29/12/10

1001 lý do phụ huynh không cho DU HỌC

Trong khi nhà nhà đua nhau đi du học để hưởng thụ nền văn hóa giáo dục tiên tiến: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, thì ba mẹ mình cứ hễ nhắc đến du học là lắc đầu. Tại sao thế nhỉ?
Vấn đề đầu tiên: "Tiền đâu?"
Đây quả thực là vấn đề khó khăn rồi. Chúng mình quá hiểu là du học tốn kém kinh khủng, vì chưa kể tới học phí thì chi phí cuộc sống (như đi lại, ăn ở, vui chơi,…) cũng luôn ở mức cao không kém. Mà việc làm thêm của học sinh, sinh viên ở nước ngoài chỉ có thể trang trải được phần nhỏ thôi, đi làm nhiều sẽ không có thời gian học và rất mệt nữa. Hơn thế, thời gian học ở nước ngoài của mình lại phụ thuộc vào khả năng học tập và bản lĩnh sống trong một môi trường xa lạ. Một thực tế cho thấy rằng tỉ lệ sinh viên đi học từ bậc ĐH và có thể tốt nghiệp được là rất thấp và mất rất nhiều thời gian. Nghĩa là trước khi đi gia đình chúng mình phải tính cả trường hợp chúng mình học dài dài “ở bển”. Vài tỉ đến vài chục tỉ không phải là chuyện đùa, và chẳng phải phụ huynh nào cũng kham nổi.
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Thử làm một phép so sánh nho nhỏ đi nào!
Giải pháp: Chúng mình phải chung lưng với ba mẹ mới được! Bằng cách apply các học bổng toàn phần, hoặc hơn 50% là tốt nhất, sau đó phải cố gắng giữ nó suốt quá trình học tập, nếu có thể bạn xin ở homestay hoặc kí túc xá, và coi phần tiền ba mẹ vay mượn để lo cho bạn như một khoản đầu tư, tự tin hứa sẽ trả lại bằng lương tháng sau này. Hãy để “cổ đông” ba và mẹ thấy quyết tâm và nỗ lực của mình nhé!
Vấn đề thứ 2: "Con đi du học = mất con"
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng việc học ở nước ngoài vất vả hơn nhiều so với khi học ở trong nước, nào là phải sống xa nhà, có lúc cảm thấy nhớ gia đình mà không về được (do lịch học, do kinh tế chẳng hạn).
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Khả năng làm dâu, làm rể xứ người trong quá trình du học luôn khiến ba mẹ lo lắng.
Trong thời gian ở bên đó, bạn có thể sẽ yêu một người bạn nước ngoài, tốt nghiệp xong có thể kết hôn, vậy là khả năng bạn làm dâu, làm rể xứ người rất lớn. Ba mẹ bạn ở nhà chắc chắn nghĩ rằng: Thôi thế là... mất con rồi. Làm thế nào để ba mẹ thoát khỏi cảm giác hụt hẫng khi đứa con dứt ruột đẻ ra bao nhiêu công chăm sóc nâng niu giờ bỗng trở thành... con nhà người khác?
Giải pháp: Đành phải dùng chiêu “mưa dầm thấm lâu” thôi. Ấy là thỉnh thoảng tỉ tê kể cho mẹ chuyện người thật việc thật: “chị Vy học giỏi nhất trường con ngày trước vừa học ở Úc về, phong thái tự tin và kiến thức tuyệt khỏi chê luôn! Giờ chị ấy không ở lại Úc mà về trường con xin làm giáo viên, thế có tuyệt không cơ chứ!”. Hay lúc nào rảnh chỉ cho ba lên mạng đọc báo về các bạn trẻ đi học xa xứ rồi hồi hương, từ chối lương ngàn đô xứ bạn, ai cũng ngưỡng mộ. Rồi cả những gia đình dù con cái ở xa nhưng vẫn thương nhau, vẫn giữ được tình cảm gắn bó, vẫn nhớ tới quê hương bản xứ. Chắc hẳn sau một thời gian phụ huynh sẽ có cái nhìn khác và thông cảm hơn với con đường mà bạn lựa chọn cho mà xem.
Vấn đề 3: Định kiến, định kiến!
Tớ từng chứng kiến đứa bạn thân bị ba mẹ mắng te tua vì lý do đòi đi du học. Phụ huynh nhỏ bạn bảo là, đi du học thì chỉ có mấy đứa hư hỏng nhà giàu ăn chơi đú đởn không học được ở Việt Nam mới bị gia đình “tống cổ” đi thôi! Ba mẹ nó còn nói thêm: "Sang đấy không có ai quản lí là chơi bời trác táng, hư hỏng sớm chứ làm gì! Ở đây ba mẹ “cơm bưng nước rót” còn chẳng ăn ai, sang đó làm sao mà sống được! Mới có “tí tuổi đầu” mà đã muốn du học du hí cái gì, rồi mất gốc sớm thôi con!".
1001 li do phu huynh khong cho du hoc
Ý thức và đam mê là chìa khoá thuyết phục ba mẹ.
Giải pháp nào đây: Không thể giải quyết những vấn đề to bự này bằng cách bù lu bù loa lên và đóng cửa tuyên bố tuyệt thực! Cách duy nhất mà teen muốn đi du học có thể làm là chứng minh và thuyết phục ba mẹ bằng bản lĩnh của mình. Hãy cho gia đình thấy đam mê thực sự của bạn là được đi để học (chứ không phải để chơi bời cho bằng bạn bằng bè), học cách sống độc lập với sự nỗ lực hết mình (như là khoe ra suất học bổng ước mơ mà bạn đã xin được), ý thức tự giác cao, có khả năng lo liệu cho bản thân, tự vượt qua được những khó khăn và thất bại, và hòa nhập vào xã hội mới (mà không bị hòa tan).
Bây giờ thì, tự hứa với bản thân mình cố gắng lên nhé! Thực ra không có ba mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Quan trọng là chính các bạn có tự tin để thực hiện ước mơ của mình không thôi.
Việt Báo (Theo Ione)

1 nhận xét:

Chỉ thành viên của Blog mới được nhận xét.