16/11/11

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt


"Bộ đội thì đánh giặc cho giỏi, nông dân thì làm nhiều thóc gạo, nhà ngoại giao thì khôn khéo đấu tranh..." - Đại biểu QH Dương Trung Quốc.


Sự kiện tàu của Trung Quốc liên tiếp cắt, phá cáp của tàu Việt Nam, ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt các bạn trẻ đã có nhiều hành động lên án việc làm sai trái đó của phía Trung Quốc.

Lòng yêu nước lại trỗi dậy, sôi sục trong mỗi người trẻ. Nhưng làm thế nào để hiện điều đó đúng mực, thông thái và đạt hiệu quả cao nhất?

Sáng nay 10/6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh câu chuyện này.
Sự kiện biển Đông đang làm trỗi dậy lòng yêu nước thường trực trong mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: Internet.
- Nhiều bạn trẻ khi thấy Trung Quốc có những hành động vi phạm lãnh hải Việt Nam đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn. Nhiều bạn đòi đưa ra Tòa án quốc tế, nhiều bạn khác tỏ thái độ bức xúc trước những hành động của Trung Quốc... Ông có nhận xét gì về những hành động này?

Trước hết việc các bạn trẻ còn quan tâm đến những vấn đề chính trị thời sự, lại là những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia thì đó là một điều rất đáng mừng. Đáng sợ nhất là sự thờ ơ của tuổi trẻ cho rằng đấy là chuyện của ... người lớn. Bày tỏ ý kiến trên diễn đàn cùng là điều tốt vì các bạn trẻ đã biết sử dụng công cụ của thời đại, ý thức được quyền của mình trong mối quan hệ với cộng đồng.

Bộc lộ trên mạng là cách thể hiện trước cộng đồng, do đó điều này cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm. Đương nhiên nó tuỳ thuộc vào hiểu biết, nhận thức của mỗi người nên khó có thể tìm thấy sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi không khuyên các bạn trẻ nên hay không nên nhưng đã lên mạng thì phải có bản lĩnh và cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực, vì mạng cũng là môi trường ta dễ bị rơi vào tâm thế “ảo” ,đôi khi lợi bất cập hại.

Vấn đề là ở chỗ phát biểu như thế nào (kể cả nội dung và thái độ). Một nội dung đúng đắn, một thái độ đúng mức sẽ có tính thuyết phục, chia sẻ hay định hướng cộng đồng trên mạng. Những nhận thức sai lầm, thái độ quá khích cũng sẽ có tác động ngược lại ... Cần ý thức sức mạnh của mạng trên cả 2 mặt tích cực và tiêu cực đó. Để dân tộc không bị phân tâm khi đứng trước những thử thách lớn của lịch sử, những phát biểu trước cộng đồng, tôi xin nhắc lại cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm.

Đương nhiên vấn đề khó lại chính là chỗ nói thế nào là đúng đắn và thái độ thế nào là đúng mức. Ngoài sự khác biệt giữa những người tham gia trên mạng còn có sự khác biệt giữa quan điểm chính thống của Nhà nước với người dân. Đứng trước những vấn đề phức tạp như thế này thì lý tưởng nhất là có sự đồng thuận hay nhất trí của các bên. 

Để có được sự đồng thuận ấy thì Nhà nước cần chủ động trong việc giáo dục, tuyên truyền kể cả sự lắng nghe, thuyết phục hay tiếp thu những tiếng nói từ phía người dân. Thái độ của người dân như thế nào một phần là từ cách ứng xử của nhà nước. Đây là một việc rất quan trọng vì đó là nền tảng của sự đoàn kết trong hành động.

Cuối năm 1946, khi đi kiểm tra công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân tái xâm lược, mọi người đều nói quyết tâm, Bác Hồ nói rằng quyết tâm chưa đủ, phải “tín tâm” thì mới “đồng tâm” được. Bởi vậy theo tôi, nếu để các bạn trẻ có những nhận thức sai về thực trạng, hành động không phù hợp với ý đồ của Nhà nước thì cần phải nhận rằng có phần do lỗi tại người lớn trong đó có cả những đoàn thể và cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

- Có ý kiến cho rằng lòng yêu nước phải thể hiện bằng hành động, chứ không phải là những lời nói trên các mạng xã hội. Ý kiến của ông về điều đó?

Đương nhiên lòng yêu nước thì phải được thể hiện bằng hành động, còn hành động như thế nào thì thật khó nói vì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Chung nhất là thực hiện tốt tư cách công dân và tìm được sự đồng thuận chung với cộng đồng. Lý tưởng nhất là có được sự đồng thuận với Nhà nước trong những vấn đề hệ trọng của nước nhà.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc.
- Ngày 5/6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta lại dùng từ “tụ tập” để nói về điều đó. Ông nghĩ sao về điều này?

