7/10/10

15 điều đàn ông không nên bỏ qua


 
So với phụ nữ, đàn ông thường được xem là chểnh mảng hơn trong việc chăm lo sức khỏe bản thân. Khi gặp những triệu chứng như sốt, ho, đau... họ ít để ý vì lý do từng lướt qua nhiều lần như thế.
Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm như ung thư, lúc khởi phát triệu chứng không có gì nghiêm trọng, dễ lầm lẫn với cảm ho thông thường nhưng lại không dễ dàng lướt qua nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng ung thư thường gặp ở phái mạnh, song có khi lại không được chính chủ nhân quan tâm:
1. Xuất hiện khối lạ ở ngực: ung thư vú ở nam tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Bất cứ khối lạ nào xuất hiện ở vùng ngực cũng cần được kiểm tra cẩn thận, đặc biệt khi có các biểu hiện kèm theo như: da bị lõm, nhăn nhúm, đỏ hoặc tróc vảy ở nơi có khối lạ. Núm vú bị đỏ, co rút hoặc chảy dịch.
2. Đau: thường gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau và cũng không loại trừ ung thư. Vì vậy, khi có biểu hiện đau dai dẳng nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.
3. Những thay đổi ở tinh hoàn: một số ca ung thư tinh hoàn phát triển nhanh và gây tử vong cao. Do đó, trừ trường hợp bệnh bẩm sinh hoặc trẻ nhỏ, nam giới nên biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình và không nên bỏ qua khi thấy một số bất thường như tinh hoàn to ra hoặc teo lại, cảm giác nặng hoặc căng đau.
4. Nổi hạch: nếu thấy hạch ở nách, cổ hay bất cứ chỗ nào trên cơ thể to ra nhanh hoặc sưng tấy trong thời gian dài (hơn một tháng) thì nên kiểm tra vì có thể đó là hạch trong bệnh lý ác tính.
5. Sốt: có vô số nguyên nhân có thể gây sốt. Trong trường hợp sốt không tìm được nguyên nhân rõ ràng, mọi người cũng có thể nghĩ đến bệnh ác tính vì bệnh này gây sốt ở vài thời điểm nào đó và thường xuất hiện sau khi ung thư đã xâm lấn nhiều nơi.
6. Sụt cân: cân nặng có thể dao động nhưng hầu hết không thay đổi nhiều. Nếu một người mất 10% trọng lượng trong thời gian ngắn (khoảng một tuần) thì cần thăm khám ngay.
7. Đau bụng: bất cứ trường hợp đau bụng nào cũng cần theo dõi cẩn thận, nhất là khi có những bất thường khác kèm theo như vàng da, thay đổi thói quen đại tiện...
8. Mệt: triệu chứng mệt rất mơ hồ và cũng có nhiều nguyên nhân gây mệt mà không nhất thiết là do bệnh tật. Giống như sốt, triệu chứng mệt có thể xuất hiện khi ung thư phát triển. Tuy nhiên, mệt cũng có thể xảy ra ở giai đoạn sớm của ung thư bạch cầu, ung thư trực tràng, dạ dày. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi và không giảm khi nghỉ ngơi thì đó là lúc nên đi khám bệnh.
9. Ho dai dẳng: không nên bỏ qua tình trạng ho kéo dài 3-4 tuần không khỏi. Ngoài những nguyên nhân thông thường như cảm cúm, dị ứng, ho còn là biểu hiện một số vấn đề như viêm phế quản mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản và cũng có thể là ung thư.
10. Khó nuốt: nhiều người than phiền về tình trạng khó nuốt nhưng tìm cách sống chung với nó, lúc đầu khó ăn thức ăn dạng đặc nhưng về sau ăn thức ăn dạng lỏng cũng khó. Có thể đây là chỉ điểm bệnh ác tính như ung thư thực quản.
11. Những thay đổi ở da: cần hết sức cảnh giác khi thấy các nốt ruồi lớn nhanh đột ngột, đau, dễ chảy máu khi chạm vào. Ngoài ra, thay đổi màu sắc da bất thường cũng cần được đánh giá cẩn thận.
12. Chảy máu bất thường: bất cứ khi nào có hiện tượng chảy máu ở những vị trí trước giờ không thấy thì nên đi khám bệnh. Các triệu chứng như ho khạc đàm có máu, đi tiêu, tiểu ra máu, nôn ra máu đều là các dấu hiệu bất thường cần được chú ý.
13. Thay đổi ở miệng: với những người hút thuốc, cần hết sức lưu ý khi thấy trong miệng, lưỡi có nhiều dát hoặc mảng trắng xuất hiện. Đó có thể là bạch sản niêm mạc miệng và có khả năng tiến triển thành ung thư.
14. Vấn đề tiết niệu: tình trạng phì đại tuyến tiền liệt với những khó chịu về đường tiểu như tiểu khó, tiểu lắt nhắt và cảm giác đi tiểu không hết rất thường gặp ở người trung niên. Tuy nhiên, cần theo dõi cẩn thận và kết hợp với cận lâm sàng để có sự can thiệp sớm, vì phì đại tuyến tiền liệt cũng có khả năng chuyển sang ác tính.
15. Khó tiêu: tình trạng ăn không tiêu kéo dài cần được thăm khám kỹ, nhất là đối với người lớn tuổi, nhằm loại trừ bệnh lý ác tính trước khi nghĩ đến những nguyên nhân phổ biến khác.
Nếu tự bản thân cảm thấy không yên tâm về bất kỳ dấu hiệu lạ nào của cơ thể, tốt hơn hết quý ông nên chịu khó đi “thăm” bác sĩ và có kế hoạch thăm khám định kỳ, để giữ vững danh hiệu phái mạnh trong mắt mọi người.
Theo Tuổi Trẻ

