6/12/10

Julian Assange - 'Người hùng' không chốn dung thân

Với những người ủng hộ thì sáng lập viên trang Wikileaks Julian Assange là người hùng của sự thật, còn với với những người chỉ trích, anh là kẻ chỉ thích làm rùm beng những thứ nhạy cảm khiến nhiều người gặp nguy.
>

Ảnh:
"Người hùng" bị truy đuổi Julian Assange. Ảnh: AP
Cuộc sống của Julian Assange đã thay đổi hoàn kể từ khi anh và các cộng sự cho ra đời trang Wikileaks năm 2006. Khi đó, người đàn ông Australia 39 tuổi này đã quyết định sử dụng kinh nghiệm trong những năm tháng làm hacker khét tiếng và chỉ số thông minh được bạn bè tán tụng để xây dựng trang Wikileaks, mà sau đó được mệnh danh là "quả bom sự thật".
Sự nổi tiếng của Wikileaks gắn liền với việc thu thập những thông tin bí mật với khối lượng lớn, lưu trữ chúng bằng công nghệ làm sao để chính phủ và các tổ chức khác không thể thu hồi, sau đó công bố trên phạm vi toàn cầu. Những đợt công bố thông tin gây chấn động của Wikileaks gồm 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ vừa qua cùng hơn 90.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Afghanistan và 400.000 tài liệu tương tự về Iraq, đều diễn ra trong năm nay.

Tuổi trẻ "dữ dội"

Julian Assange sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, miền bắc Australia năm 1971 và có một tuổi thơ "dữ dội". Cha mẹ anh gặp nhau trong một lần đi biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam và có lẽ điều này đã góp phần khiến đứa con của họ mang trong mình một tinh thần "ưa nổi loạn". Sự bất ổn về cư trú bắt đầu đeo bám Assange ngay từ khi còn thơ với 37 lần phải đổi trường học, vì cha mẹ điều hành một nhà hát lưu động nay đây mai đó.
Những nguồn tin từ Australia cho rằng Assange đã bỏ nhà đi bụi từ năm 17 tuổi và có thời gian sống vất vưởng ở thành phố Melbourne. Dù yêu thích toán và vật lý, Internet mới là niềm đam mê đích thực của cậu thanh niên có bản lý lịch khác người này. Niềm đam mê đã dẫn dắt Assange trở thành một phần của thế giới ngầm trong làng máy tính khi ở độ tuổi mới lớn. Anh tìm cách học làm hacker để đột nhập vào tài khoản email của những người giàu có hoặc có ảnh hưởng, rồi khai thác bí mật của họ.
Duy trì lối sống ưa tự do nhưng Assange đã lên chức bố ngay từ năm mới 18 tuổi. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, năm 1995, Assange đã suýt phải vào bóc lịch trong nhà tù vì 25 cáo buộc liên quan đến tội danh tấn công hệ thống máy tính. Cuối cùng Assange lĩnh án phạt vài nghìn đô la Australia và chỉ may mắn thoát cảnh ngồi tù với điều kiện không được tái phạm.

Qua thời 'nông nổi'

