24/12/10

Cậu sinh viên từ bỏ giấc mơ Mỹ


Từ chối lời mời làm việc tại Google - một trong những gã khổng lồ Mỹ với mức lương 8.000 đôla, chưa kể nhà, xe... Nguyễn Xuân Tài cùng nhóm bạn của mình tự lập công ty riêng, miệt mài làm việc tới 16 giờ mỗi ngày.

Sinh năm 1983 ở vùng quê nghèo của Nghệ An, kinh doanh cũng không phải lĩnh vực ước mơ từ nhỏ, Tài đặt chân vào thương trường rất tình cờ. “Em chỉ có một niềm đam mê lớn nhất ấy là khám phá công nghệ”, Tài tâm sự.
Năm 14 tuổi, lần đầu tiên xem tivi trên chuyên mục quảng cáo có hình ảnh chiếc máy tính ở một cửa hàng vàng, Tài tò mò muốn biết nó là cái gì. Trong đầu cậu luôn đặt ra các câu hỏi người ta sẽ làm gì với chiếc máy tính và Tài luôn đau đáu một điều phải đi đến tận cùng để khám phá những điều bí ẩn từ sản phẩm công nghệ này. Niềm đam mê công nghệ hình thành trong Tài từ đó. Và năm lớp 7, cậu bé vùng quê Nghệ An này đã biết tự mua các thiết bị về để lắp cho mình một chiếc radio.
“Hồi đó, máy tính rất đắt, nó bằng 4 mảnh đất rộng 500 m2. Do vậy, phải mất rất lâu sau đó, em mới được chạm vào chiếc máy vi tính, nó là của bố cậu bạn thân”, Tài cho biết.
Tổng giám đốc Socbay.com - Nguyễn Xuân Tài.
Chiếc vi tính đầu tiên mà Tài được thấy và tiếp cận là một máy Compaq 486 ở nhà một người bạn tên là Giang. Tài hay đến học chung với bạn và phát hiện bố Giang quản lý rất chặt chiếc máy tính. Muốn vào phòng để máy tính ở tầng hai thì phải lên bằng cầu thang mà bố Giang thì thường xuyên ngồi gần đó. Vì vậy, cả Tài lẫn Giang cùng trèo lên mái nhà bên cạnh, sau đó bò sang mái nhà của Giang để đột nhập vào phòng để máy tính. Tài kể: “Để khỏi bị lộ, bọn em di chuyển rất nhẹ nhàng và cứ dùng máy khoảng 30 phút thì tắt máy một lần cho máy khỏi nóng. Bọn em học tin học theo kiểu như vậy suốt ba năm ròng...”.
Đam mê tin học là một chuyện song để hình thành nên tính cách, con người Tài như bây giờ phải kể đến 4 nhân vật khá quan trọng và là thành viên sáng lập của công ty - nơi anh đảm nhận vai trò Tổng giám đốc. Đó là 4 người bạn nối khố của Tài - Hồ Minh Đức, Đinh Nho Nam, Lê Văn Hùng và Nguyễn Hoàng Trung.
5 chàng trai xứ Nghệ này cùng sinh một năm và chơi thân với nhau từ nhỏ. Họ đam mê và theo đuổi ngành học công nghệ thông tin rồi cùng nhau lập công ty riêng Naiscorp và xây dựng cổng thông tin tìm kiếm có cái tên rất lạ Socbay.com, do chính Tài làm Tổng giám đốc. Có người gọi vui là “sốc-bậy”, có người đọc là “sốc-bay” đơn giản vì nó không có dấu. Song các thành viên là 5 bạn trẻ thuộc thế hệ 8X này chỉ giải thích ngắn gọn rằng cái tên Socbay ra đời dựa trên hình ảnh con sóc nhanh nhẹn, năng động cần cù, cặm cụi nhặt hạt dẻ - giống như công cụ tra cứu thông tin (search) mà các thành viên muốn gửi gắm tới cộng đồng những người yêu công nghệ.
5 thành viên sáng lập Socbay tại trụ sở của Google, Mỹ.
Socbay ra đời dựa trên khát vọng xây dựng cổng thông tin tìm kiếm thuần Việt, trong suốt ba năm cuối đại học của 5 chàng trai xứ Nghệ. Họ đã cùng nhau nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm, tập trung vào khả năng xử lý tiếng Việt và khối dữ liệu lớn. Đến tháng 7/2006, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhóm quyết định thành lập riêng. Gia tài lúc bấy giờ là 5 chiếc máy tính, một căn phòng nhỏ để làm việc, toàn bộ tài sản này là của nhà tài trợ. Xác định thấy tiềm năng của công ty, nhiều quỹ đầu tư tìm đến hợp tác, Ban giám đốc trẻ đã quyết định chọn Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG và Softbank làm bạn đồng hành.
Cơ hội đến với 5 cậu sinh viên này khá nhanh và suôn sẻ cho đến một ngày, biến cố xảy ra. Đây cũng chính là bước ngoặt cuộc đời mà 5 chàng trai này phải đối mặt. “Chưa bao giờ bọn em đứng trước một lựa chọn khó khăn và tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng và lứa tuổi của bọn em lúc bấy giờ”, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tài nhớ lại.
Sau đúng 3 tháng kể từ khi công ty thành lập, gã khổng lồ Google của Mỹ đã tìm đến Việt Nam để đàm phán mua công ty và công nghệ của Socbay. Đồng thời đề nghị các thành viên sáng lập công ty sang Mỹ làm việc. Vốn coi Google là một hãng hàng đầu thế giới về tìm kiếm nên khi họ tìm đến, Tài cũng như các bạn đều không giấu được sự sửng sốt. “Ai cũng trầm trồ và nghĩ đến một tương lai sáng lạn, làm việc ở trời Tây và cọ xát với phong cách quản lý điều hành kiểu Mỹ”, Tài kể. Sau quá trình đàm phán và thương lượng, 5 thành viên công ty quyết định nhận lời và khăn gói quả mướp sang trời Tây. Họ mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với niềm hy vọng về tương lai tươi sáng.
