11/10/12

Du học sinh điều dưỡng tại Nhật, thu nhập 50 triệu/tháng


Du học sinh ngành Điều dưỡng bậc đại học tại Nhật Bản vẫn có cơ hội đi làm thêm nghề điều dưỡng với thu nhập 50 triệu đồng/tháng, thời gian lưu trú tại Nhật 6 năm.

Việc tốt, lương cao cho điều dưỡng viên

Chương trình du học tại đất nước mặt trời mọc đang được duy nhất Trung tâm Tiếng Nhật Hoa Anh Đào thực hiện.

Chương trình du học sinh ngành điều dưỡng tại Nhật Bản sẽ được khai giảng khóa đầu tiên vào đầu tháng 11/2012 tại Trung tâm Tiếng Nhật Hoa Anh Đào (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội). Đây là chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo du học sinh ngành điều dưỡng đã được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản.
Tiến sỹ Lê Minh Tiến - GĐ Cty Hoa Anh Đào và (phải) và ông Mizuta Josaku - chủ tịch Trường Nhật ngữ Thế kỷ 21 TOPA, GĐ Hiệp hội các trường Nhật ngữ Nhật Bản
Theo đó, điều dưỡng viên đã tốt nghiệp hệ Trung cấp & Cao đẳng nghề Điều dưỡng tại Việt Nam sẽ được tham dự chương trình đào tạo liên thông ĐH điều dưỡng và làm thêm đúng chuyên môn tại Nhật Bản với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Thời gian cấp visa cho các học viên học tập và làm việc tại Nhật bản là 06 năm.

Hai năm đầu tiên, khi học tiếng Nhật chuyên ngành, các du học sinh điều dưỡng vừa học vừa được nhà trường phía Nhật Bản tạo công việc làm ngoài giờ (4 tiếng/ngày) với mức thu nhập 130.000 - 140.000 JPY/tháng (tương đương 34 - 37 triệu VNĐ).

Năm tiếp theo từ  khi vào học đại học ngành Điều dưỡng đến khi tốt nghiệp, du học sinh được làm thêm theo đúng chuyên môn được đào tạo với mức thu nhập 200.000JPY/tháng (tương đương 52-53 triệu đồng/tháng). Ngoài mức lương trên, các Du học sinh điều dưỡng sẽ được nhận các khoản phụ cấp thành tích tương đương từ 20 - 30% thu nhập chính.

Sau khi tốt nghiệp và có bằng ĐH điều dưỡng, du học sinh sẽ có quyền được ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài với mức lương lên đến 300.000JPY/tháng (tương đương 78 - 80 triệu VNĐ); được quyền bảo lãnh để đưa bố mẹ, vợ (chồng) sang Nhật  cùng sinh sống.

Đảm bảo các tiêu chí ngặt nghèo về ngôn ngữ

Tiến sỹ Lê Minh Tiến, giám đốc Trung tâm tiếng Nhật Hoa Anh đào cho biết: “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 vạn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, tuy nhiên, số lượng các em có việc làm rất ít, đó là chưa nói đến mức lương của công việc điều dưỡng viên ở Việt Nam chỉ ở mức rất khiêm tốn. Trong khi đó, Nhật Bản là một thị trường rất tiềm năng, dân số già… nên nhu cầu cần các điều dưỡng viên rất lớn, nhất là lao động Việt Nam có lợi thế về sự khéo léo, chăm chỉ, nhiệt tình và yêu nghề!”.

Cũng theo T.S Lê Minh Tiến, đối tác Nhật Bản đưa ra tiêu chí khá ngặt nghèo, đó là các du học sinh đã có bằng nghề Điều dưỡng viên (Trung cấp hoặc Cao đẳng) phải thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật trình độ bậc 3 (3 Kyu) trước khi đi Nhật bản học tập.

Sau đó học  tiếng Nhật chuyên ngành tiếp 2 năm ở Nhật Bản để  đạt trình độ 1 (1 Kyu) mới đủ điều kiện vừa học vừa làm nghề Điều dưỡng ở Nhật Bản. Tại Việt Nam, các trường CĐ&  Trung cấp nghề Điều dưỡng chưa thực hiện được yêu cầu này, do đó cơ hội đi du học - làm việc của các học viên nói trên rất hạn chế.

Trung tâm Tiếng Nhật Hoa Anh Đào - liên doanh giữa Công ty Hoa Anh Đào và các đối tác Nhật Bản hiện là trung tâm duy nhất có lực lượng  giảng viên chuyên nghiệp người Nhật Bản trực tiếp  đào tạo tiếng Nhật cho các du học sinh tại Việt Nam.

Chương trình liên kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đang tạo ra nhiều cơ hội cho các em học chuyên ngành điều dưỡng, và sẽ là một ngành “hot” trong tương lai không xa.
Du học sinh điều dưỡng sẽ tham dự khóa học tiếng Nhật cơ bản 960 giờ tại Trung tâm Tiếng Nhật Hoa Anh Đào (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) để đáp ứng được điều kiện ngặt nghèo nêu trên. Tốt nghiệp khóa học, các em sẽ được sang Nhật học tiếp 2 năm (1.920 giờ) Tiếng Nhật chuyên ngành và học tiếp bậc đại học ngành Điều dưỡng (4 năm), nhận bằng ĐH ngành Điều dưỡng do Nhật Bản cấp.

