9/1/11

Dưa rau muống


Rau muống là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Từ rau muống, người ta có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau: rau muống luộc, rau muống xào tỏi, xào thịt bò, nộm rau muống, canh rau muống... Có một món lạ từ rau muống mà chưa chắc bạn đã biết: dưa rau muống.
Dưa rau muống ăn chua chua. giòn giòn, thơm mùi tỏi, ớt rất hợp cho những bữa cơm có những món nhiều dầu mỡ. Dù chỉ dùng để ăn kèm với các món chính nhưng dưa rau muống vẫn có sức hút rất riêng đối với người thưởng thức.
Dưa rau muống
Ảnh: my.opera.com
Nguyên liệu:
1 mớ rau muống cọng to (dùng loại này thì dưa mới co độ giòn)
Tỏi, ớt
Giấm, đường, muối, nước sôi
Thực hiện:
Rau muống nhặt rửa sạch, bỏ phần lá, lấy phần cọng, cắt khúc dài.
Đun sôi nước, pha đường và chút muối, trần sơ rau, vớt ra cho vào nước đá để rau giữ màu xanh và độ giòn. Vớt ra để ráo nước.
Pha nước + muối + đường + giấm theo tỉ lệ vừa phải (khoảng 4 bát nước nguội, 1/2 bát giấm, 2/3 bát đường, 1 thìa nhỏ muối).
Cho rau muống, tỏi, ớt cắt lát vào âu nhỏ, đổ nước vừa pha vào, ngâm khoảng 1 ngày là được.
MonngonHanoi.com

Cách làm dưa món

Nguyên liệu: 
- 300g kiệu, 50g ớt hiểm, 2 củ cà rốt, 2 củ cải trắng, 4 trái dưa leo, 2 củ su hào, nửa trái thơm, 2 chén nước mắm, 4 chén đường 

Cách làm Dưa món

Thực hiện: 
- Kiệu cắt bỏ lá, ngâm nước tro để qua đêm, phơi khô cắt rễ, bóc sạch vỏ. Rửa lại bằng nước muối sau đó phơi khô lần nữa. 
- Cà rốt, củ cải trắng, su hào gọt sạch vỏ, thơm thái lát mỏng, xóc muối để 30 phút, rửa sạch lại phơi khô. 
- Cho đường và nước lạnh vào nước mắm, sao cho ngọt, mặn vừa phải rồi bắc lên bếp để lửa nhỏ, khuấy đều. Khi đường vừa tan nhắc xuống, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp nguội hẳn. 
- Xếp kiệu, ớt, cà rốt, củ cải trắng, su hào, dưa leo, thơm vào keo, rót nước mắm đường vào ngập nguyên liệu. Ngâm khoảng một ngày là dùng được. Nếu muốn để lâu thì bỏ trong tủ lạnh ăn dần  Ăn kèm với bánh chưng, bánh tét rất ngon 

Thói quen xấu khiến trẻ thừa cân



Chế độ ăn không phù hợp khiến trẻ thừa cân
Thừa cân, béo phì thực sự là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên vì các em đang trong giai đoạn phát triển tâm lý và thể chất.

