11/1/11

Ra mắt mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam

Tác giả: VEF


Mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam ra đời với mong muốn tạo dựng một không gian kết nối, tập hợp các cá nhân xuất sắc, nơi hội tụ, đoàn kết của những người có tấm lòng với sự phát triển và vận mệnh của dân tộc.
(VEF) - Hôm nay (11/1/11), Mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam chính thức được ra mắt tại địa chỉ http://11111.vef.vn. Đây là một không gian kết nối, tập hợp của những người có tấm lòng với sự phát triển và vận mệnh của dân tộc.

Đây là môi trường dể doanh nhân và trí thức Việt Nam trao đổi kiến thức, trải nghiệm cuộc sống... với doanh nhân và trí thức thế giới, để cùng góp sức xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Khi giới thiệu về ý tưởng này, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VEF.VN đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các học giả, trí thức trong và ngoài nước.
Mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam có sự góp mặt của những học giả uy tín thế giới, như: Giáo sư John Quelch, Trường kinh doanh Harvard, Giáo sư Thomas Patterson giám đốc nghiên cứu Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công, Đại học Harvard, Giáo sư Thomas Fiedler, Hiệu trưởng trường truyền thông, Đại học Boston và những trí thức được người Việt Nam trân trọng như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nhà thơ Việt Phương...
Đây là 5 trang web cá nhân đầu tiên tham gia Mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam hôm nay .
Mạng xã hội Doanh nhân - Trí thức Việt Nam ra mắt tại địa chỉ http://11111.vef.vn
Khi gia nhập vào Mạng Doanh nhân - Trí thức Việt Nam tại địa chỉ: 11111.VEF.VN, mỗi thành viên sẽ có một trang web riêng cho bản thân, hội tụ trong một "ngôi nhà" chung. Ngôi nhà ấy là nơi các học giả, nhà văn hóa, doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cùng chia sẻ những hoài bão và trách nhiệm xã hội. Với không gian riêng, các học giả sẽ được tận hưởng các dịch vụ tiện ích như:
- Lưu giữ những bức ảnh, những bài viết, những đoạn phim, những bản nhạc, những kỷ niệm đáng nhớ, những sẻ chia, tâm sự, những nỗi niềm, trăn trở, những thành đạt... của cá nhân.
- Những thông tin nóng, ngắn gọn, súc tích.
- Những kiến thức, tầm nhìn quản trị kinh doanh mới, những tư duy mới, ý tưởng mới từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, Cambridge...
- Những cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng nghiên cứu, sáng tạo và cùng phát triển.
- Chia sẻ, hỗ trợ bảo vệ doanh nhân, doanh nghiệp và trí thức khi gặp khó khăn.
Khi gia nhập Mạng, mỗi thành viên sẽ phải cam kết thực hiện các quy định của Mạng, cùng góp sức xây dựng một Mạng Doanh nhân - Trí thức Việt Nam giàu trí tuệ, nhân văn, giàu tính sáng tạo... để cùng giúp nhau có một cuộc sống hạnh phúc.
Sau khi chính thức ra mắt, Mạng sẽ nhận những thành viên đăng ký gia nhập mạng, đồng thời tiếp tục phát triển, hoàn thiện các tính năng, các ứng dụng và tiện ích mới cùng với việc ra mắt logo chính thức vào cuối tháng 3/2011.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

Đông Nam Á: Bàn đạp để Trung Quốc "tấn công" châu Á?

Tác giả: LAN DUNG (THEO THE NATION)


