Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN THẾ GIỚI. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN THẾ GIỚI. Hiển thị tất cả bài đăng

16/11/11

10 thành phố sạch nhất thế giới


10 thành phố sạch nhất thế giới
Xuất bản: 16:52, Thứ Sáu, 11/11/2011, [GMT+7]
.
Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh và mật độ dân cư dày đặc nhưng những thành phố này vẫn luôn giữ được khí hậu trong lành và môi trường sống thân thiện.

1. Calgary (Canada)
Theo nghiên cứu của tạp chí Forbes, Calgary nằm trên "rìa của vành đai năng lượng lớn nhất Canada và được hưởng mức thuế thấp nhất cũng như ít các quy định nghiêm ngặt nhất".

Nền kinh tế của Calgary bị chi phối bởi ngành công nghiệp dầu khí, ngoài ra còn có công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Niềm tự hào của thành phố này chính là cơ sở hạ tầng ấn tượng để trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh nhất thế giới.

2. Honolulu (Hawaii, Mỹ)
Honolulu là thủ phủ của và là nơi đông dân nhất trong tiểu bang Hawai. Honolulu có khí hậu ấm áp, bán khô hạn và quanh năm có ánh nắng mặt trời. Mặc dù nằm trong vùng nhiệt đới nhưng khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm) được điều tiết theo vị trí giữa đại dương của Hawaii.

Các ngành công nghiệp nằm trong khu vực này chủ yếu là công nghiệp nhẹ và không gây ô nhiễm. Hệ thống xe buýt tuyệt vời đã làm giảm tối đa khí thải và mức độ lưu lượng khói vào môi trường. Sự gần gũi với đại dương cũng giúp Honolulu trở nên trong lành hơn.

3. Ottawa (Canada)
Ottawa, đại diện thứ 2 của Canada lọt vào danh sách này, là một trong những nơi có chương trình tình nguyện bảo vệ môi trường xanh, sạch tốt nhất thế giới.

Ottawa thường xuyên tổ chức các hoạt động thường niên, đáng chú ý nhất là Lễ hội winterlude tại kênh đào Rideau vào mùa đông và lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Canada tại đồi Nghị viện vào tháng Bảy.

Trong suốt khoảng thời gian từ 15 tháng Tư tới 15 tháng Năm, có hơn 60.000 tình nguyện viên sẽ tham gia dọn sạch công viên, đường phố, vỉa hè... trong thành phố.

Cũng giống như các thành phố xanh khác, công dân tại Ottawa di chuyển chủ yếu bằng hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, do đó, giảm được đáng kể lượng khí thải độc hại ra môi trường.

4. Helsinki (Phần Lan)
Helsinki là thủ đô và cũng là trung tâm chính trị, tài chính, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu lớn nhất Phần Lan. Có khoảng 70% các công ty nước ngoài mở tại Phần Lan đặt trụ sở ở Helsinki.

Năm 2009. Helsinki được chọn là Thủ đô kiểu mẫu thế giới.

5. Wellington (New Zealand)
Thủ đô Wellington của New Zealand là khu vực đông dân thứ ba tại đất nước này. Khu vực đô thị Wellington bao gồm thành phố Wellington nằm trên bán đảo giữa eo biển Cook và cảng Wellington; thành phố Porirua nằm trên cảng Porirua ở phía bắc; thành phố Lower Hutt và thành phố Upper Hutt.

6. Minneapolis (Mỹ)
Minneapolis thuộc hạt Hennepin, thường được biết tới với cái tên thành phố Hồ hay thành phố Cối xay, là thành phố rộng nhất bang Minnesota và lớn thứ 48 tại Liên bang Mỹ.

Minneapolis nổi tiếng với hơn 20 hồ nước và vùng đất ngập, sông Mississippi, suối, thác nước và nhiều kênh đào nhỏ. Chính nguồn nước dồi dào này đã khiến không khí tại thành phố này không bị ô nhiễm.

