Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN GIÁO DỤC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN GIÁO DỤC. Hiển thị tất cả bài đăng

29/11/11

Khởi nghiệp Bartender

Mỗi lần đi qua các quán bar, nhà hàng, khách sạn lớn... chúng ta đều bắt gặp hình ảnh những Bartender đang múa chai, tung hứng... pha chế ra những ly rượu, cocktail cho thực khách. Nhưng để làm được và trụ với nghề họ đã phải đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt
Lễ khai giảng khóa học: “Khởi nghiệp Bartender” do Trung tâm dạy nghề và GTVL - Yes Center  và Công ty Pernod Ricard Việt Nam đồng tài trợ.
 
Hành trang vào nghề
 
Bartender là nghề vừa làm phục vụ, vừa là nghệ sĩ đòi hỏi không ít đam mê, khổ luyện, lẫn tài hoa. Cái khó của nghề này khác với làm xiếc ở chỗ là “tung hứng ngược”, khi bắt chai rượu lúc nào đầu chai cũng phải ngược lên để tránh đổ rượu ra ngoài.
 
Một ly cocktail đến với người thưởng thức phải thỏa mãn đầy đủ thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và cả xúc giác, chính vì thế để thành công đòi hỏi các bartender phải khổ luyện, không ngừng học hỏi và phải có ý thức tự tập luyện. Họ phải tập những kỹ năng như pha chế, biểu diễn, sáng tạo...
 
Với kỹ năng pha chế, một Bartender cần phải có khả năng định lượng nguyên liệu sao cho ly cocktall có hương vị cân bằng, tươi ngon và hấp dẫn. Phải thuộc nằm lòng tên gọi, cách phân biệt các loại rượu, các kiểu ly thích hợp cho từng thức uống khác nhau cũng như công thức pha chế từ đơn giản đến phức tạp các loại cocktail, mocktail, trà, café… phải hiểu sâu sắc những đặc tính mà rượu sẽ có được tuỳ theo thời gian và loại thùng chứa, sự tương tác giữa các loại rượu với nhau.
 
Bartender cũng phải giỏi về kỹ năng biểu diễn đưa ra các động tác pha chế một cách chuyên nghiệp, đẹp mắt, sáng tạo, phải thành thục biểu diễn bình shaker - một loại dụng cụ được coi là "vật bất ly thân" với bartender.
 
Ngoài ra bartender tài năng phải là người dùng được tiếng anh hay tiếng việt để hướng dẫn người uống đi sâu tận hưởng các cung bậc hương vị và cảm giác, khám phá sức hấp dẫn của từng loại nguyên liệu khác nhau.
 
Tóm lại, mỗi Bartender cần phải luôn sáng tạo trong việc pha chế các thức uống và biết tạo không khí vui nhộn, thu hút được khách hàng tại quầy bar.
 
Thành tài từ khổ luyện
 
Học xong lớp 12, Đặng Quốc Tuấn quyết định nghỉ học vào TP HCM phục vụ tại quán Bar 008 để kiếm tiền đi học nghề lái xe. Thời gian rảnh, anh phụ người anh họ giao thức uống. Công việc này đem lại cho Tuấn sự đam mê và kiến thức về pha chế các loại thức uống. Vì thế cứ rảnh rỗi, anh lại lân la đến quầy pha chế xem những nhân viên nữ thực hiện và ghi lại các công thức rồi về nhà tập
 
Anh thường tìm các loại sách, đĩa nước ngoài để tìm hiểu thêm về việc pha chế thức uống. Thấy Tuấn có sự đam mê, một anh bạn bartender làm cùng quán bar đã kêu về nhà và chỉ dẫn tận tình.
 
