29/12/10

1001 lý do phụ huynh không cho DU HỌC

Trong khi nhà nhà đua nhau đi du học để hưởng thụ nền văn hóa giáo dục tiên tiến: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, thì ba mẹ mình cứ hễ nhắc đến du học là lắc đầu. Tại sao thế nhỉ?
Vấn đề đầu tiên: "Tiền đâu?"
Đây quả thực là vấn đề khó khăn rồi. Chúng mình quá hiểu là du học tốn kém kinh khủng, vì chưa kể tới học phí thì chi phí cuộc sống (như đi lại, ăn ở, vui chơi,…) cũng luôn ở mức cao không kém. Mà việc làm thêm của học sinh, sinh viên ở nước ngoài chỉ có thể trang trải được phần nhỏ thôi, đi làm nhiều sẽ không có thời gian học và rất mệt nữa. Hơn thế, thời gian học ở nước ngoài của mình lại phụ thuộc vào khả năng học tập và bản lĩnh sống trong một môi trường xa lạ. Một thực tế cho thấy rằng tỉ lệ sinh viên đi học từ bậc ĐH và có thể tốt nghiệp được là rất thấp và mất rất nhiều thời gian. Nghĩa là trước khi đi gia đình chúng mình phải tính cả trường hợp chúng mình học dài dài “ở bển”. Vài tỉ đến vài chục tỉ không phải là chuyện đùa, và chẳng phải phụ huynh nào cũng kham nổi.
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Thử làm một phép so sánh nho nhỏ đi nào!
Giải pháp: Chúng mình phải chung lưng với ba mẹ mới được! Bằng cách apply các học bổng toàn phần, hoặc hơn 50% là tốt nhất, sau đó phải cố gắng giữ nó suốt quá trình học tập, nếu có thể bạn xin ở homestay hoặc kí túc xá, và coi phần tiền ba mẹ vay mượn để lo cho bạn như một khoản đầu tư, tự tin hứa sẽ trả lại bằng lương tháng sau này. Hãy để “cổ đông” ba và mẹ thấy quyết tâm và nỗ lực của mình nhé!
Vấn đề thứ 2: "Con đi du học = mất con"
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng việc học ở nước ngoài vất vả hơn nhiều so với khi học ở trong nước, nào là phải sống xa nhà, có lúc cảm thấy nhớ gia đình mà không về được (do lịch học, do kinh tế chẳng hạn).
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Khả năng làm dâu, làm rể xứ người trong quá trình du học luôn khiến ba mẹ lo lắng.
Trong thời gian ở bên đó, bạn có thể sẽ yêu một người bạn nước ngoài, tốt nghiệp xong có thể kết hôn, vậy là khả năng bạn làm dâu, làm rể xứ người rất lớn. Ba mẹ bạn ở nhà chắc chắn nghĩ rằng: Thôi thế là... mất con rồi. Làm thế nào để ba mẹ thoát khỏi cảm giác hụt hẫng khi đứa con dứt ruột đẻ ra bao nhiêu công chăm sóc nâng niu giờ bỗng trở thành... con nhà người khác?
Giải pháp: Đành phải dùng chiêu “mưa dầm thấm lâu” thôi. Ấy là thỉnh thoảng tỉ tê kể cho mẹ chuyện người thật việc thật: “chị Vy học giỏi nhất trường con ngày trước vừa học ở Úc về, phong thái tự tin và kiến thức tuyệt khỏi chê luôn! Giờ chị ấy không ở lại Úc mà về trường con xin làm giáo viên, thế có tuyệt không cơ chứ!”. Hay lúc nào rảnh chỉ cho ba lên mạng đọc báo về các bạn trẻ đi học xa xứ rồi hồi hương, từ chối lương ngàn đô xứ bạn, ai cũng ngưỡng mộ. Rồi cả những gia đình dù con cái ở xa nhưng vẫn thương nhau, vẫn giữ được tình cảm gắn bó, vẫn nhớ tới quê hương bản xứ. Chắc hẳn sau một thời gian phụ huynh sẽ có cái nhìn khác và thông cảm hơn với con đường mà bạn lựa chọn cho mà xem.
Vấn đề 3: Định kiến, định kiến!
Tớ từng chứng kiến đứa bạn thân bị ba mẹ mắng te tua vì lý do đòi đi du học. Phụ huynh nhỏ bạn bảo là, đi du học thì chỉ có mấy đứa hư hỏng nhà giàu ăn chơi đú đởn không học được ở Việt Nam mới bị gia đình “tống cổ” đi thôi! Ba mẹ nó còn nói thêm: "Sang đấy không có ai quản lí là chơi bời trác táng, hư hỏng sớm chứ làm gì! Ở đây ba mẹ “cơm bưng nước rót” còn chẳng ăn ai, sang đó làm sao mà sống được! Mới có “tí tuổi đầu” mà đã muốn du học du hí cái gì, rồi mất gốc sớm thôi con!".
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Ý thức và đam mê là chìa khoá thuyết phục ba mẹ.
Giải pháp nào đây: Không thể giải quyết những vấn đề to bự này bằng cách bù lu bù loa lên và đóng cửa tuyên bố tuyệt thực! Cách duy nhất mà teen muốn đi du học có thể làm là chứng minh và thuyết phục ba mẹ bằng bản lĩnh của mình. Hãy cho gia đình thấy đam mê thực sự của bạn là được đi để học (chứ không phải để chơi bời cho bằng bạn bằng bè), học cách sống độc lập với sự nỗ lực hết mình (như là khoe ra suất học bổng ước mơ mà bạn đã xin được), ý thức tự giác cao, có khả năng lo liệu cho bản thân, tự vượt qua được những khó khăn và thất bại, và hòa nhập vào xã hội mới (mà không bị hòa tan).
Bây giờ thì, tự hứa với bản thân mình cố gắng lên nhé! Thực ra không có ba mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Quan trọng là chính các bạn có tự tin để thực hiện ước mơ của mình không thôi.
Việt Báo (Theo Ione)

