9/1/11

Những thực phẩm “hút sạch” chất béo



Măng là thực phẩm tốt cho những người béo phì cần giảm béo.
Muốn giảm béo một cách khỏe mạnh, hãy thêm các loại rau sau trong bữa ăn hằng ngày:
1. Măng

Nhiệt lượng: 19kl. Măng ít chất béo, ít chất đường và nhiều chất xơ.

Ăn măng không những thúc đẩy cho dạ dày đường ruột nhu động, trợ giúp tiêu hòa, đẩy thức ăn tích tụ và phòng chống táo bón, mà còn có tác dụng phòng chống ung thư đại tràng.

Măng thuộc vào thực phẩm có nhiệt lượng thấp và thực phẩm tự nhiên có hàm lượng chất béo thấp cho nên măng là thực phẩm tốt cho những người béo phì cần giảm béo.

2. Rau cần

Nhiệt lượng: 12kl. Rau cần hàm chứa nhiều chất xơ, vitamin B2, kẽm vv.

Rau cần giúp nhuận tràng,thông tiểu tiện, điều tiết sự cân bằng của kẽm và natri, tốt cho da và hệ thần kinh.

Lá rau cần chứa nhiều dinh dưỡng hơn thân, vì vậy khi xào không nên bỏ lá.

3. Cải thảo
 
Nhiệt lượng: 17kl. Trong cải thảo có chứa chất xơ và vitamin A hàm lượng cao.

Người bị viêm đường tiêu hóa không nên ăn cải thảo sống ví dụ như kim chi, để tránh gây kích thích cho vùng viêm loét.

Không nên tích trữ cải thảo quá lâu, dinh dưỡng sẽ mất hết đi.

4. Ớt cay đỏ

Nhiệt lượng 22kl. Hàm lượng vitamin C trong ớt cay là phong phú nhất trong các loại rau.

Vitamin C có thể nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống đỡ các loại bệnh.

5. Đậu phụ đông lạnh

Nhiệt lượng: 56kl. Đậu phụ sau khi được đông lạnh có thể sinh ra một loại chất mang tính axit, loại chất này có thể phá hủy chất béo trong cơ thể. Nếu thường xuyên ăn đậu phụ đông sẽ có lợi cho chất béo đào thải, làm cho chất béo tích tụ trong cơ thể không ngừng giảm đi, có hiệu quả giảm béo. Đậu phụ đông có đặc điểm dinh dưỡng phong phú, nhiệt lượng ít, không làm cho chúng ta có cảm giác đói rõ rệt.

6. Giá đỗ

Nhiệt lượng: 18kl. Giá đỗ xanh có tác dụng thanh trừ cholesterol và chất béo tích tụ trong thành huyết quản, ngăn chặn các biến chứng của bệnh huyết quản tim.

Thường xuyên ăn giá đỗ xanh có thể thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giải rượu và độc tố. Người nghiện hút thuốc, uống rượu nếu thường xuyên ăn giá đỗ xanh có thể đạt được hiệu quả thanh lọc dạ dày, đường ruột, giải độc tố, làm sạch răng nướu, đồng thời có thể ngăn chặn chất béo hình thành trên da.
                                                                                                     Nguồn : Dân Trí