Trong một lần, có khách đòi món cocktail do một nhân viên nữ của bar làm. Thế nhưng hôm đó nhân viên này nghỉ và anh xin được làm thay. Kết quả hương vị ly cocktail do anh làm khiến người khách rất thích thú. Anh được đặc cách làm nhân viên pha chế chính thức
 
Con đường thành Bartender của Tuần bắt đầu từ ly cocktail học lỏm đầu tiên. Giờ đây anh đã trở thành một Bartender có tiếng và đang dạy môn này tại trường đào tạo nghề tại TPHCM.
 
Bartender biểu diễn tại Lễ khai giảng khóa học “ Khởi nghiệp Bartender”
 
Còn với Phan Hoàng Nhân, bartender của khách sạn Caravell, quận 1, TP.HCM. Tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng, Nhân được một người chị họ ở nước ngoài khuyên nên đi học làm người phục vụ quầy bar.
 
Tò mò, tìm thầy, tìm lớp đi học, Nhân đã có trong tay tấm chứng chỉ hành nghề mang đi xin việc. Sau đó, Nhân cùng bạn vào TP.HCM lập nghiệp với mức lương khởi điểm 1 triệu đồng cho công việc pha chế thức uống cho khách. Bằng nỗ lực bản thân, giờ đây anh đã trở thành một Bartender được biết đến với mức lương khá cao.
 
Dù thành công hay chưa thành công nhưng các bartender vẫn rất thường xuyên quay lại lớp học của mình để tập luyện kỹ năng biểu diễn. Đối với họ nghề này đòi hỏi phải luôn sáng tạo và nỗ lực không ngừng mới đạt được thành công trong sự nghiệp.
 
PV
 
Khai giảng khóa đào tạo từ thiện nghề Bartender
 
Ngày 20/9, tại trường Trung cấp Khách sạn và Du lịch Saigontourist diễn ra lễ khai giảng chương trình đào tạo từ thiện nghề Bartender “Khởi nghiệp Bartender – Trao cơ hội, tạo dựng tương lai do Công ty Pernod Ricard Việt Nam và Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên - Yes Center trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức.
 
Đây là hoạt động mang đến cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn nền tảng kiến thức về nghề bartender để tạo dựng sự nghiệp vững chắc trong tương lai. Chương trình sẽ đào tạo miễn phí cho 100 thanh niên có độ tuổi từ 18 - 25 tuổi đang ở các mái ấm, nhà mở hoặc những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM.
 
Học viên sẽ học 3 tháng tại trường Trung cấp KS&DL Saigontourist, toàn bộ học viên sẽ được trang bị các phương tiện học tập, thực hành trong suốt thời gian học. Ngoài ra còn được giao lưu và biểu diễn cùng các Bartender chuyên nghiệp quốc tế trong quá trình học tập. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được giới thiệu việc làm ổn định.
 
Các thông tin về học viên, kiến thức học tập, kinh nghiệm làm việc cũng như cách đóng góp vào chương trình “khởi nghiệp Bartender” để giúp đỡ nhiều hơn nữa các thanh niên được học tập nâng cao và hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau đào tạo được đăng tải tại website chương trìnhhttp://www.khoinghiepbartender.com
 

28/11/11

Lần đầu tiên tại một trường ĐH của Việt Nam, các bạn sinh viên đi học có đồng phục riêng.