Tại sao ta lại ngại chữ “biểu tình”. Biểu tình được ghi trong Hiến pháp nhưng đáng tiếc nó chưa được luật hoá nên mỗi người hiểu khác nhau. Đông người đến môt chỗ làm một việc, nếu để ăn uống, chơi bời, giải trí thì đó là tụ tập, còn đến để bày tỏ chính kiến thì là “biểu tình”. Nội dung chính kiến thì ủng hộ, chào mừng... hay phản đối, đả đảo cũng đều là biểu tình. Vấn đề là phản đối hay ủng hộ cái gì mới là điều đáng xem xét.

Đáng mừng là trong các phát ngôn chính thức của Nhà nước đưa ra đều cho rằng hiện tượng “tụ tập” ấy bắt nguồn từ bức xúc của một số người dân, là một cách bày tỏ lòng yêu nước trước những gì xảy ra trên Biển Đông mà quan điểm chính thức của Nhà nước đều nói đến những hành động sai trái từ phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta và cách thể hiện sự bức xúc cũng diễn ra một cách đúng mức.

Vấn đề là cách thể hiện ấy vì không phải chủ trương của Nhà nước nên chính quyền đã sử dụng lực lượng để bảo đảm an ninh và tìm cách giải tán cuộc “tụ tập” một cách ôn hoà.

Ở đâu đó có xảy ra những tranh biện về việc nên hay không nên, nhưng quan trọng nhất trong chuyện này là đã không có sự xung đột. Đó là điều đáng mừng. Nó cũng cho thấy ý thức của những người tham gia rất tỉnh táo, dám thể hiện quan điểm của mình mà không bị ai xúi bẩy, kích động, có bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh và không quá khích. Điều này giúp Chính phủ nhận ra điều phải làm và có điều kiện thực thi những giải pháp ngoại giao theo quan điểm phù hợp với lòng dân. Điều đó cũng cho thấy sự cần thiết phải luật hoá “quyền biểu tình” vì nếu biết cách sử dụng thì đó chính là lợi khí của Nhà nước mà lại thoả mãn quyền bày tỏ chính kiến của người dân.

- Đối với vấn đề biển Đông, cần thể hiện lòng yêu nước thế nào?

Vấn đề Biển Đông gắn với ý thức công dân về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, đó là điều thiêng liêng và cũng là thử thách quan trọng nhất của mỗi công dân trước nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đây cũng là một vấn đề phức tạp trong nhận thức cũng như trong hành động. Trong quá khứ, chúng ta đã có một kinh nghiệm rất dày dạn của nền ngoại giao nhân dân, mỗi người một vị trí khác nhau, có thể hiện khác nhau nhưng đều đồng hướng cho mục tiêu chung.
Tàu Trung Quốc phá cáp tàu Việt Nam sáng 9/6. Ảnh: Petrotimes.
Bộ đội thì đánh giặc cho giỏi, nông dân thì làm nhiều thóc gạo, nhà ngoại giao thì khôn khéo đấu tranh, Việt kiều thì vận động hành lang, văn nghệ sĩ cũng có công việc của mình v.v...., tất cả như một dàn hợp xướng. Muốn thế phải có bản nhạc hay (đường lối tốt) để ai cũng phải hiểu ý đồ của tác giả, lại có những nhạc công hay ca sĩ giỏi có kỷ luật (nhân dân), và rất quan trọng phải có nhạc trưởng không những có tài lại được mọi người tuân phục (nhà lãnh đạo).

Thời mới độc lập, để thực hiện một đường lối ngoại giao khôn ngoan đánh bại âm mưu của đối phương, Bác Hồ ký Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946. Nhiều người dân chưa hiểu, nhà lãnh đạo đứng trước đám đông thề với dân là “không bao giờ bán nước”. Từ đó, dân tin, dân làm theo ...

Bây giờ cũng phải làm sao cho dân tin rồi đường lối đúng mới được dân hưởng ứng. Đương nhiên thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn lời nói, nhưng cái nguyên lý chỉ có dân tin, dân ủng hộ thì Nhà nước mới thành công là muôn thuở.

-Làm sao để các bạn trẻ Việt Nam được hiểu sâu sắc về lịch sử biển đảo nước ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa để nâng cao ý thức chủ quyền dân tộc?
Phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong dân nhưng tuyên truyền giáo dục trên tinh thần dân chủ chứ không chỉ áp đặt một chiều, trong đó có tuyên truyền giáo dục về Biển Đông (giá trị, những kiến thức về pháp lý, những bằng cứ và bài học lịch sử..).