Những ngày sống trên đất Mỹ, làm việc trong tập đoàn mà họ cho là thiên đường không những là của giới công nghệ mà là còn cả thiên đường của cuộc sống trong mơ, họ được tiếp xúc với các chuyên gia của Google trong những đàm phán về công nghệ và kinh doanh, tiếp xúc với Tổng giám đốc Google - Eric Schmidt. Lúc bấy giờ, giá trị công nghệ của nhóm được định giá lên tới hàng chục triệu USD, cả 5 thành viên Socbay được hứa hẹn mức lương 8.000 đôla cùng với xe hơi, nhà ở, các khoản chi tiêu hằng ngày. Tài cùng những người bạn của mình cảm giác như trong cuộc đời này chẳng có sự ưu ái nào lớn hơn dành cho họ.
Thế rồi, những ngày kế tiếp, cả 5 chàng trai mới bắt đầu cảm nhận được những khác biệt, không chỉ về khí hậu, múi giờ. Và họ như thấy mình lạc lõng giữa đất nước mà người ta vẫn gọi là thiên đường. “Ngày buồn ngủ díp mắt, tối lại thức chong chong, khi quen được môi trường, sinh hoạt mới cũng là lúc bọn em chuẩn bị về nước. Bọn em đấu tranh tư tưởng ghê gớm giữa nhận lời mời làm việc với việc trở về VN để tiếp tục duy trì ước mơ xây dựng cái của riêng mình”, Tài kể.
Trước lựa chọn gần như sinh tử như vậy, bên họ không có bất cứ sự hậu thuẫn nào từ các bậc đàn anh đi trước. Cha mẹ người thân chỉ có mỗi lời động viên an ủi rằng: Tùy các con quyết định. Trong khi với một sinh viên vừa ra trường, khoản tiền lớn đó và với mức lương 8.000 đôla một tháng quả là ghê gớm. Sự giằng co tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của lứa tuổi 22 của họ lúc bấy giờ lúc bấy giờ. Họ đứng trước sự lựa chọn: Nếu làm cho Google với công việc theo thỏa thuận, cả đời Tài và các bạn không phải bận tâm đến tiền. Còn nếu về Việt Nam, cậu và các bạn sẽ phải xây dựng công ty từ những ngày đầu, chật vật, vất vả mà giống như một canh bạc, chưa biết thắng hay thua.
“Có một yếu tố gần như là sống còn khiến bọn em lựa chọn con đường trở về VN, từ chối lời mời của Google đó chính là tình bạn. 5 đứa bạn em chơi với nhau từ bé và lớn lên bên nhau, nếu ở VN chúng em vẫn tiếp tục làm việc với nhau, còn nếu làm cho Google, 5 đứa sẽ được phân công 5 công việc khác nhau, điều này khiến chúng em lo sợ nhất”, Tài nhớ lại.
Phó tổng giám đốc của Socbay - Hồ Minh Đức cũng chia sẻ: “Khi thực sự va vấp với cuộc sống, có chút bươn chải trên thương trường, bọn em hiểu rằng có những điều không thể mua được bằng tiền”.
Google đặt vấn đề mua lại Socbay cùng với việc mời các thành viên trong nhóm sang Mỹ làm việc, Đức cho rằng cái mà gã khổng lồ này cần không phải công ty mà là con người. Bởi hồi đó, Socbay mới ra đời được 3 tháng và hầu như chưa có doanh thu. Hiểu được điều này, 5 chàng trai xứ nghệ cho rằng chẳng phải cứ đâu trên đất Mỹ mà bằng sự đoàn kết của mình, nhóm cậu vẫn có thể đi đến đến tận cùng với sản phẩm của mình, muốn được độc lập.
Quả nhiên, sau hơn 2 năm phát triển, với khởi đầu 5 “lãnh đạo kiêm nhân viên”, đến nay nhân sự của công ty đã lên tới 125 người và mạng lưới cộng tác viên rộng khắp. Hệ thống Socbay đang cung cấp các dịch vụ tìm kiếm web, nhạc MP3, tra từ điển trực tuyến đa ngôn ngữ, rao vặt và địa điểm. Ngoài ra, Socbay còn cung cấp cho cộng đồng mạng một loạt các sản phẩm mới với nhiều tiện ích: Cổng thông tin Socbay Travel tiếp thị điện tử cho doanh nghiệp du lịch, Socbay iMedi - Cổng thông tin tìm kiếm và giải trí trên di động với số lượng người dùng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.
“Niềm vinh hạnh nhất của chúng em đó là công nghệ Việt được khẳng định, chúng em đã triển khai thành công công nghệ của mình để phục vụ cho Chính Phủ, các tập đoàn lớn của Việt Nam như VinaPhone, MobiFone, Viettel. Công nghệ Socbay đã được các tập đoàn như Nokia, Samsung… áp dụng trong các sản phẩm chiến lược của mình”, Tài tâm sự
“Điều chúng em mong muốn nhất là sản phẩm của công ty được nhiều người sử dụng, đó là tiêu chí của sản phẩm thành công”, các thành viên sáng lập của Socbay cho biết.
Và giờ đây khi công ty cứng cáp và đi vào hoạt động ổn định, Tài cũng như các bạn tự hào khoe rằng: Sự trở về Việt Nam là sáng suốt. Họ vẫn làm việc cùng nhau để đang hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một thiên đường mạng kiểu Mỹ ngay trên đất Việt.
Hồng Anh
Nguồn VNexpress