Cách gói bánh chưng



Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Nguyên liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giổ tổ Hùng Vương) (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Nguyên liệu
Lá: Thường là lá cây dong tươi. Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít (một loại tre), lá chuối hay thậm chí cả lá bàng , giấy bạc.
Lạt buộc: Bánh chưng thường dùng lạt giang được chẻ từ ống cây giang. Lạt được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.
Gạo nếp: Gạo nếp thường dùng gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác. Nhiều người chọn nếp cái hoa vàng hay nếp nương, thực ra không đến nỗi cầu kỳ như thế vì đây là loại bánh mang tính đại chúng.
Đỗ xanh: Đỗ thường được lựa chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ v.v. sẽ thơm và bở hơn). Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất
Thịt: Thường là thịt lợn, chọn lợn ỉ được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Thịt ba chỉ (ba dọi) với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn. Một số nơi, như tại Trường Sa, những người lính còn làm món bánh chưng với nhân độc nhất vô nhị là dùng thịt chó hay thịt gà.
Nguyên liệu làm bánh chưng. 
Gia vị các loại: Hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu. Ngoài ra một số loại gia vị khác ít phổ biến hơn cũng được sử dụng như thảo quả, tinh dầu cà cuống thường sử dụng tẩm ướp trong nhân bánh tại Hà Nội xưa, tuy nay ít nơi còn cầu kỳ gia thêm loại gia vị này.
Phụ gia tạo màu: Bánh chưng với màu xanh của nếp được tạo thành bằng cách quay mặt trên của lá dong, lá chuối (mặt có màu xanh thẫm) vào trong, áp với bề mặt của gạo nếp. Một số nơi còn sử dụng các phụ gia khác như lá dứa hay lá giềng xay nhuyễn vắt lấy nước trộn gạo vừa tạo hương thơm vừa tạo cho bánh có màu xanh ngọc.
Chuẩn bị
Lá dong: Rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
Gạo nếp: Nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
Đỗ xanh: Đỗ làm dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
Nguyên liệu để làm bánh chưng phải được chuẩn bị kỹ từ trước. 
Thịt lợn: Thái thành miếng to bản và dài, tẩm ướp chút muối, hạt tiêu bột (tốt nhất là hạt tiêu đã được rang thơm, tán nhỏ), hành củ, không dùng nước mắm khi ướp.
Gói bánh
Bánh chưng được gói không khuôn tại một gia đình, với chiếc lá trong cùng quay mặt xanh vào trong để tạo màu cho gạo, 2 lá quay mặt xanh ra ngoài với dụng ý hình thức.Thông thường có hai cách gói bánh chưng: gói bằng tay không hoặc gói theo khuôn hình vuông khoảng 20 cm x 20 cm x 7cm sẵn có. Khuôn thường làm bằng gỗ.
Cách gói tay thông thường
Rải lạt xuống mâm tròn tạo hình chữ thập. Đặt 2 chiếc lá dong lên trên lạt, nằm chồng 1/2 theo chiều dài lá lên nhau, chú ý phải quay mặt trên của 2 lá ra phía ngoài và mặt kém xanh hơn (mặt dưới) vào trong. Lượt sau: 2 lá rải như lượt đầu nhưng vuông góc với lượt đầu, chú ý là lần này lại phải làm ngược lại, quay mặt trên lá (xanh hơn) lên trên, mặt kém xanh hơn, úp xuống dưới.
Gạo nếp, xúc 1 bát đầy đổ vào tâm của hình chữ thập, dùng tay gạt đều, tạo hình vuông mỗi cạnh 20 cm. Lấy 1 nắm đỗ xanh bóp nhẹ và rải đều vào giữa vuông gạo đến gần hết bìa gạo.
Thịt lợn, lấy 1, 2 miếng tùy cỡ đã thái rải đều vào giữa bánh
Lấy tiếp 1 nắm đỗ xanh nữa bóp nhẹ rải đều phủ lên trên thịt
Xúc 1 bát gạo nếp đổ lên trên và phủ khỏa đều, che kín hết thịt và đỗ
