17/1/11

Dắt nhau rời khỏi trường quốc tế


Buổi sang cuối tháng 12, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 (TP.HCM) đã phải từ chối lời xin chuyển trường của một phụ huynh có con đang học trường mang danh quốc tế. Trong những ngày sắp hết học kỳ 1 này, bà đã nói không với nhiều trường hợp tương tự.
Ngày càng nhiều


Các trường quốc tế chủ yếu dạy theo chương trình được quy định của Bộ GD-ĐT và dạy thêm một vài môn bằng tiếng nước ngoài. Ảnh chỉ có tính chất minh họa
“Chạy khỏi” hay “tháo chạy” khỏi trường quốc tế là những từ ngữ được dùng để phản ánh một trào lưu ngược đang manh nha của các phụ huynh hiện nay. Hiện tượng này sốt tới mức, mới đây nhất, ở Hà Nội đã có một văn bản quy định không cho phép học sinh từ các trường dân lập chuyển về trường công lập “ngang xương”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 5 (TP.HCM) chia sẻ với báo Giáo dục TP.HCM trường hợp một học sinh lớp 4 từ trường quốc tế chuyển qua. Vào lớp,  cháu học gần như kém nhất, đặc biệt là môn tập làm văn, chữ viết xấu”.

Một trường hợp khác được dẫn lại từ lời kể của hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1: Khi được nhà trường xếp vào lớp đang học chương trình Tiếng Anh Cambridge thì khả năng của em không có gì nổi bật so với các bạn, dù khi chuyển con về, phụ huynh khẳng định trình độ tiếng Anh của con mình khá giỏi.

Ở Hà Nội những năm gần đây, thêm nhiều trường học từ bậc mầm non xuất hiện cũng chiêu sinh theo giới thiệu là trường quốc tế”. Tuy nhiên, theo phản ánh của báo Lao Động, không phải phụ huynh nào bỏ ra tiền tỉ cũng thu lại được kết quả như mong muốn.

Sau hơn một năm cho con học trường ở khu vực Mỹ Đình, chj Thu Trang (quận Hoàn Kiếm) nhận thấy con vẫn “hổng” kiến thức dù có điểm số trên lớp cao nên đã thuê gia sư kèm cặp thêm. Chưa kể, vốn tiếng Anh của cháu yếu. Hiện tại, chị đang mắc mứu giữa chuyện tiếp tục cho con theo học "nội" hay "ngoại".

Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục các quận ở TP.HCM cho hay, hai năm gần đây, ngày càng nhiều phụ huynh có con học trường quốc tế muốn chuyển con về trường công lập. Đầu năm học 2010 - 2011 các trường trên địa bàn quận 1 đã tiếp nhận 79 HS từ các trường quốc tế chuyển về. Con số này ở quận 5 là 85.

Trong bài viết đăng hồi tháng 10, báo Tuổi Trẻ dẫn tâm sự của một phụ huynh cho biết, chị khá hài lòng chuyện phục vụ, chăm sóc cho các cháu ngủ, nghỉ ở trường quốc tế. “Nhưng có nhiều chuyện khác, mà phải ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Ngoài lý do phổ biến là không lường hết mức tăng học phí chóng mặt, chị và các phụ huynh nản lòng hơn cả là việc đổi giáo viên liên tục vào đầu năm học: “Cứ 2 - 3 tuần, lại thấy tên cô giáo mới trong sổ báo bài”.

Lo lắng chuyện con nhầm tưởng về khả năng của mình vì thường được nhận điểm cao, lo lắng việc con không rành giao tiếp tiếng Việt, không rành lễ nghĩa… cũng là những lý do khiến phụ huynh quyết định không kiên trì con đường “học quốc tế” cho con.

Dạy học theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, buổi tối học sinh không phải học bài, làm bài tập, không phải đi học thêm... là chủ trương mà nhiều trường quốc tế áp dụng. Trong khi đó, đây cũng là những trường dạy theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Hiệu trưởng một trường quốc tế thẳng thắn: So với tần suất phải đi học thêm tại nhà cô giáo vào buổi tối, rồi về nhà tự học thì học sinh trường ông chỉ đạt “chuẩn” kiến thức.

Trong chủ đề “Chọn trường điểm hay trường quốc tế” trên diễn đàn webtretho, chia sẻ của một phụ huynh từng làm việc trong môi trường này nhận được nhiều sự đồng cảm của các thành viên.