Trung Quốc định đưa Bangkok trở thành trung tâm tái xuất chính cho toàn bộ khu vực ASEAN với dân số 580 triệu người.
Khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, đa số các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc và ASEAN có thuế suất bằng 0. Điều này tạo tiền đề cho một dòng chảy tự do của hàng hóa giữa Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Cộng đồng Kinh tế ASEAN - khối kinh tế sẽ gây ấn tượng vào năm 2015.
Sau cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ ở Mỹ và châu Âu, bước đi hợp lý cho Trung Quốc là tìm kiếm những thị trường mới phát triển có thể hấp thu sản lượng công nghiệp lớn của họ. Đông Nam Á là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh. Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư khoản tiền lớn để thâm nhập sâu vào ASEAN, khu vực đang dần trở thành thị trường đơn nhất.
Đồ may mặc, trang sức, phụ tùng ô tô, thực phẩm và đồ chơi là những mặt hàng sẽ được tái xuất từ Thái đến các thị trường ASEAN khác thông qua trung tâm thương mại tại Bangkok. Theo China Daily, trung tâm có diện tích 700.000 m2, tương đương với 100 sân bóng đá.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố chương trình đường sắt cao tốc đầy tham vọng kết nối với một số quốc gia ở Đông Nam Á. Xuất phát từ tỉnh Vân Nam ở phía nam Trung Quốc, tàu cao tốc với tốc độ trên 200km/h sẽ nhanh đến Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore.
Dự kiến, chặng đầu tiên của hàng trăm km đường sắt cao tốc sẽ bắt đầu xây dựng ở Lào trong năm nay với chi phí ước tính là 600 tỷ bạt. Chặng này sẽ được kết nối với tuyến đường sắt cùng loại ở phía nam Trung Quốc.
Chặng thứ hai sẽ bắt đầu từ tỉnh Nong Khai ở phía Bắc Thái Lan và kết thúc ở Bangkok. Người Trung Quốc đang thúc giục nhà chức trách Thái Lan nhanh chóng đồng ý dự án liên doanh trên đất Thái. Đoạn Nong Khai - Bangkok sẽ kết nối với đoạn đường sắt ở Lào tại biên giới hai nước.
Từ Bangkok, tuyến đường được mở rộng sang hướng nam đến Malaysia và cuối cùng là Singapore. Từ phía nam Lào, các tuyến đường bổ sung đang được lên kế hoạch để dẫn đến Campuchia và Việt Nam nhằm liên kết các thành phố lớn ở Đông Dương phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Một tuyến đường sắt cao tốc khác sẽ chạy từ phía nam Trung Quốc đến Myanmar và kết thúc ở thành phố cảng phía nam nước này.
Do đó, Trung Quốc dường như trở thành người hưởng lợi chính của quá trình hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á. Các thành phố lớn ở ASEAN lục địa nối với nhau qua hệ thống đường sắt cao tốc.
Các nhà chức trách Thái Lan đang tìm kiếm để có ít nhất 60% cổ phần trong liên doanh đường sắt cao tốc trên đất Thái để đảm bảo rằng chính quốc gia này chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của mạng lưới này tại đây.
Trong khi có rất nhiều cơ hội khi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở các nước láng giềng nhỏ hơn, mối nguy hại có thể làm nản lòng họ. Ví dụ như một số doanh nghiệp Thái lo sợ rằng dùng Bangkok làm trung tâm tái xuất chính cho hàng hóa Trung Quốc sẽ gây nhầm lẫn cho khách nước ngoài về sản phẩm của Thái Lan cũng như khiến họ lo ngại về chất lượng sản phẩm. Dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào thị trường ASEAN sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất bản địa do họ thiếu lợi thế kinh tế theo quy mô, điều khiến Trung Quốc có thể giảm thiểu giá thành sản xuất.
 Nguồn Vietnamnet