Gấp đồng thời 2 lá dong lớp trên vào, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông
Gấp tiếp đồng thời 2 lá dong lớp dưới vào như lớp trên, vừa gấp vừa lèn chặt tay
Dùng lạt buộc xoắn lại tạo thành hình chữ thập
Hai bánh chưng buộc úp vào nhau thành một cặp
Gói bánh chưng bằng tay. 
Với cách gói có khuôn các giai đoạn cũng được tiến hành như trên. Tuy nhiên, người ta cắt tỉa bớt lá dong cho gọn (vừa kích thước khuôn) và đặt trước các lớp lá xen kẽ nhau vào trong khuôn (Ba hoặc bốn lá, nếu gói bốn lá, bánh sẽ vuông đẹp hơn. Khi đó thường thì hai lá xanh quay ra ngoài xếp tại hai góc đối xứng nhau, và hai lá xanh quay vào trong để tạo màu cho bánh). Sau khi đã cho nhân vào trong, các lớp lá lần lượt được gấp lại và sau đó được buộc lạt.
Cách gói bánh có khuôn thì bánh đều nhau hơn và chặt hơn do được vỗ đều gạo, nén chặt, còn gói không khuôn thì bánh được gói nhanh hơn do đỡ mất công đo cắt lá theo kích thước khuôn. Bánh được gói không khuôn thì mặt trên lá được quay ra ngoài, còn với bánh có khuôn thì mặt dưới lá lại được quay ra ngoài.
Luộc bánh
Lấy xoong to, dầy với dung tích trên 100 lít tùy theo số lượng bánh đã được gói. Rải cuộng lá dong thừa xuống dưới kín đáy nhằm mục đích tránh cho bánh bị cháy. Xếp lần lượt từng lớp bánh lên đến đầy xoong và xen kẽ các cuộng lá thừa cho kín nồi. Đổ ngập nước nồi và đậy vung đun. Người nấu bánh thường canh giờ tính từ thời điểm nước sôi trong nồi và duy trì nước sôi liên tục trong 10 đến 12 giờ. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh (người thực hiện thường đặt sẵn ấm nước bên cạnh bếp đun bánh để tận dụng nhiệt lượng). Những chiếc bánh ở trên có thể được lật giở để giúp bánh chín đều hơn, tránh tình trạng bị lại gạo sau này. Trong lúc đun, có thể lấy bánh ra, rửa qua trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.
Ép bánh, bảo quản
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (tục gọi là để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.
Bánh thường được treo ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu, tùy thời tiết có thể để được hàng tháng trời không hỏng. Nhiều vùng ngày xưa còn đưa bánh xuống ngâm dưới ao hoặc giếng nước để bảo quản, lá bánh với nhựa của gạo khi nấu là lớp màng ngăn nước lọt vào làm hỏng bánh. Cách ngâm nước bảo quản bánh chưng tương truyền gắn với sự tích vua Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà vào dịp tết nguyên đán năm Kỷ Dậu (1789), nhân dân bỏ bánh chưng xuống ao, ngừng ăn tết nhằm hoàn tất đại cuộc phá Thanh và ăn tết muộn sau đó. Tuy nhiên, hiện cũng ít nơi còn sử dụng phương thức bảo quản này.
Trên bàn thờ ngày tết không thể thiếu bánh chưng và bánh thường được bày theo cặp. Nhiều người cầu kỳ còn bóc bỏ lớp lá bên ngoài của bánh và gói lại bằng lá tươi mới, sau đó buộc lạt màu đỏ trước khi đặt lên bàn thờ.
Bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó.
Trên mâm cỗ ngày Tết, bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó, bánh chưng dài thường cắt lát ngang, gọi là "đồng bánh", để ăn cùng với dưa hành, nước mắm rắc chút bột tiêu. Ra sau tết, bánh có thể bị lại gạo, bị cứng, khi đó người ta thường đem rán vàng trong chảo mỡ và ăn kèm với dưa góp.
Trên đây là các công đoạn chuẩn bị và cách gói bánh chưng thông thường tại các gia đình cộng đồng người Việt vào dịp Tết.
                                                                                                      Nguồn dinhduong.com.vn