Thời điểm vàng du học Canada Và New Zeland

Đối với Canada, chính sách visa mới thuận lợi hơn bao giờ hết cho học sinh và sinh viên bởi chính phủ đang có chế độ mở cửa định cư cho sinh viên Việt Nam năm 2011. Ngoài ra, học phí cực kỳ ưu đãi ở mức trung bình 8.000 CDA /1 năm. Chính sách visa du học thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chính phủ còn có chính sách hoàn lại 60% tổng học phí 2 năm học tại Canada sau khi được chấp nhận định cư là ưu điểm của chương trình du học tại đây. Hơn nữa, theo thống kê khoảng 90% sinh viên sau cao đẳng, đại học tại đây có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
A4.JPG 
Về du học New Zealand, học sinh, sinh viên có thể chọn các trường đại học công lập hoặc cao đẳng công lập – tư thục với các hỗ trợ bao gồm hoặc một phần các phí gồm: Miễn phí ghi danh (300 NZD), đưa đón sân bay (70 NZD), nhà 2 tuần đầu (400 NZD), tặng sim card (30 NZD), tặng laptop mới và phần mềm cho tất cả sinh viên khóa Diploma (1.500 NZD), phí hội viên của Hiệp hội Công nghệ thông tin (50 NZD) và bảo đảm 80 giờ làm việc tại New Zealand (dành cho sinh viên trả đầy đủ toàn bộ học phí).
Hơn nữa, các trường chuyên đào tạo về du lịch - khách sạn đảm bảo bố trí việc làm thêm cho sinh viên trong thời gian học và thực hành có trả lương trong thời gian thực hành 6 tháng trong một năm. Đây là thu nhập đáng kể, giúp các sinh viên chi trả một phần chi phí du học.
Học sinh có thể chọn học các trường trình phổ thông cấp bằng phổ thông trung học New Zealand hoặc cấp bằng tú tài quốc tế (IB).
Học sinh có thể chọn học bán trú hoặc nội trú. Các học sinh dưới 18 tuổi có người bảo trợ. Khi học xong cấp 3, học sinh chuyển lên đại học và chỉ học 3 năm là hoàn thành bậc cử nhân để nhận bằng đại học. Học phí từ 10.000 đến 14.000 NZD.
Hầu hết các trường đều có học bổng cho sinh vỉên xuất sắc. Trong đó NTEC (National Technology Institute of New Zealand), TP Auckland cấp học bổng 100% học phí trị giá 13.500 NZD (3 suất), 50% học phí trị giá 6.750 NZD (3 suất), 25% học phí trị giá 3.500 NZD (5 suất).
Cát Tường dành riêng 1 tháng chuyên du học Canada và New Zealand từ ngày 01/01/2011. Tất cả các học sinh, sinh viên đăng ký du học trong thời gian này sẽ được hỗ trợ 100% phí visa và phí khám sức khỏe sau khi nhận được visa du học.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công Ty TNHH Tư Vấn Quốc Tế Cát Tường:
Địa chỉ: 395 Lạc Long Quân, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: (04) 3 945 4351
Fax: (04) 3 943 9300
 Thúy Hằng (TMDT-VN)

28/12/10

NAN GIẢI BÀI TOÁN THIẾU GIÁO VIÊN TIẾNG ANH

Vừa qua tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Ngành đào tạo giáo viên (GV) tiểu học với đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020”. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng “nguồn lực GV tiếng Anh tiểu học hiện vừa thiếu, vừa chưa đạt chuẩn”.
Nan giai bai toan thieu giao vien tieng Anh
HS tiểu học trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: H.Triều