Trong quá trình theo học, du học sinh được tạo việc làm thêm với mức thu nhập 34-37 triệu VNĐ/tháng trong 02 năm đầu học tiếng Nhật chuyên ngành. Từ năm thứ 3 đến khi tốt nghiệp bậc Đại học Điều dưỡng (4 năm), các em sẽ được làm việc theo chuyên ngành Điều dưỡng với mức thu nhập trên 50 triệu VNĐ/tháng. Ra trường, các em sẽ được ở lại Nhật làm việc nếu có nhu cầu với mức lương 80 triệu VNĐ/tháng.

Tham dự khóa học, du học sinh chỉ phải đóng 20% khoản phí 2 năm đầu tiên cho hai nhà trường Việt Nam & Nhật Bản là 74 triệu đồng. Công ty Hoa Anh Đào đã thu xếp để ngân hàng sẽ tài trợ cho các em vay 80% chi phí trả dần trong 5 năm. Với mức thu nhập từ việc làm thêm, chỉ sau một năm đầu tiên, các em đã hoàn lại được toàn bộ chi phí của cả khóa học.
Thái Bình
Theo Vietnamnet

Bài văn sâu sắc của nam sinh 15 tuổi về đường tắt


.

Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi.

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)
duongtat.jpg
Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình?
Bài làm

Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết rằng nhiều kẻ bằng "ô dù", bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm "ông ấy... bà nọ..." và ai cũng tặc lưỡi "biết rồi". Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi "Đường tắt"

"Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào"


Mở đầu bài thơ "Đường tắt", Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn - đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài - một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách - một bên "không có chướng ngại vật nào" và "không tốn thời gian". Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!

Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.

Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó

"Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn"


Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị con người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì?

"Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học"


Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.

Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: "Liệu chúng có thể tồn tại?". Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt "luôn là con đường sai". Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ... Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.

Ta phải nhìn thẳng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giở bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.

Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.  

Hãy thay đổi.

Vì dẫu biết những kẻ đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cũng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đầu còn hơn xây rồi và sau này phải hì hục sửa chữa, chắp vá.

Bài thơ "Đường tắt" của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng - sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.

Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?
Hoàng Quỳnh Phương (Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi
đường Ngô Quyền - TP Hải Dương - tỉnh Hải Dương)


VietNamNet

Bài văn điểm 3 của nữ sinh nhập vai Cám kể chuyện Tấm


- Với đề bài "hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám", một nữ sinh THPT ở Hà Nội đã có bài viết "đặc sắc".

Lời phê của cô giáo

Bài làm

Tôi là Cám, tôi sống với mẹ tôi và con của dượng tôi vì bố nó chết lâu rồi nên mẹ con tôi nuôi nó. Nhưng tôi cũng không ưa nó lắm vì nó lúc nào cũng ra vẻ làm chị. Hàng ngày nó cũng khá chăm chỉ vì việc nhà, tôi thấy cũng cỏn con: cho lợn ăn, chăn châu, nấu cơm, giặt quần áo… Tôi thấy ít việc đó nó làm hợp hơn tôi vì tôi còn bận chọn vải may quần áo và đi làm tóc tai. Tôi đang tuổi đôi mươi mà!
Có hôm mẹ tôi giao cho hai đứa công việc, mỗi đứa một giỏ để đi bắt đầy giỏ tôm cua. Đứa nào nhanh chân thì được cái yếm đỏ mẹ tôi mới mua đẹp mê hồn. Nhưng tôi thì có biết lội ao hồ bao giờ, bẩn hết quần áo mất. Con Tấm thì cứ tìm tìm mò mò đến bao giờ mới xong? Mình cứ đi hái hoa bắt bướm tí đã rồi về bắt tôm cua sau. Chiều khi tôi ra thì đã muộn rồi, thôi thì lừa con ngu kia một phen vậy: 
Chị Tấm ơi chị Tấm
Đầu chị bị lấm
Chị ra ruộng sâu mà gội đầu, không về mẹ mắng đó.
Bài làm của học sinh

Haha, nó đã tin lời mình, mình phải nhanh tay đổ hết tôm cua tép giỏ nó sang giỏ của mình mới được. Về nhà được lấy yếm đỏ, và tôi đã có cái yếm đỏ. 
Một hôm nọ, tôi thấy con Cám ít ăn, hay để giành một bát cơm của mình. Tôi với mẹ mới rình xem con ranh đang làm gì. Tôi và mẹ đã thấy nó gọi là:
Bống bống bang bang
Bống ăn cơm vàng
Cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm
Cháo hoa nhà người
thì có con cá bống bé lòi lên. Tôi và mẹ tính thịt nó làm bữa bống kho. Hôm sau tôi và mẹ lừa nó đi chăn trâu xa không thì người ta thu trâu. Rồi tôi và mẹ tôi bắt con cá bống lên ăn thả ruột lại. Giờ nó hết người làm bạn nhé! Mình phải giấu xương ở xó bếp không nó biết với được. 
Sắp đến vũ hội, mẹ và tôi chuẩn bị quần áo giầy dép mới cho tôi thật đẹp để kiếm chồng. Hôm đó tôi và mẹ chuẩn bị đi, con Tấm cũng đòi đi. Tôi tức quá, tôi suy mẹ đổ hết thóc gạo vào nhau cho nó ngồi mà sàng mà lọc. Haha, sáng mai cũng chưa xong đâu, rách rưới còn đòi theo quý tộc hahaha… 
Đang chơi hội vui vua ban lệnh thử giày, ai đi vừa là vợ vua. Mẹ và tôi cùng thử nhưng giầy con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được. Lựa đằng này đằng kia đau cả chân, bực cả mình đành thôi. Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi.
Đến ngày dỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen.
Độc giả Linh Ngân (giới thiệu)
Theo Vietnamnet