Sofia Tolstoy, người vợ bất hạnh bên thiên tài văn học



Người phụ nữ gắn bó 48 năm với Leo Tolstoy từng bị đánh giá là kẻ lạnh lùng, khắc nghiệt, bóp nghẹt trái tim nhà văn. Nhưng những trang nhật ký riêng vừa được xuất bản của bà cho thấy, Sofia Tolstoy thường xuyên phải đối diện với nỗi cô đơn, sự ghẻ lạnh và áp lực trong cuộc sống cùng người chồng nổi tiếng.
> Vợ nhà văn Tolstoy và những trang nhật ký cô đơn

NXB Harper Perennial vừa ấn hành The Diaries of Sofia Tolstoy - cuốn sách công bố những ghi chép ít được biết đến của người phụ nữ song hành với cuộc đời một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.
Ngày 8/10/1862, 2 tuần sau lễ cưới với tiểu thuyết gia 34 tuổi Leo Tolstoy, người phụ nữ có tên thời con gái là Sofia Behrs đã viết trong nhật ký: "Quá khứ của chồng tôi khủng khiếp đến độ tôi nghĩ mình sẽ không chấp nhận nổi". Thì ra, Tolstoy đã cho cô dâu 18 tuổi đọc hết toàn bộ nhật ký thời trai trẻ, ghi lại mọi thói tật, từ cờ bạc, rượu chè đến thú vui trụy lạc của ông. Vài ngày sau nữa, Sofia thú nhận, bà không thể nào làm cho chồng hạnh phúc và sự lạnh lùng của ông khiến bà "sắp hết khả năng chịu đựng". Ngày 23/11, Sofia từng nói đến chuyện muốn giết chồng. Sau đó, bà liên tục nhắc đến việc tự tử và đã ít nhất hai lần thử kết thúc cuộc đời mình.
Trang bìa cuốn nhật ký của Sofia Tolstoy.
Trang bìa cuốn nhật ký của Sofia Tolstoy.
Cuộc hôn nhân của Leo và Sofia Tolstoy đã bất hạnh ngay từ những ngày đầu tiên.
Vào ngày 13/11/1863, người vợ trẻ viết về cuộc sống của mình: "Tôi bị bỏ mặc, cô đơn cả sáng, chiều lẫn tối. Tôi sống chỉ để làm vừa lòng ông và nuôi nấng những đứa con. Tôi cũng chỉ như một thứ đồ vật trong nhà. Nhưng tôi là một người phụ nữ. Tôi đã cố kìm nén những cảm xúc con người. Khi một chiếc máy hoạt động, nó hâm nóng sữa, dệt nên chăn mà hầu như không có băn khoăn, đòi hỏi gì. Cuộc sống của cái máy thật dễ dàng. Nhưng bây giờ tôi đang rất cô đơn và tôi tự cho phép mình cảm thấy mọi thứ đang trở nên quá sức chịu đựng".
Mỗi khi Sofia phấn chấn hoặc muốn tỏ ra hữu ích với chồng, Tolstoy lại cảm thấy bà chỉ "ngu ngốc và phiền phức". Dẫu vậy, Sofia vẫn rất thích thú và biết trân trọng những trang viết của chồng. Bà chép đi chép lại Chiến tranh và Hòa bình - một công việc đem lại cho bà sự tĩnh tâm. "Khi chép lại, tôi cảm nhận được cả một thế giới mới của cảm xúc, suy nghĩ và ấn tượng. Không gì có thể khiến tôi xúc động như ý tưởng và tài năng của ông ấy".