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã phần nào đón nhận được sự quan tâm của xã hội, giải quyết được “cơn khát” ngoại ngữ cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường sau 2 năm triển khai đề án (tính đến năm 2010), bài toán về số lượng và chất lượng GV đang là vấn đề nan giải đối với người sử dụng (trường tiểu học) cũng như người đào tạo (trường sư phạm).
Những khó khăn cần giải quyết
ThS. Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Khi triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA), do đội ngũ GV không đáp ứng đủ nhu cầu nên buộc Sở GD-ĐT TP.HCM phải tổ chức kỳ thi khảo sát để giảm số lượng tham gia. Tuy nhiên, trước nhu cầu quá đông của phụ huynh HS, sở quyết định bỏ kỳ thi khảo sát. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thoát ra được khó khăn trong việc tuyển GV đạt chuẩn”. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT thừa nhận, khi triển khai chương trình dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, chỉ có 28/148 GV tiếng Anh đạt chuẩn để dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3. Ở điểm khởi đầu, ít nhất trong 15.000 trường tiểu học phải có 15.000 GV có trình độ tiếng Anh (1 GV/trường), sau đó tăng dần theo từng năm và để có đủ GV cho mục tiêu này cần phải có 30.000 đến 40.000 GV trở lên. Thế nhưng, thực tế hiện nay cả nước chỉ có khoảng 6.000 GV dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Trong khi đó, mỗi năm các khoa ngoại ngữ của các trường sư phạm cũng chỉ cung cấp 300-500 GV mới/năm.
Nhằm giải bài toán thiếu GV, nhiều trường đã mạnh dạn hạ chuẩn GV, theo đó các trường tuyển GV được đào tạo chuyên ngành giáo dục tiểu học rồi cho đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về phương pháp dạy học tiếng Anh... Do tuyển GV bằng hình thức này nên các trường chỉ chú trọng dạy văn phạm ngữ pháp là chính mà không đáp ứng được mục tiêu “dạy ngoại ngữ bậc tiểu học nên chú trọng kỹ năng phát âm và hoạt động giao tiếp”.
Mặt khác, có không ít trường tuyển được GV đạt “chuẩn” rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi GV yếu về kỹ năng sư phạm.
Theo bà Laura Grassick - Giám đốc Chương trình Phát triển giảng dạy tiếng Anh (Hội đồng Anh), HS tiểu học chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, chủ yếu học theo hứng thú và yêu thích. Vì thế GV cần tạo hứng khởi cho HS trong giờ học, thông qua những hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo nhóm hoặc theo cặp. Điều này đòi hỏi GV tiếng Anh tiểu học phải nắm được phương pháp dạy học, kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm, các kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trong bậc tiểu học.
Hướng đi nào cho đúng?
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng số lượng GV dạy tiếng Anh cho HS tiểu học, theo ThS. Nguyễn Minh Giang (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), trong các đối tượng tạo nguồn nên quan tâm nhiều hơn đến GV đang giảng dạy tại các trường tiểu học và sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học khoa ngoại ngữ. Bởi vì hai đối tượng này đã trang bị kiến thức về các môn khoa học cơ bản, tâm sinh lý học lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là được phương pháp, kỹ năng dạy học cho HS tiểu học. Còn TS. Nguyễn Ngọc Vũ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra giải pháp: “Nên có sự phối hợp giữa khoa đào tạo GV tiếng Anh với khoa đào tạo giáo dục tiểu học để giải bài toán nhân lực theo 4 mô hình: cấp bằng ĐH sư phạm và cao đẳng tiếng Anh trong 5 năm; cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học; cấp chứng chỉ giảng dạy cho sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh; xây dựng mô hình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học tại khoa Anh thuộc trường ĐH sư phạm”.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên đòi hỏi các nhà sử dụng phải quan tâm đến vấn đề đầu ra của sinh viên. Hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường đều chọn lựa dạy các trường trung học, trung cấp hoặc làm tại các công ty, bởi lý do mà sinh viên đưa ra “dạy HS tiểu học vất vả, lương thấp, cơ hội thăng tiến về chuyên môn không cao…”.
Trên thực tế, vấn đề này không sai. “Lương GV dạy TATC chỉ 50 ngàn đồng/tiết, trong khi đó để “sống được”, lương tối thiểu phải là 100 ngàn đồng/tiết. Vì vậy, trước mắt cần giải quyết vấn đề lương để thu hút nhân lực. Đồng thời, các trường cũng như Sở GD-ĐT nên phối hợp vận động tuyên truyền sinh viên sư phạm quan tâm hơn nữa đến bậc học này, vì thực chất việc giảng dạy HS tiểu học cũng không “nặng nề” như suy nghĩ của mọi người” - ThS. Lê Ngọc Điệp kiến nghị.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm ông Điệp, tuy nhiên về lâu dài các trường sư phạm nên mở ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học để chủ động hơn trong việc cung cấp đội ngũ GV đạt chuẩn về trình độ, kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của bậc tiểu học.
Việt Báo (Theo BGD)

Việt Nam ơi, tại sao?