29/12/10

1001 lý do phụ huynh không cho DU HỌC

Trong khi nhà nhà đua nhau đi du học để hưởng thụ nền văn hóa giáo dục tiên tiến: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, thì ba mẹ mình cứ hễ nhắc đến du học là lắc đầu. Tại sao thế nhỉ?
Vấn đề đầu tiên: "Tiền đâu?"
Đây quả thực là vấn đề khó khăn rồi. Chúng mình quá hiểu là du học tốn kém kinh khủng, vì chưa kể tới học phí thì chi phí cuộc sống (như đi lại, ăn ở, vui chơi,…) cũng luôn ở mức cao không kém. Mà việc làm thêm của học sinh, sinh viên ở nước ngoài chỉ có thể trang trải được phần nhỏ thôi, đi làm nhiều sẽ không có thời gian học và rất mệt nữa. Hơn thế, thời gian học ở nước ngoài của mình lại phụ thuộc vào khả năng học tập và bản lĩnh sống trong một môi trường xa lạ. Một thực tế cho thấy rằng tỉ lệ sinh viên đi học từ bậc ĐH và có thể tốt nghiệp được là rất thấp và mất rất nhiều thời gian. Nghĩa là trước khi đi gia đình chúng mình phải tính cả trường hợp chúng mình học dài dài “ở bển”. Vài tỉ đến vài chục tỉ không phải là chuyện đùa, và chẳng phải phụ huynh nào cũng kham nổi.
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Thử làm một phép so sánh nho nhỏ đi nào!
Giải pháp: Chúng mình phải chung lưng với ba mẹ mới được! Bằng cách apply các học bổng toàn phần, hoặc hơn 50% là tốt nhất, sau đó phải cố gắng giữ nó suốt quá trình học tập, nếu có thể bạn xin ở homestay hoặc kí túc xá, và coi phần tiền ba mẹ vay mượn để lo cho bạn như một khoản đầu tư, tự tin hứa sẽ trả lại bằng lương tháng sau này. Hãy để “cổ đông” ba và mẹ thấy quyết tâm và nỗ lực của mình nhé!
Vấn đề thứ 2: "Con đi du học = mất con"
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng việc học ở nước ngoài vất vả hơn nhiều so với khi học ở trong nước, nào là phải sống xa nhà, có lúc cảm thấy nhớ gia đình mà không về được (do lịch học, do kinh tế chẳng hạn).
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Khả năng làm dâu, làm rể xứ người trong quá trình du học luôn khiến ba mẹ lo lắng.
Trong thời gian ở bên đó, bạn có thể sẽ yêu một người bạn nước ngoài, tốt nghiệp xong có thể kết hôn, vậy là khả năng bạn làm dâu, làm rể xứ người rất lớn. Ba mẹ bạn ở nhà chắc chắn nghĩ rằng: Thôi thế là... mất con rồi. Làm thế nào để ba mẹ thoát khỏi cảm giác hụt hẫng khi đứa con dứt ruột đẻ ra bao nhiêu công chăm sóc nâng niu giờ bỗng trở thành... con nhà người khác?
Giải pháp: Đành phải dùng chiêu “mưa dầm thấm lâu” thôi. Ấy là thỉnh thoảng tỉ tê kể cho mẹ chuyện người thật việc thật: “chị Vy học giỏi nhất trường con ngày trước vừa học ở Úc về, phong thái tự tin và kiến thức tuyệt khỏi chê luôn! Giờ chị ấy không ở lại Úc mà về trường con xin làm giáo viên, thế có tuyệt không cơ chứ!”. Hay lúc nào rảnh chỉ cho ba lên mạng đọc báo về các bạn trẻ đi học xa xứ rồi hồi hương, từ chối lương ngàn đô xứ bạn, ai cũng ngưỡng mộ. Rồi cả những gia đình dù con cái ở xa nhưng vẫn thương nhau, vẫn giữ được tình cảm gắn bó, vẫn nhớ tới quê hương bản xứ. Chắc hẳn sau một thời gian phụ huynh sẽ có cái nhìn khác và thông cảm hơn với con đường mà bạn lựa chọn cho mà xem.
Vấn đề 3: Định kiến, định kiến!
Tớ từng chứng kiến đứa bạn thân bị ba mẹ mắng te tua vì lý do đòi đi du học. Phụ huynh nhỏ bạn bảo là, đi du học thì chỉ có mấy đứa hư hỏng nhà giàu ăn chơi đú đởn không học được ở Việt Nam mới bị gia đình “tống cổ” đi thôi! Ba mẹ nó còn nói thêm: "Sang đấy không có ai quản lí là chơi bời trác táng, hư hỏng sớm chứ làm gì! Ở đây ba mẹ “cơm bưng nước rót” còn chẳng ăn ai, sang đó làm sao mà sống được! Mới có “tí tuổi đầu” mà đã muốn du học du hí cái gì, rồi mất gốc sớm thôi con!".
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Ý thức và đam mê là chìa khoá thuyết phục ba mẹ.
Giải pháp nào đây: Không thể giải quyết những vấn đề to bự này bằng cách bù lu bù loa lên và đóng cửa tuyên bố tuyệt thực! Cách duy nhất mà teen muốn đi du học có thể làm là chứng minh và thuyết phục ba mẹ bằng bản lĩnh của mình. Hãy cho gia đình thấy đam mê thực sự của bạn là được đi để học (chứ không phải để chơi bời cho bằng bạn bằng bè), học cách sống độc lập với sự nỗ lực hết mình (như là khoe ra suất học bổng ước mơ mà bạn đã xin được), ý thức tự giác cao, có khả năng lo liệu cho bản thân, tự vượt qua được những khó khăn và thất bại, và hòa nhập vào xã hội mới (mà không bị hòa tan).
Bây giờ thì, tự hứa với bản thân mình cố gắng lên nhé! Thực ra không có ba mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Quan trọng là chính các bạn có tự tin để thực hiện ước mơ của mình không thôi.
Việt Báo (Theo Ione)