Sau lần vướng vào vòng lao lý, Assange quyết định đi theo một hướng khác có tính chất khá hàn lâm, khi làm việc suốt 3 năm với nhà nghiên cứu Suelette Dreyfus, chuyên nghiên cứu về các ảnh hưởng của Internet, và viết chung một cuốn sách với bà. Dreyfus mô tả Assange là "nhà nghiên cứu rất có tài", người khá quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như khái niệm chủng tộc và công lý, cũng như những việc mà các chính phủ nên và không nên làm.
Bước đi mang tính "hàn lâm" tiếp theo của Assange là vào học tại Đại học Melbourne và theo đuổi nghiên cứu môn toán và vật lý. Tại đây anh đã trở thành một thành viên nổi tiếng của hiệp hội những nhà nghiên cứu về toán học của trường. Nhưng bước ngoặt thực sự của chuyên gia xuất thân từ hacker này đến từ năm 2006, khi anh và những người bạn cùng niềm đam mê lập ra trang Wikileaks với lời giới thiệu là "trang Wikipedia không thể kiểm duyệt".
Trang web phi lợi nhuận này được Assange điều hành với sự cộng tác của một nhóm tình nguyện viên, chuyên công bố những tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật về những sai trái của các chính phủ cũng như tổ chức, đồng thời chuyển những thông tin đặc biệt này cho giới truyền thông.
Một trong những tài liệu gây chấn động đầu tiên mà Wikileaks công bố là đoạn băng video bí mật ghi lại cảnh một trực thăng chiến đấu Apache của Mỹ bắn giết 12 thường dân, gồm hai phóng viên Reuters, tại Baghdad năm 2007. Tiếp theo là đợt công bố thông tin ồ ạt về các bí mật của tình báo Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq vào tháng 7 và tháng 10 vừa qua. Mới đây nhất là đợt tung ra 250.000 thư tín, phơi bày hậu trường nền ngoại giao Mỹ từ ngày 28/11 có liên quan đến khắp thế giới.
Dù là người sáng lập và điều hành trang web Wikileaks đã trở nên nổi tiếng khắp nơi, Assange sống khá bí hiểm và rất hiếm khi xuất hiện. Bình thường cuộc sống của Assange nay đây mai đó, luôn mang theo một chiếc máy tính và ít quần áo trong ba lô. Tiền đi lại của anh được lấy từ "các nguồn kiếm trên Internet". Assange được nhận diện với mái tóc bạc không tương xứng với độ tuổi, cùng vẻ ngoài không lấy gì làm phong trần và phong cách luôn bỏ ngoài tai những lời chỉ trích.
Một phóng viên của tạp chí New Yorker là Raffi Khatchadourian, người từng có dịp theo chân Assange đi khắp nơi trong vài tuần, đã mô tả cha đẻ của trang Wikileaks là người có thể đi những quãng đường dài mà không cần ăn, có thể tập trung làm việc rất lâu và ngủ rất ít.
Chấp nhận "gieo gió" bằng cách tung ra bàn dân thiên hạ những thông tin nhạy cảm đụng chạm đến những "ông lớn" có quyền lực không giới hạn, nên Assange "gặp bão" là điều không thể tránh khỏi. Cuộc sống không ổn định thời trai trẻ của anh đang được tiếp nối bằng hành trính trốn chạy khắp thế giới của một người đàn ông đã gần 40 tuổi nhưng vẫn không có địa chỉ nhà cố định.

