15/6/15

Học bổng chính phủ Nhật Bản cho các bạn học ngành kĩ thuật năm 2016


ĐỖ VĂN BÌNH

GDVN) - Mục đích của chương trình để đào tạo ra một nguồn nhận lực, trở thành chiếc cầu nối hữu nghị giữa Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) thông báo học bổng đại học cho sinh viên quốc tế theo học tại một trường Đại học Công nghệ tại Nhật. Các ứng viên sau khi kết thúc chương trình sẽ được cấp bằng Cao đẳng hoặc bằng Đại học.
Mục đích của chương trình để đào tạo ra một nguồn nhận lực, trở thành chiếc cầu nối hữu nghị giữa Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới. Thông qua việc học tập và đào tạo tại Nhật Bản sẽ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và thế giới.
Thời gian học bổng kéo dài từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2020 (bao gồm 1 năm học dự bị tiếng Nhật và một số môn khác được cung cấp sau khi đến Nhật). Đối với ứng viên học ngành Kĩ thuật hàng hải, thời gian học bổng là 4 tháng rưỡi, kéo dài đến tháng 9 năm 2020.
1.         Các ngành học:
- Kỹ thuật cơ khí
- Điện và điện tử
- Thông tin truyền thông và kĩ thuật mạng
- Kỹ thuật vật liệu
- Kiến trúc và kĩ thuật xây dựng dân dụng hàng hải
2.         Điều kiện:
- Ứng viên có ngày sinh giữa 2 tháng 4 năm 1995 và 1 tháng 4 năm 1999
- Ứng viên phải tốt nghiệp THPT
- Ứng viên yêu thích và sẵn sàng học tiếng Nhật, yêu thích khám phá học hỏi ngôn ngữ văn hóa Nhật Bản
- Ứng viên có nguyện vọng học tập chuyên ngành kĩ thuật, công nghệ
- Ứng viên đủ điều kiện về sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm
- Ứng viên sẵn sàng đến Nhật từ ngày mồng 1 đến mồng 7 tháng 4 năm 2016
3.         Nội dung học bổng
- Phụ cấp 117,000 Yên/ tháng (trong trường hợp ứng viên được chỉ định nghiên cứu trong một lĩnh vực cụ thể thì sẽ được tăng trợ cấp thêm từ 2000-3000 Yên. Số tiền trợ cấp có thể được thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào chính sách và ngân quỹ
- Chi phí đi lại (vé máy bay hạng phổ thông) bao gồm vé máy bay sang trường nhập học và vé máy bay trờ về thăm nhà theo đúng lịch trình của học bổng
- Học phí và các phí khác
4.         Tiêu chuẩn:
- Thí sinh phải tham gia kì thi hoạc thuật: thi 3 môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật
- Thí sinh tham gia phỏng vấn
5.         Hồ sơ:
1. Form đăng ký học bổng
2. Bằng, 1 bản gốc và 1 bản copy
3. Học bạ THPT, 1 bản gốc và 1 bản copy
4. Thư giới thiệu từ hiệu trưởng hoăc giáo viên giảng dạy, 1 bản gốc và 1 bản copy
5. Giấy khám sức khỏe, 1 bản gốc và 1 bản copy
6. Giấy báo nhập học (trong trường hợp đang học tại trường Cao đẳng, Đại học)
Lưu ý:
- Giấy tờ phải được dịch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật và công chứng 
- Ảnh dán Form đăng kí  (4,5x3,5) phải được chụp trong 6 tháng gần đây nhất được viết tên và quốc tịch phía sau
- Đánh số hồ sơ từ 1-6 ở góc bên phải