7. Adelaide (Australia)
Adelaide là thủ phủ và cũng là thành phố đông dân nhất bang Nam Australiavà là thành phố lớn thứ 5 tại Australia. Thành phố được đặt theo tên của Nữ hoàng Adelaide, vợ của Vua William IV. Adelaide cũng được biết tới với cái tên "thành phố của những nhà thờ".

Adelaide là một thành phố ven biển nằm trên bờ phía đông của Vịnh St Vincent, trên Đồng bằng Adelaide, phía bắc của bán đảo Fleurieu, giữa Vịnh St Vincent và dãy núi Mount Lofty Ranges.

8. Copenhagen (Đan Mạch)
Copenhagen nằm trên đảo Zealand và Amager là thủ đô và là thành phố lớn nhất Đan Mạch. Copenhagen được công nhận là một trong những thành phố có chất lượng sống tốt và thân thiện với môi trường nhất trên thế giới.

Nước trong các bến cảng sạch tới nỗi người dân có thể xuống tắm và khoảng 36% cư dân thành phố đi lại bằng xe đạp.

9. Kobe (Nhật Bản)
Kobe, thành phố lớn thứ 6 tại Nhật Bản, là một điểm du lịch tuyệt vời nhất tại đất nước mặt trời mọc với suối nước nóng tại Arima Onsen, Ikuta Shrine và tháp cảng Kobe.

Kobe là một thành phố cảng phát triển. Thành phố này thuộc khu vực Kansai của Nhật Bản và là một phần của khu đô thị Keihanshin cùng với Osaka và Kyoto.

10. Oslo (Na Uy)
Oslo, thủ đô Na Uy, là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Được thành lập vào khoảng 1048 bởi vua Harald III của Na Uy, phần lớn thành phố bị phá hủy bởi một vụ hỏa hoạn năm 1624.

Vua Đan Mạch-Na Uy Christian IV đã xây dựng lại thành phố và đặt tên là Christiania (Kristiania). Vào năm 1925, thành phố trở về tên cũ là Oslo.

Oslo là trung tâm văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị của Na Uy. Đây cũng là đầu mối thương mại, tài chính, công nghiệp của quốc gia Bắc Âu này.
 
Theo Sầm Hoa
VietNamNet

19/10/11

Phi đội 'Đại bàng đen' làm xiếc ở Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul 2011 hôm qua khai màn tại thành phố Seongnam, Hàn Quốc với màn ra mắt ấn tượng của phi đội Đại bàng đen.
Đội bay nhào lộn "Đại bàng đen" của không quân Hàn Quốc gồm những chiếc phi cơ T-50 thực hiện màn trình diễn trong lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: Xinhua
Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul 2011 bắt đầu hôm qua, với mục đích mang lại những cơ hội tiếp thị hình ảnh cho các nhà thầu quốc phòng, cũng như sự tiếp xúc giữa các lãnh đạo quân sự. Ảnh: Xinhua
Triển lãm năm nay thu hút 273 đơn vị tới từ 27 quốc gia, và dự kiến thu hút khoảng 30.000 khách tham quan. Ảnh: Xinhua
Những chiếc máy bay khéo léo tạo làn khói mô phỏng quốc kỳ Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua
Màn bay lượn và tạo khói trắng ngoạn mục trên không. Ảnh: Xinhua
T-50 là loại máy bay siêu thanh chuyên dùng trong trình diễn và huấn luyện đầu tiên của Hàn Quốc, và là của hiếm trên thế giới. Ảnh: AFP
Đội bay nhào lộn của Hàn Quốc thực hiện bài trình diễn đều tăm tắp, với vệt khói đẹp phía sau. Ảnh:AFP
Các máy bay cùng thực hiện cú bay đan chéo vào nhau một cách an toàn. Ảnh: AFP
Biên đội bay tạo thành một dóng thác khói trắng. Ảnh: AFP
Những chiếc T-50 đồng loạt thực hiện cú bổ nhào hướng thẳng xuống mặt đất. Ảnh: AFP
Các em bé đi qua một chiếc trực thăng Kamov Ka-32A4s tại một căn cứ không quân ở Seongnam hôm 17/10, tức là một ngày trước khi triển lãm khai mạc. Ảnh: AFP
Một người đàn ông bước đi gần chiếc máy bay không người lái Global Hawk của không quân Mỹ. Ảnh: AFP
Được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc máy bay đặc biệt, người đàn ông này chụp một bức ảnh cận cảnh. Ảnh: AFP
Một chiếc máy bay huấn luyện siêu thanh T-50 của Hàn Quốc cất cánh để trình diễn thử trước khi triển lãm khai mạc. Ảnh: AFP

Nhật Nam

11/1/11

Đông Nam Á: Bàn đạp để Trung Quốc "tấn công" châu Á?