Ví như ta bức xúc muốn đem sự việc ra kiện, đã kiện thì phải thắng, muốn thắng phải hiểu luật, hiểu cơ sở pháp lý và lịch sử với những chứng cứ lập luận thuyết phục chứ không thể chỉ bằng ý chí... Trong những tri thức lịch sử ta phải học tổ tiên, cha ông vì sao cha ông ta đã khẳng định và giữ được chủ quyền cả ngàn năm?

Vì sao dân vẫn thờ ông Sĩ Nhiếp (người dạy chữ Hán) mà vẫn dùng chữ Hán viết “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” và đánh gịăc phương Bắc xâm lược ? Vì sao không triều đại nào (kể cả Quang Trung) không nhận sắc phong mà không ông vua nào của nước ta bước qua biên giới nhận sắc phong nhưng lãnh thổ vẫn được bảo toàn vững chãi... Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần học cả những bài học không thành công, những bài học về những gương xấu trong lịch sử...
Giới trẻ luôn hướng về Hoàng Sa - Trường Sa.
Riêng với vấn đề Biển Đông còn phải trang bị những tri thức hiện đại của thế giới về biển, luật biển và những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến Biển Đông, đóng góp thiết thực vào việc phát triển tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Biển... Đó chính là nền tảng để đạt được sự đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Nhà nước...

Phát biểu mới đây nhất ở Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững niềm tin vào truyền thống bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và đưa ra những đối sách cụ thể trong quan hệ đối ngoại... Tôi nghĩ đấy chính là cơ sở để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước của mình và Nhà nước thể hiện năng lực đoàn kết, tổ chức để biến lòng yêu nước thành những thành quả cụ thể.

Tôi tin rằng thế hệ trẻ thời nào cũng như toàn dân đều có lòng yêu nước. Có thể có những cách thể hiện khác nhau tuỳ theo thời đại nhưng cốt lõi thì chẳng có gì thay đổi. Biết tổ chức và phát huy lòng yêu nước của người dân chính là trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có vai trò của các đoàn thể liên quan tới giới trẻ.

Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàng Lan
VTC News

Cuộc thi viết "Tết Và Những Kỷ Niệm Đáng Nhớ"

THỂ LỆ CUỘC THI
1. MỤC ĐÍCH:
Với mong muốn tạo một sân chơi cho độc giả của chuyên mục Bạn trẻ cuộc sống có cơ hội được chia sẻ những trải nghiệm trong cuộc sống, học tập, tình yêu, công việc... cũng như mong muốn tìm được những cây bút tài năng cộng tác cho chuyên mục. Công ty Cổ phần quảng cáo trực tuyến 24h trân trọng tổ chức cuộc thi này dành cho các Bạn trẻ trong cả nước.

2. THỜI GIAN:
Chủ đề: Tết và những kỉ niệm đáng nhớ
     - 17/10/2011 – 31/12/2011 nhận bài dự thi 
     - 1/1/2012 – 8/1/2012 dừng nhận bài, BGK đánh giá các bài dự thi
     - 9/1/2012 công bố trao giải trên trang cuộc thi, trang 24H và email thông báo tới người dự thi
     - Từ 10/1/2012 đến 15/1/2012 tổ chức 1 buổi trao giải tại VP Công ty CP quảng cáo trực tuyến 24H

3. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ:
Dành cho tất cả độc giả của 24h.com.vn

4. NỘI DUNG CUỘC THI:
 Tết luôn ghi dấu trong lòng chúng ta những cảm xúc thật đặc biệt, gắn liền với những kỉ niệm khó quên. Trong cuộc sống mỗi người một hoàn cảnh, mỗi giai đoạn lại một trải nghiệm mới, thời gian trôi qua là biết bao ký ức còn đọng lại. Đôi khi ta suy tư hồi tưởng và cảm giác ký ức như ùa về một cách rõ nét, và được sống lại với những xúc cảm khi ấy là một điều rất ý nghĩa. Hãy chia sẻ ký ức và cảm xúc của bạn để biết đâu, mai này những lưu dấu ấy lại trở thành kỉ vật vô giá 