Kết hôn với Tolstoy, Sofia cũng trở thành người phụ nữ đẻ như cái máy. Bà liên tục cho ra đời 13 đứa trẻ. Cuộc sống chỉ quanh quẩn với sinh nở và chăm sóc con chiếm hết thời gian của bà. Nhưng cũng có lúc, Sofia muốn nhiều thứ hơn là nhịp điệu sống tẻ nhạt đó. "Đôi lúc, tôi tự hỏi liệu mình muốn gì. Và thật đáng sợ, tôi thích hội hè, thích diện váy áo đẹp, thích buôn chuyện. Tôi muốn mọi người ngưỡng mộ mình và khen mình xinh đẹp. Tôi cũng muốn chồng tôi nghe được những lời xưng tụng đó của họ…".
Vợ chồng nhà văn Tolstoy.
Vợ chồng nhà văn Tolstoy.
Ngày tháng trôi qua, Tolstoy sống ngày càng khắc kỷ và thu mình. Ông giao hầu như toàn bộ việc quản lý trang trại Yasnaya Polyana và chuyện chăm sóc con cái cho vợ. Một giai đoạn cực nhọc khác trong cuộc đời Sofia lại mở ra.
"Tôi thấy rất mệt. Lưng tôi đau, mũi thì chảy máu, hàm răng trước cũng đau. Tôi rất sợ rụng răng. Thật kinh khủng khi phải dùng răng giả. Tôi lại còn phải chép lại nhật ký của Lyovochka (tên thân mật bà gọi chồng) suốt buổi sáng, rồi đi giặt quần áo cho ông ấy, dọn phòng làm việc của ông cho đến khi nó bóng loáng lên. Tiếp đó, tôi phải mạng lại tất cho ông - những cái tất đầy lỗ thủng. Những thứ đó khiến tôi bận túi bụi cho đến lúc ăn cơm tối".
Bất hạnh hơn cả là trong khi chép lại nhật ký cho chồng, Sofia bắt gặp một câu rằng: "Không hề có tình yêu, chỉ là nhu cầu xác thịt và sự cần thiết có một người sống cùng thôi". Sofia đã bình luận một cách chua chát rằng: "Giá như tôi đọc được câu này 29 năm trước, tôi sẽ chẳng bao giờ lấy ông đâu".
Vẫn rất hấp dẫn dù trải qua nhiều lần sinh nở, ở tuổi trung niên, Sofia bắt đầu "có những ý nghĩ tội lỗi". Bà học piano, đi bơi và đọc những cuốn sách khêu gợi như The Half-Virgin. Sofia thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi có sự xuất hiện của một nhạc sĩ tên là Sergei Taneev. Tất nhiên, Tolstoy nổi cơn ghen và dọa giết tình địch. Vì nhận ra, bà chẳng thế sống thiếu Tolstoy, Sofia dần dà cắt đứt tình bạn với chàng nhạc sĩ đáng yêu.
Tuy nhiên, bà vẫn ấm ức viết rằng: "Nếu ông ấy có một chút tâm lý như những gì đã thể hiện trong các cuốn tiểu thuyết, ông ấy sẽ hiểu nỗi đau và sự bất hạnh mà tôi phải trải qua".
Năm 1910, khoảng 1 tháng trước khi nhà văn 82 tuổi rời bỏ Yasnaya Polyana ra đi để rồi qua đời trong cô đơn tại một nhà ga, Sofia, lúc đó ngoài 66 tuổi, đã nhớ lại ngày đặc biệt của họ - ngày ông cầu hôn bà. Vợ nhà văn viết trong nhật ký: "Ông ấy đã làm gì với cô gái 18 tuổi Sofia Behrs - người đã dành cho ông cả cuộc đời, cả tình yêu và niềm tin?". Rồi bà tự tổng kết 48 năm sống bên chồng rằng: "Ông ấy đã tra tấn tôi bằng sự lạnh lùng, thô bạo và thái độ tự cao, tự đại".