Tác giả: LAN DUNG (THEO THE NATION)


Trung Quốc định đưa Bangkok trở thành trung tâm tái xuất chính cho toàn bộ khu vực ASEAN với dân số 580 triệu người.
Khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, đa số các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc và ASEAN có thuế suất bằng 0. Điều này tạo tiền đề cho một dòng chảy tự do của hàng hóa giữa Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Cộng đồng Kinh tế ASEAN - khối kinh tế sẽ gây ấn tượng vào năm 2015.
Sau cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ ở Mỹ và châu Âu, bước đi hợp lý cho Trung Quốc là tìm kiếm những thị trường mới phát triển có thể hấp thu sản lượng công nghiệp lớn của họ. Đông Nam Á là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh. Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư khoản tiền lớn để thâm nhập sâu vào ASEAN, khu vực đang dần trở thành thị trường đơn nhất.
Đồ may mặc, trang sức, phụ tùng ô tô, thực phẩm và đồ chơi là những mặt hàng sẽ được tái xuất từ Thái đến các thị trường ASEAN khác thông qua trung tâm thương mại tại Bangkok. Theo China Daily, trung tâm có diện tích 700.000 m2, tương đương với 100 sân bóng đá.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố chương trình đường sắt cao tốc đầy tham vọng kết nối với một số quốc gia ở Đông Nam Á. Xuất phát từ tỉnh Vân Nam ở phía nam Trung Quốc, tàu cao tốc với tốc độ trên 200km/h sẽ nhanh đến Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore.
Dự kiến, chặng đầu tiên của hàng trăm km đường sắt cao tốc sẽ bắt đầu xây dựng ở Lào trong năm nay với chi phí ước tính là 600 tỷ bạt. Chặng này sẽ được kết nối với tuyến đường sắt cùng loại ở phía nam Trung Quốc.
Chặng thứ hai sẽ bắt đầu từ tỉnh Nong Khai ở phía Bắc Thái Lan và kết thúc ở Bangkok. Người Trung Quốc đang thúc giục nhà chức trách Thái Lan nhanh chóng đồng ý dự án liên doanh trên đất Thái. Đoạn Nong Khai - Bangkok sẽ kết nối với đoạn đường sắt ở Lào tại biên giới hai nước.
Từ Bangkok, tuyến đường được mở rộng sang hướng nam đến Malaysia và cuối cùng là Singapore. Từ phía nam Lào, các tuyến đường bổ sung đang được lên kế hoạch để dẫn đến Campuchia và Việt Nam nhằm liên kết các thành phố lớn ở Đông Dương phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Một tuyến đường sắt cao tốc khác sẽ chạy từ phía nam Trung Quốc đến Myanmar và kết thúc ở thành phố cảng phía nam nước này.
Do đó, Trung Quốc dường như trở thành người hưởng lợi chính của quá trình hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á. Các thành phố lớn ở ASEAN lục địa nối với nhau qua hệ thống đường sắt cao tốc.
Các nhà chức trách Thái Lan đang tìm kiếm để có ít nhất 60% cổ phần trong liên doanh đường sắt cao tốc trên đất Thái để đảm bảo rằng chính quốc gia này chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của mạng lưới này tại đây.
Trong khi có rất nhiều cơ hội khi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở các nước láng giềng nhỏ hơn, mối nguy hại có thể làm nản lòng họ. Ví dụ như một số doanh nghiệp Thái lo sợ rằng dùng Bangkok làm trung tâm tái xuất chính cho hàng hóa Trung Quốc sẽ gây nhầm lẫn cho khách nước ngoài về sản phẩm của Thái Lan cũng như khiến họ lo ngại về chất lượng sản phẩm. Dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào thị trường ASEAN sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất bản địa do họ thiếu lợi thế kinh tế theo quy mô, điều khiến Trung Quốc có thể giảm thiểu giá thành sản xuất.
 Nguồn Vietnamnet