  • Không phải phục vụ cho việc học thể dục, bộ đồng phục lần này của các bạn sinh viên trường Ngoại giao dùng để khoe sắc cho trường, nghĩa là có đầy đủ từ logo trường, đến màu sắc, chất liệu kiểu dáng khá được lòng sinh viên.
Cuộc bầu chọn tìm mẫu đồng phục nào hợp nhất với các bạn sv Ngoại giao được đưa ra bàn cân, trải qua vòng sơ loại với 9 mẫu đồng phục xuất sắc, cuối cùng mẫu áo xanh, quần đen cho nam và váy đen cho nữ là sản phẩm cuối cùng. Gần 2 tháng chờ đợi phấp phỏng, sản phẩm được ra mắt trong sự háo hức chờ đợi của nhiều sinh viên trong trường.
Không quá cầu kỳ nhưng cũng không nhàm chán, bộ đồng phục được thiết kế đơn giản và màu sắc xanh dương nhạt trang nhã, toát lên chất “Ngoại giao” lịch thiệp. Hai vạch kẻ trên cổ áo tượng trưng cho hai nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập và rèn luyện, cũng là để thể hiện sự tự tin, năng động của tuổi trẻ. Theo sự 'tầm hỉu' của chúng tớ thì bộ đồng phục khá được lòng sinh viên trong trường.
Tuy vẫn còn một số bất tiện cho sinh viên do việc mặc đồng phục tới trường, nhất là các bạn nữ với chiếc váy ngắn, nhưng với chính sách chỉ mặc vào thứ 2 đầu tuần, có lẽ những trở ngại như vậy không nhiều.
Các nhà ngoại giao tương lai có thể thoải mái mặc những gì mình thích vào các ngày khác. Hình ảnh sinh viên mặc quần đồng phục thanh lịch, nhẹ nhàng nhưng không kém nhí nhảy đáng yêu, nhở các bạn?
Theo Ione

27/11/11

Cả nước thiếu gần 23.000 giáo viên mầm non

- Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến năm học 2011-2012 cả nước còn thiếu nhiều giáo viên mầm non và thiếu cả phòng học cho trẻ.

Trong năm học 2011-2012, cả nước có 12.976 trường mầm non, tăng 265 trường so với năm học trước. Trong đó, trường công lập: 9.742 trường, chiếm tỷ lệ 75,1%; trường ngoài công lập: 3.234 trường, chiếm tỷ lệ 24,9%.
Tổng số phòng học cho Giáo dục Mầm non là 138.843, trong đó có 65.629 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 48%). Trong năm học 2010 -2011, cả nước đã xây dựng mới 10.746 phòng học, 3.684 công trình nước sạch và 10.202 bệ, hố vệ sinh.

Ảnh: Minh họa (Nguồn: Internet).
Mặc dù số lượng phòng học cho Giáo dục Mầm non đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn thiếu trầm trọng; Cả nước hiện vẫn thiếu 26.886 phòng học (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non) so với nhu cầu.
Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa các trường mầm non công lập và trường mầm non tư thục là nguyên nhân dẫn đến chạy trường, chạy lớp để trẻ được vào trường mầm non công lập, xảy ra tình trạng quá tải cho các trường mầm non này.
Nguyên nhân chính của tình trạng này la do chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non còn nhiều bất cập, thu nhập thấp, thời gian làm việc lại kéo dài (từ 10 – 12 tiếng/ngày)…..
Về giáo viên mầm non, chủ yếu là giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (ngoài biên chế) trong các trường mầm non công lập, bán công và tư thục. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, cả nước hiện có 196.639 giáo viên mầm non, trong đó trong biên chế 84.606 giáo viên, ngoài biên chế 112.033 giáo viên. Trên cả nước còn thiếu 22.811 giáo viên.
Số giáo viên ngoài biên chế hiện nay đã được các địa phương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thực tế mức thu nhập của giáo viên ngoài biên chế hiện nay rất khác nhau đối với từng tỉnh. Trong năm 2010, bình quân thu nhập của giáo viên ngoài biên chế thấp nhất là 1.192.000đ/ tháng, cao nhất là 2.566.000đ/tháng. Tuy nhiên, có một số huyện thuộc một số tỉnh có mức thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp như Bình Định, Phú Yên: 540.000đ, Hà Nam 800.000đ, Thanh Hóa từ 500.000đ - 800.000đ/tháng.
Lê Nguyễn (tổng hợp)

6/11/11

Bài văn lạ gây ‘sốc’ với giáo viên trường Ams

Xuất bản: 09:07, Chủ Nhật, 06/11/2011, [GMT+7]
Cập nhật: 10:15, Thứ Hai, 07/11/2011, [GMT+7]
.
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.

Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Trên đây là trích đoạn trong bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ.

Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …
baivanla.jpg
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với GV trường Ams (THPT Hà Nội - Amsterdam)
Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …
Vũ Quốc Lịch
Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam
Theo Dân trí




Nội dung bài văn ‘Thư gửi mẹ’

Xuất bản: 09:37, Thứ Hai, 07/11/2011, [GMT+7]
.
Mẹ thân yêu của con!

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ,
Nguyễn Trung Hiếu
Theo Dân trí

5/11/11

3 x 7 ≠ 7 x 3? Sự lừa dối ngọt ngào?


"3 x 7 hay 7 x 3" một phép nhân, một bài cửu chương của trẻ con thì có gì đáng để chúng ta suy nghĩ? Thế mà nó được đặt ra trong giờ lên lớp của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam. Điều bất ngờ là không phải học viên nào cũng trả lời được một cách rốt ráo bài toán sơ đẳng này.
Ai cũng biết rằng: 3 x 7 hay 7 x 3 cũng bằng 21, nhưng nếu xét đáp số "21" tưởng chừng bằng nhau này ở góc độ hiệu quả kinh doanh ta lại thấy nó chứa đựng nhiều sự khác biệt. Trong phép nhân thứ nhất: 3 x 7 = 21; giả thiết "3" là số lượng khách hàng, số lượng sản phẩm hoặc đồng vốn giao dịch, "7" là lợi nhuận thu được (một đồng vốn cho ta 7 đồng lời), thì "21" là kết quả kinh doanh. Phép nhân thứ hai: 7 x 3 = 21 cũng cùng một giả thiết như trên, nhưng phải 7 lần giao dịch ta mới thu được kết quả kinh doanh là "21" (1 đồng vốn ta chỉ thu được 3 đồng lời). Đến đây, bài toán không còn là một phép tính nhân hay một bài cửu chương mà 3 x 7 hay 7 x 3 đã trở thành chiến lược kinh doanh của từng người chủ doanh nghiệp.

3 x 7: Sự lừa dối ngọt ngào?

Nếu ta yêu cầu khách hàng nhắm mắt lại rồi mời họ uống thử nhiều loại nước suối đóng chai, có khi khách hàng sẽ không phân biệt được sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia; thậm chí, sẽ không phân biệt được với nước nấu chín của chính gia đình họ. Nhưng khi khách hàng mở mắt ra để chọn mua loại sản phẩm có tính gần như đồng nhất này, nhiều người đã vui vẻ trả tiền cho loại này mắc hơn loại kia đến vài trăm phần trăm! Tại sao như vậy? Giới doanh nhân đã lừa dối khách hàng của mình chăng? Câu trả lời là "không"! Hoàn toàn dựa trên tiêu chí "thuận mua vừa bán".

Sự cạnh tranh trong thương trường đã đẩy các doanh nghiệp muốn tồn tại phải luôn nhạy bén và sáng tạo, như người bơi trong dòng nước ngược. Trong một thị trường tràn ngập hàng hóa từ bình dân đến cao cấp, làm sao để khách hàng nhận biết và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình đã khó, trung thành với sản phẩm càng khó hơn. Còn làm sao cho khách hàng chấp nhận trả giá cao hơn nhiều phần trăm với các sản phẩm đồng loại là điều không thể. Một số người chủ doanh nghiệp đã biến cái không thể đó thành có thể.

Thực hiện mô hình kinh doanh 3 x 7 là những người chủ doanh nghiệp đã nhắm vào loại khách hàng có thu nhập cao; ngoài giá trị thật của sản phẩm, họ còn có nhu cầu thỏa mãn tâm lý tiêu dùng. Nghĩa là, khách hàng chấp nhận trả một giá cao hơn rất nhiều giá trị thật chỉ vì sản phẩm đó (hoặc dịch vụ đó) làm cho họ vui thích, thể hiện được đẳng cấp, khẳng định được cái tôi, bộc lộ được tính cách, quyền lực,… Khôn ngoan hơn, những người chủ doanh nghiệp còn tạo ra tâm lý hãnh diện, cảm giác an toàn, tâm trạng thoải mái cho khách hàng cộng với sự hoàn hảo ở mức cao nhất của chất lượng sản phẩm và sự ưu ái đặc biệt trong dịch vụ để giữ chân khách cũ, chiêu mời khách mới.

