9/12/10

Nên dạy học sinh tiểu học chơi nhiều hơn


Nên dạy học sinh tiểu học chơi nhiều hơn
TT- – TTO - Đọc bài "Dạy lớp 1 tiếng Anh tăng cường: Rối như tơ vò!", tôi thấy các nhà giáo dục nên xem lại, ngồi lại bàn kỹ trước khi áp dụng một chương trình học nặng nề cho các em học sinh cấp tiểu học.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ cần thiết sau tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) nhưng chúng ta không vì sự quan trọng này mà ép các học sinh lớp 1, khi mà các em chưa nói thành thạo tiếng Việt lại đi học một ngôn ngữ khác với chương trình quá nặng.
Các bạn tôi du học tại Mỹ, Canada, Anh, Úc… bảo tại các nước này học sinh cấp tiểu học rất thoải mái “chơi nhiều hơn học”.
Tuần rồi tôi dạy môn tin học (nơi tôi đang công tác) cho một lớp sinh viên năm 1 khoa Anh khoảng 50 em. Tôi ghi lên bảng tiêu đề của một bài hát bằng tiếng Anh rất quen thuộc: “Let the past, be the Past”. Gần nửa lớp cười rộ lên, nói thầy ghi sai.
Tôi gọi một sinh viên dịch câu này sang tiếng Việt, bạn này dịch sai luôn và em nói mới thấy câu này lần đầu. Điều này chứng tỏ các em chỉ học tiếng Anh chứ chưa nghe nhạc tiếng Anh.
Tôi hỏi các em có biết những công cụ, trang web để hỗ trợ học tiếng Anh, các em bảo chỉ học theo chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Tôi hỏi các em có biết sử dụng thời gian “nát” như nghe nhạc, nghe băng, nghe đài, xem phim phụ đề tiếng Anh để học thêm tiếng Anh không thì một số sinh viên bảo: vì chương trình học từ lớp 1 đến 12 quá nặng nên không còn có thời gian.
Như vậy các em học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ là để học đối phó, học cho có đủ điểm để lên lớp, thậm chí có em chỉ biết học chứ chưa rõ học để làm gì.
Chúng ta, trong đó có tôi nên xem lại chương trình của chúng ta tất cả các môn, và nên dạy các em “học sinh cấp tiểu học chơi nhiều hơn học”. Vì sao?
Thứ nhất: Chúng ta không ép đầu óc các em phải làm việc hết sức khi chưa đủ sức khỏe cho các môn học khó. Chúng ta xây dựng chương trình vừa đủ, nếu sách giáo khoa viết hơi nhiều và hàn lâm quá thì vẫn cho phép giáo viên đứng lớp có thể bỏ bớt những phần không quan trọng, không phải vì thành tích mà dạy hết, chỉ dạy những kiến thức cơ bản (Basic) tạo cho các em có một nền tảng (Background) vững chắc.
Thứ hai: Xây dựng một chương trình các môn học như toán, Văn, tiếng Anh… tuơng đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới, không nên có sự chênh lệnh quá nhiều. Chúng ta dạy sao cho các em không học vẹt, mang tính đối phó mà phải dạy các em biết căn cơ của vấn đề, dạy sao cho các em ham thích các môn học, giờ học:
Ví dụ: Tại lớp 1 khi dạy số 0 (zero) thì giáo viên phải nói số 0 là do ai tìm ra (người Hindu, Ấn Độ tìm ra) từ đó dẫn các em tới trò chơi… số 0 khác chữ không, chữ O gần giống vòng tròn… vòng tròn có một cái tâm... rồi có thể cho lớp sắp lại thành vòng tròn… chơi các trò đuổi bắt heo gà trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ngày ấy thầy giáo làng dạy tôi là thế (vì nhà tôi ở xa trường nên ba mẹ tôi cho tôi theo học thầy giáo làng rồi sau đó vào lớp 2 học luôn).
Thứ ba: Một nghịch lý nữa là khi chúng ta dạy các em ở lớp dưới quá nhiều kiến thức nhưng các em tiếp thu ít thì chỉ tốn thời gian và làm ỳ sức học và tìm tòi khám phá của các em, đến khi lên đại học thì các em sẽ “choáng ngợp” với cách dạy trên đại học vì trên đại học là học theo phương pháp tín chỉ, học phần, ít lý thuyết nhưng yêu cầu sinh viên tự đọc sách và nghiên cứu tài liệu nhiều, thực hành nhiều hơn để làm các đề tài, tiểu luận.
Thứ tư: Chúng ta đừng ép các em nhỏ học quá nhiều, quá tải như hiện nay. Chúng ta nên dạy các em những gì mình nói sao cho vừa đủ sức, vừa với tầm trí tuệ đang phát triển của các em để các em lớn dần và khôn dần trong tình yêu thương bạn bè, thầy cô.
LĨNH CXH (giáo viên toán - kỹ thuật viên Microsoft Testing Software)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chỉ thành viên của Blog mới được nhận xét.