Tác giả: NGUYỄN QUANG THẠCH


LTS: "Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?" trong khi Hàn Quốc, cũng xuất phát điểm như ta, nghèo tài nguyên như ta, giờ đã là cường quốc? Câu hỏi này đã đánh động đến tâm thức của nhiều bạn đọc. Bài viết dưới đây của độc giả Nguyễn Quang Thạch, cố gắng trả lời câu hỏi này từ quan điểm riêng của mình, thông qua những quan sát từ đời sống. Có thể những quan sát này của tác giả chưa hẳn đã bao quát và toàn diện, song cũng là một góc nhìn riêng đáng chú ý. Mời bạn đọc cùng tranh luận.
Vài nét về người viết: Nguyễn Quang Thạch là tác giả của sáng kiến xây dựng các tủ sách dòng họ ở những vùng nông thôn Việt Nam, với mong muốn mọi người Việt yêu sách, ham đọc sách. Sáng kiến của anh đã được nhiều người hưởng ứng và thực hiện được trong thực tế.
Những câu hỏi mà Người quan sát đặt ra trong bài Tại sao, Hàn Quốc? tương tự những bậc đại trí của dân tộc cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh... đã đặt ra trong thế kỷ trước. Các cụ đã nhận diện ra những đặc tính xấu và yếu kém mà người Việt cần học người Nhật hay phương Tây để thay đổi nó.
Tiếc thay, lý thuyết khai trí phục quốc và kiến quốc của cụ Phan Chu Trinh đã không thể thành công khi một quốc gia nô lệ với trên 95% dân số mù chữ. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã hiện thực hóa ý tưởng của cụ Phan Chu Trinh một cách khôn khéo và đồng tồn được với Pháp quốc gần 20 năm và đã tạo nền tảng khai trí cho người Việt bằng đơn giản hóa chữ quốc ngữ cũng như phổ biến tri thức cho nhân dân thời đó. Nỗ lực của cụ Vĩnh không "chết yểu" như cụ Phan và di nguyện của cụ đã được tiếp tục từ năm 1945 khi chính phủ Cụ Hồ ra đời.
Khởi nguồn từ phong trào bình dân học vụ với những trí thức được Pháp đào tạo, chỉ trong một thời gian ngắn đã giúp cho hàng triệu người biết chữ. Thành tựu to lớn từ phong trào bình dân học vụ và giáo dục đại chúng đã giúp cho những tá điền và con cái họ biết chữ, có cơ hội học hành lĩnh hội tri thức phục vụ kháng chiến sau này.
Cái được lớn nhất mà chế độ mới đã giành được là tạo ra nền giáo dục đại chúng, ai ai cũng được học hành. Con cháu của những tá điền làm việc cho gia đình tôi trước năm 1954 của thế kỷ trước bây giờ đã trở thành kỹ sư, thạc sỹ và có người là tiến sỹ.
Tôi đã đặt câu hỏi nhiều lần tại sao trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm chống Mỹ, mặc dầu dân trí rất thấp so với bây giờ nhưng lại có đủ trí tuệ để chiến thắng với những đế quốc hùng mạnh? Tại sao bây giờ số lượng kỹ sư, cử nhân và tiến sỹ nhiều gấp hàng chục lần ngày xưa lại chưa góp phần đưa đất nước ngang bằng những nước vốn thiếu điều kiện phát triển như Hàn Quốc, Singapore lúc trước...?
Thực tế trải nghiệm cuộc sống của một công dân sinh ra sau chiến tranh, tôi thấy rằng đất nước chúng ta đã vượt trước năm 1945 nhiều lần nhưng chưa thể bứt phá theo đúng tiềm năng sẵn có mà ít quốc gia khác có được với những nguyên nhân sau.
Chấp nhận sự dối trá và cổ vũ ăn cắp, tham nhũng?
    Bức tranh đám cưới chuột và câu nói "quan tham dân gian" là những minh chứng phản ánh sự chấp nhận và thừa nhận thói dối trá và cổ vũ cho thói ăn cắp và tham nhũng đã nằm trong tâm thức dân chúng tự ngàn đời xưa.
    Vậy còn thời nay thì sao? Bi kịch thay là nạn tham nhũng đang được nhiều người dân từ công chức cổ cồn trắng, quan chức lẫn người dân ngoài bộ máy hành chính, theo một cách nào đó, "cổ vũ" khắp nơi.