Thực tế ở thị trường thành phố Sài Gòn, có rất nhiều loại sản phẩm và dịch vụ thể hiện rõ nét mô hình kinh doanh 3 x 7 như: hệ thống Khai Silk, hệ thống AA, hệ thống Paris Deli, thời trang Minh Hạnh, Áo dài Sĩ Hoàng, Phở 24, Kinh doanh nhà Phú Mỹ Hưng v.v và v.v… Gắn liền với những hoạt động đầu tư và kinh doanh cao cấp là tên tuổi của những người chủ có uy tín được xã hội biết và trân trọng. Mô hình kinh doanh 3 x 7 rất phù hợp với những tập đoàn, doanh nghiệp có đồng vốn lớn, chiếm thị phần cao và địa bàn hoạt động rộng.

Nếu sản phẩm có tính đồng nhất như nước suối đóng chai mà các người chủ doanh nghiệp còn tạo ra sự chênh lệch về giá đến vài trăm phần trăm và được khách hàng chấp nhận, thì những sản phẩm và dịch vụ được chú trọng đầu tư để tạo ra sự khác biệt, vuốt ve sự hãnh tiến của khách hàng, đem về nguồn lợi nhuận ngọt ngào cho chủ doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể.

7 x 3: Khúc biến tấu không ngẫu hứng!

Nếu có những nhóm khách hàng cao cấp chú trọng thỏa mãn cái tôi trong mua sắm và sử dụng dịch vụ thì cũng có nhiều loại khách hàng khác rất khe khắt với chất lượng và xét nét giá cả của sản phẩm. Nhóm khách hàng này rất phổ biến, chiếm số đông trong thị trường. Họ là những người có thu nhập trung bình và trung bình thấp.

Những khách hàng này nhắm mắt lại hay mở mắt ra đều dễ dàng phân biệt chất lượng của từng loại sản phẩm dù những là loại hàng có giá cả rất thấp từ 500 – 1 ngàn đồng VN như: trà, cà phê, dầu gội đầu, bánh, kẹo (đóng gói),… Họ chỉ mua sắm những mặt hàng thật sự cần thiết trong cuộc sống và vì không rộng rãi lắm về tiền bạc nên rất tính toán, cân nhắc trong chi tiêu. Khi nhắm vào loại khách hàng này là các người chủ doanh nghiệp đã chọn chiến lược kinh doanh 7 x 3: "bán rẻ hơn bán mắc, bán nhiều hơn bán ít", lấy công làm lời và xác định một tỉ lệ lãi thấp hoặc rất thấp trong hoạt động kinh doanh.

Tuy vậy, chính những đối tượng khách hàng 7 x 3 đã thu hút một lượng vốn khổng lồ trong xã hội, tạo ra những dòng xoáy tiền, hàng chung quanh họ và đem về nguồn lợi nhuận tuy ít nhưng quay nhanh, thành nhiều. Đó là lý do chiến lược kinh doanh 7 x 3 rất hấp dẫn các người chủ doanh nghiệp. Sự cạnh tranh trong thị trường 7 x 3 vô cùng khắc nghiệt. Nó sàng lọc và đào thải ngay những sản phẩm kém chất lượng, những dịch vụ không đạt yêu cầu và những doanh nghiệp kém uy tín. Nếu doanh nghiệp nào đánh mất lòng tin với nhóm khách hàng khó tính này thì chỉ còn một cách duy nhất là đóng cửa vì khó có cơ hội làm lại.