Hành trình trốn chạy

Ngay khi Wikileaks chưa tung ra "quả bom sự thật" gây sốc trong năm nay về chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, cả Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ đều mang Luật tình báo năm 1917 ra để "đe" Assange và yêu cầu anh phải trả lại tất cả các tài liệu của chính phủ mà mình đang có, đồng thời họ nhấn mạnh không được công bố chúng dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng câu trả lời của Assange là từ chối làm theo và chấp nhận cuộc sống trốn chạy khắp nơi, trong hoàn cảnh gần như không còn nơi nào trên trái đất muốn chứa chấp. Khi tranh cãi về các tài liệu mật liên quan đến chiến tranh Afghanistan được Wikileaks công bố còn đang còn nóng vài tháng trước, Assange đã bay tới Thuỵ Điển và tìm cách xin định cư và hy vọng được bảo vệ vì quyền tự do báo chí nổi tiếng ở nước này.
Ban đầu Assange đã được chào đón nhiệt tình tại đất nước Bắc Âu. Tờ New York Times dẫn lời kể của anh về những ngày đầu tại Thuỵ Điển: "Họ gọi tôi là James Bond của báo chí. Tôi có rất nhiều người hâm mộ ở đó và thậm chí một vài trong số họ đã gây cho tôi chút rắc rối".
Rắc rối mà anh nhắc tới chính là việc mối liên lạc với hai người phụ nữ Thuỵ Điển đã dẫn tới việc Thuỵ Điển bất ngờ phát lệnh bắt Assange với cáo buộc hãm hiếp và quấy rối tình dục. Assange phủ nhận cáo buộc này và cho rằng đó chỉ là một âm mưu được sắp đặt nhằm chống lại cá nhân mình và trang Wikileaks.
Trong khi cảnh sát Thuỵ Điển còn đang điều tra, cuối tháng 9 vừa qua, Assange quyết định rời Stockholm đi Berlin (Đức). Trong lần di chuyển này, chiếc túi anh làm thủ tục lên chuyến bay khá vắng đã không cánh mà bay, trong đó có chứa 3 chiếc laptop được mã hoá. Đến nay chúng vẫn không bao giờ được tìm thấy và Assange cho rằng đã có người can thiệp vào vụ này.
Ở Đức không được bao lâu, Assange lại sang London mang theo mối lo có thể bị bắt ngay khi vừa đặt chân tới xứ sở sương mù. Theo luật của Anh, tấm hộ chiếu Australia cho phép Assange có quyền ở lại nước này trong thời gian 6 tháng. Assange cũng tính nơi đến tiếp theo của mình có thể là đảo quốc Iceland, nơi cũng có nền tự do báo chí khá thoải mái và có nhiều người ủng hộ Wikileaks. Nhưng sau đó anh cho rằng chính phủ tại đây cũng giống như ở Anh, rất dễ chịu ảnh hưởng từ Washington, nên không thể là "miền đất hứa" của mình. Hiện theo nhiều nguồn tin phỏng đoán, người sáng lập trang Wikileaks vẫn có mặt tại Anh.
Trong khi đó quê nhà Australia thậm chí còn trở thành "miền đất dữ" đối với hoàn cảnh của Assange, vì các quan chức nước này đã bóng gió rằng họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu Washington quyết định truy tố người sáng lập Wikileaks. Anh kể lại việc một quan chức Australia từng nói với anh rằng: "Anh đã chơi không đúng luật nên anh sẽ bị xử ngoài luật".
Hiện không chỉ các chính phủ lên án Assange, mà ngay cả những cộng sự thân thiết cũng từ bỏ anh vì tính khí thất thường và độc đoán. Họ cũng nhận thức được rằng những thông tin nhạy cảm mà Assange tung ra trên Internet có thể khiến họ phải trả giá bằng máu. Một số đồng nghiệp tại Wikileaks cho biết Assange đã tự mình quyết định tung các tài liệu mật về Afghanistan mà không bỏ nguồn tin tình báo người địa phương làm cho NATO. Họ mô tả hình ảnh Assange là người sáng tạo và có khả năng hấp dẫn người khác, nhưng cũng giống như các ngôi sao đã ngày càng trở nên độc đoán, lập dị và đồng bóng.
Tuy vậy, không hẳn cả thế giới đều quay lưng với Assange. Ngay khi trang Wikileaks công bố những tài liệu thư tín nhạy cảm của các sứ quán Mỹ trên khắp thế giới, một nước có quan điểm khác Washington tại Nam Mỹ là Ecuador tuyên bố sẽ cho Assange được định cư ở nước mình. BBC dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador hôm qua cho biết: "Chúng tôi để ngỏ việc mời Assange đến sống tại Ecuador mà không có bất cứ điều kiện hay rắc rối nào".
Nhưng dường như cánh cửa Ecuador sẽ không thể giúp Assange tìm được cuộc sống yên ổn. Ngay khi Wikileaks công bố các thư tín ngoại giao mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên án là "hành động tấn công vào thế giới", lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol vừa phát đi lệnh truy nã Assange. Lý do vẫn là cáo buộc hãm hiếp và quấy rối hai phụ nữ Thuỵ Điển. Hơn nữa, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng vừa lên tiếng rút lại đề nghị do thứ trưởng ngoại giao đưa ra.

Những hệ luỵ của Wikileaks

Trước khi công bố các tài liệu về Afghanistan và Iraq gây chấn động thế giới, trang Wikileaks đã có những động thái gây chú ý mạnh. Họ công bố các tài liệu về nhà giam nghi phạm khủng bố của Mỹ ở Guantanamo, dữ liệu về tài khoản email Yahoo cá nhân của cựu ứng viên phó tổng thống Mỹ Sarah Palin, những báo cáo về các vụ giết chóc ngoài vòng pháp luật tại Kenya và Đông Timor, danh sách thành viên đảng tân phát xít tại Anh và đoạn video quay cảnh các trực thăng chiến đấu Apache của Mỹ đang bắn giết ít nhất 12 người tại Baghdad năm 2007.
Nhưng khi sự tò mò và thậm chí là độ sốc đã qua đi, Wikileaks bắt đầu đối mặt với sự chỉ trích và nghi ngờ. Các tổ chức bắt tay với Lầu Năm Góc lên án trang web này đã khiến cuộc sống của nhiều người gặp nguy hiểm bằng cách công bố các tài liệu chiến tranh, trong đó phơi bày tên của những người Afghanistan đang làm việc cho người Mỹ hoặc làm "tay chân" cho quân Mỹ.
Một phát ngôn viên của Taliban tại Afghanistan là Zabiullah Mujahid cho biết qua một cuộc trả lời phỏng vấn bằng điện thoại rằng, Taliban đã thành lập một "uỷ ban" gồm 9 thành viên sau khi các tài liệu về Afghanistan được Wikileaks công bố. Mục đích của họ là "truy lùng những người Afghanistan đang làm gián điệp" cho kẻ thù Mỹ. Nguồn tin này cho biết thêm hiện Taliban có danh sách truy nã 1.800 người Afghanistan đã được Wikileaks công bố tên tuổi.
Đình Nguyễn
Nguồn VnExpress

Bị tù 3 năm vì làm thơ khủng bố Obama

Barack Obama. Ảnh: AP.