Tổng giám đốc chứng khoán trẻ nhất Việt Nam


Sau gần 3 năm làm việc tại Công ty Chứng khoán VNDirect, Nguyễn Hoàng Giang được hội đồng quản trị bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc dù mới 24 tuổi.
Quyết định bổ nhiệm chính thức được đưa ra hôm 6/10, vài tháng sau khi hội đồng quản trị VNDirect đặt vấn đề bổ nhiệm. Và Giang trở thành vị tổng giám đốc trẻ nhất trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay.
Tốt nghiệp Đại học Nebraska (Mỹ) chuyên ngành toán kinh tế - khoa học máy tính, Nguyễn Hoàng Giang là một trong bốn sinh viên xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Phillip Schrager. Giang cũng là một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Toán thực hành, trường đại học Nebraska.
Tháng 1/2008, Nguyễn Hoàng Giang bước vào ngành chứng khoán với vị trí cộng tác viên phòng giải pháp nghiệp vụ tại Công ty chứng khoán VNDirect. Chỉ hơn một năm sau, anh đã trở thành Trưởng phòng giải pháp nghiệp vụ và quản trị rủi ro, rồi tiếp đến là Giám đốc Khối phát triển sản phẩm và giải pháp nghiệp vụ.
Cũng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo ra những cơn bão dữ dội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá của tất cả các cổ phiếu cũng như khối lượng giao dịch tụt thê thảm, VNDirect cũng như tất cả các công ty chứng khoán khác đều phải chịu những tác động nặng nề.
Chính vì những rủi ro quá lớn đã xảy ra, ban lãnh đạo công ty thay đổi chiến lược. Thay vì tìm kiếm các nguồn nhân lực tốt nhất và đặt họ ở bộ phận kinh doanh, công ty dành nguồn lực trẻ, có tiềm năng vào bộ phận quản trị rủi ro và giải pháp nghiệp vụ - một mảng còn rất mới ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và cậu sinh viên mới tốt nghiệp Nguyễn Hoàng Giang được giao nhiệm vụ kiến trúc sư trưởng của hệ thống quản trị rủi ro cũng như giải pháp nghiệp vụ của công ty trong giai đoạn mới. Những đóng góp của anh ở bộ phận này là một trong những nhân tố giúp công ty có kết quả kinh doanh tốt và giảm thiểu được rủi ro trước những biến động dữ dội của thị trường. Năm 2009, VNDirect có lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 là 195 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng Giang trở thành tổng giám đốc của một công ty chứng khoán lớn khi mới 24 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà
Nguyễn Hoàng Giang trở thành tổng giám đốc của một công ty chứng khoán lớn khi mới 24 tuổi. Ảnh: Hoàng Hà
Trong cuộc họp lãnh đạo cao cấp cách đây vài tháng, khi nhận được đề nghị làm tổng giám đốc từ bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, Nguyễn Hoàng Giang rất bất ngờ. “Việc đầu tiên là tôi tìm cách chuyển ‘quả bóng’ này cho một người khác mà tôi nghĩ rằng sẽ xứng đáng và tốt hơn”, anh tâm sự.