    Xin đơn cử vài những hành động biểu thị sự cổ vũ đó:
    - Các cán bộ cấp trên xuống làm việc với cấp dưới thường hoặc phải được đối đãi "tử tế" bằng tiệctùng xa xỉ và phong bì mang về.
    - Bạn bè gặp nhau bằng các bữa tiệc và kẻ chi tiền phần nhiều là những kẻ đục khoét tiền do dân đóng thuế thông qua các công việc đáng lẽ phải làm để phục vụ cộng đồng. Đám bạn bè được chiêu đãi đang tán dương và cổ vũ "tài ăn cắp" của ông bạn mình.
    - Vào bệnh viện, ngoại trừ những người quá nghèo, đều chấp nhận cống nạp cho bác sỹ để mong được chăm sóc theo đúng quy định, vân vân và vân vân.
    - Qua gặp cán bộ địa chính làm sổ đỏ cũng lại lót tay chút đỉnh cho việc mau chạy....
    Hành vi lẫn thói quen cổ vũ tham nhũng đã tạo thành dây xích mà các móc xích vừa to lớn vừa bị ô xy hóa làm cho chúng ta khó thấy được những giá trị thuần kim loại. Thói quen chấp nhận hành vi cũng như cổ vũ tham nhũng đã và đang biến các sợi dây nhỏ mà chính chúng ta không nhận ra thành những sợi dây lớn mà chính chúng ta không thể phá bỏ nó.
    Thực trạng tham nhũng của đất nước ta hiện nay là những siêu dây mà chỉ có thể phá bỏ nó khi mọi người dân coi trung thực là yếu tố nghiễm nhiên của đời sống.
    Không dám đối mặt với chính mình, thích tô vẽ và háo danh
    Giữa thế kỷ 19, người Nhật, một đất nước bị ảnh hưởng khá nặng bởi tư tưởng Khổng Giáo đã dám đối mặt với thực tế là nhìn nhận những khuyết thiếu của dân tộc họ để thay đổi. Người ta dám thừa nhận rằng người Nhật có thần dân chứ không quốc dân Nhật, nghĩa là người ta thừa nhận sự thiếu tinh thần dân tộc trong mỗi công dân. Khi đã nhận ra những khuyết thiếu của chính mình nghĩa là người ta dám thay đổi chính mình và người Nhật đã phi Hán hóa và thoát Á từ đó. Họ đã trở thành cường quốc.
    Người Hàn Quốc từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước cũng đã thừa nhận sự yếu kém của mình và tìm đường đi cho mình với sự đồng thuận trong phong trào Saemaul Undong, một phong trào đã đưa nông dân Hàn Quốc ra khỏi đói nghèo và là nền tảng cho cuộc cách mạng cộng nghiệp.
    Chính phủ Hàn đã xuất khẩu con người để nhập khẩu tri thức, nghĩa là hàng trăm ngàn du học sinh, giáo sư đã sang Nhật, Mỹ và châu Âu để đi "ăn mày tri thức" trong hơn 20 năm trời.
    Việt Nam chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn còn nặng tâm lý và thói quen tô vẽ chính mình và không dám nhìn vào chính mình. Xin hỏi có bao nhiêu công dân chúng ta dám thừa nhận mình kém, bao nhiêu lãnh đạo chúng ta thừa nhận thực tế để thay đổi như anh hùng Kim Ngọc? Bao nhiêu người chỉ dám nhận danh khi danh đấy là chính danh? Bao nhiêu người được tán dương là chuyên gia hàng đầu trong ngành này ngành nọ nhưng xin hỏi cái hàng đầu kia có bán ra chợ thế giới được không?
    Có ấn tượng, ở nhà cha mẹ con cái tô vẽ lẫn nhau; đến trường chúng ta tô vẽ những điều xa rời thực tế; đến cơ quan, sếp và nhân viên tô vẽ nịnh bợ lẫn nhau.
    Quan niệm "tốt khoe, xấu che" là một thứ sai lầm vì cái xấu kia sẽ trở thành vô cùng xấu và lấn át hoặc giết chết cái tốt đẹp lúc nào không hay.
    Thiếu đoàn kết, ghen ăn tức ở
    Thói xấu "trâu buộc ghét trâu ăn" ngày càng phát triển. Câu chuyện 3 người Việt rơi xuống hố và cùng chết ở dưới hố là sự đúc kết đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