Một người đàn ông đe dọa Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng một bài thơ bị kết án gần 3 năm tù hôm qua.

Johnny Logan Spencer đã xin lỗi vì viết bài thơ trong đó miêu tả cảnh dùng súng bắn chết Obama.
Chàng thanh niên 28 tuổi phát biểu trước tòa ở thành phố Louisville hôm qua rằng anh quá đau buồn trước cái chết của mẹ và đã gia nhập một nhóm cực đoạn từng giúp anh cai nghiện.
Thẩm phán gọi hành động viết thơ của Spencer là một điều cực kỳ nguy hiểm. Spencer cũng bị giám sát 3 năm sau khi mãn hạn 33 tháng tù.
Bài thơ mang tên The Sniper được đăng lên mạng lần đầu vào năm 2007 và lần thứ hai vào năm 2009 sau khi Obama đắc cử.
Anh Minh
Nguồn VnExpress

25/11/10

10 mặt hàng bị 'hét giá' khủng khiếp


Danh sách 10 sản phẩm sau đây được bình chọn là quá đắt so với giá thực của chúng, nên tốt hơn hết là nên tránh xa chúng nếu muốn tiết kiệm tiền.
1. Tin nhắn văn bản: Đắt gấp 60 lần
232254312_tin_20nhan
Một tin nhắn khoảng 160 ký tự trên điện thoại di động có cước phí là 20 xu tại Mỹ. Tuy nhiên, chi phí truyền tin nhắn đó thực ra chỉ mất 0,3 xu. Tức là nhà cung cấp tính đắt gấp 60 lần. Và do vậy, kể cả khi nhà cung cấp khuyến mãi chỉ 10 xu cho một tin nhắn thì cũng chẳng có gì đáng để vui mừng cả.
Trong một cuộc họp của Quốc hội, nhà phân tích chính sách Joel Kelsey tại Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ cho biết: "600 tin nhắn SMS còn chứa ít thông tin hơn là một phút gọi điện thoại". Do vậy, nếu tính với giá của tin nhắn, thì một cuộc điện thoại có lẽ sẽ tốn đến 120 USD.
2. Nước đóng chai: Đắt gấp 40 lần
1209530045_nuoc_20dong_20chai
Nếu ngành công nghiệp nước đóng chai công bố một bộ phim tài liệu về quy trình làm ra chúng, bạn sẽ cảm thấy rất thất vọng. Có rất nhiều con số ước đoán về chi phí làm ra một chai nước đắt hơn bao nhiêu so với lấy nước từ nhà. Theo website Twilight Earth, thì con số này là gấp 40 lần! Một phần dựa trên sự thật rằng số tiền để làm ra một chai nhựa đựng nước bằng lượng nước trong cả 5 chai cộng lại.
Do vậy, người tiêu dùng được khuyên là nên tận dụng những chai nước cũ bằng cách đổ đầy chúng bằng nước ở nhà và mang theo bên người.
3. Bỏng ngô trong rạp chiếu phim: Đắt gấp 12,75 lần
2019450607_bong_20ngo1
Khi một bộ phim được công chiếu lần đầu tiên, phần lớn lợi nhuận từ việc bán vé sẽ thuộc về xưởng phim chứ không phải rạp chiếu. Do vậy, các chủ rạp thường cố bù đắp lại lợi nhuận bằng cách bán những thứ như bỏng ngô. Đây là một phương pháp hết sức hiệu quả, vì khi khách hàng trả 6 USD cho một túi bỏng ngô loại vừa thì tức là bạn đã phải chịu mua đắt hơn thực tế 12,75 lần!
Các rạp chiếu phim có được 40% lợi nhuận từ việc nhượng quyền, và do vậy, họ cố gắng giữ giá ở mức thấp. Họ biết rằng giá cao sẽ không cạnh tranh được với rạp khác, cũng đồng nghĩa với việc họ chẳng bán được lon soda, thanh kẹo hay túi bỏng ngô nào cả.
4. Thuốc của những hãng tên tuổi: Đắt gấp 2 – 30 lần
1334466641_thuoc
Theo Hiệp hội những người về hưu Mỹ, trong năm qua, giá thuốc của các hãng nổi tiếng đã tăng 10%, trong khi các thuốc generic (thuốc phiên bản) lại có xu hướng giảm. Giai đoạn từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, nếu dùng 3 loại thuốc generic, giá thuốc trung bình hàng năm cho một người giảm 51 USD, trong khi nếu dùng thuốc của các hãng tên tuổi, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 706 USD.