Tuy nhiên, sau khi được toàn bộ ban lãnh đạo thuyết phục, Giang đã tự tin nhận lời, với tâm niệm: “Đó là một cơ hội lớn và tại sao lại không thử?”.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty bộc bạch thông thường mọi người quen với việc tổng giám đốc tại công ty chứng khoán phải giỏi kinh doanh nhất. "Tuy nhiên, chúng tôi có lý do riêng khi chọn người phụ trách bộ phận quản lý rủi ro và xây dựng hệ thống giữ vị trí này. So với nhiều thành viên khác tại công ty, Giang không phải là người giỏi kinh doanh nhất nhưng Giang có khả năng hợp tác tốt với người khác và biết giúp mọi người cùng lái con tàu VNDirect”, bà Hương khẳng định.
Nhìn vào những bảng thành tích của Giang ngày hôm nay, ít ai biết rằng, Giang từng trải qua những tháng ngày gian khó. Khi học lớp 4, bố của Nguyễn Hoàng Giang mất trong một tai nạn giao thông. Gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ - một giáo viên phổ thông với 2 con nhỏ (Giang và cô em gái lúc đó 4 tuổi). Vào trung học, Giang tự hứa với mình là sẽ tìm mọi cách để đi học nước ngoài mà phải học ở Mỹ để sau này kiếm nhiều tiền giúp mẹ.
Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,5 điểm, Giang vẫn nuôi mộng đi Mỹ và cậu tìm được một suất học bổng tại Đại học Nebraska (Mỹ). Tuy nhiên, trường không có học bổng toàn phần nên Giang vẫn phải chi trả một phần tiền học phí, tiền ở và sinh hoạt hằng ngày mà điều này vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Một người họ hàng biết chuyện đã cho Giang vay tiền.
Năm đầu tiên tại Mỹ, cứ 5h sáng Giang đến nhà ăn của trường Nebraska để làm bánh pizza và 10h thì cắp sách đến giảng đường. Anh cho biết, khi mới sang không quen biết ai nên tìm việc làm thêm rất khó. Việc làm bánh pizza trong trường dù vất vả, ít người thích nhưng dễ tìm nhất.
Sang năm thứ 2, cùng với kết quả học tập tốt về môn toán, Giang tìm được một chân trợ giảng rồi tiến đến giảng viên của môn này cho các sinh viên chuyên ngành khác. Ngoài công việc làm thêm là giảng viên, Giang tham gia một dự án phát triển website, và còn được chọn là đại diện cho trường đi quảng bá hình ảnh…
Người trở thành tổng giám đốc của VNDirect không phải là người giỏi nhất công ty. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tân tổng giám đốc của VNDirect không phải là người giỏi kinh doanh nhất công ty. Ảnh: Hoàng Hà
Giang tâm sự, trở thành tổng giám đốc khi tuổi còn quá trẻ ở một công ty chứng khoán vốn lên tới 1.000 tỷ đồng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc thể hiện mình giỏi ra sao, mà là biết ai mạnh điểm gì để cùng họ hoàn thành mục tiêu.
“Tất nhiên, tôi cũng không tự huyễn hoặc mình về vị trí mới bởi biết rằng mình còn cần phải học rất nhiều thứ, đặc biệt là từ những đồng nghiệp trong công ty”, anh nói.
Anh cho biết, điều khiến anh thích nhất ở ngành chứng khoán là luôn được tiếp xúc với lĩnh vực mới và tìm hiểu nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. “Nếu mình làm chuyên ngành máy tính thì chủ yếu biết máy tính nhưng nếu làm chứng khoán khi đầu tư vào ngành mía phải hiểu được cách thức kinh doanh của họ, khi đầu tư vào ngành bất động sản cũng phải hiểu chủ doanh nghiệp tạo tiền ra sao… Cũng từ đó mà chúng tôi luôn tìm được những ý tưởng mới và điều này khiến chứng khoán có sức hấp dẫn đặc biệt”, anh nói.
Hoàng Ly
Nguồn  VNEXPRESS