Cách thức gửi bài dự thi:
- Người dự thi nhập bài theo hướng dẫn. Sau khi gửi bài thành công, bài sẽ được chuyển vào Kho chờ duyệt
- BTC sẽ sơ duyệt các bài dự thi và tiếp tục xuất bản bài dự thi lên trang chủ cuộc thi để tham gia bình chọn. Ngoài ra những bài dự thi được đánh giá cao sẽ được xuất bản thêm lên các chuyên mục của website eva.vn
- Các bài dự thi sau khi được gửi vào kho chờ duyệt sẽ được BTC gửi email thông báo trong vòng 24h
- Các bài dự thi được duyệt sẽ được đăng lên trang chủ cuộc thi, những bài chọn lọc với nội dung tốt sẽ được đăng thêm trên chuyên mục Bạn trẻ cuộc sống 24H
 
5. YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÀI DỰ THI:
- Bài viết chưa được đăng lên bất kì một phương tiện thông tin đại chúng nào: truyền hình, truyền thông, báo chí…, chưa đạt giải bất kì một cuộc thi nào trước đây. BTC sẽ hủy bài dự thi nếu có trường hợp phát hiện hoặc tố cáo sao chép và không chịu trách nhiệm về tính pháp lý của bài dự thi.
- Người dự thi đăng ký thành viên và gửi bài dự thi trên trang chính:http://sukien.24h.com.vn/cuoc-thi-viet-bai
- Yêu cầu với thông tin đăng ký của người tham dự phải là thông tin có thật để đối chiếu khi nhận giải. BTC sẽ không chịu trách nhiệm nếu người dự thi ghi sai thông tin trong bản đăng ký.
- Bài dự thi trình bày mạch lạc, rõ ràng bằng Tiếng Việt có dấu, font chữ Time New Roman, cỡ chữ 14pt, đơn dòng, mỗi bài dự thi không viết quá 1000 từ. Chú ý soạn thảo ra word trước khi nhập vào trang Đăng bài.
- Không giới hạn số lượng bài dự thi cho mỗi thành viên.
- Mỗi bài dự thi được nhập 5 ảnh, ảnh đầu tiên sẽ là ảnh đại diện của bài viết, 4 ảnh tiếp theo sẽ nằm cuối bài viết.

6. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG CHO MỖI CHỦ ĐỀ:
Giải thưởng dành cho bài viết xuất sắc nhất toàn quốc: 1 máy ảnh Panasonic trị giá 4.500.000 đồng
* Ban giám khảo chấm điểm dựa trên sự cảm nhận sâu sắc về chủ đề bài viết được lựa chọn, sự tinh tế và sắc sảo trong cách hành văn ý nghĩa thiết thực của câu chuyện được chia sẻ.

Giải thưởng dành cho bài viết xuất sắc nhất khu vực Hà Nội: 1 giải trị giá 1.000.000 đồng
* Ban giám khảo chấm điểm dựa trên cách viết và văn hóa đặc trưng Tết của miền Bắc

Giải thưởng dành cho bài viết xuất sắc nhất khu vực Hồ Chí Minh: 1 giải trị giá 1.000.000 đồng
* Ban giám khảo chấm điểm dựa trên cách viết và văn hóa đặc trưng Tết của miền Nam

Giải thưởng dành cho bài viết được Bình chọn (Vote) nhiều nhất: 1 giải trị giá 1.000.000 đồng
* Độc giả xem bài dự thi trên trang cuộc thi và bấm nút Bình chọn phía dưới bài dự thi, số lượt bình chọn sẽ được đếm ở bên cạnh

Giải cho bài dự thi đăng trên 24H được đánh giá cao nhất: 1 máy ảnh Panasonic trị giá 4.500.000 đồng
* Bài dự thi đăng trên chuyên mục Bạn trẻ cuộc sống được độc giả 24h.com.vn và BTC chấm điểm cao nhất. 

Giải tặng độc giả có lời bình hay nhất cho bài dự thi được dăng trên 24h: 1 giải trị giá 1.000.000 đồng
* Độc giả bấm vào các bài dự thi được đăng trên 24H, bấm nút Bình luận bên dưới bài dự thi & viết lời cảm nhận của mình để có cơ hội trở thành độc giả có lời bình luận hay nhất chương trình

Chi tiết giải thưởng xem tại đây

7. CƠ CHẾ NHẬN GIẢI:
- Người trúng giải ở khu vực Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ đến tham dự lễ trao giải tại VP Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến 24H theo thông tin liên hệ từ Ban tổ chức.
- Người trúng giải ở các khu vực khác không thể đến tham dự lễ trao giải sẽ nhận giải thưởng qua đường bưu điện với hình thức gửi đảm bảo.
- Khi nhận được mail thông báo từ BTC, người trúng giải vui lòng gửi lại 2 ảnh cá nhân:
       • 1 ảnh chụp CMND nhìn rõ số và nhận diện
       • 1 ảnh đẹp của cá nhân để đăng trên tin bài công bố giải
- Người trúng giải vui lòng chịu mọi chi phí phát sinh nếu có (thuế giải thưởng, phí vận chuyển..)
- Người trúng giải phải trình CMND trong bảng đăng ký thành viên để nhận giải.
- Nếu giải thưởng được chuyển sang cơ cấu tiền mặt, người được giải bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng của chính mình để nhận chuyển khoản
- Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo từ BTC, nếu người trúng giải không đến nhận giải hoặc không có đủ thông tin xác thực để nhận giải qua đường bưu điện, giải thưởng sẽ được thu hồi về BTC.