Yoo! - mạng xã hội có công nghệ định vị đầu tiên ở VN

Tác giả: XUÂN THÀNH



Tại địa chỉ http://yoo.vn, ngay lúc này người dùng có thể bắt đầu trải nghiệm mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ định vị. Trong tình trạng "đói Facebook" như hiện nay, Yoo! được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.
Hà Việt Phương, chủ nhân của ý tưởng mạng xã hội Yoo cho biết "Yoo! xuất phát ý tưởng từ việc mong muốn cá nhân về một mạng xã hội mang lại giá trị thật cho cuộc sống - một nơi bạn có tìm kiếm cho mình những người bạn thật gắn liền với những địa điểm gần gũi với bạn".
Phương chia sẻ "Ngay từ khi có mong muốn đó, mình đã tiến hành những nghiên cứu cá nhân về các dịch vụ web dựa trên địa điểm (Location based services) và biết đến Google Lattitude (sản phẩm mới ra mắt của Google cho phép định vị vị trí người dùng internet) và Foursquare (mạng xã hội dựa trên địa điểm dành cho di động), và Yoo! đã ra đời như thế".
Yoo! là mạng xã hội cho phép người dùng tự động định vị vị trí thật của mình, qua đó hệ thống sẽ chia sẻ với bạn những người đang ở xung quanh mình, những địa điểm và sự kiện hấp dẫn đang diễn ra quanh bạn từ đó bạn có thể sử dụng các tiện ích của Yoo! như kết bạn, cập nhật tin tức từ bạn bè, viết Blog, tạo album ảnh chia sẻ khoảng khắc thú vị hay rủ bạn bè tới những địa điểm hấp dẫn.
Trước khi thử tạo một tài khoản và thử các tính năng của Yoo!, chúng ta hãy cùng xem qua một số trang giao diện của Yoo! để có cái nhìn chi tiết hơn về những tiện ích Yoo! mang lại.
Tham gia vào mạng xã hội Yoo!, bạn có thể ngay lập tức biết được vị trí của bạn bè, người thân và những công việc họ đang làm với tính năng Cập Nhật.
Hay chia sẻ những khoảnh khắc thú vị của bạn bè thông qua tính năng tạo Album ảnh.
Hoặc nêu lên những suy nghĩ của mình qua tính năng Blog.
Đặc biệt hơn nữa, với tính năng tìm và bình luận địa điểm, bạn có thể tìm ngay cho mình những nhà hàng hấp dẫn, lắng nghe lời nhận xét của những người xung quanh và rủ bạn bè tới thưởng thức.
Hơn thế nữa, một tính năng có thể nói là thú vị nhất của Yoo! đó là tính năng tìm người dùng. Bạn bạn chỉ cần trỏ con chuột đến một vị trí bất kì, hệ thống sẽ tự động hiển thị người dùng quanh đó, từ đó bạn có thể thoải mái sử dụng các tiện ích trên Yoo!
Hà Việt Phương khẳng định "Yoo! ở phiên bản này còn khá nhiều điểm cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện và phát triển. Trong tương lai, nhóm phát triển Yoo! chắc chắn rất mong được nghe ý kiến đóng góp của người dùng để có thể hoàn thiện sản phẩm tốt hơn đúng như mong muốn mà toản thể nhân viên trong công ty NES hướng tới là  Sáng tạo nên những giá trị tốt nhất cho người dùng!"
Yoo! là một trong những dự án của Công ty công nghệ NES.

Yoo! tìm kiếm giá trị thật trong thế giới ảo


(VEF) - Từng đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, từng là một trong10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam, chàng trai sinh năm 1989, Giang Thiên Phú lại đang cùng các cộng sự trong công ty NES ấp ủ và sắp cho ra đời một sản phẩm mạng xã hội mới với một cách làm rất khác.