Doanh nhân Mỹ ví Obama với Hitler


Quyết sách của Tổng thống nhằm thiết lập lại lề lối kinh doanh minh bạch, an toàn trên phố Wall ngày càng vấp phải phản ứng dữ dội từ các ông chủ doanh nghiệp. Có người ví Obama với trùm phát xít Hitler hay độc tài Mussolini.
Tại một diễn đàn diễn ra tuần trước, CEO của Intel, ông Paul Otellini lớn tiếng mạt sát chính quyền Obama vì không hiểu gì công chuyện làm ăn.
"Tôi cho là đám người này chẳng hiểu cần phải làm gì để tạo công ăn việc làm",CNET dẫn lại lời nói của vị CEO nổi tiếng.
Phát biểu của Otenelli nhận được nồng nhiệt hưởng ứng bởi đám đông các CEO từng công khai hoài nghi và chê trách chính sách kinh tế của chính quyền Obama. Vài người còn ví chính quyền Obama với chế độ Hitler.
Dưới đây là những phát ngôn động trời của những nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ, theo tổng hợp của Huffington Post.
1. CEO Intel Paul Otellini
"Môi trường pháp lý Mỹ ngày càng trở nên thù nghịch với doanh nghiệp... Cách đây không lâu, trung tâm nghiên cứu của chúng tôi không ai sánh nổi. Không có nơi nào hấp dẫn hơn Mỹ để đặt nền móng kinh doanh. Chúng tôi dường như đi trước cả thế giới về công nghệ thông tin. Nhưng mọi chuyện giờ đã xa rồi...", ông Paul Otellini trút giận vào chính sách kinh tế được cho là chống Intel của Tổng thống Obama.
2. CEO Blackstone, Steven Schwarzman
Trong một cuộc họp riêng có sự tham gia của ông Schwarzman, chủ đề được bàn luận sôi nổi là tăng thuế đối với giám đốc các quỹ tư nhân. Với một số khoản thu nhập, mức thuế áp dụng cho giám đốc quỹ đầu tư tư nhân được đề nghị tăng lên 35% thay vì 15%. Và những người tham dự cuộc họp cho rằng kiểu thuế như vậy là tận thu.
"Đó là một cuộc chiến. Giống như khi Hitler tàn sát Ba Lan năm 1939", ông Schwarzman nói.
3. CEO Verizon, Ivan Seidenberg
Trong một buổi tọa đàm bàn tròn về kinh doanh mới đây, ông Seidenberg kết tội Obama đang tạo ra một môi trường ngày càng thù nghịch với đầu tư và tạo công ăn việc làm.
"Chung quy lại chúng tôi thấy rằng hệ lụy từ những chính sách kiểu này đáng để bỏ qua. Bằng cách can thiệp vào từng lĩnh vực kinh tế, chính phủ đang bơm sự bất ổn cho thị trường và gây trở lực cho việc tăng vốn và thành lập doanh nghiệp mới", ông nói.
4. CEO tạp chí Forbes, Steve Forbes
Nếu nghĩ ông Schwarzman thật quá đáng khi ví chính quyền Obama với Hitler, thì hẳn là bạn sẽ sốc khi đọc bài viết dài hai trang của chính Steve Forbes đăng trên tạp chí Forbes số ra mới đây về dự luật cải cách tài chính.
"Sự thực là không chỉ chính quyền Franklin Roosevelt thù nghịch và bỏ qua quyền tự do kinh doanh như chính quyền lâm thời. Giờ đây người ta không muốn nhắc tới chế độ Benito Mussolini hay những thứ đại loại như thế bởi phát xít đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc xấu xa và phân biệt chủng tộc, cũng như đồng nghĩa với thảm sát và chiến tranh tàn khốc", ông viết.
5. CEO JPMorgan, Jamie Dimon
Ngày tháng trôi qua, nhà kinh doanh ngân hàng yêu thích thủa nào của Obama giờ cũng đã quay lưng với tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn tháng tư với Wall Street Journal, Dimon nói: "Điệp khúc chỉ trích nhằm vào ngành ngân hàng thật bất công và đang hủy diệt, trừng phạt với toàn hệ thống".
Năm ngoái, JPMorgan chi 6,2 triệu USD để lobby chống lại dự luật cải cách tài chính, nhiều hơn bất cứ ngân hàng nào.
6. CEO General Electric, Jeffrey Immelt
Trong một buổi gặp gỡ các nhà đầu tư ở Rome, Jeff Immelt chẳng giấu giếm sự chê bai với chính quyền Obama: "Thực sự là người ta đang phải trải qua tình cảnh tồi tệ ở Mỹ. Những công ty Mỹ như chúng tôi là các nhà xuất khẩu đáng thương. Người ta bắt chúng tôi phải trở thành những nhà công nghiệp hùng mạnh. Nhưng điều này không thể xảy ra nếu chính phủ và doanh nhân không cùng một chiến tuyến".
7. CEO Loews, Jim Tisch
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg tháng này, ông kết tội Obama đang giết ngành kinh doanh khách sạn bằng cách cứu trợ cho các công ty du lịch. Jim Tisch còn tức tối hơn khi nói về việc Obama lập ủy ban độc lập điều tra vụ tràn dầu của BP.
"Điều đó gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng kinh doanh Mỹ là nếu công ty của bạn gặp rắc rối, nhiều khả năng là bạn chẳng có cơ hội nhận được cách cư xử công bằng", Tisch nói. Bức xúc của ông không quá khó hiểu, vì Loews hiện có cổ phần ở một số giàn khoan cỡ lớn của Mỹ.
Kỳ Duyên
                                                                                         Nguồn VNEXPRESS