Theo chị, trẻ em học ở trường  quốc tế đều có hoàn cảnh gia đình khá giả, đa số các em không  biết coi trọng đồng tiền, đua đòi và chạy theo những giá trị vật chất quá nhiều. Các em cũng không biết chia sẽ vì xung quanh bạn bè ai cũng giàu có nên ko cần phải chia sẽ hay cảm thông gì cả. Một điều tế nhị là các học trò chủ yếu chỉ nghe lời giáo viên của mình, là người nước ngoài, nhưng không có thái độ như vậy với giáo viên, trợ giảng người Việt.

Một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại 1 trường cấp 3 ở TP.HCM, gia đình khá giả, đủ sức lo cho con vào trường quốc tế, góp chuyện để các phụ huynh thông tin tham khảo: Chị từng hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập môn GDCD, các em đều rất giỏi chuyên môn nhưng sau khi ra trường không xin được dạy đúng chuyên môn, các em xin vào trường quốc tế và được bố trí dạy lớp 1,2,3...

Đâu là lựa chọn tốt nhất?

Theo dõi câu chuyện “thay đường học giữa dòng” cho con, chị Phan Thanh Thảo phân tích: Có thể phụ huynh chưa để ý đến 3 vấn đề thực tế của trường quốc tế tại Việt Nam nên khi cho con học, không lường tới những điều không mong muốn phát sinh.

Đó là, ngoài số rất ít các trường học theo chương trình nước ngòai, hầu hết chương trình học là chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT  quy định như tất cả các trường khác trong nước. Thầy cô giáo là người Việt được đào tạo trong nước và các trường quốc tế đều đi thuê địa điểm dạy và học (nên học phí phải tính cả phần thuê cơ sở vật chất này nữa).

Tuy nhiên, phụ huynh Lâm Thúy Ái kiên định: Chuyện con học như thế nào là do quan niệm của cha mẹ. Gia đình chị quan niệm những năm đầu đời bé chỉ cần những gì căn bản nhất nên không có những tiêu chí khắt khe với con.

Chị Linh Trần thì cho hay, một học sinh học dù ở bất kỳ môi trường nào nếu không có sự kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh thì đều mất căn bản chứ không riêng ở trường quốc tế.

“Trách nhiệm của các bậc cha mẹ ở trên là gì khi không dạy dỗ được con em họ nhưng lời chào hỏi thân mật trong giao tiếp hằng ngày, họ có bỏ thời gian ra để xem bài vở của con em mình ở trường không, có ở bên cạnh để động viên khích lệ con em học tập không?”.

 Trước khi cho con theo học trường quốc tế thì các bậc phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ vài điều dưới đây:

1. Trường mà bạn muốn cho con bạn theo học có thật sự là trường quốc tế hay không? Khi tìm hiểu một trường, hãy đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo (ví dụ trường BIS dạy theo chương trình của Anh, SSIS theo chương trình Mỹ...).

2. Quan tâm đến đội ngũ giáo viên của trường, tiếp xúc và tìm hiểu trình độ chuyên môn của họ.

3. Tiền rất quan trọng. Nếu vẫn có nguy cơ  "đứt gánh nữa đường" thì bạn sẽ dễ khiến cho con của mình lưu vong ngay trên chính quê hương.

4. Nên xem xét điều mình thật sự muốn ở con mình. Nếu bạn đơn thuần chỉ muốn con có một chương trình học dễ dàng hơn thì trường quốc tế không hề giúp ích cho con bạn vì chương trình  học của họ tuy không nặng theo kiểu Việt Nam, nhưng cũng không nhẹ một chút nào. Hay nếu bạn muốn con bạn sau này thuận tiện du học nước ngoài thì học ở trường công lập VN hay trường quốc tế đều như nhau hết vì các em đều phải vượt qua những kì thi như SAT, IELTS....

Giá trị lớn nhất của việc học ở một trường quốc tế là  các em được tự do thể hiện và phát triển theo đúng năng khiếu, khả năng sáng tạo.  Ngoài ra, việc cho con học trường quốc tế cũng có giá trị về mặt thương hiệu cho chính gia đình phụ huynh.

