9/12/10

Vì sao dân ta phải xài tiền mặt?


Vì sao dân ta phải xài tiền mặt?
Nhiều tiện ích nhưng do phát triển thiếu đồng bộ, việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại VN vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi.

Tại Hội thảo Banking Vietnam 2010 khai mạc hôm 9.10.2010 ở TP.HCM, vấn đề TTKDTM đã được đưa ra mổ xẻ.

ATM chủ yếu để rút tiền

Thẻ ATM do các ngân hàng phát hành có thể dùng để rút tiền, nạp tiền, chuyển khoản và thanh toán khi sử dụng mua hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng theo kết quả khảo sát 100 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP.HCM trong quý 3/2010, gần 80% doanh số giao dịch của khách hàng sử dụng thẻ ATM chủ yếu để rút tiền mặt. Tương tự, các NHTM cho biết ủy nhiệm chi vẫn là phương tiện thanh toán được sử dụng phổ biến hiện nay với 79,1% trong khi sử dụng thẻ thanh toán chỉ chiếm 18,8%. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM - nhận xét TTKDTM qua thẻ thanh toán tuy có tăng lên so với trước nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, không tương xứng với sự phát triển của một số dịch vụ khác của ngành ngân hàng.
Rào cản cho việc phát triển TTKDTM là các phương tiện thanh toán hiện đại chưa phổ biến đối với một số tầng lớp dân cư nên việc tiếp cận và sử dụng còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp không muốn minh bạch hóa doanh thu nên không muốn chấp nhận thanh toán thẻ qua máy cà thẻ (POS); Nhiều sản phẩm thanh toán ra đời nhưng chỉ tập trung ở khu vực đô thị, cầu thanh toán lại chưa được phát triển mạnh ở khu vực công và khu vực doanh nghiệp, dân cư.
Vì vậy theo ông Dũng,  vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải kết nối hệ thống máy POS mới đẩy nhanh được vấn đề TTKDTM. Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cũng nhận xét hạ tầng cơ sở phục vụ cho hoạt động thanh toán chưa đồng bộ như hệ thống ATM chỉ chuyển khoản trong nội bộ từng ngân hàng; hệ thống POS chưa phát triến. Ngoài ra, hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước vẫn còn một số khoản thực hiện bằng tiền mặt, nhất là trong công tác thu thuế với các doanh nghiệp tư  nhân và hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM cũng chưa đồng bộ và chưa khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng.

Giảm tối đa sử dụng tiền mặt

TTKDTM đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới bởi có nhiều ưu thế. Đó là tiết kiệm được chi phí in ấn và bảo quản tiền mặt đối với Chính phủ; tiết kiệm chi phí nhân sự cho các ngân hàng và tiết kiệm chi phí giao dịch cũng như an toàn hơn cho người sử dụng. Việc TTKDTM sẽ khiến cho việc quản lý và thu thuế của chính phủ  hiệu quả hơn; việc chi tiêu của chính phủ, doanh nghiệp được minh bạch công khai và đây cũng là xu hướng của ngành ngân hàng hiện đại trên thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài.
Ông Bùi Quang Tiên cho biết mục tiêu cụ thể sắp tới là phải giảm tối đa việc sử dụng tiền mặt trong khu vực công mà trước mắt là trong thu thuế, phí và các loại phí. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các phương thức TTKDTM trong giao dịch giữa các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng; thanh toán định kỳ đối với các dịch vụ điện, nước, điện thoại, internet,…
Đồng thời áp dụng một số biện pháp đồng bộ trong việc lắp đặt, sử dụng các máy POS và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ qua POS. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng - trong thời gian tới, phải tiến tới hình thành trung tâm chuyển mạch thẻ quốc gia để hoàn thiện và phát triển việc kết nối cả hệ thống ATM và POS. Ở góc nhìn của một NHTM, ông Nguyễn Đình Thắng - thành viên HĐQT Ngân hàng Liên Việt - cho rằng cần phải tập trung phát triển các kênh thanh toán điện tử đa dạng và dễ sử dụng hơn nữa để thu hút người tiêu dùng tham gia. Bên cạnh đó, việc liên kết phối hợp giữa ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần phải được thúc đẩy để tạo dựng ra một thị trường thanh toán điện tử rộng khắp.
Mai Phương