Nguồn: 
Gia đình
Ở lứa tuổi này, có nhiều yếu tố có thể dẫn đến béo phì, thừa cân bao gồm cả lối sống không lành mạnh, những thói quen xấu, bệnh tật, chế độ ăn không phù hợp...
Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất gây ra bệnh béo phì ở thanh thiếu niên được liệt kê sau đây:
Uống nhiều nước ngọt
Sau giờ học, tập thể dục hay giải lao, các em thường vào căng-tin để mua nước giải khát uống. Các loại nước này có thể giúp các em giải khát ngay lập tức nhưng về lâu dài lại tác động xấu đến sức khỏe vì tích tụ một lượng lớn calo. Hơn nữa, những thức uống có ga, có đường, si-rô cũng chứa hàm lượng đường fructose cao.
Tốt nhất nên chọn nước suối tinh khiết thay vì nước ngọt. Loại nước này không chỉ vừa rẻ mà còn tốt cho sức khỏe của thanh thiếu niên.
Xem tivi trong khi ăn
Theo các nhà khoa học, xem phim và nghe nhạc trong khi ăn có thể gây đau bụng, đau dạ dày. Ngoài ra, đau dạ dày cũng là nguyên nhân gây thừa cân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng, cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động trong ngày. Tuy nhiên, nhiều cô gái tuổi "teen" lại thường bỏ bữa sáng vì nghĩ rằng có thể giảm được trọng lượng. Thực tế, nếu bỏ qua bữa ăn sáng, chắc chắn bạn sẽ trở nên mệt mỏi vì bộ não và cơ thể thiếu "nhiên liệu", đó là lý do tại sao bạn ăn nhiều hơn trong những bữa ăn tiếp theo của ngày. Hậu quả là tăng cân nhanh chóng.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ trong một thời gian dài có thể gây ra cả hai vấn đề cho tinh thần và thể chất của thanh thiếu niên. Nhất là vào các mùa thi cử, kiểm tra, các em thường ngủ ít hơn vì phải dành nhiều thời gian cho việc học tập.
Điều này cũng là nguyên nhân của các chứng đau đầu, trầm cảm, khó thở và đặc biệt là béo phì. Do đó, việc cần làm là sắp xếpthời khóa biểu phù hợp cho học tập và vui chơi, thư giãn, giải trí; không uống cà phê sau 4 giờ chiều và dành quá nhiều thời gian để xem tivi hay ngồi trước màn hình máy tính.

Bổ sung vitamin, thời điểm nào thích hợp nhất?



Dùng vitamin cũng như các loại thuốc khác đều có quy định về thời gian dùng thuốc.
Dùng vitamin cũng giống như sử dụng các loại thuốc khác, đều có quy định về thời gian, không phải lúc nào dùng cũng được.
Tùy theo tính chất hoà tan các vitamin được phân làm hai nhóm: nhóm tan trong chất béo và nhóm tan trong nước.
Các loại vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B và C, axit folic…), nếu dùng với liều lượng quá nhiều, không chỉ tự đào thải ra khỏi cơ thể qua các cơ quan bài tiết, mà còn dễ trở thành gánh nặng đối với thận. Do vậy, tốt nhất bạn nên chia liều dùng thành 3 lần/ngày.
Các loại vitamin tan trong chất béo (các vitamin nhóm A, D, E, K),  do không thể bị đào thải ra khỏi cơ thể qua con đường bài tiết, nên bạn có thể dùng 1 lần/ngày.
Thời điểm thích hợp nhất để sử dụng các loại vitamin cũng khác nhau.
Trừ vitamin C, nhóm vitamin tan trong nước nên dùng trước bữa ăn. Bạn cần chú ý, thời gian ăn các bữa sáng, trưa và tối tốt nhất lần lượt là 8 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều.
Thời gian tiểu tràng hấp thụ tốt nhất là 1 đến 3 giờ chiều, nên các loại vitamin tan trong chất béo tốt nhất nên dùng sau bữa trưa. Thực phẩm càng giàu chất béo, càng có lợi cho sự hấp thụ loại vitamin này. Bởi vậy, nếu bạn có chế độ ăn nhạt, có thể uống thêm sữa để tăng cường sự hấp thụ vitamin tan trong chất béo.
Lưu ý:  Vitamin C là vitamin tan trong nước, nhưng nếu dùng quá liều dễ dẫn đến hiện tượng tiêu chảy, tốt nhất nên dùng ngay sau bữa ăn.
Nguồ n Dân Trí