24/12/10

Doanh nhân Mỹ ví Obama với Hitler


Quyết sách của Tổng thống nhằm thiết lập lại lề lối kinh doanh minh bạch, an toàn trên phố Wall ngày càng vấp phải phản ứng dữ dội từ các ông chủ doanh nghiệp. Có người ví Obama với trùm phát xít Hitler hay độc tài Mussolini.
Tại một diễn đàn diễn ra tuần trước, CEO của Intel, ông Paul Otellini lớn tiếng mạt sát chính quyền Obama vì không hiểu gì công chuyện làm ăn.
"Tôi cho là đám người này chẳng hiểu cần phải làm gì để tạo công ăn việc làm",CNET dẫn lại lời nói của vị CEO nổi tiếng.
Phát biểu của Otenelli nhận được nồng nhiệt hưởng ứng bởi đám đông các CEO từng công khai hoài nghi và chê trách chính sách kinh tế của chính quyền Obama. Vài người còn ví chính quyền Obama với chế độ Hitler.
Dưới đây là những phát ngôn động trời của những nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ, theo tổng hợp của Huffington Post.
1. CEO Intel Paul Otellini
"Môi trường pháp lý Mỹ ngày càng trở nên thù nghịch với doanh nghiệp... Cách đây không lâu, trung tâm nghiên cứu của chúng tôi không ai sánh nổi. Không có nơi nào hấp dẫn hơn Mỹ để đặt nền móng kinh doanh. Chúng tôi dường như đi trước cả thế giới về công nghệ thông tin. Nhưng mọi chuyện giờ đã xa rồi...", ông Paul Otellini trút giận vào chính sách kinh tế được cho là chống Intel của Tổng thống Obama.
2. CEO Blackstone, Steven Schwarzman
Trong một cuộc họp riêng có sự tham gia của ông Schwarzman, chủ đề được bàn luận sôi nổi là tăng thuế đối với giám đốc các quỹ tư nhân. Với một số khoản thu nhập, mức thuế áp dụng cho giám đốc quỹ đầu tư tư nhân được đề nghị tăng lên 35% thay vì 15%. Và những người tham dự cuộc họp cho rằng kiểu thuế như vậy là tận thu.
"Đó là một cuộc chiến. Giống như khi Hitler tàn sát Ba Lan năm 1939", ông Schwarzman nói.
3. CEO Verizon, Ivan Seidenberg
Trong một buổi tọa đàm bàn tròn về kinh doanh mới đây, ông Seidenberg kết tội Obama đang tạo ra một môi trường ngày càng thù nghịch với đầu tư và tạo công ăn việc làm.
"Chung quy lại chúng tôi thấy rằng hệ lụy từ những chính sách kiểu này đáng để bỏ qua. Bằng cách can thiệp vào từng lĩnh vực kinh tế, chính phủ đang bơm sự bất ổn cho thị trường và gây trở lực cho việc tăng vốn và thành lập doanh nghiệp mới", ông nói.
4. CEO tạp chí Forbes, Steve Forbes
Nếu nghĩ ông Schwarzman thật quá đáng khi ví chính quyền Obama với Hitler, thì hẳn là bạn sẽ sốc khi đọc bài viết dài hai trang của chính Steve Forbes đăng trên tạp chí Forbes số ra mới đây về dự luật cải cách tài chính.
"Sự thực là không chỉ chính quyền Franklin Roosevelt thù nghịch và bỏ qua quyền tự do kinh doanh như chính quyền lâm thời. Giờ đây người ta không muốn nhắc tới chế độ Benito Mussolini hay những thứ đại loại như thế bởi phát xít đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc xấu xa và phân biệt chủng tộc, cũng như đồng nghĩa với thảm sát và chiến tranh tàn khốc", ông viết.
5. CEO JPMorgan, Jamie Dimon
Ngày tháng trôi qua, nhà kinh doanh ngân hàng yêu thích thủa nào của Obama giờ cũng đã quay lưng với tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn tháng tư với Wall Street Journal, Dimon nói: "Điệp khúc chỉ trích nhằm vào ngành ngân hàng thật bất công và đang hủy diệt, trừng phạt với toàn hệ thống".
Năm ngoái, JPMorgan chi 6,2 triệu USD để lobby chống lại dự luật cải cách tài chính, nhiều hơn bất cứ ngân hàng nào.
6. CEO General Electric, Jeffrey Immelt
Trong một buổi gặp gỡ các nhà đầu tư ở Rome, Jeff Immelt chẳng giấu giếm sự chê bai với chính quyền Obama: "Thực sự là người ta đang phải trải qua tình cảnh tồi tệ ở Mỹ. Những công ty Mỹ như chúng tôi là các nhà xuất khẩu đáng thương. Người ta bắt chúng tôi phải trở thành những nhà công nghiệp hùng mạnh. Nhưng điều này không thể xảy ra nếu chính phủ và doanh nhân không cùng một chiến tuyến".
7. CEO Loews, Jim Tisch
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tháng này, ông kết tội Obama đang giết ngành kinh doanh khách sạn bằng cách cứu trợ cho các công ty du lịch. Jim Tisch còn tức tối hơn khi nói về việc Obama lập ủy ban độc lập điều tra vụ tràn dầu của BP.
"Điều đó gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng kinh doanh Mỹ là nếu công ty của bạn gặp rắc rối, nhiều khả năng là bạn chẳng có cơ hội nhận được cách cư xử công bằng", Tisch nói. Bức xúc của ông không quá khó hiểu, vì Loews hiện có cổ phần ở một số giàn khoan cỡ lớn của Mỹ.
Kỳ Duyên
                                                                                         Nguồn VNEXPRESS