Chuyện học của 'người phi thường' Nguyễn Ngọc Ký


 - Cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành điển hình cho tấm gương vượt khó không chỉ cho ngành giáo dục từ những năm 60-70 ở miền Bắc mà đã trở thành “thương hiệu” vượt qua nghịch cảnh mọi lúc, mọi nơi khắp cả nước ta. Thậm chí, trên thế giới, cái tên Nguyễn Ngọc Ký không phải xa lạ bên cạnh những tấm gương phi thường như nhà vật lý người Mỹ Stephan Hawking 

Thầy Ký tâm sự: Tôi còn nhớ như in buổi sáng thức dậy sau cơn bạo bệnh.
Năm ấy 4 tuổi, tôi bước ra sân. Mẹ tôi đưa quả cam, tôi đưa tay cầm nhưng lạ quá, cánh tay tôi không cử động được.
Tôi cố nhấc bàn tay lấy quả cam nhưng cánh tay tôi không chịu nghe lời tôi, tôi cố mấy nó cũng buông thõng, lủng lẳng.
Từ cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngày nào vượt lên số phận

Tôi òa khóc, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi. Sau này tôi mới biết, mẹ tôi còn khóc nhiều hơn tôi.
Nhiều lúc tôi phát hiện mẹ khóc, thấy tôi, mẹ vội lau nước mắt, ôm chặt tôi vào lòng. Mắt mẹ đỏ hoe.
Có lần, mẹ không kiềm chế, khóc nức nở: “Con ơi, mai kia bố mẹ mất con làm gì để sống đây hả con?”.
Nước mắt của mẹ rơi xuống vai tôi. Tôi nghẹn ngào khóc theo, định đưa tay ôm chặt mẹ mà không được, cánh tay mềm nhũn cứ thõng xuống.
Mẹ cầm và ôm cánh tay tôi: “Trời ơi, sao cánh tay con tôi ra nông nỗi thế này hả trời? Nếu tôi có tội, hãy bắt tôi chịu, cho con tôi lành lặn cánh tay, để tôi chịu liệt cho!”.
Lúc ấy, tôi thèm ôm lấy mẹ như trước kia vô cùng, hay nắm lấy tay mẹ cũng được. Nhưng cánh tay nào có hiểu cho lòng tôi. Bất lực, tôi dụi đầu vào lòng mẹ, nước mắt mẹ ướt đẫm tóc tôi. Mẹ con tôi khóc rất lâu.
Tối hôm đó, trong bữa cơm mẹ nói: “Tôi sẽ để mấy sào ruộng cho chị cả, sau này chị làm và nuôi em. Mai mốt chị có chồng, nhớ luôn quan tâm đến em nhé”. 
…đến thầy giáo, nhà văn, nhà tư vấn Nguyễn Ngọc Ký hiện nay là cả một quá trình nỗ lực vượt lên chính mình.
Gần nhà có ông thầy chấm tử vi, ông đến xem cho tôi và bảo với mẹ tôi:“Thằng Ký bị liệt 2 tay nhưng nó sẽ nên người, sau này nó sẽ có nhà to hơn nhà bà!”.
Mẹ tôi: “Ôi giời ơi, người ta lành lặn, chưa biết ra sao, huống chi em nó bị liệt mất 2 tay. Tôi chỉ mong chị nó cưu mang , thương em, đùm bọc cho em sau khi tôi mất!”.
Thầy tử vi: “Ấy, vậy mà sau này nó giúp chị nó đấy!”. Ai nghe cũng cười vì cứ nghĩ ông thầy an ủi, động viên tôi và mẹ tôi….
Thầy Ký kể đến đó và chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện...
- Thưa thầy, thầy bắt đầu đi học như thế nào với 2 cánh tay bị liệt?
Trường ở gần nhà, tôi thấy bạn bè cùng tuổi vào lớp, mê lắm. Sáng sáng tôi đến cửa lớp đứng nhìn vào, bọn trẻ cứ quay ra nhìn tôi nên tôi bị thầy đuổi đi vì “làm cả lớp mất tập trung”!
Không được đứng ở cửa lớp, tôi ra ngoài xa một chút đứng nhìn vào. Thấy vậy, thầy giáo cho tôi vào lớp ngồi chung. Sau giờ học, thầy dẫn tôi về nhà nói với mẹ tôi: “Chị giữ cháu ở nhà, đừng cho đi chơi đến lớp nữa, làm chúng bạn không lo học”.
Tôi buồn lắm, ở nhà lấy gạch và than, dùng chân quắp lại bắt đầu tập viết trên sân gạch. Hì hà hì hục suốt ngày để viết cho ra chữ, có người đi qua thấy, bảo:“Trời ơi, xưa giờ có ai viết bằng chân được đâu mà tập làm gì cho mệt! Rõ khổ”...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp Nguyễn Ngọc Ký và có lời khuyên ông nên chọn nghề giáo.