9 thực phẩm tốt cho bộ nhớ của bạn



Nhiều loại thực phẩm có thể giúp chúng ta cải thiện trí nhớ và giúp phát triển não bộ.
Các chuyên gia cho rằng, rất nhiều loại thực phẩm có thể giúp chúng ta cải thiện trí nhớ và giúp phát triển não bộ ví dụ như quả bơ, các salad, rượu vang đỏ...
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ một lượng vừa phải rượu vang đỏ có khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh về não. Ảnh minh họa
Salad
Salad thực chất là món rau trộn. Nó chứa nhiều vitamin E có khả năng chống oxy hóa mạnh và bảo vệ tế bào thần kinh, tốt cho não.
Theo nghiên cứu, docosahexaenoic axit (DHA) là một loại chất béo omega-3 có thể làm tăng quá trình nhận thức và giúp ích cho trí nhớ. DHA được tìm thấy trong những thực phẩm chế biến từ cá, như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu v.v
Rau củ có màu xanh đậm
Các chuyên gia cho biết, một loại axit amin với tên gọi là homocysteine có thể gây ra cái chết của tế bào thần kinh trong não. Rau củ có màu xanh đậm như rau cải, rau chân vịt (hay rau bina)... giàu axit folic. Axit này có khả năng làm giảm hoặc phá vỡ mức độ của homocysteine, bảo vệ não bộ.
Quả bơ
Quả bơ chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất, trong đó có nhiều axit thiết yếu như omega – 6 có tác dụng trong việc phát triển của não bộ.
Hạt hướng dương
Hạt hướng dương có chứa omega-3, omega-6 cũng như folate, vitamin E và vitamin B6. Đây là các chất dinh dưỡng tốt cho não, giúp bạn suy nghĩ tích cực và rõ ràng hơn.
Đậu phộng và bơ đậu phộng
Cả hai đều là thực phẩm chất béo lành mạnh, gồm nhiều vitamin E. Đậu phộng và bơ đậu phộng có thể giữ cho tim và não khỏe mạnh, hoạt động tốt.
Rượu vang đỏ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ một lượng vừa phải rượu vang đỏ có khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh về não, đặc biệt là bệnh Alzheimer.
Quả mọng
Các nghiên cứu mới nhất được trình bày tại Hội nghị quốc gia của Hội hóa học Mỹ ở Boston cho biết, những loại quả mọng như việt quất, dâu tây v.v hầu hết đều chứa fisetin và flavenoid có tác dụng rất lớn cho việc thúc đẩy các chức năng của não bộ như cải thiện bộ nhớ hay dễ dàng nhớ lại bất cứ sự kiện nào đó diễn ra trong quá khứ một cách rõ ràng.
Các loại ngũ cốc
Ngũ cốc giàu chất xơ, không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày, đặc biệt đối với người Việt. Ngoài ra, vitamin B6 và sinh tố B trong ngũ cốc còn có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến não bộ, giúp ích cho sự hoạt động của não.
Nguồn Gia  Đình

7 thực phẩm đánh bật “mùi” hơi thở



Vỏ quýt không chỉ giúp đánh bật hơi thở “rau mùi”, mà còn có công dụng thuận khí bổ tì.
Hơi thở có mùi thường khiến chúng ta trở nên mất tự tin. Mách bạn 7 loại thực phẩm thông thường trong cuộc sống hàng ngày có thể đánh bật hơi thở “rau mùi” một cách hiệu quả!
1. Sữa tươi
Sau khi ăn thức ăn có tỏi, miệng thường có mùi rất khó chịu. Lúc đó uống một cốc sữa tươi có thể đánh bật mùi này trong hơi thở ngay lập tức.
2. Chanh
Chanh tính chua, vị  hơi đắng, có tác dụng giải khát, giải cảm. Bạn có thể thêm chút bạc hà vào ly nước chanh tươi để tạo nên thức uống giúp đánh bật hơi thở có mùi.
3. Rau mùi tây
Loại rau này có tác dụng hỗ trợ tiêu trừ các mùi lạ, đặc biệt là mùi thuốc lá. Nếu nhất thời không thể tìm được mùi tây thì rau thơm, bạc hà cũng có tác dụng đánh bật mùi lạ trong miệng. Để có được hiệu quả tốt nhất, bạn nên nhai các loại rau này càng lâu càng tốt. Các loại rau trên cũng rất tốt cho hệ tiêu hoá.
4. Sữa chua
Theo nghiên cứu mới nhất, mỗi ngày duy trì ăn sữa chua có thể làm giảm hàm lượng khí lưu huỳnh trong khoang miệng. Bởi loại thực phẩm này chính là khắc tinh của hơi thở nặng mùi.
Ăn sữa chua theo lịch định trước sẽ giúp ngăn chặn quá trình sinh sản của các vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, chỉ sữa chua tự nhiên mới có thể làm nên điều tuyệt diệu này, sữa chua có đường không có công hiệu trên.
5. Vỏ quýt
Vỏ quýt không chỉ giúp đánh bật hơi thở “rau mùi”, mà còn có  hương thơm dễ chịu, cùng công dụng thuận khí bổ tì.
6. Mật ong
Mỗi sáng thức dậy, bạn nên uống 1 ly nước ấm có hoà 1 thìa mật ong khi bụng còn đói. Mật ong có tác dụng nhuận tràng, giúp đánh bật các hơi thở “rau mùi” gây ra bởi các vấn đề về đường ruột.
7. Bưởi
Bưởi không chỉ có  tác dụng đánh bật hơi thở “rau mùi” sau khi uống rượu; còn kiện tì, hỗ trợ tiêu hoá, giúp tiêu đờm, tiêu khí trong dạ dày, và giải độc rượu.
Nguồn Dân Trí