Chiêm ngưỡng những cây thông Noel "khủng"

Cập nhật lúc 23/12/2010 02:58:00 PM (GMT+7)
 - Vào dịp này, một trong những nơi nhộn nhịp không khí Noel và được trang hoàng rực rỡ nhất là các khách sạn lớn, các trung tâm vui chơi giải trí ở các đô thị lớn. Chùm ảnh về những cây thông Noel "khủng" do PV vừa thực hiện.







 
Tại TP.HCM, từ các góc đường, cung văn hóa lao động đến các trung tâm thương mại đều được trang trí với những cây thông Noel đủ màu sặc sỡ…



 






17/12/10

Nhật Bản rút bài học Trung Quốc ở Việt Nam

Tác giả: HUỲNH PHAN


Sau gần 6 năm ngồi trên ghế bộ trưởng kế hoạch & đầu tư (MPI), ông Trần Xuân Giá có thể tự hào vì đã thúc đẩy cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân dần khẳng định vai trò của mình trong một nền kinh tế đang chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: "Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi." Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: "Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi."

Ông Võ Hồng Phúc, người kế nhiệm ông Giá, cũng có thể thanh thản rời nhiệm sở vào mùa hè năm tới, sau khi đã có vai trò tương tự trong việc bước đầu buộc khối doanh nghiệp nhà nước phải chấp nhận "đá cùng một sân" với khu vực tư nhân trong một luật doanh nghiệp chung cho mọi thành phần kinh tế. (Việc củng cố các doanh nghiệp nhà nước lớn, thông qua hình thức tập đoàn, vượt quá xa thẩm quyền quyết định của ông).
Với khoảng thời gian tại nhiệm ở vị trí đứng đầu MPI gấp rưỡi ông Giá, ông Phúc cũng kịp thúc đẩy cho sự ra đời của một luật đầu tư thống nhất (có hiệu lực từ 1.7.2006), tiền đề cho một cuộc chơi bình đẳng hơn giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, ông Phúc được coi là người đóng vai trò nổi bật trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam, thông qua Sáng kiến chung Việt - Nhật, được bắt đầu triển khai cách đây 6 năm.
Họp báo đánh giá Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 3.
"Cảm ơn sự hợp tác của Ngài Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, người có sự hợp tác và đóng góp vô cùng lớn lao đối với Sáng kiến chung Việt - Nhật", tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki nói tại cuộc họp báo sau phiên họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt - Nhật, diễn ra sáng Thứ Sáu tuần trước, 10.12.2010, tại Hà Nội.
Trọng tâm của giai đoạn IV: Công nghiệp hỗ trợ
Khi Việt Nam tham gia đàm phán WTO, người Việt Nam hay nghe câu nói: "Mỹ đàm phán, và cả thế giới hưởng lợi."
Đối với việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, người Nhật cũng hoàn toàn có quyền nói một câu tương tự: "Người Nhật đưa ra sáng kiến, các nhà đầu tư ở Việt Nam hưởng lợi."
Nhưng Đại sứ Tanizaki đã nói theo cách khác: "Sáng kiến chung Nhật - Việt là một diễn đàn đặc biệt hơn rất nhiều những diễn đàn mà chúng ta đã có. Bởi trong diễn đàn này, hai bên cùng tìm ra những tồn tại trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, hợp tác giải quyết để cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư này, qua đó góp phần thu hút, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam."
Riêng vốn đầu tư cam kết lũy kế từ Nhật Bản, theo Đại sứ Tanizaki, đã vượt con số 20 tỷ USD tính đến tháng 11.2010. Trong đó, tỷ lệ vốn thực hiện của Nhật Bản cao hơn tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Trong cuộc họp báo, ông Phúc cho biết, sau hai năm thực hiện kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn III, 50 trong số 62 tiểu mục nêu trong kế hoạch hành động đã triển khai tốt và đúng tiến độ. Ông Phúc lý giải rằng 10 tiểu mục triển khai chưa đúng tiến độ đều là những tiểu mục khó, bởi liên quan đến sửa đổi luật, nghị định, như thuế, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ tầng, và giao thông đô thị, hoặc cần thêm sự giúp đỡ của phía Nhật Bản, như công nghiệp hỗ trợ. (2 tiểu mục hai bên nhất trí không đánh giá có liên quan tới xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, do các vấn đề này đã nằm trong nội dung hoạt động của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật bản (JAMA) và Bộ Công Thương.)
Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Susumi Kato nhận xét cũng đồng ý rằng với tỷ lệ triển khai đúng tiến độ đạt 81%, giai đoạn III đã thực sự thành công, bởi các vấn đề còn lại đều khó, so với giai đoạn I và II.
"Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai 10 nội dung còn lại trong giai đoạn IV. Nhưng điều tôi cho rằng còn quan trọng hơn nữa chính là chúng ta đã hình thành được một mối quan hệ hợp tác mật thiết, chiến lược giữa chính phủ và doanh nghiệp, thông qua đó nhà nước và doanh nghiệp cùng làm tốt hơn nữa môi trường đầu tư", vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Sumitomo này nhấn mạnh.
Đại sứ Tanizaki cũng đồng ý với ông Phúc, và nêu quan điểm của phía Nhật Bản là nền công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, cũng như đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, bởi nó sẽ cung cấp nguyên phụ liệu và linh kiện cần thiết cho quá trình sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam. "Chính vì thế trong giai đoạn IV, chúng tôi coi đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần phải được triển khai", Đại sứ Tanizaki nói.
Bộ trưởng Phúc cũng chia sẻ mong muốn của phía Nhật, khi khẳng định đây sẽ là một trọng tâm của kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn IV.
"Khi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, những vấn đề vướng mắc về qui trình, thủ tục đầu tư ngày càng giảm. Thay vào đó là những vấn đề liên quan đến chính sách mang tính dài hạn, tổng thể, vấn đề của ngành, lĩnh vực", ông Phúc hé lộ thêm những nội dung chính sẽ được hai bên bàn bạc đưa vào kế hoạch giai đoạn IV.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Naoto Kan ký Tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
Được biết, việc chậm trễ triển khai kế hoạch hành động liên quan đến việc xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do bất đồng về quan niệm và cách tiếp cận giữa Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả là sau khi nghe Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam và đặc phái viên thủ tướng Trương Đình Tuyển - người có quan điểm rằng công nghiệp hỗ trợ là thành tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững - báo cáo về kết quả hội thảo về công nghiệp hỗ trợ, diễn ra vào cuối tháng 7.2010 tại Hà Nội, Thủ tướng đã quyết định không ký bản dự thảo nghị định do Bộ Công Thương trình. Họ được lệnh phải soạn thảo lại từ đầu dựa trên những nội dung cơ bản mà các chuyên gia Nhật đưa ra.
ODA từ Nhật Bản tiếp tục tăng
Cũng trong cuộc họp báo trên, Đại sứ Tanizaki khẳng định: "Để cải thiện hơn nữa hạ tầng của Việt Nam, Nhật Bản mong muốn được tiếp tục hỗ trợ vốn ODA."
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trong những năm tới những khoản cho vay bằng đồng yen sẽ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy nhập khẩu thiết bị từ Nhật đối với các dự án hạ tầng ở Việt Nam, như giao thông và năng lượng. Nguồn tin này cũng cho biết đây cũng là điều người Nhật học được từ Trung Quốc khi các doanh nghiệp của nước này tham gia khá thành công các dự án năng lượng ở Việt Nam.
Cầu Bãi Cháy được xây dựng do vốn ODA Nhật Bản.
"Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng cần có sự thấu hiểu và đồng thuận từ những người nộp thuế ở Nhật Bản", Đại sứ Tanizaki không quên cảnh báo, khi nhắc tới vụ hối lộ của PCI tại thành phố Hồ Chí Minh, bị bung ra vào hai năm trước.