Các loại thuốc generic thường rẻ hơn so với các hãng tên tuổi. Nhưng kể cả giá của các loại này cũng dao động tùy vào từng công ty. Ví dụ, Costco bán thuốc rẻ hơn nhiều so với Walgreens và một số hãng dược phẩm khác.
5. Đồ dùng trong tủ lạnh khách sạn: Đắt hơn gấp 4 lần
2007326537_tu_20lanh_20khach_20san
Một phân tích của trang Oyster.com phát hiện ra rằng một vài khách sạn ở New York tính giá 10 USD cho một chai nước và 12 USD cho một bộ kem đánh răng. Vì vậy, để bảo vệ ví tiền, tốt nhất khách hàng đừng bao giờ mở cái tủ lạnh trong phòng ra!
6. Cà phê: Đắt hơn 3 lần
1154204602_ca_20phe
Nhờ có Starbucks, ngày nay, người tiêu dùng phải trả một cái giá gấp ba hoặc hơn thế cho một tách cà phê! Một cốc cà phê có giá 3 USD mua ở quán cũng có thể được làm tại nhà với giá chỉ bằng 1/4.
7. Rượu: Đắt gấp 3 lần
1805165907_ruou
Việc một nhà hàng mua chai rượu giá 5 USD và sau đó bán cho khách với giá 25 USD không còn là chuyện lạ nữa. Và một cốc rượu thậm chí còn có thể đắt hơn vì chai rượu đã dùng rồi mà không hết thì chỉ có thể vứt đi.
Nhà phê bình thực phẩm của tờ San Francisco Chronicle nói rằng việc bán đắt hơn 2,5 lần là hợp lý để nhà hàng bù vào chi phí cất giữ, phục vụ và cả sinh ra lợi nhuận nữa. Một chai rượu 10 USD có thể tính với giá 25 USD trên bàn tiệc và 15 USD nếu bán lẻ. Bởi vì rượu là nguồn thu lợi lớn nhất của nhà hàng nên khách hàng không thể mang rượu của mình vào và uống miễn phí ở đấy. Họ sẽ tính khoảng 10 đến 20 USD tiền công mở chai.
8. Thiệp chúc mừng: Đắt gấp 2 lần
1129287697_thiep_20chuc_20mung
Thường thì những tấm thiệp đẹp đẽ nhất mà người nhận giữ lại chính là những cái được làm bằng tay. Dù đó chỉ là nét chữ nguệch ngoạc của trẻ con hay một lời nhắn chân thành của bạn bè, thì nó cũng được trân trọng hơn thiệp mua ở ngoài hàng với giá 2 đến 4 USD.
Vẫn biết vậy nhưng nhiều người vẫn trả gấp đôi để mua thiệp in sẵn vì lý do tiện dụng. Mua một chiếc thiệp được sản xuất hàng loạt rõ ràng là dễ hơn rất nhiều so với việc tự làm một chiếc ở nhà.
9. Xem phim trong phòng tại khách sạn: Đắt gấp 2 lần
1357226805_xem_20phim_20trong_20khach_20san
Giống như tủ lạnh, phim chính là một cách khác để nhiều khách sạn moi tiền khách hàng. Do đó, khách hàng được khuyên nên mang máy tính xách tay và đĩa DVD theo để tiết kiệm tiền thuê phim khoảng 10 đến 15 USD.
10. Rau quả được cắt gọt sẵn: Đắt gấp 1,4 lần
843846529_rau_20qua_20cat_20san
Giống như rất nhiều sản phẩm trong danh sách này, rau quả cắt gọt sẵn cũng là một cách tiết kiệm thời gian. Nhưng bù lại, khách hàng lại phải chi gấp 1,4 lần cho thời gian tiết kiệm được. Đó chỉ là một cái bẫy mà các cửa hàng rau quả giăng ra để khuyến khích người tiêu dùng chi tiền. Để tiết kiệm, người ta hoàn toàn có thể mua rau quả tươi từ nông dân hoặc mua từ cửa hàng và về tự cắt nhỏ chúng. Theo VnExpress

Ba sự thật nên biết quanh cơn sốt giá vàng


Giá vàng Việt Nam chịu tác động của giá vàng thế giới vốn đã tăng khoảng 54% trong 2 năm qua. Một số nhà phân tích dự báo giá vàng có thể lên 1.500 USD/ounce vào cuối năm nay, số khác cảnh báo đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng.