- Nghe nói vậy thầy có nản chí không?
Không! Trước đó, không được vào lớp nữa, tôi buồn đi lang thang trong vườn, thấy con chim dùng mỏ tha mồi, tôi đã bắt chước dùng…miệng tập viết nhưng không được!
Tôi nghĩ cách khác. Bất chợt, gặp đàn gà đi qua, gà mẹ dùng chân bươi tìm mồi, tôi phát hiện ra có thể dùng chân để viết. Thế là tôi tập viết bằng chân.
Khác với chúng bạn, tôi không phải bắt đầu từ chữ A. Ban đầu, tôi phải dùng đủ các tư thế để viết, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại mới được chữ O, chữ V; sau mới tới các chữ khác.
Viết được chữ bằng gạch, tôi chuyển qua viết bằng bút chì kẹp giữa 2 ngón chân trên giấy. Hí hoáy mãi nét chữ cũng hiện ra dưới chân tôi. Tôi lại tập kẻ ô, kẻ thước, vẽ vòng tròn bằng compa. Với người bình thường thì việc này đơn giản nhưng với tôi là cực hình…
- Viết được chữ, sử dụng được các dụng cụ học tập cơ bản, vậy là thầy được đi học?
Không đơn giản vậy đâu. Lúc đầu vì nể gia đình tôi, cô giáo cho tôi vào lớp nhưng cô nói như đinh đóng cột rằng, không thể học được đâu!
Sự kiên trì, nhẫn nại của tôi đã lay chuyển cô giáo, cô chấp nhận cho tôi học cùng chúng bạn. Tôi đã chứng minh được rằng, bàn chân có thể thay bàn tay để viết, vẽ, xoay compa, làm thủ công xếp thuyền, xếp chim…
Ngoài giờ học, tôi còn làm lồng chim để chơi, so với của bạn bè, lồng chim của tôi lúc nào cũng đẹp hơn.
Bút tích, tiểu sử của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, người nổi tiếng một thời với cuốn sách “Tôi đi học”

- Bằng ý chí, nghị lực và lòng nhẫn nại, thầy đã học qua cả đại học?
Tôi là học sinh giỏi toán, năm lớp 7 đã đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc vào năm 1963, được Bác Hồ gởi tặng huy hiệu lần thứ 2. Lên cấp 3, tôi vẫn học giỏi.
Một lần, thầy giáo dạy văn đưa cho tôi mượn đọc quyển “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ostrovsky. Tôi đọc, say mê nhân vật Paven Corsaghin. Thế là tôi chuyển qua văn với ước mơ trở thành nhà văn, nhà thơ.
Nhân vật Paven Corsaghin đã tiếp sức cho tôi rất nhiều với tấm gương hy sinh cho lý tưởng, dám sống bằng tất cả nghị lực trái tim, vượt qua mọi nghịch cảnh để cho cuộc đời mình có ý nghĩa…
Tôi vào đại học với ước mơ phải viết lại cuộc đời mình. Quyển sách “Những năm tháng không quên” hoài thai và ra đời trong những năm tháng tôi là sinh viên.
Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 quyển sách của tôi được in với cái tên “Tôi đi học” thành công vang dội, khích lệ rất lớn cho tôi bước tiếp…
Quyển sách này được tái bản mấy chục lần. Đợt về Hải Phòng giao lưu, tôi rất xúc động khi một khán giả đưa cho tôi xem quyển “Tôi đi học” xuất bản trước năm 1975, trong đó có dòng chữ của người cha ghi lại gởi gắm cho con trước giờ vào chiến trường: “Chỉ ít phút nữa ba sẽ qua vĩ tuyến 17 vào chiến trường B, ba tặng con quyển sách này để con noi theo, mong con sẽ vượt qua chính mình như nhân vật Nguyễn Ngọc Ký”.
- Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa văn những năm ấy là "oai lắm", sao thầy lại chọn nghề giáo?
Quả thật lúc đầu tôi chưa chọn nghề giáo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi vào gặp, hỏi thăm tận tình, động viên tôi rất nhiều.
Thủ tướng khuyên tôi nên làm nhà giáo để dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà và tôi nên lấy vợ, nếu cần Thủ tướng sẽ làm mai cho. Tôi chỉ nhận 1 lời khuyên là trở thành nhà giáo!
- Nếu được chọn lại, thầy có chọn nghề giáo nữa không?
Có! Tôi khám phá rất nhiều điều tuyệt vời về nghề này dù hiện nay tôi có thêm “nghề” mới là viết văn và tư vấn. Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội đấy chứ!
Duy Chiến
Theo Vietnamnet

Chuyện ít biết về 'người phi thường' Nguyễn Ngọc Ký


 - Tấm gương phi thường như huyền thoại của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ vì những gì thầy đã đạt được từ ngày bắt đầu đi học cho đến nay với đôi cánh tay bị liệt.