Ở thành phố Sài Gòn, có rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp kinh doanh từ thị trường 7 x 3 không những thành công mà còn gầy dựng được thương hiệu như: Bánh Đức Phat, Bánh Kinh Đô, Vinamilk, Gạch Đồng Tâm, Nhôm Kim Hằng, Cà phê Trung Nguyên,... Có không ít sản phẩm của những doanh nghiệp này chiếm 70 – 80% thị phần trong nước. Nhiều người chủ còn vạch ra kế hoạch đường dài như làm mới những sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp bằng cách tăng chất lượng, đẹp bao bì, hiện đại hóa khâu chế biến và tăng dịch vụ kênh phân phối để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Chưa dừng lại ở đó, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong thị trường 7 x 3 đã nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp 3 x 7 và từng bước chiếm lĩnh thị trường này. Thực tế đã chứng minh đó là sự lựa chọn đúng vì đã có nhiều chủ doanh nghiệp thành công.

Thị trường 7 x 3 luôn rộng mở, mời gọi nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia. Thị trường này còn là miếng đất màu mỡ để doanh nhân trẻ gieo những ý tưởng táo bạo, sáng tạo. Nhưng để trụ được lâu dài, chiếm được thị phần ngày một lớn và xây dựng thành công thương hiệu, chủ doanh nghiệp phải xác định sẽ trải qua một quá trình trầy da tróc vảy, đầy gian nan, thử thách . Vì vậy, khúc biến tấu trong thị trường 7 x 3 là cả một sự tính toán đến chi li, nó không có chỗ cho sự ngẫu hứng.

7 x 7 và hơn thế nữa – Tại sao không?

Đặc tính của doanh nhân là không bao giờ bằng lòng với hiện tại, liên tục nghĩ ra cái mới và luôn vươn tới đỉnh cao. Nếu người chủ nào thỏa mãn với những gì doanh nghiệp mình có thì đó là biểu hiện của sự dừng lại. Chiến lược kinh doanh "3 x 7" nhắm vào nhóm khách hàng trung thượng lưu để thu nhuận cao, nhưng điểm yếu của mô hình này là số lần thu không nhiều vì phân khúc thị trường hẹp. Chiến lược kinh doanh "7 x 3" nhắm vào số đông và hạn chế của nó là số lần giao dịch nhiều nhưng lợi nhuận thu được thường thấp. Đỉnh điểm của thị trường là chiến lược kinh doanh "7 x 7 và hơn thế nữa…", vừa thu hút được một lượng lớn khách hàng vừa cho lợi nhuận cao. Muốn chiếm lĩnh thị trường này chúng ta không còn cách nào khác là phải tập trung xây dựng thương hiệu đạt tầm khu vực và toàn cầu; hàm lượng chất xám trong sản phẩm chiếm tỷ lệ % cao.

Trong thị trường có vô số nhóm khách hàng. Mỗi nhóm có khả năng, nhu cầu và tâm lý tiêu dùng rất khác nhau. Tùy theo sở trường, đồng vốn, khả năng mà người chủ chọn lựa một chiến lược kinh doanh phù hợp. Điều cần lưu ý là, dù lựa chọn chiến lược "7 x 3" hay "3 x 7" hoặc "7 x 7 và hơn thế nữa…" người chủ vẫn phải luôn chú trọng tư duy trên lợi ích quốc gia, khách hàng và cộng sự. Làm giàu cho mình phải gắn liền làm giàu cho đất nước. Được như vậy doanh nghiệp của chúng ta sẽ phát triển tăng tốc và bền vững.

Cuối cùng. Phải chăng định hướng chiến lược kinh doanh không chỉ là câu chuyện riêng của các doanh nghiệp mà mô hình này còn có thể áp dụng cho định hướng phát triển kinh tế tỉnh, thành, vùng và quốc gia?