Những thực phẩm “hút sạch” chất béo



Măng là thực phẩm tốt cho những người béo phì cần giảm béo.
Muốn giảm béo một cách khỏe mạnh, hãy thêm các loại rau sau trong bữa ăn hằng ngày:
1. Măng

Nhiệt lượng: 19kl. Măng ít chất béo, ít chất đường và nhiều chất xơ.

Ăn măng không những thúc đẩy cho dạ dày đường ruột nhu động, trợ giúp tiêu hòa, đẩy thức ăn tích tụ và phòng chống táo bón, mà còn có tác dụng phòng chống ung thư đại tràng.

Măng thuộc vào thực phẩm có nhiệt lượng thấp và thực phẩm tự nhiên có hàm lượng chất béo thấp cho nên măng là thực phẩm tốt cho những người béo phì cần giảm béo.

2. Rau cần

Nhiệt lượng: 12kl. Rau cần hàm chứa nhiều chất xơ, vitamin B2, kẽm vv.

Rau cần giúp nhuận tràng,thông tiểu tiện, điều tiết sự cân bằng của kẽm và natri, tốt cho da và hệ thần kinh.

Lá rau cần chứa nhiều dinh dưỡng hơn thân, vì vậy khi xào không nên bỏ lá.

3. Cải thảo
 
Nhiệt lượng: 17kl. Trong cải thảo có chứa chất xơ và vitamin A hàm lượng cao.

Người bị viêm đường tiêu hóa không nên ăn cải thảo sống ví dụ như kim chi, để tránh gây kích thích cho vùng viêm loét.

Không nên tích trữ cải thảo quá lâu, dinh dưỡng sẽ mất hết đi.

4. Ớt cay đỏ

Nhiệt lượng 22kl. Hàm lượng vitamin C trong ớt cay là phong phú nhất trong các loại rau.

Vitamin C có thể nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống đỡ các loại bệnh.

5. Đậu phụ đông lạnh

Nhiệt lượng: 56kl. Đậu phụ sau khi được đông lạnh có thể sinh ra một loại chất mang tính axit, loại chất này có thể phá hủy chất béo trong cơ thể. Nếu thường xuyên ăn đậu phụ đông sẽ có lợi cho chất béo đào thải, làm cho chất béo tích tụ trong cơ thể không ngừng giảm đi, có hiệu quả giảm béo. Đậu phụ đông có đặc điểm dinh dưỡng phong phú, nhiệt lượng ít, không làm cho chúng ta có cảm giác đói rõ rệt.

6. Giá đỗ

Nhiệt lượng: 18kl. Giá đỗ xanh có tác dụng thanh trừ cholesterol và chất béo tích tụ trong thành huyết quản, ngăn chặn các biến chứng của bệnh huyết quản tim.