Năm 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả 2 cánh tay sau cơn bạo bệnh. Tưởng rằng, cuộc đời của cậu bé Ký đã bị 'đóng đinh' vào số phận tật nguyền.
Vậy mà, bằng nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký không những đã “vượt lên chính mình” mà còn đã đạt được những thành công khiến nhiều người phải mơ ước...
Nay, đã ở độ tuổi 67, “cậu bé” Nguyễn Ngọc Ký ngày xưa đã thêm hai “nhà” nữa là nhà văn và nhà tư vấn cho... tổng đài 1080!
Ở ông, đã hội tụ nhiều tinh hoa chắt lọc suốt hơn nửa thế kỷ cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, ngay cả lúc đang phải nằm chạy thận hàng ngày….
Thầy Ký ăn bằng chân. (Ảnh: Lê Na)
Mới đi bệnh viện chạy thận về, thầy Ký nằm trên giường nói chuyện. Ái ngại vì sợ thầy mệt, nhưng kỳ lạ thay, giọng ông vẫn sang sảng: Không sao, không sao! Người ta qua 3 tiếng chạy thận ai cũng mệt mỏi, còn tôi tận dụng, biến 3 tiếng đó thành 3 giờ hữu ích bằng cách thiền nhân định, dưỡng sinh, tác dụng rất phi thường.
Chính các bác sĩ chạy thận cũng rất ngạc nhiên. Thông thường bệnh nhân, chạy thận dồn máu phải mất 5 phút, còn tôi, chỉ 30 giây là xong!
Thầy giáo đặc biệt Nguyễn Ngọc Ký đã có buổi tâm sự rất chân tình với chúng tôi.
- Thưa thầy, thầy nói rõ hơn về phương pháp thầy đang áp dụng?
Năm 1972, tôi thăm lớp huấn luyện đặc công ở Phủ Lý được một ông thầy là đại tá đặc công hướng dẫn vận khí, thở sâu. Tác dụng tốt lắm. Sau đó, khoảng 1992 – 1993 vào Nam sống, tôi tập dưỡng sinh và học nhân điện, nói nôm na là thông qua tâm – ý – khí điều tiết cơ thể, thu hút tinh khí của đất trời.
Hàng ngày ta hướng ngoại nhiều, giờ tập trung hướng nội cho năng lượng đi vào.
Nói theo quan điểm duy vật là tập trung tinh thần. Kết quả kỳ diệu lắm, tôi ăn không nhiều, rất điều độ nhưng rất khỏe. So với người bình thường, tôi phải ngồi nhiều nhưng phần bụng không to, cơ thể cân đối…
- Thầy tập luyện những phương pháp đã cho “kết quả rất kỳ diệu” như thầy nói, nhưng tại sao thầy vẫn phải chạy thận, tức không tránh được căn bệnh khá phổ biến hiện nay?
(Cười) - Tôi nay đã U70 rồi còn gì. Từ nhỏ đã bị mắc bạo bệnh, liệt hai tay, cơ địa ốm yếu, đâu được như người bình thường hả em?
Vậy mà, ngoài những cố gắng, nỗ lực gấp bội so với người bình thường để làm được công việc của một người bình thường, tôi phải có sức khỏe nữa chứ.
Tôi lấy ví dụ cho em hiểu, hồi còn học cấp 1, vào giờ thủ công, để gấp con chim, các bạn chỉ gấp chừng 1 phút là xong, còn tôi phải gấp bằng chân cả trăm lần mới được!
…đọc báo cũng bằng chân. (Ảnh: Lê Na)
Tính ra, từ năm 4 tuổi đến nay, bắt đầu đi học lớp 1 đến học đại học, làm thầy giáo đứng lớp, tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện, hội thảo ở mọi miền đất nước, tôi phải tốn sức khỏe nhiều gấp bội lần người bình thường.
Tính ra, tôi đã tham gia 1.330 buổi nói chuyện chứ có ít đâu. Khoảng 60 năm sống học tập và làm việc như vậy, ngoài ý chí, nghị lực thì phải kèm theo sức khỏe nữa mới làm được em ạ…
Nếu tôi không tập luyện thì làm sao có sức khỏe để được như hôm nay?
Con người có ai tránh được vòng sinh - bệnh - lão - tử đâu? Chúng ta cố gắng tập luyện để sống khỏe, sống tốt hơn, hữu ích hơn là quý nhất rồi….
- Thưa “nhà tư vấn” Nguyễn Ngọc Ký, qua thời gian làm cho tổng đài 1080, thầy nhìn nhận thế nào về những thay đổi của xã hội ta hiện nay so với những năm tháng thầy còn trẻ tuổi?
Xã hội ta đang phát triển rất nhanh nên có nhiều trật tự, giá trị đã thay đổi rất nhiều. Tôi vô cùng thấm thía điều này: Hạnh phúc bị đóng khung trong những giá trị xơ cứng sẽ trở thành bất hạnh!
Những người gọi đến tôi thường là học sinh, phụ huynh và các đối tượng khác, song chủ đề chính lại là tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình…
Có người chuẩn bị uống thuốc rầy tự tử, gọi đến tôi hỏi vài câu rồi uống thuốc. Tôi nghe xong bảo: “Cô còn gặp may lắm, tôi ước gì được như cô…”.
Câu chuyện của cô ấy thực ra rất nhiều người trong xã hội ta đang gặp phải, song vấn đề là họ không tìm ra lời giải nên bị bế tắc.
Hoặc một trường hợp khác rất rắc rối, bi kịch. Anh chồng là doanh nhân thành đạt, có cô vợ trẻ đẹp, ít hơn anh 20 tuổi. Do áp lực và thời gian với công việc, gia đình không được hạnh phúc, cô vợ ngoại tình với nhân viên trẻ của anh này.
