“Hello chao.comCông cụ tìm câu đàm thoại Anh Việt” của nhóm tác giả: Phạm Việt Thắng, Nguyễn Thị Đoan Trang, Nguyễn Thành Đô, Trần Kim Lài
Ban Tổ chức đã trao 3 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 15 triệu):
Dịch vụ phần mềm học tiếng Việt qua mạng ezV. Tác giả: Lê Hoài Bá Thuyết, Võ Văn Mỹ, Nguyễn Như Hoàn, Nguyễn Hoàng Khánh, Trần Châu Lan (TP.HCM).
Phần mềm tính toán chế độ chuyển tiếp của trạm thuỷ điện. Tác giả: Nguyễn Văn Sơn (Hà Nội).
Xây đựng bộ gõ dân tộc Việt và ứng dụng bộ gõ thiết kế đa từ điển một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tác giả: Trần Thanh Bình (Đắk Lắk).
Nhóm phóng viên

Bé gái 11 tuổi nhận học bổng 2 tỷ đồng


Với học bổng 2 tỷ đồng do trường Trường quốc tế Anh Việt trao tặng, em Phạm Thanh Ngọc sẽ có điều kiện hoàn thành các cấp học trong vòng 7 năm.

Em Phạm Thanh Ngọc đang đọc sách tại thư viện của trường. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Em Ngọc (sinh năm 2000, ngụ tại Tam Bố, Di Linh, Lâm Đồng) nhận được học bổng này sau khi trải qua phần thi Toán lớp 12 do Hội đồng nhà trường đề ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng tuyển sinh của trường cho biết thêm: hiện em Thanh Ngọc đã được trường xếp vào học lớp 7 theo đúng độ tuổi.

Tại đây, Thanh Ngọc cùng với các học sinh khác đang được theo học các môn học bằng tiếng Anh, đối với các môn Văn, Sử, Địa… được học bằng tiếng Việt.

Riêng môn Toán học, Thanh Ngọc được gửi sang học chung với các anh chị lớp 12 và lớp 13 (với một thời khóa biểu đặc biệt giành riêng cho Thanh Ngọc) để em có môi trường phát huy tối đa khả năng.

Trước đó, em Thanh Ngọc từng xin học thẳng lên lớp 12 nhưng không được chấp thuận.

Ngày 24/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh này chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định năng lực cũng như sức khỏe của em, đồng thời có báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh hướng giúp đỡ, hỗ trợ em được học hành bài bản.

Ngày 15/9, Sở GD&ĐT Lâm Đồng lại giao việc này cho Phòng GD&ĐT huyện Di Linh tìm hướng giúp đỡ cho em Phạm Thanh Ngọc. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một phương án tối ưu nhằm bồi dưỡng kiến thức, để trong tháng 10 này sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra chính thức cho em hoàn thành bậc tiểu học.

Ngày 18/6, Phó phòng GD&ĐT huyện Di Linh Huỳnh Thị Tuyết (phụ trách tiểu học), cùng một số cán bộ liên quan của Phòng GD&ĐT huyện Di Linh cũng đã tiến hành kiểm tra thử trình độ của em Thanh Ngọc để tìm hướng giúp đỡ, nhưng trong quá trình kiểm tra không phát hiện em có sự nổi trội so với những học sinh cùng tuổi. Tuy vậy Phòng vẫn tiếp tục tìm cách để bồi dưỡng kiến thức để tiến hành kiểm tra và đưa em đến trường để em phát huy khả năng của mình.

Theo bà Tuyết, kết quả hai bài kiểm tra môn Toán và Tiếng Việt (chưa đạt điểm 5) của em Thanh Ngọc là chưa chính xác.

"Đó mới chỉ là đề kiểm tra sơ bộ chứ chưa phải là chính thức. Mà đã là sơ bộ thì chỉ công nhận sơ bộ chứ đâu có thể nói là kết quả được, ngay như hôm đó nếu em có làm được điểm 10 thì cũng không thể công nhận kết quả đó được vì chỉ là kiểm tra sơ bộ" - bà Tuyết nói.
Theo Võ Trang 
VietNamNet

Vài suy nghĩ về tuyên dương trong giáo dục và Olympic Toán


(Dân trí) - Chủ đích của giáo dục là tạo điều kiện cho mọi trò đều nên người và thành đạt, chứ không phải tạo ra những trò giỏi và trò kém. Có thể định nghĩa ... một cách triết lý: “Dạy trẻ là giúp trẻ thành người tự do”.
Chất keo nhân bản
Phạm trù này gồm nhiều khía cạnh: tự do không lệ thuộc ai, tự do trong tất cả các lựa chọn, có tri thức để tự lập, biết suy nghĩ để thành người tử tế, có đạo đức, có luân lý và là người hạnh phúc.