Trong bảng thành tích của mình, Giang Thiên Phú cũng đã 2 lần giành giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc của quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec vào  năm 2005 và 2007. Sau đó, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã "điểm danh" Phú vào danh sách nhận huy chương vàng cho nhà sáng chế trẻ. 
Mời bạn đọc Quả ngọt sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tiếp tục làm quen với một thành viên rất trẻ nữa của NES cùng dự án mạng xã hội mà nhóm đang phát triển.
Bỏ ý định làm thuê cho người Nhật
- Nhiều người đãbất ngờ khi một người nhiều thành tích như vậy lại quyết định không theo học đại học, bây giờ nhìn lại bạn nghĩ sao về lựa chọn đó của mình?
Giang Thiên Phú: Thời gian cuối cấp III mình đã rất hoang mang trong việc định hướng học tập tương lai, mình thật sự cảm thấy môi trường học tập ở trường Đại học VN lúc đó không phù hợp với mình, ý mình là do cách học của mình rất ngẫu hứng, luôn muốn tự do tư duy và theo đuổi đam mê, mình không thể chăm chỉ học những thứ mình không thích trong một môi trường gò bó.
Nhưng lúc đó mình cũng không có đủ điều kiện để du học nên đã chọn con đường học chương trình Aptech sau đó tiếp tục học liên thông đại học. Tuy ở đây chỉ đào tạo đến bậc cao đẳng nhưng thực sự là một môi trường đào tạo quốc tế rất chuyên nghiệp, khuyến khích tự do tư duy và sáng tạo, đó là những điều mà mình thấy rất thích.
Hiện tại mình đã học xong chương trình ở đây, chỉ còn đợi đồ án cuối cùng và đang theo học chương trình liên thông của đại học Greenwich (Anh).
- Bạn đã từng khởi nghiệp nhưng chưa thành công, lúc này có thể chia sẻ vài điều mà mình trải nghiệm được?
Bài học lớn nhất là trong cách quản lý, tất cả mọi việc đều phải rõ ràng, mạch lạc, không nên dùng quá nhiều tình cảm hay sự tin tưởng chủ quan của cá nhân.
Giang Thiên Phú bên cạnh "sản phẩm" Yoo! đang trong quá trình hoàn thiện
Những điều này không mới nhưng thực sự phải có trải nghiệm mới thấm thía và mình cũng đã mất rất nhiều học phí cho nó. Sau đó, mình đã có ý định vào một công ty lớn của Nhật Bản với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cho chi phí học tập và tích lũy thêm kinh nghiệm.
Mình vẫn luôn đinh ninh suy nghĩ phải bỏ thêm rất nhiều thời gian, phải đợi đến lúc mình già hơn, phải đi làm thuê cho họ để học nhiều thêm nữa mới mong thành công.
Nhưng từ khi được giới thiệu tới NES - một công ty với ham muốn tập hợp những người trẻ tài năng để làm các sản phẩm phục vụ xã hội - mình đã tham gia với tất cả sự nhiệt tình đã có trước đây và lấy lại niềm tin vào cơ hội thành công của tuổi trẻ.
Ở NES mình tìm thấy sự đồng cảm và nhiệt huyết của những người trẻ, điều đó giúp mình thêm tự tin và hy vọng để thực hiện được những ước mơ, dự định còn dang dở.
Có một câu nói mà mình cũng rất thích đó là: Cách duy nhất để biến giấc mơ thành hiện thực là bạn phải... thức dậy (cười)
Thế giới ảo, giá trị thật