8. KHIẾU NẠI VÀ LUẬT ÁP DỤNG:
Quyết định của Ban tổ chức là quyết định cuối cùng buộc người than dự phải chấp hành.
- Ban tổ chức có quyền hủy bỏ quyền dự thi của những tài khoản bị phát hiện hành vi gian lận mà không cần thông báo.
- Ban tổ chức được quyền sử dụng các bài viết dự thi cũng như hình ảnh của những người trúng thưởng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng mà không cần có sự cho phép của tác giả hoặc trả bất kỳ chi phí nào
- Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về việc cung cấp sai thông tin của người trúng giải.
- Ban tổ chức có quyền thay đổi cơ cấu giải hoặc nội dung giải thưởng nhưng vẫn đảm bảo giá trị giải thưởng không thay đổi
- Ban tổ chức có quyền thay đổi nội dung thể lệ bất kỳ thời điểm nào và đăng tải nội dung thể lệ đã chỉnh sửa lên website
Mọi thắc mắc các bạn có thể liên hệ qua email:bantrecuocsong@24h.com.vn
Hoặc gửi câu hỏi của bạn trên Box Góp ý trên trang chủ chương trình.

Ban tổ chức xin trân trọng thông báo

Cuộc thi viết "Nhật ký mùa hạ" dành cho giới trẻ



Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Hải/TTXVN)

Cuộc thi viết "Nhật ký mùa hạ" năm 2011-2012 đã chính thức được phát động ngày 21/9, tại Hà Nội.

Do Công ty văn hóa và truyền thông Phương Đông và Công ty dịch vụ truyền thông trực tuyến Vinapho phối hợp tổ chức, cuộc thi nhằm thúc đẩy, phát triển kỹ năng viết cho mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên góp phần phát triển văn hóa đọc của người Việt Nam, tạo sân chơi lưu giữ hồi ức, kỷ niệm của tuổi học đường.

Cuộc thi không hạn chế độ tuổi, quốc tịch của người tham gia, miễn là bài thi phải được viết bằng tiếng Việt với độ dài không quá 4.000 chữ. Người dự thi cũng được gửi số lượng bài không hạn chế với đề tài tập trung vào chủ đề học đường, những câu chuyện diễn ra trong giai đoạn học đường. Ban tổ chức khuyến khích các câu chuyện được viết sinh động, phù hợp với lứa tuổi.

Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên website nhatkymuaha.com, trên tạp chí của đơn vị bảo trợ thông tin cho cuộc thi và được hưởng nhuận bút theo quy định. Thời hạn tham dự cuộc thi bắt đầu từ 1/10/2011 đến hết 1/6/2012, lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 7/2012.

Cuộc thi này lấy ý tưởng từ tác phẩm mới nhất của nữ nhà văn trẻ Diệu Linh (Dili) mang tên "Nhật ký mùa hạ" cũng chính thức ra mắt độc giả ngày 21/9 tại Hà Nội.

Tác phẩm này của Dili bao gồm 51 câu chuyện học đường có thật của chính cô, được Dili khởi thảo từ năm 2008 đến năm 2010 mới hoàn tất. Tác phẩm có nhiều hình minh họa rất sống động, ngộ nghĩnh do 17 họa sỹ nổi tiếng của Hà Nội vẽ./.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

6/11/11

Bài văn lạ gây ‘sốc’ với giáo viên trường Ams

Xuất bản: 09:07, Chủ Nhật, 06/11/2011, [GMT+7]
Cập nhật: 10:15, Thứ Hai, 07/11/2011, [GMT+7]
.
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.

Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Trên đây là trích đoạn trong bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ.

Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …
baivanla.jpg
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với GV trường Ams (THPT Hà Nội - Amsterdam)
Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …
Vũ Quốc Lịch
Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam
Theo Dân trí




Nội dung bài văn ‘Thư gửi mẹ’

Xuất bản: 09:37, Thứ Hai, 07/11/2011, [GMT+7]
.
Mẹ thân yêu của con!

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ,
Nguyễn Trung Hiếu
Theo Dân trí