Trào lưu giáo dục đó được xem là trào lưu giàu nhân bản.

Muốn thế, trường học, trong giới hạn của khả thi phải dùng phương pháp lấy trò làm cơ sở, tôn trọng học trò, dùng giáo dục linh hoạt tùy theo đặc thù của học trò, không chấm điểm xếp hạng, không tạo áp lực...

(nguồn ảnh: internet)

Trường học không phải là một sân bóng đá, phải có đội thắng và đội thua. Trường học cũng không phải là một “lò rèn” những chú lính chì.

Về y khoa, bất cứ một bác sĩ  thần kinh nào cũng sẽ nói rằng não của trẻ rất uyển chuyển- plasticité neuronale - ta “nhào nặn” thế nào cũng được. Khả năng tiếp thu của các cháu rất lớn, nếu dạy chuyên thì các cháu sẽ chuyên. Nhưng có thể các cháu chỉ chuyên Toán, chuyên Vật lý hay chuyên Tin học… mà không chú trọng đến những môn còn lại. Như vậy sau trường chuyên, các cháu sẽ ra thế nào? Trách nhiệm đó là trách nhiệm của người đi dạy.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email:thaolam@dantri.com.vn
Ở châu Âu, chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp của các lực sĩ sau thời Olympic vàng son, lớn tuổi hơn với thời gian dễ rơi vào tình trạng nghiện rượu hay ma túy rồi sống cuối đời thảm thương.

Đối với các em học sinh thì không đến nỗi như thế. Sau khi đi thi Olympic về, có thể  các em được thử thách và rèn luyện, được trao huy chương, có bằng, thấy tự hào và thích thú. Nhưng rất có thể các em chưa cảm nhận rõ ý nghĩa sâu xa của việc học và chưa có thói quen học tập không vị lợi, không vì danh hiệu này danh hiệu nọ, mà vì sự hứng thú, vì yêu thích khám phá những tri thức mới mẻ.

Dạy theo trường chuyên có thể ta sẽ tạo ra một số học sinh chỉ học và làm việc với mục tiêu được tuyển chọn đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi Olympic và sẽ giành được giải, được tuyên dương. Như vậy có thể vô tình tạo ra một thế hệ chuộng khen thưởng hình thức chứ không hẳn vì yêu khoa học, thích tìm tòi hiểu biết và thấm nhuần những giá trị nhân bản (“có thể” thôi vì chưa kiểm chứng).

Mà tính nhân bản lại là một “chất keo” rất cần cho một xã hội an lành trong đó mọi người tử tế với nhau chứ không phải đua chen, người này phải loại người kia để chiếm hạng cao.

Tổ chức trường chuyên lại tốn kém, mà chỉ đào tạo một thiểu số, đào tạo “đặc biệt” để đi thi Olympic.

Cuộc thi chơi

Theo cách xếp hạng của GS Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam đứng thứ 22, Bỉ thứ 29 và Phần Lan - một trong những nước có nền giáo dục trung học tốt nhất thế giới, hạng 39 (có thể xem trên http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1321-thu-xep-hang-olympic-toan-cho-viet-nam). Ở Bỉ và Phần Lan không có trường chuyên.

Olympic Toán là một cuộc thi chơi, nếu mọi người cùng đồng ý với nhau như thế thì mọi viêc sẽ tốt đẹp, như cuộc thi “đố vui” trên TV. Đứng hạng cao trong một cuộc thi chơi không có nghĩa là trình độ giáo dục của quốc gia ấy cao. Có một vài người giỏi, nhưng một cây không che hết cánh rừng – l'arbre ne cache pas la forêt!