Khi được hỏi, liệu vụ này có ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật hay không, Đại sứ Tanizaki cho biết: "Tôi nghĩ là không, bởi hai phía đang hợp tác với nhau để phòng tránh những vụ tương tự."
Theo nguồn tin riêng của Tuần Việt Nam, trước khi rời Việt Nam, người tiền nhiệm của ông Tanizaki đã hé ra rằng Nhật Bản sẽ chia nhỏ các dự án ra để việc giám sát được dễ dàng hơn.
Nhật Bản không chỉ khẳng định sẽ tiếp tục cấp ODA cho Việt Nam, dù quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua ngưỡng nghèo. Dường như ODA từ Nhật đang có xu hướng tăng thêm.
Theo phân tích của Đại sứ Tanizaki, tuy tổng mức cam kết của Nhật Bản trong năm 2010 cũng chỉ tương đương với tổng mức cam kết năm 2009, nhưng, thực sự, đã có sự khác biệt. "Trong năm 2009, cam kết ODA có cả phần hỗ trợ khẩn cấp (chống khủng hoảng), tương đương với 600 triệu USD, còn số dự án mà phía Việt Nam đề xuất và phía Nhật cam kết chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy, năm 2010 cam kết ODA của Nhật tăng khoảng 50% so với năm 2009", ông giải thích.
Bộ trưởng Phúc đã không bình luận gì thêm. Là một trong những người chuẩn bị và tham gia cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam vào cuối tháng 10.2010, ông hiểu rõ lý do vì sao cam kết ODA của Nhật lại tăng như vậy.
Nhật Bản gọi - Việt Nam trả lời
Trong cuộc hội đàm cấp cao này, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật đã được cụ thể hóa bằng việc Việt Nam cho Nhật tham gia vào hai dự án rất lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đó là các công ty Nhật được đồng ý tham gia nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2, và tham gia khai thác đất hiếm - được coi là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về chính trị.
Theo Viện Tư vấn Phát triển (CODE), tổng tài nguyên đất hiếm của Việt Nam dự báo là trên 22 triệu tấn REO, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ, với 4 tụ khoáng được ghi nhận là Đông Pao, Nậm Xe, Mường Hum và Yên Phú. Trong đó, lớn nhất là Đông Pao với trữ lượng đã xác định là 645 ngàn tấn, đã được một công ty Nhật thăm dò từ đầu năm nay, và Nậm Xe với trữ lượng đã xác định là 1,74 triệu tấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nghị sĩ Yukio Hatoyama tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, điểm sáng của ngoại giao song phương năm nay là quan hệ Việt - Nhật, khi hai bên đều cần đến nhau, tìm đến nhau đúng lúc đúng chỗ. Phía Nhật đã nói thẳng rằng, nếu cho đến nay Nhật Bản luôn tạo điều kiện giúp đỡ Việt Nam phát triển hạ tầng, hay chống khủng hoảng, bằng các nguồn vốn ODA, thì đây là lúc Nhật Bản gặp khó khăn và rất cần Việt Nam giúp đỡ.
Trước đó, trong sự kiện Biển Hoa Đông, khi tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản ở khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và thuyền trưởng tàu cá bị bắt giữ, Trung Quốc được cho là đã sử dụng ngón đòn hạn chế xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép với Nhật Bản.
Còn nhớ, trước chuyến thăm của Thủ tướng Kan khoảng mươi ngày, đặc phái viên và cũng là người tiền nhiệm của ông là Hatoyama đã có một chuyến đi tiền trạm quan trọng gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thuộc cấp của ông. Chính ông Hatoyama và ông Dũng đã từng có một cuộc gặp quan trọng ở New York bàn về ODA, điện hạt nhân và đường sắt cao tốc, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, hồi giữa tháng 4.2010. Kết quả là những nội dung chủ yếu của tuyên bố chung đã được hai bên quyết định ngay trong chuyến tiền trạm này.
Mặc dù, biết có bên thứ ba sẽ không mấy bằng lòng, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đã có sự lựa chọn cần thiết, vì lợi ích quốc gia của mình. Họ hiểu thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược: "Bên này gọi - bên kia trả lời! Và ngược lại!"
NGuồn Vietnamnet