- Bạn có thể chia sẻ một chút về dự án mà bạn đang cùng các cộng sự tại NES thực hiện?
Hiện tại mình đang phụ trách làm sản phẩm mạng xã hội Yoo! Cụ thể mình phụ trách thiết kế hệ thống, đóng góp ý tưởng thiết kế giao diện, lập kế hoạch công việc, phân việc cho mọi người và lập trình một phần.
Yoo!!  có tất cả các tính năng như của một mạng xã hội bình thường, tức Yoo!! cho phép bạn kết bạn, gửi message, chat, viết lên tâm trạng của mình... Nhưng khác biệt lớn nhất của Yoo! là mặc dù đây là một mạng xã hội ảo nhưng lại dựa trên kết nối chặt chẽ với thế giới thật qua các dịch vụ liên quan đến địa điểm, định vị.
Hiện nay, các mạng xã hội tại Việt Nam hầu mới chỉ dừng lại ở mức triển khai những tính năng như các mạng xã hội nước ngoài. Điều mình mong muốn là xây dựng một mạng xã hội Việt Nam với ý tưởng khác biệt.
- Phú nói chi tiết hơn về điểm khác biệt này của Yoo! được không?
Thông thường, mọi người đến với mạng xã hội như một thế giới ảo, chia sẻ và thể hiện mình. Tuy nhiên, đôi khi người ta sẽ cảm thấy đang lãng phí quá nhiều thời gian vào những mạng xã hội ảo như vậy.
Còn Yoo! thì khác, nó sẽ mang lại kết nối thật với thế giới thật, gắn với người thật, sự kiện thật, địa điểm thật và mang lại những giá trị thật hữu ích cho người sử dụng.
Yoo.vn sẽ chính thức ra mắt trong vài ngày nữa
Yoo! sử dụng hệ thống bản đồ của Google để xác định vị trí của một người, một địa điểm, một sự kiện... trên bản đồ thế giới, qua đó người dùng có thể tìm kiếm, kết bạn, giao lưu với những người bạn, những địa điểm, dịch vụ, sự kiện... ở gần mình hoặc gần một địa điểm mong muốn.
- Khó khăn lớn nhất mà bạn và các cộng sự tại NES đang phải đối mặt trong dự án này là gì?
Đầu tiên là các thuật toán, phép tính trên bản đồ thế giới rất phức tạp, chúng mình đã phải vận dụng nhiều kiến thức toán học, may mắn là được sự trợ giúp rất nhiều từ Google search (cười).
Vì là một mạng xã hội nên thiết kế hệ thống phải đáp ứng được rất nhiều người sử dụng và rất nhiều lượt truy cập, vậy nên vấn đề tối ưu thiết kế này là cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, đây là mạng xã hội nên thiết kế về mặt giao diện không dễ, phải vừa chuyên nghiệp, vừa đơn giản, vừa hấp dẫn được nhiều người nên các thành viên trong nhóm cũng liên tục phải vẽ đi vẽ lại giao diện hàng chục lần.
Trong thời gian tới Yoo! sẽ còn phải hoàn thiện và xây dựng nhiều tính năng mới, khó khăn lớn nhất là phải làm sao để có sản phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người dùng, vừa tối ưu hiệu suất.
- Dự kiến bao giờ Yoo! sẽ "ra mắt" công chúng?
Nếu không có gì thay đổi thì ngày 20/12 tới, Yoo sẽ chính thức ra mắt. Có thể Yoo! không quá "hoành tráng" nhưng mình hy vọng nó sẽ ngày càng hoàn thiện, mang lại cho người dùng nhiều lợi ích hơn, đúng như mong muốn của cả nhóm về một thế giới ảo mang lại những giá trị thật cho cuộc sống.
- Cảm ơn Phú rất nhiều và chúc cho dự án của các bạn tiến triển tốt đẹp.
Nguồn Vietnamnet