Một Đặng Thái Sơn không có nghĩa là cả nước giỏi nhạc cổ điển. Ta hãnh diện vì Đặng Thái Sơn, nhưng tôi sẽ hãnh diện hơn nữa nếu cả nước biết, dù một tí thôi, xướng âm.  
Tôi vốn tha thiết đến giáo dục cho quảng đại quần chúng và ít chú ý đến 2 hay 3% trong đồ thị hình cái chuông (courbe de Gauss) phần những người xuất chúng hay những người tệ nhất. Vả lại, các cháu được tuyên dương ở các Olympic Toán chưa hẳn là xuất chúng. Đi đường dài mới biết ngựa hay ...

                                                                       Nguyễn Huỳnh Mai
                                                                              Liège Bỉ

LTS Dân trí - Vốn là nhà nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục và y tế, qua bài viết ngắn trên đây,  tác giả đã trình bày rõ quan điểm nhân bản của mình về giáo dục. Đây cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của giáo dục trong thời đại ngày nay vì tính nhân bản được coi là “chất keo” rất cần thiết cho mọi người chung sống với nhau trong một xã hội tiến bộ và yên bình.

Từ quan điểm đó, tác giả cho rằng không nên tổ chức trường chuyên vừa tốn kém vừa không đạt được mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Thậm chí còn làm cho học sinh học lệch, muốn học giỏi để được chọn vào đội tuyển và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Giáo dục theo cách đó dễ tạo ra một lớp trẻ “háo danh” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mà thiếu sự đam mê học tập một cách tự nhiên, tự tìm thấy sự hứng thú và say sưa học tập vì ham hiểu biết, muốn tìm tòi khám phá cái mới…chứ không vì những danh hiệu hình thức nào hết.

Cũng vì vậy, không nên đánh giá quá cao về các kết quả đạt được ở các kỳ thi Olympic quốc tế. Chúng ta chưa thể yên tâm tự hào về nền giáo dục của nước nhà vì được xếp thứ 22 trong kỳ thi Olympic Toán,  trong khi Phần Lan có nền giáo dục phổ thông đứng hàng đầu thế giới chi xếp thứ 39!

Hụt nguồn giáo viên tiếng Anh


Dù Bộ GD-ĐT đã chấp nhận hạ chuẩn, nhưng đến năm thứ hai triển khai đề án dạy ngoại ngữ bậc tiểu học, các trường vẫn không tìm đâu ra giáo viên, nhất là giáo viên đạt trình độ B2, có nghiệp vụ sư phạm và khả năng gắn bó lâu dài với nghề.