Anh chồng có tiền và có quyền, cô vợ có nhan sắc, rơi vào hoàn cảnh này, xu hướng tan vỡ là cái chắc. Tôi nghe xong đã tư vấn cho cậu ấy thấy đâu là nguyên nhân dẫn tới bi kịch này, quan trọng hơn là cách tháo gỡ.
Chiều hôm ấy anh chồng nhắn tin cho vợ gặp ở một địa điểm yên tĩnh, lãng mạn để nói chuyện theo đúng “kịch bản” của tôi. Sau đó, vợ chồng họ đã vượt qua nguy cơ tan vỡ.
Họ có một buổi tối hàn gắn đầy hạnh phúc. Hôm sau anh chồng dẫn vợ đến gặp tôi cảm ơn: “Tiếc là không gặp thầy sớm hơn”!
- Cô vợ ngoại tình rồi mà vẫn hàn gắn lại được hả thầy?
Đấy, đấy! Vì cứ nghĩ vậy nên dồn tình cảm đến chỗ tan vỡ! Phải nhìn vấn đề ngoại tình một cách nghiêm khắc và nhân văn hơn. Mặt nào đó ngoại tình là triệu chứng biểu hiện của trục trặc, khiếm khuyết nào đó trong tình cảm.
Nếu không phát hiện nguyên nhân của triệu chứng này thì ắt xảy ra mất hạnh phúc, thậm chí tan vỡ! Không phải ngoại tình là dở cả đâu. Vấn đề là phải biết xử lý như thế nào cho nhân văn.
Thật ra tình cảm, hạnh phúc ở đời là có duyên của nó. Người trong cuộc lắm khi chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nên lúng túng khi gặp phải những phát sinh ngoài ý muốn.
Người đứng ngoài có thể khách quan hơn, nhìn thấy vấn đề rõ hơn để giải quyết một cách uyển chuyển…
- Xã hội ta bây giờ “thoáng” hơn hồi trẻ của thầy nhiều phải không thầy?
Xu hướng bây giờ tình yêu gắn liền với tình dục. Nhưng cũng có xu hướng chỉ có tình dục đơn thuần thôi. Đây chỉ là bản năng, một phần của nhân tính.
Đó là thực tế khá phổ biến hiện nay…
Phút thư giãn, tưới hoa bằng miệng của thầy Ký. (Ảnh: Lê Na)
- Là nhà tư vấn trên cái nền nhà giáo, nhà văn, thầy có đánh giá thế nào về xu hướng của giới trẻ hiện nay cũng như các vấn đề xã hội mà thầy thường gặp khi tư vấn?
Đúng là xã hội ta đang ngày càng thoáng hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có chừng mực, điều kiện nhất định. Không thì sẽ rơi từ cực đoan này qua cực đoan khác.
Như một trường hợp có cậu học sinh có cha mẹ ở bên Mỹ bảo lãnh qua bên đấy nhưng cậu không chịu, nhất quyết ở lại Việt Nam. Bởi cậu này thích được bơi trong thế giới tự do một mình.
Cậu ta ở trong căn nhà sang trọng, có người giúp việc nấu cơm cho ăn, giặt quần áo cho mặc, dọn dẹp nhà cửa; có lái xe cho đi… Năm học lớp 11 cậu ta dẫn bạn gái về nhà ngủ chung…
Đây là dạng thả lỏng bản năng, nhu cầu, buông xuôi tất cả, mất hết ý chí. Những trường hợp như thế này, đáng tiếc thay, rơi vào số con em cán bộ có chức có quyền hoặc các gia đình giàu có rất nhiều.
Ngược lại, có những em học sinh cực kỳ tốt, chí thú lo học hành, rất siêu đẳng, mới học lớp 10,11 đã sử dụng ngoại ngữ thành thạo, say mê học hỏi, giao lưu với bạn bè khắp thế giới qua Internet… Ngày đêm đầu tư cho kiến thức học tập, chuẩn bị cho tương lai. Số này cũng không ít đâu.
Đó là sự phân hóa trong xã hội hiện nay, nhất là ở giới trẻ, học sinh. Nhận diện được như vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên hay băn khoăn cả. Trong xu thế chung của thời đại, ta cần hỗ trợ thêm để các bạn trẻ có định hướng đúng đắn….
- Khó khăn, gian khổ rèn luyện nên người tốt hơn là đầy đủ, sung sướng? Từ kinh nghiệm của mình, thầy thấy thế nào về kết luận như vậy?
Gian khổ tôi luyện nên người là đúng rồi.
Trong lần giao lưu mới đây, có bạn sinh viên hỏi tôi: “Từ cậu bé liệt cả 2 cánh tay để trở thành nhà giáo, thầy đã làm thế nào mà đạt được kết quả như vậy? Có khi nào thầy mặc cảm không?”.
Tôi trả lời thế này: “Mặc cảm chứ, mặc cảm nhiều lắm. Tôi biết mình là ai, một người khuyết tật! Muốn bù đắp lại những gì thua thiệt, phải cố gắng hơn người bình thường, cố gắng một cách phi thường! Đó là lối đi của người khuyết tật như tôi, mặc cảm mà không tự ti, không lẩn trốn, không buông xuôi. Hoặc ngược lại, mặc cảm mà lạc quan tếu thì đó là sai lầm”.
Cuộc đời tôi là cuộc đời của người khuyết tật nên tôi luôn tìm cách bù lại bằng thời gian và nỗ lực cố gắng, sáng tạo cùng ước mơ và quyết tâm thực hiện.
Quãng thời gian đi học của tôi luôn phải chịu cảnh này, ban đầu bè bạn hay trêu chọc, tôi chỉ lặng lẽ với đôi tay khuyết tật nhưng lòng tôi luôn nung nấu quyết tâm phải bù lại bằng trí tuệ.
Kết quả là chỉ sau một thời gian, nhiều đứa bạn đã từng trêu chọc tôi lại quay qua hỏi bài tôi, chơi với tôi !
• Duy Chiến
Theo Vietnamnet

