25/11/10

Ba sự thật nên biết quanh cơn sốt giá vàng


Giá vàng Việt Nam chịu tác động của giá vàng thế giới vốn đã tăng khoảng 54% trong 2 năm qua. Một số nhà phân tích dự báo giá vàng có thể lên 1.500 USD/ounce vào cuối năm nay, số khác cảnh báo đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng.

255245231_2311_vang
Niềm tin - mấu chốt của cơn bộc phát quanh giá vàng
“Phi mã” ở Việt Nam - 3 yếu tố chính
Giới phân tích cho rằng giá vàng Việt Nam chịu sự tác động của giá vàng thế giới, nhưng lý do thứ nhất khiến giá vàng tăng vọt là do sự chậm trễ trong việc nhập khẩu vàng.
Yếu tố thứ hai có thể là áp lực liên quan đến câu chuyện về tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, cho đến mấy ngày gần đây, những dấu hiệu về áp lực tỷ giá hối đoái cũng đã giảm nhẹ đi một phần, nên giới phân tích cho rằng đó không phải là tác động cơ bản.
Yếu tố thứ ba là yếu tố tâm lý. Diễn biến của giá vàng ở Việt Nam trong những ngày qua có thể nói là liên tục được điều chỉnh, tức là có thể giới kinh doanh vàng đang làm giá chứ không phải là liên quan tới vấn đề tỷ giá hay giá vàng thế giới. Những biến động trên thị trường vàng cũng ít nhiều tác động đến thị trường lương thực, thực phẩm cũng như các thị trường khác.
Vấn đề niềm tin ở châu Á
Yếu tố tâm lý có thể nói là đã bao trùm cả châu Á, chứ không chỉ ở Việt Nam. Ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo "bơm" 600 tỷ USD trong 8 tháng sắp tới để kích thích kinh tế, gần như lập tức, đồng USD bị sụt giá, còn giá vàng trên thế giới lại tăng.
Đồng USD sụt giá khiến đồng nội tệ của nhiều nước lên giá. Họ can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụ thể là mua đồng USD và bán đồng nội tệ để đồng nội tệ khỏi tăng giá.
Bên cạnh đó, bất ổn tại Hy Lạp chưa lui thì lại đến "núi" nợ xấu của Ailen và khủng hoảng chính trị manh nha tại Italia - thành viên kinh tế thứ ba của khu vực đồng euro sau Đức và Pháp. Đồng euro sụt giá cũng khiến giá vàng tăng.
Thêm vào đó, nguy cơ lạm phát tại Trung Quốc là khá rõ, khiến Bắc Kinh nâng lãi suất và dự trữ pháp định ngân hàng để hạ nhiệt kinh tế. Tất cả các yếu tố quốc tế đầy rủi ro đó khiến người ta tích trữ vàng để phòng thân.
Vàng còn lên, hay sắp xuống?
Tỉ phú Mỹ George Soros, người được mệnh danh là “thầy phù thủy” trên thị trường tiền tệ, cho rằng đã xuất hiện bong bóng trên thị trường vàng. Ông nói: “Có thể vàng còn lên giá nữa nhưng chắc chắn nó không an toàn và không thể bền vững mãi mãi”.
Từ đầu năm đến nay, ông Soros đã vài lần cảnh báo về bong bóng giá vàng, nhấn mạnh rằng đầu tư vào vàng là không an toàn vì sau khi đạt đỉnh giá sẽ đột ngột đi xuống. Theo Soros, giá vàng có thể còn tăng nhưng "sẽ không kéo dài mãi".
Tuy nhiên, các chuyên gia có quan điểm không thống nhất về việc giá vàng sẽ lao dốc hay chỉ điều chỉnh tạm thời. MR Raghu, Phó Chủ tịch cấp cao thuộc Trung tâm tài chính Kuwet (Markaz), cho rằng giá vàng sẽ không thể quay lại mốc 500 USD/ounce như trước đây. Zeki Muderrisoglu, Quản lý quỹ của Tập đoàn quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Quốc gia Abu Đabi, cũng tin rằng thời điểm này chưa thích hợp để bàn về việc giá vàng có thể xuống đến ngưỡng 500 USD.
Trong khi đó, tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick lại thu hút sự chú ý tới thông điệp từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh. Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ rơi vào một "cuộc chiến tiền tệ", như một số lời cảnh báo, ông Zoellick tuyên bố giá vàng đã lên đến hơn 1.400 USD/ounce là không thể phớt lờ.
                                                                                                                      Theo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chỉ thành viên của Blog mới được nhận xét.