Một buổi học tiếng Anh của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM. Đây là một trong chín trường tại TP.HCM được chọn thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3.
Sau khi thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 vào năm học trước ở 18 tỉnh, thành với gần 100 trường tiểu học, năm học 2011- 2012 Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 4 ở các trường trên và mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3 ở những nơi đủ điều kiện.
Mỗi trường một giáo viên
Để chuẩn bị cho việc dạy tiếng Anh thí điểm năm học 2010-2011, có 150 giáo viên dạy tiếng Anh được chọn từ các trường tiểu học trên cả nước để kiểm tra trình độ. Tuy nhiên, trong số này chỉ 92 giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình tiếng Anh tiểu học mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện (đạt trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL). Với trên 90 trường thực hiện thí điểm tiếng Anh lớp 3 năm trước, trung bình mỗi trường chỉ có khoảng một giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn đảm nhiệm. Đó là chưa kể khả năng đáp ứng về nghiệp vụ sư phạm, khả năng thích ứng phương pháp dạy tiếng Anh cho đối tượng học sinh tiểu học...
Bất cập cơ chế
Cô Phạm Thị Yến, hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội, cho biết Hà Nội cho định biên mỗi trường có một giáo viên biên chế tiếng Anh trong khi trường có tới 31 lớp học. Để có giáo viên dạy chương trình thí điểm và chương trình tiếng Anh tự chọn, ngoài một giáo viên biên chế, trường phải ký hợp đồng với hai giáo viên khác. Nhưng để có tiền trả lương cho giáo viên là việc phải cân nhắc.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Xuân Tiến - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, do nguồn thu hạn chế (chủ yếu dựa vào khoản thu học buổi thứ hai), nhiều trường chỉ có thể trả 17.000 đồng/tiết và trả theo tiết cho giáo viên hợp đồng. Về việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, một chuyên viên của Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Chúng tôi làm việc với phòng nội vụ để xin biên chế cho giáo viên tiếng Anh, họ vẫn khăng khăng cho rằng tiếng Anh tiểu học là tự chọn, không thể bổ sung biên chế”.
Năm học 2011-2012, để có giáo viên triển khai thí điểm tiếp chương trình tiếng Anh lớp 4 đồng thời mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3, Bộ GD-ĐT đã phải có giải pháp tình thế là chấp nhận những giáo viên có trình độ cận B2 dạy chương trình tiếng Anh lớp 3. Những giáo viên này phải vừa dạy vừa học để đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế việc mở rộng dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học vẫn khó do bài toán giáo viên không giải quyết được.
Là nơi có lợi thế hơn nhiều tỉnh thành về nguồn giáo viên tiếng Anh, nhưng năm học trước 20 giáo viên thủ đô Hà Nội được kiểm tra trình độ thì chỉ chín người đạt yêu cầu. Với số giáo viên khiêm tốn này, Hà Nội chỉ có tám trường tiểu học tham gia dạy thí điểm trong khi có tới gần 700 trường tiểu học. Số giáo viên này năm nay lại tiếp tục dạy thí điểm lớp 4.
Không được đào tạo bài bản
Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, nhà trường phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức các chương trình tiếng Anh khác nhau. Nguồn giáo viên tiếng Anh dạy các chương trình này có đủ, nhưng để thực hiện chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT triển khai với yêu cầu cao về giáo viên thì chưa thể đáp ứng.
Nguồn giáo viên dạy các chương trình tiếng Anh trong các trường tiểu học hiện nay rất đa dạng, có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm chính quy hoặc tại chức, có người không có nghiệp vụ sư phạm. Hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu để dạy tiếng Anh tiểu học, chủ yếu giáo viên dạy tiểu học trong diện biên chế đều là giáo viên tiếng Anh bậc trung học, do dư thừa được điều động xuống dạy tiểu học.
Năm học 2011-2012, với hi vọng mở rộng diện thực hiện đề án tiếng Anh ở 150 trường, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát để cử khoảng 5 giáo viên/quận, huyện đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ công nhận trình độ tiếng Anh. Thế nhưng, H.N., một giáo viên tiểu học ở huyện Chương Mỹ, thừa nhận: “Việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ thường xuyên thì được, nhưng bồi dưỡng để đạt chuẩn B2 trong thời gian ngắn quá khó, nếu không nói là bất khả thi”.
Tỉnh Ninh Bình năm trước chỉ có duy nhất một trường tiểu học tham gia dạy tiếng Anh thí điểm. Bởi vì, theo lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này, sở “không tìm được giáo viên đạt chuẩn”. Sau một năm tình hình này vẫn không khả quan hơn, dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương “mềm hóa” yêu cầu về trình độ giáo viên.
Tại Hòa Bình, theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - chuyên viên phụ trách mảng này của Sở GD-ĐT tỉnh, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Hòa Bình hiện nay cũng là giáo viên tiếng Anh dôi dư của cấp THCS chuyển xuống. Dù các giáo viên đều có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, thậm chí nhiều người còn có bằng đại học tại chức, nhưng để đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT họ cần được bồi dưỡng thêm.
Trong cuộc sát hạch của Bộ GD-ĐT về trình độ tiếng Anh, tỉnh Hòa Bình có tám giáo viên của năm trường tiểu học đi thi, nhưng chỉ ba người đạt yêu cầu. Theo bà Diễm, năm học này ba giáo viên trên tiếp tục dạy thí điểm tiếng Anh lớp 4. Ngoài ra sẽ triển khai việc dạy tiếng Anh lớp 3 ở chín huyện và thành phố, mỗi nơi có 2-3 trường. Để có giáo viên đảm nhiệm, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã khảo sát, chọn lọc từ gần 200 giáo viên (tính cả biên chế, hợp đồng) để có kế hoạch đưa đi bồi dưỡng, số giáo viên được bồi dưỡng tới tháng 1-2012 mới được tổ chức thi lấy chứng chỉ.
Tại Hải Dương, trong khoảng 700 giáo viên, chỉ có chục người vượt qua đợt sát hạch đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Trong số những người trượt, có người chưa đạt trình độ B1 nhưng vẫn đang dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn ở trường tiểu học.
Theo Thư Hiên - Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