Chuyện tình cảm động của 'người phi thường'


 - Tôi “ôm” cô ấy bằng mắt! Ngồi bên nhau tâm tình mặc cho đêm đã về khuya, sao trời càng sáng hơn, không gian yên tĩnh lạ thường. Lúc sau nữa, cô ấy ngồi vào lòng tôi, tôi quàng chân ôm chặt lấy nàng xiết vào lòng…

- Thưa thầy, tấm gương vượt khó vươn lên số phận của thầy đã được nhiều người biết tới. Còn chuyện tình yêu của thầy, vẫn còn nhiều bí mật chưa kể ra, thầy có thể “bật mí” chút gì được chứ ạ…
(Cười vang) Tôi luôn được hạnh phúc, may mắn trong tình bạn, tình yêu dù bị liệt cả hai tay!
Hồi học lớp 6, tôi được mời đi nói chuyện ở một trường bạn. Nói chuyện xong có bạn học sinh nữ chạy lên cởi khăn quàng của bạn ấy quàng vào vai tôi.
Tôi sung sướng vô ngần. Chưa hết đâu. Sang lớp 7, cô ấy chuyển trường về học chung lớp với tôi nữa chứ!
Cô ấy có chiếc compa của Trung Quốc rất tốt, thời ấy hiếm lắm và quý lắm, vậy mà cô ấy bỏ vào chiếc cặp của tôi kèm theo mảnh giấy ghi mấy chữ “Thân tặng NNK”.
Hết lớp 7, Liễu, tên cô bạn đi học kế toán. Sau này ai cũng có gia đình nhưng chúng tôi vẫn giữ quan hệ bạn bè cho tới nay, nửa thế kỷ rồi!
Thầy Ký dùng chân cắm hoa
- Đó là tình bạn, còn chuyện tình yêu? Nghe đồn cũng thi vị chẳng kém…
Bắt đầu từ lúc tôi tốt nghiệp đại học về quê dạy cùng thầy Châu, là thầy dạy thời học phổ thông của tôi.
Có anh bạn dẫn em gái tới chơi. Như tình yêu sét đánh, tôi sững sờ. Cô ấy cũng có “tín hiệu”, tôi ngỏ lời với cô ấy. Cái buổi ban đầu mà như thế là nhanh lắm rồi.
Khoảng 20 ngày sau cô ấy đạp xe như bay xuống thăm người anh lúc người anh…đi vắng! Thế là gặp tôi. Chúng tôi trò chuyện, tâm tình.
Cô ấy rủ tôi đi chơi. Lần đầu tiên tôi ngồi sau xe đạp cho một cô gái chở đi trên đường. Bồi hồi, xúc động lắm.
Hạnh phúc bên người vợ thứ 2 cũng là em vợ mình
Chúng tôi đi chơi, trò chuyện, quên hết thảy những gì xung quanh. Đến lúc chợt nhớ ra thì trời đã tối. Cô ấy định về nhưng tôi nhất quyết giữ cô ấy lại. Đêm hôm ấy trời không có trăng, chỉ đầy sao lấp lánh và chúng tôi bên nhau…
- Rồi sao nữa thầy? Bình thường theo đúng “quy luật” thì tới đó phải có nắm tay rồi “hơn thế nữa”, còn thầy có đôi tay mà cũng như không…
(Cười) Tôi “ôm” cô ấy bằng mắt! Ngồi bên nhau tâm tình mặc cho đêm đã về khuya, sao trời càng sáng hơn, không gian yên tĩnh lạ thường…
Lúc sau nữa, cô ấy ngồi vào lòng tôi, tôi quàng chân ôm chặt lấy nàng xiết vào lòng…
- Ôi, độc đáo quá...!
(Thầy Ký kể đến đây thì ngừng lại. Có lẽ thầy đang bồi hồi nhớ lại “cái thưở ban đầu…” của mình. Rồi thầy dùng chân lục trên giá sách lấy ra quyển sổ ghi chép của những khách đến thăm, ngón chân thầy thoăn thoắt giở lật từng trang, tìm ra bài thơ “Thơ vui tặng Nguyễn Ngọc Ký” của nhà thơ Trương Nam Hương cho tôi xem).
Có một người đi học
Sách vở mang trong đầu
Đôi tay mềm dắt gió
Lấy chân mình chép câu
Yêu đương trong trẻo lắm
Không dùng tay…du xuân
Đêm đêm nằm với vợ
Quấn quýt bằng…ba chân
Chờ tôi đọc xong bài thơ, thầy Ký nói tiếp:
“Nàng” chính là vợ đầu của tôi, tên Vũ Thị Nhiễu, cũng là cô giáo, đã gắn bó cùng tôi mấy chục năm trời, gánh vác chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc đời. Cô ấy đã mất chục năm nay rồi!
- So ra, thầy khá “may mắn” và hạnh phúc trong tình yêu phải không thầy?
Cũng không hoàn toàn vậy đâu! Tôi và cô ấy đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt song vấp phải sự phản đối của gia đình cô ấy cũng vô cùng quyết liệt! Vì yêu tôi, cô ấy đã bị ngăn cản, bị đánh đập nhiều lắm đấy!