(Theo webtretho)

Nguồn : Timnhanh.com

Dứa trộn ngũ sắc tràn không khí xuân


Với những nguyên liệu sẵn có trong nhà ngày Tết, món trộn này vừa nhanh vừa lạ miệng lại nhiều màu sắc, thích hợp cho không khí vui vẻ ngày Tết hoặc đột xuất có khách đến chơi nhà.
1552596686_dua9
Nguyên liệu:
Thơm (dứa), dưa hành, củ kiệu, rau húng lủi
Khô bò, khô mực, tôm khô
Nước mắm, chanh, tương ớt, đường
Cách làm:
1929526896_dua22
Tôm khô ngâm mềm, cho ít dầu vào chảo phi thơm tỏi băm, chao tôm khô qua dầu, rắc chút xíu đường cho tôm được bóng.
Nguyên liệu mỗi thứ một ít cắt vừa miếng ăn. (hình 1, 2)
Pha chén nước trộn: nước mắm, đường, tương ớt, nước cốt chanh mỗi thứ 1 muỗng, nếu thích có thể thêm một muỗng dầu ăn, hòa tan đều tất cả.
142006373_dua9
Trộn đều các nguyên liệu đã thái nhỏ và nước trộn vừa pha (hình 3), bày ra đĩa, trang trí với ít húng lủi.
Chúc các bạn vui Tết!
Nguôn: Timnhanh.com

Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng

 
Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng
Một bát phở có giá 750.000 đồng

Thứ Hai, ngày 17/01/2011, 07:20
(Tin tuc 24h) -
Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng/1 tháng.


Thực phẩm “bẩn” len lỏi vào từng ngõ ngách, đe dọa sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng. Trước thực trạng “đụng đâu cũng thấy chất độc”, một bộ phận những người có điều kiện kinh tế khá giả đã chịu chi những khoản tiền không nhỏ để ăn uống ở các nhà hàng sang trọng nhằm đổi lấy sự an toàn. Có những người thường xuyên ăn một bát phở có giá 750.000 đồng mỗi sáng sớm, đến cuối tuần lại dẫn cả gia đình đi ăn cùng. Ước tính số tiền chi cho một bữa sáng như vậy cũng hết gần chục triệu đồng.

Ăn một bát phở giá 750.000 đồng
Kể từ nửa năm trở lại đây, anh Thắng – chủ một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội – thường đến ăn món phở khá nổi tiếng tại nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ.
Loại phở này có 6 loại khác nhau với nhiều mức giá khác và chênh nhau tương đối lớn, gồm: Phở bò Kobe gyu ‘5’ giá 750.000 đồng/bát; phở bò Kobe ‘M’ giá 500.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn là phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. “Bình dân” hơn nữa là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát. 2 loại có giá thấp nhất là phở bò Úc ‘S’ giá 85.000 đồng/bát và phở nạm bò Mỹ giá 70.000 đồng/bát.
Tổng Giám đốc kiêm chủ nhà hàng này cho biết, loại phở giá 500.000 đồng/bát và 750.000 đồng/bát xuất hiện khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Đặc điểm của loại thịt bò dùng cho loại phở này là khi cho vào miệng, miếng thịt sẽ tan nhanh, rất mềm, rất giòn, đậm đà và giàu dinh dưỡng. Thay vì nhà hàng nhúng thịt bò trước, khi ăn bát phở này, khách hàng sẽ tự tay nhúng lấy.
Đại gia chi gần chục triệu ăn sáng, Tin tức trong ngày, dai gia, an pho, an sang, ve sinh an toan thuc pham, ung thu, tin tuc 24h
Thay vì nhúng từ trước, khách hàng sẽ tự tay nhúng trực tiếp thịt bào để mọi chất bổ dưỡng đều đi vào bát phở. Giá cao nhất cho một bát phở này là 750.000 đồng
Hiện nay, số thực khách lựa chọn loại phở đắt nhất này xuất hiện ngày càng nhiều (chính ông chủ nhà hàng này cũng không ngờ món này lại hút khách đến vậy). Song, sự lựa chọn phổ biến nhất vẫn là phở bò Mỹ giá 125.000 đồng/bát và phở bò Wagyu Úc giá 220.000 đồng/bát. Điểm đáng chú ý là trong số những thực khách sử dụng các món phở trên, có nhiều người vì nhu cầu cá nhân chứ không vì phải tiếp khách hay phải chiêu đãi đối tác, vv..