Thường xuyên ăn giá đỗ xanh có thể thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giải rượu và độc tố. Người nghiện hút thuốc, uống rượu nếu thường xuyên ăn giá đỗ xanh có thể đạt được hiệu quả thanh lọc dạ dày, đường ruột, giải độc tố, làm sạch răng nướu, đồng thời có thể ngăn chặn chất béo hình thành trên da.
                                                                                                     Nguồn : Dân Trí

Cách gói bánh chưng



Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giổ tổ Hùng Vương) (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Nguyên liệu
Lá: Thường là lá cây dong tươi. Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít (một loại tre), lá chuối hay thậm chí cả lá bàng , giấy bạc.
Lạt buộc: Bánh chưng thường dùng lạt giang được chẻ từ ống cây giang. Lạt được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.
Gạo nếp: Gạo nếp thường dùng gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác. Nhiều người chọn nếp cái hoa vàng hay nếp nương, thực ra không đến nỗi cầu kỳ như thế vì đây là loại bánh mang tính đại chúng.
Đỗ xanh: Đỗ thường được lựa chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ v.v. sẽ thơm và bở hơn). Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất
Thịt: Thường là thịt lợn, chọn lợn ỉ được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Thịt ba chỉ (ba dọi) với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn. Một số nơi, như tại Trường Sa, những người lính còn làm món bánh chưng với nhân độc nhất vô nhị là dùng thịt chó hay thịt gà.
Nguyên liệu làm bánh chưng. 
Gia vị các loại: Hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu. Ngoài ra một số loại gia vị khác ít phổ biến hơn cũng được sử dụng như thảo quả, tinh dầu cà cuống thường sử dụng tẩm ướp trong nhân bánh tại Hà Nội xưa, tuy nay ít nơi còn cầu kỳ gia thêm loại gia vị này.
Phụ gia tạo màu: Bánh chưng với màu xanh của nếp được tạo thành bằng cách quay mặt trên của lá dong, lá chuối (mặt có màu xanh thẫm) vào trong, áp với bề mặt của gạo nếp. Một số nơi còn sử dụng các phụ gia khác như lá dứa hay lá giềng xay nhuyễn vắt lấy nước trộn gạo vừa tạo hương thơm vừa tạo cho bánh có màu xanh ngọc.
Chuẩn bị
Lá dong: Rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
Gạo nếp: Nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
Đỗ xanh: Đỗ làm dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
Nguyên liệu để làm bánh chưng phải được chuẩn bị kỹ từ trước. 
Thịt lợn: Thái thành miếng to bản và dài, tẩm ướp chút muối, hạt tiêu bột (tốt nhất là hạt tiêu đã được rang thơm, tán nhỏ), hành củ, không dùng nước mắm khi ướp.
Gói bánh
Bánh chưng được gói không khuôn tại một gia đình, với chiếc lá trong cùng quay mặt xanh vào trong để tạo màu cho gạo, 2 lá quay mặt xanh ra ngoài với dụng ý hình thức.Thông thường có hai cách gói bánh chưng: gói bằng tay không hoặc gói theo khuôn hình vuông khoảng 20 cm x 20 cm x 7cm sẵn có. Khuôn thường làm bằng gỗ.
Cách gói tay thông thường
Rải lạt xuống mâm tròn tạo hình chữ thập. Đặt 2 chiếc lá dong lên trên lạt, nằm chồng 1/2 theo chiều dài lá lên nhau, chú ý phải quay mặt trên của 2 lá ra phía ngoài và mặt kém xanh hơn (mặt dưới) vào trong. Lượt sau: 2 lá rải như lượt đầu nhưng vuông góc với lượt đầu, chú ý là lần này lại phải làm ngược lại, quay mặt trên lá (xanh hơn) lên trên, mặt kém xanh hơn, úp xuống dưới.
Gạo nếp, xúc 1 bát đầy đổ vào tâm của hình chữ thập, dùng tay gạt đều, tạo hình vuông mỗi cạnh 20 cm. Lấy 1 nắm đỗ xanh bóp nhẹ và rải đều vào giữa vuông gạo đến gần hết bìa gạo.
Thịt lợn, lấy 1, 2 miếng tùy cỡ đã thái rải đều vào giữa bánh