Thời điểm vàng du học Canada Và New Zeland

Đối với Canada, chính sách visa mới thuận lợi hơn bao giờ hết cho học sinh và sinh viên bởi chính phủ đang có chế độ mở cửa định cư cho sinh viên Việt Nam năm 2011. Ngoài ra, học phí cực kỳ ưu đãi ở mức trung bình 8.000 CDA /1 năm. Chính sách visa du học thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chính phủ còn có chính sách hoàn lại 60% tổng học phí 2 năm học tại Canada sau khi được chấp nhận định cư là ưu điểm của chương trình du học tại đây. Hơn nữa, theo thống kê khoảng 90% sinh viên sau cao đẳng, đại học tại đây có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
A4.JPG 
Về du học New Zealand, học sinh, sinh viên có thể chọn các trường đại học công lập hoặc cao đẳng công lập – tư thục với các hỗ trợ bao gồm hoặc một phần các phí gồm: Miễn phí ghi danh (300 NZD), đưa đón sân bay (70 NZD), nhà 2 tuần đầu (400 NZD), tặng sim card (30 NZD), tặng laptop mới và phần mềm cho tất cả sinh viên khóa Diploma (1.500 NZD), phí hội viên của Hiệp hội Công nghệ thông tin (50 NZD) và bảo đảm 80 giờ làm việc tại New Zealand (dành cho sinh viên trả đầy đủ toàn bộ học phí).
Hơn nữa, các trường chuyên đào tạo về du lịch - khách sạn đảm bảo bố trí việc làm thêm cho sinh viên trong thời gian học và thực hành có trả lương trong thời gian thực hành 6 tháng trong một năm. Đây là thu nhập đáng kể, giúp các sinh viên chi trả một phần chi phí du học.
Học sinh có thể chọn học các trường trình phổ thông cấp bằng phổ thông trung học New Zealand hoặc cấp bằng tú tài quốc tế (IB).
Học sinh có thể chọn học bán trú hoặc nội trú. Các học sinh dưới 18 tuổi có người bảo trợ. Khi học xong cấp 3, học sinh chuyển lên đại học và chỉ học 3 năm là hoàn thành bậc cử nhân để nhận bằng đại học. Học phí từ 10.000 đến 14.000 NZD.
Hầu hết các trường đều có học bổng cho sinh vỉên xuất sắc. Trong đó NTEC (National Technology Institute of New Zealand), TP Auckland cấp học bổng 100% học phí trị giá 13.500 NZD (3 suất), 50% học phí trị giá 6.750 NZD (3 suất), 25% học phí trị giá 3.500 NZD (5 suất).
Cát Tường dành riêng 1 tháng chuyên du học Canada và New Zealand từ ngày 01/01/2011. Tất cả các học sinh, sinh viên đăng ký du học trong thời gian này sẽ được hỗ trợ 100% phí visa và phí khám sức khỏe sau khi nhận được visa du học.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công Ty TNHH Tư Vấn Quốc Tế Cát Tường:
Địa chỉ: 395 Lạc Long Quân, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: (04) 3 945 4351
Fax: (04) 3 943 9300
 Thúy Hằng (TMDT-VN)