SV Việt bị "trói" giữa cái Đúng và cái Sai

Tác giả: ĐẶNG DUY LINH


Tin liên quan:
(VEF) - SV Việt Nam thường mất nhiều thời gian để trả lời một câu hỏi trước một vấn đề: Đúng hay sai?! Nhưng,không phải mọi thứ đều rành rọt giữa đúng và sai. Cuộc sống có Cái Đúng, Cái Sai, song nên nhớ rằng còn có cả Sự Khác!

LTS: Sau loạt bài của GS. David Pickus (ĐH Bang Arizona) viết riêng cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phân tích các căn "bệnh" cố hữu của sinh viên Việt Nam, trong đó có thiếu tư duy phản biện, thiếu kỹ năng giao tiếp và thụ động trong công việc và học tập.
Những phân tích và nhận định của GS Pickus đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả. VEF xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Đặng Duy Linh chia sẻ về vấn đề này.
Hai năm trước, tôi may mắn được tham gia một khóa đào tạo Kỹ năng tư duy phê phán, trong chương trình đào tạo chính khóa của Đại học Thủy Lợi. Và với bản thân tôi, nó là động lực để tôi cất cánh phát triển tư duy của mình. Suốt hai năm nay, tôi đặt ra nhiều câu hỏi, trăn trở mà nhiều bạn bè tôi cho rằng quá xa vời. Song những  suy nghĩ ấy vẫn luôn thôi thúc thôi tìm kiếm, hoàn thiện để hệ thống hóa.
Và khi đọc bài viết của GS. David Pickus, tôi rất tâm đắc. Và xin được phép thay mặt cho Sinh viên Việt Nam, kính gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm tới Sinh viên và Đất nước Việt Nam của Giáo sư!
Tôi luôn tâm niệm rằng: Một dân tộc chỉ có thể thăng hoa, chỉ khi mỗi công dân của dân tộc ấy có thể cất cánh và tung bay trên chính đôi cánh tư duy của chính mình! Rõ ràng muốn tung bay, thì mỗi cá nhân phải khám phá và phát huy được tối đa khả năng của bản thân mình, và cất cánh theo cách riêng của mình, vì mỗi cá thể có những ưu thế riêng biệt. Đây chính là sự phát triển dựa trên sự cá biệt, chứ không phải là kiểu khẩu hiệu đặc biệt nhưng có phần hình thức đang thịnh hành tại Việt Nam.
Tư duy phê phán, tôi hoàn toàn ủng hộ với giáo sư, là nhằm trả lời cho câu hỏi: Mình tin hay không tin, và tại sao như vậy trước một vấn đề. Tôi xin bổ sung, hay có thể nói là làm rõ theo thiển ý của tôi: Tư duy phê phán nhằm mục tiêu để chúng ta hiểu được hai điều:
1.     Tôi đang là ai, và sẽ là ai.
2.     Bản chất thật sự của một vấn đề.
Tại sao tôi lại đặt vấn đề tự hiểu: Tôi là ai? Bởi vì theo tôi, tiên quyết trong Tư duy phê phán đó là hệ tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của bản thân mỗi người phải được chính người đó xây dựng, hoàn thiện. Từ đó chủ động trong hành vi sống. Học sinh - Sinh viên Việt Nam thường hay mất nhiều thời gian để trả lời một câu hỏi trước một vấn đề: Đúng hay sai?! Ở đây có hai điều cần lưu ý: Thứ nhất, không phải mọi thứ đều rành rọt giữa đúng và sai. Cuộc sống có Cái Đúng, Cái Sai, song nên nhớ rằng còn có cả Sự Khác!. Thứ hai, là Sinh viên Việt Nam bị lệ thuộc cái Đúng - Sai theo mặc định được hình thành từ trước, thông thường đến từ nhà trường, hoặc cha mẹ, mà thiếu vắng câu trả lời từ cá nhân thực thụ!
Bản chất của vấn đề là gì? Thì ở đây theo tôi cần chú trọng phần đào tạo cách tư duy. Có phương pháp tư duy thì sinh viên sẽ hiểu rõ được bản chất của vấn đề, kết hợp với kiến thức của mình đưa ra đánh giá chính xác, hợp lý. Trong khóa đào tạo tôi nhắc đến ở trên, chúng tôi được học một số thứ nhỏ hơn như kỹ năng tranh luận, cách tư duy bằng Mindmap hay 6 chiếc mũ tư duy,...Tôi rất thích khi đưa kỹ năng tranh luận vào đây. Vì tôi nhận thấy, "dĩ hòa vi quý" đã ăn sâu một cách tiêu cực vào suy nghĩ của người Việt. Ngại va chạm, xuề xòa trong quan hệ đã khiến những cái đầu không được yêu cầu sản sinh ra chất xám để bảo vệ quan điểm cá nhân. Về phương pháp tư duy, tôi rất mong có dịp được sự hướng dẫn của Giáo sư GS. David Pickus.
Cuối cùng, có một điều tôi muốn chia sẽ cùng Giáo sư, tôi đã luôn mong muốn rằng: Mình sẽ dành thời gian để học tập để trở thành một giảng viên đào tạo kỹ năng. Tôi muốn dành tâm sức cho việc đào tạo hai kỹ năng chính: Tư duy phê phán, và kỹ năng tranh luận cho sinh viên - học sinh Việt Nam. Tôi hoàn toàn ủng hộ Giáo Sư trong việc đánh giá vai trò của Kỹ năng tư duy phê phán đối với Sinh viên nói riêng và các dân tộc đang phát triển như Việt Namm, Trung Quốc. Rất mong được tham gia các khòa đào tạo, cũng như các chương trình của Giáo sư trong chủ đề này, và các chủ đề khác trong thời gian tới.
Bạn có cho rằng SV Việt Nam vẫn đang thiếu tư duy phản biện? Theo bạn, là thế nào để tăng cường khả năng phản biện của những người Việt trẻ? Xin mời bạn gửi ý kiến trao đổi  về vef@vietnamnet.vn