ẢNH VŨ TRỤ ẤN TƯỢNG

Ảnh vũ trụ ấn tượng

Ngôi sao đang hấp hối giống hệt viên ngọc bích giữa vũ trụ, trong khi tia laser từ Chile dường như xuyên qua dải Ngân hà.
Ngôi sao trung tâm của chòm sao mang tên Hourglass. Do nhiên liệu hạt nhân cạn kiệt, ngôi sao trong ảnh đang hấp hối. Lớp vật chất ngoài cùng của nó bị đẩy ra ngoài, còn lõi của nó nguội dần để trở thành một ngôi sao lùn trắng. Ảnh: AFP.
Hình ảnh vệ tinh về cơn bão nhiệt đới Hermine di chuyển về phía bắc vịnh Mexico vào ngày 6/9. Ảnh: AFP.
Bề mặt vệ tinh Dione của sao Thổ. Tàu vũ trụ Cassini của Mỹ chụp được bức ảnh này. Bức ảnh cho thấy Dione có những bức vách uốn lượn được tạo nên bởi băng. Ảnh: NASA.
Tàu Tiến bộ 38 rời Trạm Không gian quốc tế
Tàu Tiến bộ 38 rời Trạm Không gian quốc tế vào ngày 31/8. Ảnh: NASA.
Một tia laser dường như xuyên qua dải Ngân hà, song thực ra nó chỉ vươn tới độ cao 90 km. Nó được phóng lên từ kính thiên văn Yepun thuộc Đài thiên văn Nam Âu tại Chile. Ảnh: ESO.
Vòng tròn màu hồng lấp lánh bao quanh một ngôi sao siêu lớn vừa nổ tung. Do sức đẩy của vụ nổ, bụi và khí từ ngôi sao bay về phía vành đai vật chất xung quanh nó. Nhiệt từ vụ nổ nung nóng bụi và khí, khiến vành đai phát sáng. Ảnh: NASA.
Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter của Mỹ
Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter của Mỹ phát hiện một cầu đá tự nhiên trên mặt trăng. Trên trái đất, cầu đá tự nhiên được tạo nên bởi sự bào mòn của gió và nước. Nhưng cầu đá này trên mặt trăng được tạo nên bởi sự tan chảy của đá dưới tác động của nhiệt. Ảnh: NASA.
Hình ảnh huyền ảo của NGC 300, thiên hà xoắn giống như dải Ngân hà, trong cụm thiên hà Sculptor. Ảnh: AFP.
Minh Long