Nên dạy học sinh tiểu học chơi nhiều hơn


Nên dạy học sinh tiểu học chơi nhiều hơn
TT- – TTO - Đọc bài "Dạy lớp 1 tiếng Anh tăng cường: Rối như tơ vò!", tôi thấy các nhà giáo dục nên xem lại, ngồi lại bàn kỹ trước khi áp dụng một chương trình học nặng nề cho các em học sinh cấp tiểu học.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ cần thiết sau tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) nhưng chúng ta không vì sự quan trọng này mà ép các học sinh lớp 1, khi mà các em chưa nói thành thạo tiếng Việt lại đi học một ngôn ngữ khác với chương trình quá nặng.
Các bạn tôi du học tại Mỹ, Canada, Anh, Úc… bảo tại các nước này học sinh cấp tiểu học rất thoải mái “chơi nhiều hơn học”.
Tuần rồi tôi dạy môn tin học (nơi tôi đang công tác) cho một lớp sinh viên năm 1 khoa Anh khoảng 50 em. Tôi ghi lên bảng tiêu đề của một bài hát bằng tiếng Anh rất quen thuộc: “Let the past, be the Past”. Gần nửa lớp cười rộ lên, nói thầy ghi sai.
Tôi gọi một sinh viên dịch câu này sang tiếng Việt, bạn này dịch sai luôn và em nói mới thấy câu này lần đầu. Điều này chứng tỏ các em chỉ học tiếng Anh chứ chưa nghe nhạc tiếng Anh.
Tôi hỏi các em có biết những công cụ, trang web để hỗ trợ học tiếng Anh, các em bảo chỉ học theo chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Tôi hỏi các em có biết sử dụng thời gian “nát” như nghe nhạc, nghe băng, nghe đài, xem phim phụ đề tiếng Anh để học thêm tiếng Anh không thì một số sinh viên bảo: vì chương trình học từ lớp 1 đến 12 quá nặng nên không còn có thời gian.
Như vậy các em học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ là để học đối phó, học cho có đủ điểm để lên lớp, thậm chí có em chỉ biết học chứ chưa rõ học để làm gì.
Chúng ta, trong đó có tôi nên xem lại chương trình của chúng ta tất cả các môn, và nên dạy các em “học sinh cấp tiểu học chơi nhiều hơn học”. Vì sao?
Thứ nhất: Chúng ta không ép đầu óc các em phải làm việc hết sức khi chưa đủ sức khỏe cho các môn học khó. Chúng ta xây dựng chương trình vừa đủ, nếu sách giáo khoa viết hơi nhiều và hàn lâm quá thì vẫn cho phép giáo viên đứng lớp có thể bỏ bớt những phần không quan trọng, không phải vì thành tích mà dạy hết, chỉ dạy những kiến thức cơ bản (Basic) tạo cho các em có một nền tảng (Background) vững chắc.
Thứ hai: Xây dựng một chương trình các môn học như toán, Văn, tiếng Anh… tuơng đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới, không nên có sự chênh lệnh quá nhiều. Chúng ta dạy sao cho các em không học vẹt, mang tính đối phó mà phải dạy các em biết căn cơ của vấn đề, dạy sao cho các em ham thích các môn học, giờ học:
Ví dụ: Tại lớp 1 khi dạy số 0 (zero) thì giáo viên phải nói số 0 là do ai tìm ra (người Hindu, Ấn Độ tìm ra) từ đó dẫn các em tới trò chơi… số 0 khác chữ không, chữ O gần giống vòng tròn… vòng tròn có một cái tâm... rồi có thể cho lớp sắp lại thành vòng tròn… chơi các trò đuổi bắt heo gà trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ngày ấy thầy giáo làng dạy tôi là thế (vì nhà tôi ở xa trường nên ba mẹ tôi cho tôi theo học thầy giáo làng rồi sau đó vào lớp 2 học luôn).
Thứ ba: Một nghịch lý nữa là khi chúng ta dạy các em ở lớp dưới quá nhiều kiến thức nhưng các em tiếp thu ít thì chỉ tốn thời gian và làm ỳ sức học và tìm tòi khám phá của các em, đến khi lên đại học thì các em sẽ “choáng ngợp” với cách dạy trên đại học vì trên đại học là học theo phương pháp tín chỉ, học phần, ít lý thuyết nhưng yêu cầu sinh viên tự đọc sách và nghiên cứu tài liệu nhiều, thực hành nhiều hơn để làm các đề tài, tiểu luận.
Thứ tư: Chúng ta đừng ép các em nhỏ học quá nhiều, quá tải như hiện nay. Chúng ta nên dạy các em những gì mình nói sao cho vừa đủ sức, vừa với tầm trí tuệ đang phát triển của các em để các em lớn dần và khôn dần trong tình yêu thương bạn bè, thầy cô.
LĨNH CXH (giáo viên toán - kỹ thuật viên Microsoft Testing Software)