17/12/10

Nhật Bản rút bài học Trung Quốc ở Việt Nam

Tác giả: HUỲNH PHAN


Sau gần 6 năm ngồi trên ghế bộ trưởng kế hoạch & đầu tư (MPI), ông Trần Xuân Giá có thể tự hào vì đã thúc đẩy cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân dần khẳng định vai trò của mình trong một nền kinh tế đang chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: "Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi." Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: "Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi."

Ông Võ Hồng Phúc, người kế nhiệm ông Giá, cũng có thể thanh thản rời nhiệm sở vào mùa hè năm tới, sau khi đã có vai trò tương tự trong việc bước đầu buộc khối doanh nghiệp nhà nước phải chấp nhận "đá cùng một sân" với khu vực tư nhân trong một luật doanh nghiệp chung cho mọi thành phần kinh tế. (Việc củng cố các doanh nghiệp nhà nước lớn, thông qua hình thức tập đoàn, vượt quá xa thẩm quyền quyết định của ông).
Với khoảng thời gian tại nhiệm ở vị trí đứng đầu MPI gấp rưỡi ông Giá, ông Phúc cũng kịp thúc đẩy cho sự ra đời của một luật đầu tư thống nhất (có hiệu lực từ 1.7.2006), tiền đề cho một cuộc chơi bình đẳng hơn giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, ông Phúc được coi là người đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt - Nhật, được bắt đầu triển khai cách đây 6 năm.
Họp báo đánh giá Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 3.
"Cảm ơn sự hợp tác của Ngài Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, người có sự hợp tác và đóng góp vô cùng lớn lao đối với Sáng kiến chung Việt - Nhật", tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nói tại cuộc họp báo sau phiên họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt - Nhật, diễn ra sáng Thứ Sáu tuần trước, 10.12.2010, tại Hà Nội.
Trọng tâm của giai đoạn IV: Công nghiệp hỗ trợ
Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: "Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi."
Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: "Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi."
Nhưng Đại sứ Tanizaki đã nói theo cách khác: "Sáng kiến chung Nhật - Việt là một diễn đàn đặc biệt hơn rất nhiều những diễn đàn mà chúng ta đã có. Bởi trong diễn đàn này, hai bên cùng tìm ra những tồn tại trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, hợp tác giải quyết để cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư này, qua đó góp phần thu hút, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam."
Riêng vốn đầu tư cam kết lũy kế từ Nhật Bản, theo Đại sứ Tanizaki, đã vượt con số 20 tỷ USD tính đến tháng 11.2010. Trong đó, tỷ lệ vốn thực hiện của Nhật Bản cao hơn tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Trong cuộc họp báo, ông Phúc cho biết, sau hai năm thực hiện kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn III, 50 trong số 62 tiểu mục nêu trong kế hoạch hành động đã triển khai tốt và đúng tiến độ. Ông Phúc lý giải rằng 10 tiểu mục triển khai chưa đúng tiến độ đều là những tiểu mục khó, bởi liên quan đến sửa đổi luật, nghị định, như thuế, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ tầng, và giao thông đô thị, hoặc cần thêm sự giúp đỡ của phía Nhật Bản, như công nghiệp hỗ trợ. (2 tiểu mục hai bên nhất trí không đánh giá có liên quan tới xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, do các vấn đề này đã nằm trong nội dung hoạt động của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật bản (JAMA) và Bộ Công Thương.)
Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Susumi Kato nhận xét cũng đồng ý rằng với tỷ lệ triển khai đúng tiến độ đạt 81%, giai đoạn III đã thực sự thành công, bởi các vấn đề còn lại đều khó, so với giai đoạn I và II.
"Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai 10 nội dung còn lại trong giai đoạn IV. Nhưng điều tôi cho rằng còn quan trọng hơn nữa chính là chúng ta đã hình thành được một mối quan hệ hợp tác mật thiết, chiến lược giữa chính phủ và doanh nghiệp, thông qua đó nhà nước và doanh nghiệp cùng làm tốt hơn nữa môi trường đầu tư", vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Sumitomo này nhấn mạnh.
Đại sứ Tanizaki cũng đồng ý với ông Phúc, và nêu quan điểm của phía Nhật Bản là nền công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, cũng như đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, bởi nó sẽ cung cấp nguyên phụ liệu và linh kiện cần thiết cho quá trình sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam. "Chính vì thế trong giai đoạn IV, chúng tôi coi đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần phải được triển khai", Đại sứ Tanizaki nói.
Bộ trưởng Phúc cũng chia sẻ mong muốn của phía Nhật, khi khẳng định đây sẽ là một trọng tâm của kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn IV.
"Khi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, những vấn đề vướng mắc về qui trình, thủ tục đầu tư ngày càng giảm. Thay vào đó là những vấn đề liên quan đến chính sách mang tính dài hạn, tổng thể, vấn đề của ngành, lĩnh vực", ông Phúc hé lộ thêm những nội dung chính sẽ được hai bên bàn bạc đưa vào kế hoạch giai đoạn IV.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Naoto Kan ký Tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
Được biết, việc chậm trễ triển khai kế hoạch hành động liên quan đến việc xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do bất đồng về quan niệm và cách tiếp cận giữa Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả là sau khi nghe Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam và đặc phái viên thủ tướng Trương Đình Tuyển - người có quan điểm rằng công nghiệp hỗ trợ là thành tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững - báo cáo về kết quả hội thảo về công nghiệp hỗ trợ, diễn ra vào cuối tháng 7.2010 tại Hà Nội, Thủ tướng đã quyết định không ký bản dự thảo nghị định do Bộ Công Thương trình. Họ được lệnh phải soạn thảo lại từ đầu dựa trên những nội dung cơ bản mà các chuyên gia Nhật đưa ra.
ODA từ Nhật Bản tiếp tục tăng
Cũng trong cuộc họp báo trên, Đại sứ Tanizaki khẳng định: "Để cải thiện hơn nữa hạ tầng của Việt Nam, Nhật Bản mong muốn được tiếp tục hỗ trợ vốn ODA."
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trong những năm tới những khoản cho vay bằng đồng yen sẽ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy nhập khẩu thiết bị từ Nhật đối với các dự án hạ tầng ở Việt Nam, như giao thông và năng lượng. Nguồn tin này cũng cho biết đây cũng là điều người Nhật học được từ Trung Quốc khi các doanh nghiệp của nước này tham gia khá thành công các dự án năng lượng ở Việt Nam.
Cầu Bãi Cháy được xây dựng do vốn ODA Nhật Bản.
"Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng cần có sự thấu hiểu và đồng thuận từ những người nộp thuế ở Nhật Bản", Đại sứ Tanizaki không quên cảnh báo, khi nhắc tới vụ hối lộ của PCI tại thành phố Hồ Chí Minh, bị bung ra vào hai năm trước.
Khi được hỏi, liệu vụ này có ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật hay không, Đại sứ Tanizaki cho biết: "Tôi nghĩ là không, bởi hai phía đang hợp tác với nhau để phòng tránh những vụ tương tự."