4/10/10

TRANH CHẤP Ở CHÂU Á CỦNG CỐ VỊ THẾ CỦA MỸ

TRANH CHẤP Ở CHÂU Á  CỦNG CỐ VỊ THẾ CỦA MỸ
http://vnexpress.net  Thứ sáu, 24/9/2010, 17:20 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, cũng như sự tham gia của Mỹ trong một loạt vấn đề nóng ở Đông Á thời gian qua cho thấy nước này đang trở lại khu vực, bài phân tích dưới đây của The New York Times cho thấy.
Trong nhiều năm qua, một trong những câu chuyện được nói đến nhiều nhất ở châu Á là khi Trung Quốc trỗi dậy, các nước láng giềng của họ sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của nó và ngả vào vòng tay của một siêu cường mới. Và trong một kịch bản như thế, người mất mát chính là Mỹ, quốc gia đang dồn cả tiền bạc cũng như ảnh hưởng của mình vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan; nền kinh tế gặp khó khăn và đang mất dần chỗ đứng ở châu Á.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng và tranh chấp ngày càng rõ rệt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong thời gian gần đây đã cho Mỹ một cơ hội để giành lại vị trí trong khu vực - một cơ hội mà chính quyền của Tổng thống Obama mong chờ tận dụng.
Một người Hong Kong, Trung Quốc, trên con tàu định tiến ra khu vực đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong lúc cẳng thẳng giữa hai nước đang lên cao. Ảnh: AFP.
Washington đã nhắc đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông, bất chấp quan điểm của Bắc Kinh cho rằng đây là vấn đề nội bộ. Mỹ cùng với Hàn Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận nhằm giúp Seoul đáp trả những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng. Trung Quốc phản đối những cuộc tập trận này, và nói rằng các hoạt động diễn tập xâm phạm vào vùng nước mà quân đội Trung Quốc hoạt động.
Trong khi đó, căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vụ tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ đang đẩy Tokyo trở lại gần hơn với người đồng minh lâu năm bên kia bán cầu.
Bối cảnh này được phản ánh trong dịp hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới đang diễn ra ở Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã từ chối một cuộc gặp với người đồng nhiệm Nhật là Naoto Kan. Ông Ôn còn đe dọa sẽ "có hành động tiếp theo" nếu Tokyo không thả thuyền trưởng tàu đánh cá "ngay lập tức và vô điều kiện".
Hôm nay, Tổng thống Mỹ Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và có thể Mỹ sẽ cam kết giúp họ giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
"Mỹ thật là khôn", Carlyle A. Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Australia chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á, bình luận. "Họ khôn khi chìa tay với các nước trong khu vực này".
"Ở khắp nơi nơi, Trung Quốc có thể nhận thấy rằng bầu không khí đang thay đổi mạnh mẽ", Thayer nói thêm.
Khẳng định chủ quyền lãnh thổ - ở khắp nơi từ Tây Tạng đến Đài Loan và Biển Đông - vốn từ lâu là ưu tiên hàng đầu của những người theo đường lối dân tộc ở Trung Quốc. Tuy nhiên điều này gây khó khăn cho những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khẳng định sự trỗi dậy hòa bình, và có thể tạo nên sự xa cách với các nước láng giềng.
Một bằng chứng rõ ràng của tình trạng này là sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong vụ va chạm giữa tàu đánh cá và tàu tuần tra đôi bên. Sự vụ xảy ra tại khu vực tranh chấp gần một số đảo mang tên Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung. Các đảo này là đối tượng tuyên bố chủ quyền của cả Bắc Kinh lẫn Tokyo.