Lấy tiếp 1 nắm đỗ xanh nữa bóp nhẹ rải đều phủ lên trên thịt
Xúc 1 bát gạo nếp đổ lên trên và phủ khỏa đều, che kín hết thịt và đỗ
Gấp đồng thời 2 lá dong lớp trên vào, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông
Gấp tiếp đồng thời 2 lá dong lớp dưới vào như lớp trên, vừa gấp vừa lèn chặt tay
Dùng lạt buộc xoắn lại tạo thành hình chữ thập
Hai bánh chưng buộc úp vào nhau thành một cặp
Gói bánh chưng bằng tay. 
Với cách gói có khuôn các giai đoạn cũng được tiến hành như trên. Tuy nhiên, người ta cắt tỉa bớt lá dong cho gọn (vừa kích thước khuôn) và đặt trước các lớp lá xen kẽ nhau vào trong khuôn (Ba hoặc bốn lá, nếu gói bốn lá, bánh sẽ vuông đẹp hơn. Khi đó thường thì hai lá xanh quay ra ngoài xếp tại hai góc đối xứng nhau, và hai lá xanh quay vào trong để tạo màu cho bánh). Sau khi đã cho nhân vào trong, các lớp lá lần lượt được gấp lại và sau đó được buộc lạt.
Cách gói bánh có khuôn thì bánh đều nhau hơn và chặt hơn do được vỗ đều gạo, nén chặt, còn gói không khuôn thì bánh được gói nhanh hơn do đỡ mất công đo cắt lá theo kích thước khuôn. Bánh được gói không khuôn thì mặt trên lá được quay ra ngoài, còn với bánh có khuôn thì mặt dưới lá lại được quay ra ngoài.
Luộc bánh
Lấy xoong to, dầy với dung tích trên 100 lít tùy theo số lượng bánh đã được gói. Rải cuộng lá dong thừa xuống dưới kín đáy nhằm mục đích tránh cho bánh bị cháy. Xếp lần lượt từng lớp bánh lên đến đầy xoong và xen kẽ các cuộng lá thừa cho kín nồi. Đổ ngập nước nồi và đậy vung đun. Người nấu bánh thường canh giờ tính từ thời điểm nước sôi trong nồi và duy trì nước sôi liên tục trong 10 đến 12 giờ. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh (người thực hiện thường đặt sẵn ấm nước bên cạnh bếp đun bánh để tận dụng nhiệt lượng). Những chiếc bánh ở trên có thể được lật giở để giúp bánh chín đều hơn, tránh tình trạng bị lại gạo sau này. Trong lúc đun, có thể lấy bánh ra, rửa qua trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.
Ép bánh, bảo quản
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (tục gọi là để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.
Bánh thường được treo ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu, tùy thời tiết có thể để được hàng tháng trời không hỏng. Nhiều vùng ngày xưa còn đưa bánh xuống ngâm dưới ao hoặc giếng nước để bảo quản, lá bánh với nhựa của gạo khi nấu là lớp màng ngăn nước lọt vào làm hỏng bánh. Cách ngâm nước bảo quản bánh chưng tương truyền gắn với sự tích vua Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà vào dịp tết nguyên đán năm Kỷ Dậu (1789), nhân dân bỏ bánh chưng xuống ao, ngừng ăn tết nhằm hoàn tất đại cuộc phá Thanh và ăn tết muộn sau đó. Tuy nhiên, hiện cũng ít nơi còn sử dụng phương thức bảo quản này.
Trên bàn thờ ngày tết không thể thiếu bánh chưng và bánh thường được bày theo cặp. Nhiều người cầu kỳ còn bóc bỏ lớp lá bên ngoài của bánh và gói lại bằng lá tươi mới, sau đó buộc lạt màu đỏ trước khi đặt lên bàn thờ.
Bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó.
Trên mâm cỗ ngày Tết, bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó, bánh chưng dài thường cắt lát ngang, gọi là "đồng bánh", để ăn cùng với dưa hành, nước mắm rắc chút bột tiêu. Ra sau tết, bánh có thể bị lại gạo, bị cứng, khi đó người ta thường đem rán vàng trong chảo mỡ và ăn kèm với dưa góp.
Trên đây là các công đoạn chuẩn bị và cách gói bánh chưng thông thường tại các gia đình cộng đồng người Việt vào dịp Tết.
                                                                                                      Nguồn dinhduong.com.vn