255245231_2311_vang
Niềm tin - mấu chốt của cơn bộc phát quanh giá vàng
“Phi mã” ở Việt Nam - 3 yếu tố chính
Giới phân tích cho rằng giá vàng Việt Nam chịu sự tác động của giá vàng thế giới, nhưng lý do thứ nhất khiến giá vàng tăng vọt là do sự chậm trễ trong việc nhập khẩu vàng.
Yếu tố thứ hai có thể là áp lực liên quan đến câu chuyện về tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, cho đến mấy ngày gần đây, những dấu hiệu về áp lực tỷ giá hối đoái cũng đã giảm nhẹ đi một phần, nên giới phân tích cho rằng đó không phải là tác động cơ bản.
Yếu tố thứ ba là yếu tố tâm lý. Diễn biến của giá vàng ở Việt Nam trong những ngày qua có thể nói là liên tục được điều chỉnh, tức là có thể giới kinh doanh vàng đang làm giá chứ không phải là liên quan tới vấn đề tỷ giá hay giá vàng thế giới. Những biến động trên thị trường vàng cũng ít nhiều tác động đến thị trường lương thực, thực phẩm cũng như các thị trường khác.
Vấn đề niềm tin ở châu Á
Yếu tố tâm lý có thể nói là đã bao trùm cả châu Á, chứ không chỉ ở Việt Nam. Ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo "bơm" 600 tỷ USD trong 8 tháng sắp tới để kích thích kinh tế, gần như lập tức, đồng USD bị sụt giá, còn giá vàng trên thế giới lại tăng.
Đồng USD sụt giá khiến đồng nội tệ của nhiều nước lên giá. Họ can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụ thể là mua đồng USD và bán đồng nội tệ để đồng nội tệ khỏi tăng giá.
Bên cạnh đó, bất ổn tại Hy Lạp chưa lui thì lại đến "núi" nợ xấu của Ailen và khủng hoảng chính trị manh nha tại Italia - thành viên kinh tế thứ ba của khu vực đồng euro sau Đức và Pháp. Đồng euro sụt giá cũng khiến giá vàng tăng.
Thêm vào đó, nguy cơ lạm phát tại Trung Quốc là khá rõ, khiến Bắc Kinh nâng lãi suất và dự trữ pháp định ngân hàng để hạ nhiệt kinh tế. Tất cả các yếu tố quốc tế đầy rủi ro đó khiến người ta tích trữ vàng để phòng thân.
Vàng còn lên, hay sắp xuống?
Tỉ phú Mỹ George Soros, người được mệnh danh là “thầy phù thủy” trên thị trường tiền tệ, cho rằng đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng. Ông nói: “Có thể vàng còn lên giá nữa nhưng chắc chắn nó không an toàn và không thể bền vững mãi mãi”.
Từ đầu năm đến nay, ông Soros đã vài lần cảnh báo về bong bóng giá vàng, nhấn mạnh rằng đầu tư vào vàng là không an toàn vì sau khi đạt đỉnh giá sẽ đột ngột đi xuống. Theo Soros, giá vàng có thể còn tăng nhưng "sẽ không kéo dài mãi".
Tuy nhiên, các chuyên gia có quan điểm không thống nhất về việc giá vàng sẽ lao dốc hay chỉ điều chỉnh tạm thời. MR Raghu, Phó Chủ tịch cấp cao thuộc Trung tâm tài chính Kuwet (Markaz), cho rằng giá vàng sẽ không thể quay lại mốc 500 USD/ounce như trước đây. Zeki Muderrisoglu, Quản lý quỹ của Tập đoàn quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Quốc gia Abu Đabi, cũng tin rằng thời điểm này chưa thích hợp để bàn về việc giá vàng có thể xuống đến ngưỡng 500 USD.
Trong khi đó, tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick lại thu hút sự chú ý tới thông điệp từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh. Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ rơi vào một "cuộc chiến tiền tệ", như một số lời cảnh báo, ông Zoellick tuyên bố giá vàng đã lên đến hơn 1.400 USD/ounce là không thể phớt lờ.
                                                                                                                      Theo Dân Trí