TẠ THỊ NGỌC THẢO

Mến tặng các bạn học viên khóa 10 Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam

29/10/11

Tân sinh viên nháo nhác học ngoại ngữ cấp tốc



Vừa chân ráo chân ướt nhập trường được vài tuần nhưng không ít tân sinh viên đã nháo nhác đổ xô đi học ngoại ngữ cấp tốc. Lý do chính là vào ĐH rồi nhưng vốn ngoại ngữ của không ít sinh viên là con số 0 tròn trĩnh. 
Học tiếng Anh từ lớp 3, lên ĐH vẫn "tịt"
Nguyễn Thị Phương (Tuyên Quang), tân sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cho biết, mới nhập học được hai tuần nhưng em đã phải đi học thêm tiếng Anh. Không chỉ có mình Phương mà rất nhiều bạn khác trong lớp em cũng trong tình trạng nháo nhào đi học thêm như vậy.
Một giờ học ngoại ngữ trong trường ĐH
Một giờ học ngoại ngữ trong trường ĐH
Phương giải thích, sở dĩ  phải đi học vì em chẳng biết tí gì về ngoại ngữ cho dù em đã học môn này từ lớp 3 (!).
Nguyễn Lan Hương (Nghệ An), tân sinh viên ĐH KHXH&NV HN phân trần, lâu nay em chỉ tập trung học các môn thi ĐH nên gần như không để ý đến môn ngoại ngữ. Bây giờ đỗ ĐH rồi mới té ngửa khi vào giờ ngoại ngữ em không hiểu giáo viên nói gì. Chính vì thế, em buộc phải đi học lớp tiếng Anh cấp tốc nếu không chắc chắn sẽ không theo được các bạn trong lớp.
Theo cô Trần Thu Hương, quản lý Trung tâm ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội, mỗi dịp đầu năm học, số lượng sinh viên đăng ký học ngoại ngữ cơ bản khá đông. Phần lớn các em là sinh viên ngoại tỉnh nên việc học ngoại ngữ gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các em đều không nắm được những kiến thức sơ đẳng nhất.
Nhiều tân sinh viên thừa nhận mặc dù được học ngoại ngữ của mình ngay từ bậc tiểu học nhưng do đây là một môn học khó, đòi hỏi phải có sự say mê và tập trung nên đã có một bộ phận không nhỏ học sinh nông thôn thấy chán và bỏ lửng, học chỉ mang tính đối phó chứ không thu nạp được kiến thức.
Báo động tình trạng học lệch
Hình ảnh khá phổ biến trong các trường ĐH hiện nay là không ít tân sinh viên cặm cụi tập viết, phát âm từng từ tiếng Anh. Đây chính là hậu quả của việc học lệch, học để thi của rất nhiều sinh viên từ khi còn trong các trường phổ thông.
Không chỉ có ngoại ngữ, tình trạng học lệch đang rất phổ biến và đáng báo động là tình trạng này được nhiều sinh viên xem như chuyện… đương nhiên. Sinh viên khối xã hội mù tịt kiến thức khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa… còn sinh viên khối tự nhiên, khoa học cơ bản lại chẳng biết gì về văn học, lịch sử hay địa lý.
Mặc dù tại các cấp học phổ thông, các nhà trường rất cố gắng trong việc trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản cho học sinh, nhưng chính tình trạng học để thi, học để lấy thành tích… đã đẩy một bộ phận không nhỏ học sinh vào tình trạng học lệch. Lên đến ĐH, việc lệch kiến thức này lại càng trầm trọng hơn vì khi đó, các trường ĐH chỉ đào tạo chuyên sâu vào một chuyên ngành nào đó chứ không thể cung cấp toàn bộ các kiến thức nền tảng được. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi sinh viên tốt nghiệp ĐH lại thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng cơ bản.
Thực trạng này sẽ còn tiếp tục tái diễn nếu không có sự thay đổi cơ bản từ gốc, từ cách học, cách thi hiện nay.
Tuấn Đức
Nguồn : laodong.com.vn