Nhiều người nghe mức giá dành cho một bát phở như trên tỏ ra khá giật mình. Có người còn hóm hỉnh “quy đổi” 1 bát phở bò Kobe gyu ‘5” giá 750.000 đồng ra thành tiền dùng để đi nhậu thì thấy: Khoản tiền 750.000 đồng có thể thoải mái cho một bữa nhậu 4 người với rượu và nhiều món ăn đa dạng!

Nhưng những người như anh Thắng lại không nghĩ vậy. Anh Thắng cho rằng, với tình hình vệ sinh thực phẩm gần như bị thả nổi hiện nay, nếu ăn uống ở những nhà hàng nhỏ lẻ, quán ăn ven đường, … không có hệ thống kiểm tra chất lượng và phát hiện độc chất thì anh không yên tâm.

Anh Thắng bày tỏ: “Tôi không nghĩ tôi đến đây vì thích chơi sang. Đơn giản là vì tôi có thể trả 750.000 đồng cho 1 bát phở mà tôi nghĩ là ngon, an toàn và tôi cảm thấy an tâm, thoải mái vì điều đó”.
Trung bình mỗi tuần anh Thắng đến nhà hàng này ăn phở 2-3 lần. Vào cuối tuần rảnh rỗi hoặc muốn xả stress, anh cũng thường đưa cả vợ, 2 con và ông bà nội ngoại đến ăn cùng, mỗi người có thể chọn loại phở theo sở thích riêng của mình.

“Tôi thấy kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển mạnh và sản sinh ra một tầng lớp giàu có, tiền với họ không phải là vấn đề quá quan trọng. Là chủ nhà hàng này, thời gian gần đây tôi thường xuyên tiếp những gia đình 3 thế hệ đến ăn phở vào mỗi sáng cuối tuần. Cả tiền đồ uống, café, hóa đơn thanh toán cho mỗi lần ăn sáng cũng có thể là gần chục triệu đồng”, chủ nhà hàng cho biết.

Thậm chí, có những vị khách thân quen ăn thường xuyên ở đây đã trên 2 năm, ngày nào nhà hàng cũng phải giữ một chỗ đặc biệt cho vị khách này. Toàn nhà hàng có khoảng 150 chỗ ngồi, nhưng vào giờ cao điểm (7-9h sáng) đều hết sạch chỗ ngồi. Đến ngày cuối tuần, theo lời ông chủ, thì nhiều khách muốn vào ăn còn phải lái xe ô tô chạy nhiều vòng bên ngoài để tìm chỗ đậu xe vì sân nhà hàng đã chật kín xế hộp.

Càng giàu càng ăn sạch
Không chỉ ăn sáng, nhiều người giàu ở Hà Nội chọn ăn trưa hoặc ăn tối cũng ở những nơi sang trọng, đắt đỏ để đạt được cảm giác an tâm.
Bà Thùy Anh, phụ trách truyền thông của khách sạn M. cho biết, khách sạn có đặc thù là thường phục vụ ăn cho khách nước ngoài, khách tham gia hội nghị hội thảo nên đối tượng đến ăn vì nhu cầu cá nhân trước đây xuất hiện không thường xuyên. Nhưng hiện nay thì tình hình đã đổi khác.
“Dù không có một thống kê nào về việc có bao nhiêu người đến đây ăn vì nhu cầu ăn uống cá nhân thông thường nhưng đối tượng cá nhân, hộ gia đình đến đây ăn xuất hiện ngày càng nhiều”, bà Thùy Anh nói.
Để đáp ứng được xu hướng này của khách hàng, khách sạn M. đã đưa ra ngày càng nhiều món ăn thuần Việt hơn và đưa ra một số “gói” sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.
“Cuối tuần chúng tôi có gói ăn sáng kèm ăn trưa cùng, kéo dài từ 9h sáng đến 2h chiều. Giá cho mỗi suất ăn của người lớn là 620.000 đồng, chưa để đồ uống và 10% VAT cùng các chi phí khác. Trên thực tế, rất nhiều người lựa chọn những suất ăn như thế này, số gia đình đi đến 6-7 người vào cuối tuần rất phổ biến và họ đến khá thường xuyên”, bà Thùy Anh nói.

