17/1/11

Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng

 
Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng
Một bát phở có giá 750.000 đồng

Thứ Hai, ngày 17/01/2011, 07:20
(Tin tuc 24h) -
Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng/1 tháng.


Thực phẩm “bẩn” len lỏi vào từng ngõ ngách, đe dọa sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng. Trước thực trạng “đụng đâu cũng thấy chất độc”, một bộ phận những người có điều kiện kinh tế khá giả đã chịu chi những khoản tiền không nhỏ để ăn uống ở các nhà hàng sang trọng nhằm đổi lấy sự an toàn. Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng.

Ăn một bát phở giá 750.000 đồng
Kể từ nửa năm trở lại đây, anh Thắng – chủ một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội – thường đến ăn món phở khá nổi tiếng tại nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ.
Loại phở này có 6 loại khác nhau với nhiều mức giá khác và chênh nhau tương đối lớn, gồm: Phở bò Kobe gyu ‘5’ giá 750.000 đồng/bát; phở bò Kobe ‘M’ giá 500.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn là phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn nữa là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát. 2 loại có giá thấp nhất là phở bò Úc ‘S’ giá 85.000 đồng/bát và phở nạm bò Mỹ giá 70.000 đồng/bát.
Tổng Giám đốc kiêm chủ nhà hàng này cho biết, loại phở giá 500.000 đồng/bát và 750.000 đồng/bát xuất hiện khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Đặc điểm của loại thịt bò dùng cho loại phở này là khi cho vào miệng, miếng thịt sẽ tan nhanh, rất mềm, rất giòn, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Thay vì nhà hàng nhúng thịt bò trước, khi ăn bát phở này, khách hàng sẽ tự tay nhúng lấy.
Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng, Tin tức trong ngày, dai gia, an pho, an sang, ve sinh an toan thuc pham, ung thu, tin tuc 24h
Thay vì nhúng từ trước, khách hàng sẽ tự tay nhúng trực tiếp thịt bào để mọi chất bổ dưỡng đều đi vào bát phở. Giá cao nhất cho một bát phở này là 750.000 đồng
Hiện nay, số thực khách lựa chọn loại phở đắt nhất này xuất hiện ngày càng nhiều (chính ông chủ nhà hàng này cũng không ngờ món này lại hút khách đến vậy). Song, sự lựa chọn phổ biến nhất vẫn là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát và phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. Điểm đáng chú ý là trong số những thực khách sử dụng các món phở trên, có nhiều người vì nhu cầu cá nhân chứ không vì phải tiếp khách hay phải chiêu đãi đối tác, vv..

Nhiều người nghe mức giá dành cho một bát phở như trên tỏ ra khá giật mình. Có người còn hóm hỉnh “quy đổi” 1 bát phở bò Kobe gyu ‘5” giá 750.000 đồng ra thành tiền dùng để đi nhậu thì thấy: Khoản tiền 750.000 đồng có thể thoải mái cho một bữa nhậu 4 người với rượu và nhiều món ăn đa dạng!

Nhưng những người như anh Thắng lại không nghĩ vậy. Anh Thắng cho rằng, với tình hình vệ sinh thực phẩm gần như bị thả nổi hiện nay, nếu ăn uống ở những nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn ven đường, … không có hệ thống kiểm tra chất lượng và phát hiện độc chất thì anh không yên tâm.

Anh Thắng bày tỏ: “Tôi không nghĩ tôi đến đây vì thích chơi sang. Đơn giản là vì tôi có thể trả 750.000 đồng cho 1 bát phở mà tôi nghĩ là ngon, an toàn và tôi cảm thấy an tâm, thoải mái vì điều đó”.
Trung bình mỗi tuần anh Thắng đến nhà hàng này ăn phở 2-3 lần. Vào cuối tuần rảnh rỗi hoặc muốn xả stress, anh cũng thường đưa cả vợ, 2 con và ông bà nội ngoại đến ăn cùng, mỗi người có thể chọn loại phở theo sở thích riêng của mình.

“Tôi thấy kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển mạnh và sản sinh ra một tầng lớp giàu có, tiền với họ không phải là vấn đề quá quan trọng. Là chủ nhà hàng này, thời gian gần đây tôi thường xuyên tiếp những gia đình 3 thế hệ đến ăn phở vào mỗi sáng cuối tuần. Cả tiền đồ uống, café, hóa đơn thanh toán cho mỗi lần ăn sáng cũng có thể là gần chục triệu đồng”, chủ nhà hàng cho biết.