    Chúng ta thường tự hào chúng ta đoàn kết nhưng mỗi chúng ta còn ghen ăn tức ở, còn dối trá, còn thích tô vẽ và được tô vẽ, còn thích danh hão...thì đoàn kết ở chỗ nào? Khi mỗi cá nhân còn muốn vơ cho mình những thứ không chính danh thì làm sao chúng ta mong có được đoàn kết thực sự. Có chăng, đó chỉ là cái vỏ đoàn kết che đậy sự chia rẽ bên trong.
    Nhiều lý thuyết, kém hành động, yếu thực hành
    Những năm tháng làm công chức của tôi ở đâu cũng nghe thuyết giảng về điều hay lẽ phải, được nghe những thứ cao siêu về kỹ thuật cầu đường nhưng tiếc rằng các sản phẩm lại là những người công nhân và kỹ sư bám hiện trường.
    Rồi có nhóm người nữa thì suốt ngày ngồi chỉ trích cái này cái kia nhưng bản thân chỉ có hành động nào để thay đổi thực trạng mà họ chỉ trích.
    Cái sự học mà không hành đang nhan nhản khắp mọi nơi. Có kỹ sư cơ khi lên mặt dạy cho anh thợ hàn bậc 5 hàn dầm thép của cầu. Hãy hàn như thế này, hãy hàn như thế kia. Đến khi anh thợ cầu đưa que hàn cho hàn thì anh kỹ sư loay hoay cả tiếng đồng hồ không làm được..
    Thiếu tiêu chuẩn sống
    Thời phong kiến, người ta có tiêu chí sống rõ ràng gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Những tiêu chí này là giới hạn để mọi công dân khi sinh ra và lớn lên cần hướng tới tiêu chuẩn đó. Hiện nay có cảm giác hình như chúng ta đang thiếu vắng nhiều những tiêu chí đó. Nhiều khi, xã hội đánh đồng sự thành đạt đồng nghĩa với giàu có và chức vụ. Khi sự giàu có và danh vọng nằm ngoài giới hạn của đạo đức, lòng nhân ái và trách nhiệm làm người thì đừng mong đất nước đó được tôn trọng.
    Một đất nước có nhiều điều khuyết thiếu như nêu trên liệu đất nước ta có thay đổi được không?
    Tôi có đọc truyện "Người xây ngôi nhà trong giấc mơ", chuyện dài nhưng tôi xin tóm lược như thế này:
    Có người đàn ông ly quê 11 năm và đã học được nghề mộc. Sau khi về làng, người thợ mộc lại tiếp tục hành trình 10 làm thuê nhưng hầu như ông không lấy công bằng tiền mặt mà chỉ xin chủ nhà cho mình một khúc gỗ dài ngắn khác nhau tùy theo công của mình. Đêm đêm, ông đục đẽo những khúc gỗ thành từng bộ phận của ngôi nhà theo giấc mơ của mình chính xác một cách tuyệt vời.
    Mười năm sau ông dựng lên ngôi nhà mà người thường mơ thấy cả trong những năm tháng đói nghèo tha phương. Một ngôi nhà gỗ mái ngói bảy gian. Đó là một ngôi nhà rất lớn thời đó.
    Khi khánh thành nhà, người anh thúc bá với ông thợ mộc cầm chiếc ba-toong khệnh khạng bước đến đập vào mái nhà ông và nói: "Chúng bay định xây nhà to hơn người khác à. Rồi chúng bay cũng bán nhà và đi ăn mày thôi. Thớ chúng bay không được ở nhà cao cửa rộng ". Ông thợ mộc không nói một câu gì mà chỉ cầm miếng ngói vỡ cài dưới mái nhà nơi ông tôi nằm ngủ. Ông thợ mộc làm vậy để đêm đêm mỗi khi đi ngủ nhìn thấy miếng ngói vỡ mà nhớ đến lời rủa độc của người anh thúc bá để dù chết cũng không bán ngôi nhà.
    Theo di nguyện của ông, đến đời con và cháu của ông thợ mộc kể trên không những không bán ngôi nhà mà còn làm một ngôi nhà to hơn ở bên ngôi nhà trăm tuổi đó. Tư tưởng của ông thợ mộc đã giúp cho con cháu và dòng tộc trường tồn và hùng mạnh.
    Nếu mỗi công dân chúng ta mơ về một Việt Nam được tôn trọng bởi tính trung thực, bởi lòng yêu thương con người, bởi những con tàu ra đại dương, bởi những tàu vũ trụ và chúng ta kiên trì hành động với tinh thần của ông thợ mộc và con cháu ông thì 50 năm sau một công dân của một đất nước nào sẽ gọi tên Việt Nam với sự thán phục và tôn trọng như chúng ta gọi tên Hàn Quốc và Nhật Bản như bây giờ.
    Nguồn Vietnamnet