Còn tại chuỗi nhà hàng “bình dân” hơn, một giám đốc Marketing cũng cho biết, lượng khách gia đình đến ăn tại đây cũng chiếm đến khoảng 40%. Những đối tượng đi ăn nhỏ lẻ đến rất thường xuyên.
Các nhà hàng này còn đưa ra những thực đơn có lợi cho sức khỏe với những món ăn nhiều rau để khách hàng lựa chọn, bởi, hiện nay người có điều kiện kinh tế tốt thực sự không tiếc tiền để được sử dụng những gì có lợi nhất cho sức khỏe.

1/3 bệnh nhân ung thư có nguyên nhân liên quan đến cách ăn uống
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy: Tỷ lệ mắc ung thư (tỷ lệ chung cho tất cả các loại ung thư) ở nam giới Việt Nam năm 2010 là 181,3 người/100.000 người. Năm 2000, tỷ lệ này là 146,6 người/100.000 người.
Còn ở nữa giới, tỷ lệ này năm 2010 là 134,9 người/100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư năm 2000 ở nữ chỉ là 101,6 người/100.000 người.
Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 8/12/2010, bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP HCM đã đưa ra một con số đáng lưu ý: “Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy 1/3 những người mắc bệnh ung thư là do có vấn đề trong ăn uống.
Nếu thức ăn hàng ngày nhiễm độc, ăn vào cơ thể, lâu ngày sẽ tích tụ gây bệnh. Hiện nay cũng có nhiều người ăn rau ít, chất béo nhiều, nhậu nhiều, trẻ em còn nhỏ nhưng cũng được đưa đi ăn ở các tiệm bán thức ăn nhanh – nơi có nhiều món ăn giàu chất béo, gây béo phì. Đó cũng là một yếu tố gây ung thư”.

Những đứa trẻ mưu sinh trong giá lạnh

Thứ Hai, ngày 17/01/2011, 15:30
 
Những đứa trẻ mưu sinh trong giá lạnh
Tranh thủ đánh giày kiếm tiền



(Tin tuc 24h) - Giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông khắc nghiệt, trên phố thấp thoáng bước chân người vội vàng qua đường. Những đứa trẻ với đôi chân trần và chiếc áo mỏng manh vẫn ngày đêm lang thang giữa thành phố kiếm kế mưu sinh.

Hơn tuần qua, Nghệ An phải hứng chịu những đợt rét đậm, rét hại tăng cường tấn công. Người dân ra đường với nhiều lớp áo ấm mà vẫn cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương. Đi dọc các tuyến đường trong TP Vinh, không hiếm cảnh những đứa trẻ lang thang tìm kế mưu sinh với đủ nghề, mong kiếm được chút tiền mua sách vở, quần áo cho một cái Tết yên ấm hơn.

Với đôi chân trần và manh áo mỏng khoác ngoài, đôi môi đã thâm đen vì lạnh, em Phạm Văn Thanh, 12 tuổi (quê ở xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) lắp bắp: “Mấy hôm nay trời rất lạnh nhưng em vẫn phải đi đánh giày. Gia đình khó khăn nên em phải tự bươn chải cuộc sống. Nhiều hôm lạnh quá, tay chân tê buốt, em phải nghỉ tạm vào một góc hè nào đấy cho đỡ rồi lại tiếp tục công việc. Tham công tiếc việc nên em luôn phải tới trường với cái bụng đói vì không kịp ăn gì”.
Những đứa trẻ mưu sinh trong giá lạnh, Tin tức trong ngày, danh giay, te danh giay, tre lang thang, ret dam, tin tuc 24h
Nhìn dáng người nhỏ bé nhưng Hiếu đã có hơn 2 năm kinh nghiệm đánh giày giữa TP Vinh
Vất vả hơn Thanh là Hoàng, quê ở tận huyện Diễn Châu, được nghỉ học là Hoàng xin phép bố mẹ vào thành phố Vinh đánh giày. “Em chỉ tranh thủ được hai ngày cuối tuần để kiếm tiền thôi. May mắn vào những ngày nắng ấm, khách hàng nhiều thì em cũng kiếm được 50.000/ngày. Nhưng mấy hôm nay trời lạnh, người dân rất ít ra đường, làm chăm chỉ cả ngày nhưng em cũng chẳng kiếm được là bao”, Hoàng vừa xuýt xoa vừa nói.
Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi định hỏi, Hoàng phân trần: “Mặc thế này cũng lạnh lắm anh ạ, nhưng đi nhiều nên em cũng quen dần với thời tiết. Em chỉ thương mẹ và các em nhỏ ở nhà không một manh áo mùa đông để mặc mà vẫn vật lộn ngoài đồng với con tôm, mớ cá đi chợ".
Các em mưu sinh bằng nghề đánh giày chủ yếu ở độ tuổi từ 10 - 15 tuổi. Từ nhỏ, các em đã phải lăn lộn với miếng cơm, manh áo hàng ngày, số ít các em may mắn là còn đi học. Với các em, đánh giày là cái “cần câu cơm” nuôi sống bản thân và gia đình.