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trước khi rời Việt Nam, người tiền nhiệm của ông Tanizaki đã hé ra rằng Nhật Bản sẽ chia nhỏ các dự án ra để việc giám sát được dễ dàng hơn.
Nhật Bản không chỉ khẳng định sẽ tiếp tục cấp ODA cho Việt Nam, dù quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua ngưỡng nghèo. Dường như ODA từ Nhật đang có xu hướng tăng thêm.
Theo phân tích của Đại sứ Tanizaki, tuy tổng mức cam kết của Nhật Bản trong năm 2010 cũng chỉ tương đương với tổng mức cam kết năm 2009, nhưng, thực sự, đã có sự khác biệt. "Trong năm 2009, cam kết ODA có cả phần hỗ trợ khẩn cấp (chống khủng hoảng), tương đương với 600 triệu USD, còn số dự án mà phía Việt Nam đề xuất và phía Nhật cam kết chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy, năm 2010 cam kết ODA của Nhật tăng khoảng 50% so với năm 2009", ông giải thích.
Bộ trưởng Phúc đã không bình luận gì thêm. Là một trong những người chuẩn bị và tham gia cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam vào cuối tháng 10.2010, ông hiểu rõ lý do vì sao cam kết ODA của Nhật lại tăng như vậy.
Nhật Bản gọi - Việt Nam trả lời
Trong cuộc hội đàm cấp cao này, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật đã được cụ thể hóa bằng việc Việt Nam cho Nhật tham gia vào hai dự án rất lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đó là các công ty Nhật được đồng ý tham gia nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, và tham gia khai thác đất hiếm - được coi là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về chính trị.
Theo Viện Tư vấn Phát triển (CODE), tổng tài nguyên đất hiếm của Việt Nam dự báo là trên 22 triệu tấn REO, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ, với 4 tụ khoáng được ghi nhận là Đông Pao, Nậm Xe, Mường Hum và Yên Phú. Trong đó, lớn nhất là Đông Pao với trữ lượng đã xác định là 645 ngàn tấn, đã được một công ty Nhật thăm dò từ đầu năm nay, và Nậm Xe với trữ lượng đã xác định là 1,74 triệu tấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nghị sĩ Yukio Hatoyama tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, điểm sáng của ngoại giao song phương năm nay là quan hệ Việt - Nhật, khi hai bên đều cần đến nhau, tìm đến nhau đúng lúc đúng chỗ. Phía Nhật đã nói thẳng rằng, nếu cho đến nay Nhật Bản luôn tạo điều kiện giúp đỡ Việt Nam phát triển hạ tầng, hay chống khủng hoảng, bằng các nguồn vốn ODA, thì đây là lúc Nhật Bản gặp khó khăn và rất cần Việt Nam giúp đỡ.
Trước đó, trong sự kiện Biển Hoa Đông, khi tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản ở khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và thuyền trưởng tàu cá bị bắt giữ, Trung Quốc được cho là đã sử dụng ngón đòn hạn chế xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép với Nhật Bản.
Còn nhớ, trước chuyến thăm của Thủ tướng Kan khoảng mươi ngày, đặc phái viên và cũng là người tiền nhiệm của ông là Hatoyama đã có một chuyến đi tiền trạm quan trọng gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thuộc cấp của ông. Chính ông Hatoyama và ông Dũng đã từng có một cuộc gặp quan trọng ở New York bàn về ODA, điện hạt nhân và đường sắt cao tốc, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, hồi giữa tháng 4.2010. Kết quả là những nội dung chủ yếu của tuyên bố chung đã được hai bên quyết định ngay trong chuyến tiền trạm này.
Mặc dù, biết có bên thứ ba sẽ không mấy bằng lòng, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đã có sự lựa chọn cần thiết, vì lợi ích quốc gia của mình. Họ hiểu thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược: "Bên này gọi - bên kia trả lời! Và ngược lại!"
NGuồn Vietnamnet