Ai mà tin con gái xinh đẹp nhất vùng, học hành tới nơi tới chốn mà lại chọn người yêu, người chồng tật nguyền, liệt 2 cánh tay như tôi?
May nhờ nhà thơ Đoàn Văn Cừ ở gần đấy, ông rất quý tôi và có uy tín lớn với bố cô ấy. Bố cô ấy vốn mê thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ông gặp bố vợ tương lai của tôi nói đại ý là tôi có tài, năng lực tốt, cái tên Ngọc Ký cũng rất tốt. Nói tóm lại là “rể quý” đấy.
Và tình yêu, vợ chồng là duyên phận với nhau v.v…Cuối cùng, bố vợ tôi đồng ý! Thế là đám cưới diễn ra, chúng tôi nên vợ chồng!
- Cuộc sống vợ chồng của thầy với đôi tay bị liệt chắc cũng phải “đặc biệt” lắm mới vượt qua mọi trở ngại và có được hạnh phúc?
Vợ chồng tôi đều là giáo viên, cũng như mọi người, phải cố gắng rất nhiều để xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái nên người! Riêng tôi thì luôn phải cố gắng gấp bội so với người bình thường để bù đắp khiếm khuyết, bất hạnh của mình.
- Ngoài đi dạy, về nhà thầy có làm việc trong nhà giúp vợ, chăm con được không? Thầy làm thế nào?
Chẳng việc gì mà tôi không làm cả. Khó xử nhất là giai đoạn vợ chồng tôi còn ở chung nhà với mẹ tôi. Vợ tôi sinh con đầu lòng, nằm cữ, tôi phải cáng đáng việc nhà nhiều hơn.
Đi dạy về lụi cụi làm việc trong nhà. Sáng dậy sớm ra ao giặt đồ cho vợ con. Mẹ tôi thấy vậy, cụ xót ruột, mắng: “Chồng đã liệt 2 tay, đi dạy cả ngày về còn phải dậy sớm giặt đồ, vợ đành lòng để vậy à?”.
Vợ mới sinh nở, sợ vợ buồn, tôi phải động viên, an ủi. Từ đó về sau tôi phải dậy sớm từ lúc còn tờ mờ để mẹ tôi không biết, giặt xong thau đồ rồi lên nằm chờ sáng để đi dạy. Nhờ vậy mà ổn cả đôi đàng!
Đến cuối đời, tình yêu của họ vẫn còn nồng thắm
- Thầy là tấm gương phi thường nhưng vợ thầy cũng là người phụ nữ phi thường dám yêu bằng trái tim và vượt qua mọi thị phi, trở ngại đến với thầy. Trong đời sống vợ chồng, thầy có bí quyết gì để nuôi dưỡng tình yêu tuyệt vời đó cũng như hạnh phúc gia đình của mình?
Hồi đó, nhiều người bảo tôi rằng, chỉ có những đứa con gái ăn không biết trở đầu đũa mới lấy tôi.
Nên khi lấy được người vợ là cô gái xinh đẹp nhất trong vùng, tôi phải cố gắng xây dựng và gìn giữ hạnh phúc của mình.
Bí quyết gì ư? Sống và cố gắng bằng tất cả trái tim mình.
Tôi đã từng tâm sự với bạn bè rằng, tôi bị liệt đôi tay, bù lại, trời thương ban cho tôi hạnh phúc tuyệt vời.
Vợ tôi đúng là "quà tặng của thượng đế" cho tôi. Lúc biết mình sắp mất, vợ tôi rất lo lắng cho tôi, không biết tôi sẽ sống ra sao nếu không có cô ấy bên cạnh. Con cái thì đã lớn, sẽ có vợ có chồng.
Nằm trên giường bệnh mà vợ tôi cứ thổn thức, suy nghĩ.
Em vợ tôi (tức vợ hiện nay của tôi), lúc ấy ở ngoài Bắc, chồng mất đã hơn 10 năm, một mình ở vậy nuôi 2 đứa con, bay vào thăm bà chị sắp mất.
Nằm trên giường, gặp em gái vào thăm, vợ tôi mừng rơi nước mắt, cầm tay em gái nói: “Chị xin em một điều, chị mất đi rồi, em hãy thay chị làm vợ anh Ký, sống và chăm sóc anh ấy những ngày còn lại…”.
Tôi không kìm được nước mắt, quay mặt đi, chẳng biết nói gì.
Thực ra, trước khi em vợ vào, vợ tôi cũng đã trao đổi với tôi mấy lần về việc này, nhưng tôi gạt đi.
Ngờ đâu, cô em vào tới nơi, vợ tôi nói ra được ước nguyện cuối cùng rồi ra đi mãi mãi…
Người vợ thứ hai hiện nay chính là em vợ của tôi, tên Vũ Thị Đậu….
Duy Chiến
Theo Vietnamnet