Vóc dáng nhỏ bé, xương xương giống cậu học sinh tiểu học, ít ai nghĩ Phan Văn Hiếu năm nay đã 13 tuổi. Kinh nghiệm hơn 2 năm đánh giày, lăn lộn trên các nẻo đường của thành phố Vinh, giúp Hiếu chịu đựng tốt với mọi thời tiết khắc nghiệt.
Hiếu tâm sự: “Em quen với những thời tiết như thế này rồi. Nhớ lại mùa đông năm 2008, lúc ấy em mới bắt đầu đi theo các anh học nghề đánh giày. Năm ấy lạnh lắm, em đi được hai ngày thì phải nhập viện vì bị viêm đường hô hấp nặng. Nhưng vì cuộc sống gia đình em còn nghèo và đói nên em tiếp tục phải theo nghề này ”.
Dễ mắc bệnh...

Thời tiết ngày một rét đậm, rét hại, không khí ngoài đường có lúc xuống dưới 12 độ C, khiến nhiều em tay chân cứng lại, miệng run run không nói thành lời, mặt tái mét đi vì lạnh. Ngoài công việc đánh giày, các em còn tranh thủ làm thêm các công việc khác như bốc vác, nhặt rác,… ai thuê gì các em cũng làm, không kể công việc nặng hay nhẹ chỉ với mong muốn kiếm thêm được chút tiền đem về cho gia đình.
Những đứa trẻ mưu sinh trong giá lạnh, Tin tức trong ngày, danh giay, te danh giay, tre lang thang, ret dam, tin tuc 24h
Giữa trời lạnh nhưng Thanh vẫn đi chân trần, môi em thâm đen vì lạnh, tranh thủ đánh giày kiếm tiền
Mặt tái nhợt đi vì lạnh nhưng đôi bàn tay nhỏ nhắn của Lê vẫn thoăn thoắt đưa cái móc bới tung đống rác để mong kiếm được chút phế liệu bán kiếm tiền phụ thêm vào tiền học. Lê vừa làm vừa nói: “Muốn có áo mới trong dịp tết sắp tới nên em phải dậy từ rất sớm để đi làm. Mấy hôm ni trời lạnh, lại có mưa nên kiếm được ít lắm, em rất lo lắng. Vì vậy, em hạ quyết tâm phải dậy sớm hơn một chút và làm về muộn hơn các bạn thì may ra mới kiếm đủ tiền mua áo mới đón tết anh ạ."
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Phạm Văn Diệu - PGĐ bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết: “Vấn đề trẻ em ra đường mặc không đủ ấm khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại sẽ dẫn đến nhiều chứng bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy… nguy hiểm hơn là các bệnh về máu, nhịp tim… Vì vậy, chúng tôi khuyên mọi người hãy mặc đủ ấm trước khi ra đường, đảm bảo chế độ ăn uống tốt và hạn chế đi ra đường”.
Dưới cái lạnh tê buốt, những trẻ em lang thang đường phố vẫn ngày đêm lặn lội tìm kế sinh nhai. Vì miếng cơm manh áo, vì những mơ ước giản dị trên ghế nhà trường mà các em đã quên đi cái lạnh đến cắt da, cắt thịt của mùa đông, băng qua giá rét để kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình, học hành. Cuộc sống các em đang còn đầy rẫy những khó khăn, vất vả nhưng trên khuôn mặt các em luôn nở những nụ cười hạnh phúc mỗi khi có khách gật đầu đồng ý đánh giày.
24H.COM.VN (Theo Dân trí )