Những bức ảnh thế giới đẹp nhất 2010

Tác giả: THỤY PHƯƠNG

Thế giới năm qua đã có nhiều sự kiện chấn động. Những bức ảnh báo chí đã góp phần ghi lại những hình ảnh đáng nhớ khi mỗi sự kiện đi qua. Có thể nói hình ảnh là một phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm báo chí. Bởi một bức ảnh đã phần nào nói lên được nội dung của tác phẩm. Do vậy, những tờ báo lớn của thế giới luôn chú trọng đến chất lượng hình ảnh trong mỗi bài báo.Tạp chí Time đã công bố những bức ảnh thế giới đẹp nhất năm 2010. Các hình ảnh từ vị tổng thống Mỹ quyền lực tới người dân khốn khổ vì động đất tại Haiti được ghi lại rất sống động.

Tạp chí Time đã bình chọn 20 bức ảnh đẹp nhất trong năm qua bao gồm nhiều sự kiện khác nhau. Và dù là sự kiện thời sự được xem là hơi khô cứng nhưng nhiều tác giả đã pha lẫn yếu tố nghệ thuật bằng cách chụp được những khoảnh khắc nói lên thông điệp của mỗi sự kiện đến với công chúng.
Tuần Việt Nam xin chọn lọc 10 bức ảnh đẹp nhất với nhiều vấn đề khác nhau để bạn đọc theo dõi.

Tổng thống Mỹ Obama: Một năm trong nhiệm sở.
Động đất ở Haiti. Người Haiti đang nỗ lực khôi phục cuộc sống khi họ sống trang các khu lều tạm thời tại một trại tị nạn ở Port-au-Prince.
Những tử thi vô thừa nhận ở bên ngoài bức tường nghĩa trang tại Port-au-Prince
Núi lửa phun trào tại Iceland.
Mặt biển gần Venice, Louisiana hơn hai tháng sau thảm hoạ nổ dàn khoan làm hàng triệu tấn dầu tràn ra vịnh Mexico
Khi nhu cầu cung cấp nước của Ấn Độ tiếp tục gia tăng, thì bờ sông Hằng ngày một lùi xa và con sông ngày càng ô nhiễm
Ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, bị bỏ hoang gần hai năm sau cuộc đấu súng dữ dôi giữa quân đội Mexico với các thành viên băng đảng ma tuý La Familia
Gương mặt Florencio Avalos, một trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt tại một mỏ khai thác ở Copiapó, Chile, trong hình ảnh video được thả xuống một lỗ khoan trong lòng đất tại khu vực mà các thợ mỏ tìm kiếm sự an toàn sau khi mắc kẹt
Lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại điểm tuần tra Beatley ở tỉnh Helmand, Afghanistan
Một người đàn ông đi trên con phố ngập nước tại Nowshera. Nạn lụt làm hàng chục nghìn người phải di dời tại phía tây bắc Pakistan
Hình ảnh cuộc khủng hoảng thế chấp vẫn hiện diện. Đây là những vật dụng còn lại bên ngoài những căn hộ bị tịch thu thế nợ ở Orlando, Mỹ
Theo Time
Nguồn Vietnamnet