    Bảo vệ Tổ quốc bằng tư duy mới và tầm nhìn thời đại

    Tác giả: ANH PHƯƠNG

    Cuối năm 2009, một loạt tờ báo nước ngoài dành đất để bàn về các hợp đồng mua sắm vũ khí của Việt Nam, với những câu hỏi về nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực và những đồn đoán về động cơ đằng sau.

    "Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam chạy đua vũ trang, bởi quan điểm của Đảng, Chính phủ Việt Nam là xây dựng được một nền quốc phòng đủ mạnh để tự vệ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ", Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã lên tiếng trong một hội nghị tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm 2010.
    Thông điệp phát đi từ một hội nghị trong nước dù sao vẫn khó vọng tới được những người bạn bên ngoài biên giới Việt Nam, những người đang mang sự nghi kị khi mối quan tâm đến sự lớn mạnh của quân đội Việt Nam lớn hơn cùng với sự gia tăng về vị thế của đất nước này. Việc đầu tư xây dựng và phát triển quân đội không còn là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia khi hội nhập.
    Với những nỗ lực và hành động cụ thể, thiết thực trong năm ASEAN vừa qua, quân đội Việt Nam có lẽ đã chứng tỏ với khu vực và thế giới tin về một Việt Nam hòa bình, hòa hiếu với chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không xâm phạm ai.
    Đàm để không phải đánh
    Người phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói rõ: trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, không thể mở rộng quan hệ quốc tế mà thiếu lòng tin. Quốc phòng lại là lĩnh vực nhạy cảm nhất, nên tăng cởi mở, minh bạch trong hoạt động quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng chính là để xây dựng và củng cố lòng tin.
    Ảnh Lê Anh Dũng
    "Chuyên nghiệp và cởi mở đến khó tin", một phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội có mặt tại phiên họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã phải thốt lên như vậy.
    Từng đọc nhiều sách báo về những người lính Việt Nam, quen với câu chuyện về sự dũng cảm, tính nguyên tắc của những người trong quân ngũ, và cả tính nhạy cảm, bí mật của lĩnh vực này, năm 2010 là một sự trải nghiệm mới mẻ của anh phóng viên nọ để có cái nhìn khác, chân xác hơn về lính Cụ Hồ thời đại mới.
    Lịch sử của dải đất Việt Nam quá nhiều thương đau chiến tranh gắn liền với những hi sinh và chiến công của người lính. Những thắng lợi trên chiến trường của quân đội tạo đà để những nhà ngoại giao hoàn thành sứ mệnh đàm phán vì tự do, độc lập và hòa bình cho tổ quốc. Thế nhưng, giờ đây, bàn đàm phán không còn là lãnh địa riêng của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
    Ngay cả người Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh lạ về anh bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ còn là ba lô, súng ống, và đạn dược, vũ khí... những bài tập vất vả nơi thao trường... và những hi sinh nơi chiến trường, màu xanh áo lính đã ghi dấu ấn trong tâm trí người Việt ở vị trí khác: bên bàn hội nghị, giữa những cuộc tiếp tân, những cái bắt tay...
    "Có việc thì đi, cần vũ khí thì mua, giống như tất cả các nước khác. Hợp tác với nhiều nước nhưng không phương hại tới lợi ích của nước thứ ba", vị tướng già của binh đoàn Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nói như vậy.
    Hàng chục hội nghị lớn nhỏ của giới quân sự đã được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2010. Một loạt các vấn đề lớn đã được đặt lên bàn thảo luận của những người mặc quân phục các quốc gia, dưới sự chủ trì của chủ nhà Việt Nam, bao gồm những vấn đề lợi ích sát sườn của Việt Nam như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
    Chưa bao giờ, tần suất đi của bộ đội Việt Nam ra các nước, cả trong khu vực và các nước lớn đối tác lại dày như năm nay, cả chính thức và không chính thức, nhằm tham vấn.
    Không chỉ đi, quân đội Việt Nam còn vời bạn đến với mình, để hiểu và tin, để cùng thảo luận, thỏa thuận và hợp tác thực.
    5 chuyến thăm chính thức cấp Bộ trưởng Quốc phòng đến Việt Nam cùng với việc hàng loạt các tàu hải quân các nước cập cảng, ghé thăm Việt Nam trong một năm... là quá đủ để thấy nhu cầu đi và đến của quân đội Việt.
    Chỉ riêng để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức, ngay từ đầu năm 2010, khó có thể đếm được bao nhiêu chuyến tham vấn đã được Việt Nam tổ chức, đến từng nước thành viên ASEAN, ban thư kí ASEAN cũng như các đối tác cộng.
    Từ việc chưa thật rõ ý kiến của các nước ASEAN về hiện thực hóa ADMM+ và hầu như không có thông tin về thái độ của các nước đối tác đối thoại với tiến trình này, Việt Nam đã lắng nghe, nắm bắt, cập nhật và chia sẻ thông tin với các nước qua tham vấn, từ đó tạo đồng thuận để có được cơ chế hợp tác mới.
    Đó là chưa kể việc Việt Nam tranh thủ các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế như Đối thoại Shangri-La, Đối thoại Nhật Bản - ASEAN, các hội nghị ARF... để vận động cho tiến trình này.