Thậm chí, có những vị khách thân quen ăn thường xuyên ở đây đã trên 2 năm, ngày nào nhà hàng cũng phải giữ một chỗ đặc biệt cho vị khách này. Toàn nhà hàng có khoảng 150 chỗ ngồi, nhưng vào giờ cao điểm (7-9h sáng) đều hết sạch chỗ ngồi. Đến ngày cuối tuần, theo lời ông chủ, thì nhiều khách muốn vào ăn còn phải lái xe ô tô chạy nhiều vòng bên ngoài để tìm chỗ đậu xe vì sân nhà hàng đã chật kín xế hộp.

Càng giàu càng ăn sạch
Không chỉ ăn sáng, nhiều người giàu ở Hà Nội chọn ăn trưa hoặc ăn tối cũng ở những nơi sang trọng, đắt đỏ để đạt được cảm giác an tâm.
Bà Thùy Anh, phụ trách truyền thông của khách sạn M. cho biết, khách sạn có đặc thù là thường phục vụ ăn cho khách nước ngoài, khách tham gia hội nghị hội thảo nên đối tượng đến ăn vì nhu cầu cá nhân trước đây xuất hiện không thường xuyên. Nhưng hiện nay thì tình hình đã đổi khác.
“Dù không có một thống kê nào về việc có bao nhiêu người đến đây ăn vì nhu cầu ăn uống cá nhân thông thường nhưng đối tượng cá nhân, hộ gia đình đến đây ăn xuất hiện ngày càng nhiều”, bà Thùy Anh nói.
Để đáp ứng được xu hướng này của khách hàng, khách sạn M. đã đưa ra ngày càng nhiều món ăn thuần Việt hơn và đưa ra một số “gói” sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.
“Cuối tuần chúng tôi có gói ăn sáng kèm ăn trưa cùng, kéo dài từ 9h sáng đến 2h chiều. Giá cho mỗi suất ăn của người lớn là 620.000 đồng, chưa để đồ uống và 10% VAT cùng các chi phí khác. Trên thực tế, rất nhiều người lựa chọn những suất ăn như thế này, số gia đình đi đến 6-7 người vào cuối tuần rất phổ biến và họ đến khá thường xuyên”, bà Thùy Anh nói.

Còn tại chuỗi nhà hàng “bình dân” hơn, một giám đốc Marketing cũng cho biết, lượng khách gia đình đến ăn tại đây cũng chiếm đến khoảng 40%. Những đối tượng đi ăn nhỏ lẻ đến rất thường xuyên.
Các nhà hàng này còn đưa ra những thực đơn có lợi cho sức khỏe với những món ăn nhiều rau để khách hàng lựa chọn, bởi, hiện nay người có điều kiện kinh tế tốt thực sự không tiếc tiền để được sử dụng những gì có lợi nhất cho sức khỏe.

1/3 bệnh nhân ung thư có nguyên nhân liên quan đến cách ăn uống
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy: Tỷ lệ mắc ung thư (tỷ lệ chung cho tất cả các loại ung thư) ở nam giới Việt Nam năm 2010 là 181,3 người/100.000 người. Năm 2000, tỷ lệ này là 146,6 người/100.000 người.
Còn ở nữa giới, tỷ lệ này năm 2010 là 134,9 người/100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư năm 2000 ở nữ chỉ là 101,6 người/100.000 người.
Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 8/12/2010, bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP HCM đã đưa ra một con số đáng lưu ý: “Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy 1/3 những người mắc bệnh ung thư là do có vấn đề trong ăn uống.
Nếu thức ăn hàng ngày nhiễm độc, ăn vào cơ thể, lâu ngày sẽ tích tụ gây bệnh. Hiện nay cũng có nhiều người ăn rau ít, chất béo nhiều, nhậu nhiều, trẻ em còn nhỏ nhưng cũng được đưa đi ăn ở các tiệm bán thức ăn nhanh – nơi có nhiều món ăn giàu chất béo, gây béo phì. Đó cũng là một yếu tố gây ung thư”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chỉ thành viên của Blog mới được nhận xét.