Đón chờ mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm

Đón chờ mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm
Bầu trời đêm tháng 12 sẽ đón chào cơn mưa sao băng rực rỡ nhất 2010, cùng hiện tượng nguyệt thực duy nhất cả năm, hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn cả màn bắn pháo hoa nhân dịp năm mới.

Mưa sao băng Geminid năm nay được mong đợi sẽ là màn bắn sao ngoạn mục nhất trong năm và sẽ đạt đỉnh cao vào những giờ sau nửa đêm ngày 13/12, Space.com cho biết hôm nay.
Giống như hầu hết cơn mưa sao băng khác, Geminids thường đẹp nhất sau nửa đêm (rạng sáng ngày 14/12), khi trái đất hướng trực tiếp vào đường bay của thiên thạch. Nhưng một số màn bắn sao khác lại nhìn rõ hơn vào trước nửa đêm, bởi bức xạ của sao băng gần như vòng về phía cực, nên chúng sẽ nằm trong tầm nhìn ở phía chân trời cả đêm.
Hầu hết mưa sao băng được tạo ra từ các mảnh vỡ của những sao chổi già cỗi, nằm rải rác dọc theo quỹ đạo của sao chổi. Khi trái đất đi qua quỹ đạo của sao chổi, nó sẽ quét qua những mảnh vỡ này, và làm chúng nổi rõ lên khi ánh sáng xuyên qua bầu khí quyển.
Mưa sao băng Geminid độc đáo ở chỗ nó không liên quan tới một sao chổi mà là một hành tinh nhỏ có tên 3200 Phaethon.
Ngoài ra, lễ hội trên bầu trời tháng 12 không chỉ có màn bắn sao Geminid. Vào đêm 20-21/12, một vài nơi trên trái đất sẽ được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần - chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm 2010.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần gần đây nhất là vào ngày 20/2/2008. Tuy rằng sẽ có hai lần nhật thực toàn phần trong năm 2011, người dân Bắc Mỹ sẽ phải chờ đến tháng 4/2014 mới được xem mặt trăng bị nuốt ngoạn mục như sự kiện trong tháng này.
Nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua một điểm trong quỹ đạo mà ở đó Trái đất nằm ở giữa mặt trăng và mặt trời. Khi mặt trăng đi qua bóng râm của trái đất, nó sẽ tạo ra hiện tượng nguyệt thực. Không giống như nhật thực, người xem không cần phải bảo vệ mắt khi ngắm nhìn.
Nhật thực toàn phần là khi toàn bộ mặt trăng nằm hoàn toàn trong bóng tối của trái đất. Do ánh sáng mặt trời bị bẻ cong qua bầu khí quyển của trái đất, nên tia sáng vẫn đến được tới mặt trăng, và vì thế người ta vẫn nhìn rõ mặt trăng khi nhật thực xảy ra.
Anh Minh
Nguồn VnExpress

6/12/10

Cha mẹ vô tình tước kỷ năng sống của con


Không phải cứ đến trường hay nhất thiết phải học với chuyên gia, giáo trình nước ngoài thú vị thì mới trang bị được những kỹ năng sống. Chỉ cần thực sự quan tâm, bố mẹ sẽ là những người có cơ hội quý giá nhất để trao cho con kỹ năng cơ bản từ khi còn bé. Nhưng hiện nay nhiều ông bố bà mẹ lại là người lấy đi cơ hội học tập những kỹ năng sống đơn giản ấy của con.


Bà Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng Trường TH & THCS Dream House chia sẻ với các bậc phụ huynh trong buổi nói chuyện vừa được Alpha Kids tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L\'Espace Hà Nội.


TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh minh chứng thêm: Em bé một tuổi rưỡi có thể làm quen với việc tự xúc cơm ăn, những việc lặt vặt phục vụ bản thân. Thế nhưng, thay vì để trẻ tự xúc ăn thì bà, mẹ lại ngồi đút, cố nhồi nhét cho đủ lượng thức ăn vào người trong thời gian ngắn nhất.

“Trẻ ăn chậm, rơi vãi lung tung cũng là một cách trải nghiệm. Nếu cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân. Những cơ hội ấy chỉ đến theo từng độ tuổi, và các bé hoàn toàn có thể làm được”, TS. Thụy Anh nói.
Không hiếm gặp trẻ 5, 6 tuổi chưa biết làm những việc đơn giản như gấp quần áo, buộc dây giày, đi vệ sinh đúng lúc, tự ăn cơm, tự tắm rửa. Cha mẹ đã vô tình lấy đi quá trình tập dượt, tự suy nghĩ, tự học, tự hành động của con.

"Những kỹ năng như: biết tự lập, làm chủ mọi việc trong cuộc sống, đồng thuận với mọi người trong xã hội hay cách làm việc hiệu quả, biết lên kế hoạch trong cuộc sống... ở lứa tuổi nào, trẻ sẽ học theo yêu cầu của lứa tuổi đó. Những phẩm chất tính cách của 10 năm, 15 năm nữa không thể để đến 10 năm, 15 năm nữa con mới học."- TS. Nguyễn Thuỵ Anh lý giải cho nếp nghĩ quen thuộc của phụ huynh. TS cho rằng, không nên gán mãi suy nghĩ cho con trẻ: trẻ nhỏ chỉ thích hợp với những việc nhỏ hoặc chúng sẽ được phục vụ, làm mọi việc theo ý muốn.

Chẳng hạn, những giờ làm việc nhóm, con thấy rất khó chịu vì trong nhóm có những bạn kém, con chê bai, coi thường bạn. Nhưng trong cuộc sống sau này, có người kém, có người giỏi. Nếu con không nhìn thấy rằng đó là một cơ hội để giúp đỡ người khác, để xây dựng tinh thần hợp tác mà chỉ quan trọng sự thắng thua thì con đã không thể làm viêc tốt và đồng thuận với mọi người.
Lắng nghe những chia sẻ và phân tích của hai diễn giả, một bà mẹ thắc mắc: "Chúng tôi rất ít có thời gian, không phải lúc nào cũng quan tâm được đến con. Làm sao để nắm bắt được tâm lý trẻ nhỏ?"
"Đó là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh và cũng là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến việc tặc lưỡi: thôi thì làm hộ cho nhanh, hơi đâu mà ngồi đợi chúng ăn mãi mới được một bát cơm, gội mãi mới được một cái đầu, nhặt mãi mới được một mớ rau!"- Bà Diệu Lý phân tích.
Thiếu kiên nhẫn, nhiều phụ huynh lựa chọn cách áp đặt "con phải thế này, con phải thế kia", nếu con không làm được thì quát mắng. Chỉ khi nghe lời răm rắp thì mới được công nhận là con ngoan. Nhưng trên thực tế, những đứa trẻ cá tính mới là những học sinh tốt, luôn muốn tìm hiểu tại sao mình phải làm những việc đó.
"Tại sao con cần đi vệ sinh đúng lúc? Tại sao con phải uống sữa? Tại sao con cần ăn cơm?...Đây là cơ hội bố mẹ giúp con hiểu tại sao, bằng những kiến thức khoa học thường thức nhất. Khi con đã hiểu, con sẽ tự giác làm và sẽ làm rất tốt.
Khi dạy con, chính bố mẹ cũng lớn lên, trưởng thành học lại những kỹ năng sống mà trước kia, mình chưa được học từ bố mẹ. Với trẻ, hãy dạy con chậm chạp, từ từ, mỗi ngày một chút, thậm chí mất nhiều tuần, nhiều tháng mới dạy con biết cất bát sau khi ăn, xếp giầy gọn gàng nhưng các con sẽ có được nền móng và học những kỹ năng khác rất nhanh, đó là điều quan trọng nhất của người làm cha mẹ - người làm giáo dục hàng đầu trong việc chăm sóc và giáo dục con cần biết.- bà Vũ Thị Diệu Lý "chốt" lại lời khuyên cho phụ huynh.
  • Nguyễn Hường
Việt Báo (Theo_VietNamNet)