    "Chưa từng có nước chủ tịch ADMM nào tổ chức tham vấn toàn diện như Việt Nam, vừa phản ánh trách nhiệm cao vừa cho thấy tầm nhìn và cách tiếp cận đúng đắn của nước chủ tịch", Phó Tổng thư kí ASEAN đã nhận xét như vậy.
    Sau 4 năm chuẩn bị, khi thời gian tiến tới ADMM+ đầu tiên chỉ còn tính bằng ngày và công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn tất, các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tiếp tục lên đường để giúp các nước làm công tác chuẩn bị và sẵn sàng phối hợp với các nước đưa các sáng kiến mới ra Hội nghị hướng tới Hội nghị ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp.
    Ảnh Lê Anh Dũng
    Cao điểm thách thức kĩ năng ngoại giao chuyên nghiệp của các anh lính Cụ Hồ phải kể đến thời điểm từ cuối tháng 7 năm 2010, sau ARF tại Hà Nội. Bầu không khí trong khu vực "tích điện" với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về tình hình Biển Đông, và phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, bỏ ra khỏi phòng họp 30 phút và trở lại với thái độ cứng rắn.
    Những người quan tâm đến an ninh khu vực nín thở lo cho Việt Nam trong vai trò chuẩn bị hội nghị ADMM+ vào tháng 10 tới ở Hà Nội, với băn khoăn, liệu Biển Đông, mối quan tâm lớn của các nước lớn và khu vực có được nêu ra tại Hội nghị.
    Sẽ là thất bại chung nếu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vắng mặt nhưng cũng là thất bại không của riêng Việt Nam nếu Biển Đông hoàn toàn vắng bóng trong chương trình nghị sự.
    Hội nghị ADMM+ với cách tiếp cận mềm về Biển Đông đủ làm hài lòng tất cả các bên là minh chứng hùng hồn cho sự ngoại giao chuyên nghiệp của những người vốn bị mặc định gắn với súng đạn, binh đao.
    Một nhận thức mới, một tư duy mới về quân đội, về quốc phòng đang ngày càng sáng tỏ, với những nỗ lực "đàm" thay vì tập trung lo nhiệm vụ "đánh" như trước đây.
    Đổi tư duy
    Hợp tác trong quốc phòng không còn chỉ ở việc hỗ trợ khí tài, đạn dược, không chỉ cắt cử cố vấn... để giúp quân đội Việt Nam ăn no, đánh thắng như trong thời chiến.
    Cái nhìn về quân đội Việt Nam cũng không còn là sự nghi kị, thăm dò bởi đã "đánh thắng hai đế quốc to", với số lượng quân đông đảo nhất khu vực, với sức mạnh quân sự được xếp hàng đầu thế giới như khi Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, bắt đầu hội nhập khu vực.
    Cùng với sự hội nhập của đất nước, từ những hợp tác mang tính thăm dò ở khu vực những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, rồi khởi động hợp tác quốc phòng đa phương ở cấp thấp trong khuôn khổ ASEAN sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức khu vực, quân đội Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập cùng khu vực và thế giới.
    Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng chỉ ra, mối lo về ngoại xâm, về chiến tranh đã bớt, nhưng Việt Nam lại đối mặt với "những hình thức xâm lăng mới hiện nay tinh vi hơn, khó nhận biết hơn trước rất nhiều như xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa, nước lớn chèn ép, bắt chẹt nước nhỏ về kinh tế".
    Lực lượng quân đội mạnh, vũ khí trang bị tốt là cần nhưng sẽ là chưa đủ để thực hiện bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã nói: Quốc phòng đồng nghĩa với bảo vệ tổ quốc, mà kế sách bảo vệ tổ quốc cao nhất của cha ông ta là củng cố hòa bình và không để ai xâm lược nước mình...
    Chỉ vài năm trước, có lẽ vẫn còn không ít dè dặt đối với hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ thì nay, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi trả lời trên Thanh Niên mới đây đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh sự có mặt của Mỹ ở khu vực này. Nếu nhìn từ lịch sử, không thể không nói đây là một bước đổi mới tư duy "địch- ta".
    Thực tế, "cỗ máy chiến tranh" Mỹ từng gây đau thương cho đất nước này đã trở lại trên tư cách mới, những đối tác. Những tàu sân bay, tàu khu trục ghé cảng Việt Nam, mời sĩ quan quân đội Việt lên tham quan, trao đổi.. đã truyền đi thông điệp về sự thay đổi nhận thức và hành động của những cựu thù.
    "Đối với một nước không lớn như Việt Nam, sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ ở khu vực là một thực tế khách quan. Không có gì phải lo ngại về vấn đề này... Cách ứng xử tốt nhất của Việt Nam là giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực",ông Nguyễn Chí Vịnh giải thích.
    Từ tư duy đó, quân đội Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với tất cả quân đội các cường quốc, một minh chứng cho đường lối đối ngoại quốc phòng đúng đắn như một phương sách bảo vệ tổ quốc cao nhất - xây dựng và củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để đất nước phát triển.
    Bảo vệ tổ quốc, hơn lúc nào hết, cần những cái đầu tỉnh táo, hiểu thời cuộc, hiểu mình và hiểu người. Và những người lính Cụ Hồ trong thế kỉ 21 đang tạo dựng một hình tượng mới như vậy về mình.
    Nguồn Vietnamnet