Tranh chấp này, cũng như sự việc trực thăng Trung Quốc lượn phía trên tàu khu trục Nhật hồi tháng 4, có thể giúp cho liên minh quân sự Nhật - Mỹ thêm vững chắc. Các nhà phân tích cho rằng những vụ đối đầu như thế có thể sẽ nhắc nhở các quan chức Nhật Bản - vốn từng chủ trương đưa chính sách đối ngoại của họ nghiêng thêm về phía Bắc Kinh - rằng họ vẫn cần dựa vào Mỹ để có được thế cân bằng.
Một người Nhật Bản leo lên sửa ngọn hải đăng trên đảo mà nước này gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi Điếu Ngư) như một hành động biểu tượng để khẳng định chủ quyền. Ảnh chụp năm 1996, AFP.
"Nhật Bản sẽ không có cách nào khác là tiến sâu hơn nữa vào trong vòng tay của Mỹ, củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và sức mạnh quân sự của bản thân", Huang Jing, một học giả nghiên cứu về quân sự Trung Quốc, công tác tại Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.
Hồi tháng 7, tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến vấn đề Biển Đông, bà nói rằng Mỹ sẵn sàng giúp để tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông, nơi được cho là dồi dào tài nguyên dầu, khí và hải sản. Phía Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề với từng nước riêng rẽ, nhưng bà Clinton mong muốn có những cuộc đối thoại đa phương. Tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề mà Mỹ quan tâm, Clinton nói.
Hôm nay Tổng thống Obama có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN. Hãng thông tấn AP cho hay, theo một dự thảo tuyên bố chung mà họ có được, các bên sẽ phản đối "việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông".
Đầu tuần này, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Khương Du lên tiếng chỉ trích bất kỳ nỗ lực làm trung gian nào của Mỹ. "Chúng tôi phản đối việc một nước không có gì liên quan đến biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) can dự vào tranh chấp ở đây", bà Khương nói.
Bắc Kinh cũng phản đối các kế hoạch tập trận của Mỹ và Hàn Quốc ở Hoàng Hải, nơi Trung Quốc tuyên bố là khu vực đặc quyền quân sự. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng sự phản đối này càng khiến Hàn Quốc ngả thêm về phía Mỹ.
Giới chức Mỹ ngày càng quan tâm đến tiến trình hiện đại hóa, cũng như khả năng vươn xa bờ và thái độ ngày càng tự tin hơn của hải quân của Trung Quốc. Hồi tháng 3, một quan chức Trung Quốc nói với các quan chức Nhà Trắng rằng Biển Đông là một phần trong "lợi ích cốt lõi" của chủ quyền quốc gia, ngang với Tây Tạng và Đài Loan.
Một số sĩ quan quân đội và nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ đang muốn ngăn cản họ. Hồi tháng 8, một phó đô đốc của Trung Quốc viết trên nhật báo của quân đội nước này rằng, một mặt Washington "muốn Trung Quốc thực hiện vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực". "Mặt khác", ông này viết tiếp, "lại đang ngày càng xiết chặt vòng vây quanh Trung Quốc và liên tục thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Một số nước châu Á đã cảm thấy muốn ngả về phía Mỹ nhiều hơn. Hồi tháng 4, vụ việc trực thăng Trung Quốc lượn phía trên khu trục hạm Nhật khiến nhiều người Nhật Bản lo lắng, nhất là khi thủ tướng lúc đó là Yukio Hatoyama đang khiến Mỹ tức giận vì thái độ quyết tâm di dời căn cứ không quân của Mỹ ở Okinawa.
Thủ tướng kế nhiệm, ông Naoto Kan, đã tìm cách xoa dịu và thắt chặt hơn các mối quan hệ với Washington, nhấn mạnh rằng liên minh với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
"Tranh chấp với Trung Quốc là yếu tố khiến cho mối quan hệ với Mỹ trở nên quan trọng hơn", giáo sư chính sách công Fumiaki Kubo của trường Đại học Tokyo, bình luận.
Thanh Mai (lược dịch từ NYT)