13/4/15

Top 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại


Người Sài Gòn cứu 10 tấn sách cũ

(PL)- Chỉ sau hai tuần thông tin trên mạng xã hội về 10 tấn sách cũ có nguy cơ trở thành giấy vụn, hàng ngàn lượt người đã đổ về tiệm sách nhỏ trên đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức để mua sách ủng hộ chủ tiệm. Hơn tám tấn sách đã được “giải phóng” đến đúng với người cần tìm mua sách.
Cứu sách!
Đa phần khách đều mang giỏ xách, ba lô, trong bối cảnh lộn xộn rất dễ xảy ra tình trạng “hôi sách”. Tuy nhiên, ông chủ tiệm tin rằng chẳng mấy ai nỡ lấy sách của ông. Vì không ít người chỉ mua một số cuốn sách nhưng cố tình trả tiền chẵn và không lấy lại tiền thối. “Rất nhiều người sau khi tìm mua sách xong còn “bo” thêm tiền cho tôi và mong muốn tôi tiếp tục mở tiệm sách mới” - ông Trí nói.
Rồi ông kể, mỗi người tìm đến tiệm sách của ông trong những ngày gần đây là một câu chuyện cảm động. Có rất nhiều người ở xa tận Bình Chánh, Bình Tân, quận 8,… cũng tìm đến mua ủng hộ. “Một phụ nữ lớn tuổi nghe thông tin cũng bắt xe buýt từ Bình Chánh xuống và chỉ mua một số tờ tạp chí cũ. Nhìn cách bà ấy lựa sách tôi biết bà muốn ủng hộ tôi nhiều hơn là đến để mua sách” - ông Trí cảm động. “Nhiều người còn đề nghị bỏ tiền ra để giúp tôi mở mặt bằng khác và tiếp tục duy trì công việc này. Tôi biết họ thật lòng muốn giúp đỡ nhưng tôi không thể nhận” - ông Trí tiếp.
Càng về chiều, người mua đổ về tiệm sách ông Trí càng đông. Không có chỗ để xe và cũng không có người giữ xe, người mua phải đứng bên lề đường. Một chiếc xe cảnh sát trật tự chạy ngang qua và dừng lại làm nhiệm vụ nhưng khi biết ông già bán sách để dẹp tiệm nên cũng không xử phạt, chỉ nhắc nhở người mua để xe gọn vào vỉa hè để không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Ông Trí đang bán sách cũ cho người mua. Ảnh: V.HOA
30 năm đi lùng sách quý
Ở tuổi 66, ông Trí đã có gần nửa cuộc đời gắn bó với sách cũ. Ông mê sách từ khi chỉ là một cậu bé. Thời bao cấp, ông từng làm việc ở một xí nghiệp vật tư, rồi thủ kho xăng dầu. Lúc đó, sau giờ làm việc hoặc ngày nghỉ, ông lại mang sách ra vỉa hè bán. Khi cơ quan lâm vào khó khăn, ông nghỉ việc và tìm xuống Thủ Đức mở một cửa hàng mua bán sách cũ.
30 năm, đã có hàng trăm tấn sách qua tay ông để đến với bạn đọc. Việc đi lùng sách cũ của ông cũng là cả một quá trình vất vả. Ông già sách cũ tâm sự: “Nhiều khi tiệm sách cũ đang bán ế nhưng đi lùng được một cuốn sách quý về tiệm để chờ người đến đọc còn mừng hơn cả việc bán đắt khách”.
Ông Trí chia sẻ, 30 năm trong nghề, tiệm sách của ông đã trở thành kỷ niệm của rất nhiều “mọt sách”. Có những người gắn bó với tiệm sách này từ khi còn bé cho đến bây giờ đã đi làm và có gia đình nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé lại. “Mới đây, một khách hàng từng tới tiệm sách của tôi từ khi còn là một học sinh cấp hai, giờ đã là một trung tá cảnh sát, đi công tác ở Thủ Đức và ghé đến thăm. Cậu đi cùng mấy người bạn, giới thiệu rần rần về chủ tiệm sách và cửa hàng của tôi”.
30 năm bán sách cũ, có những người “nghiện sách” đến mức có bao nhiêu tiền “nướng” hết vào sách. Ông già hào hứng kể về một khách hàng đặc biệt: “Một buổi sáng, thấy cậu nhóc loai choai bước vào cửa tiệm hỏi tỉnh bơ: “Chú có sách triết không?”. Tôi càng bất ngờ khi biết sách triết mà cậu bé muốn tìm không phải là triết học Mác-Lênin sau này mà là từ thời cổ đại Hy Lạp, Đức. Tôi hỏi: “Chú mày học lớp mấy?” để rồi ngạc nhiên khi cậu bé trả lời đang học lớp 9 vì bản thân tôi cùng từng kinh qua đại học, loại sách triết này không hề dễ để đọc chút nào. Đến giờ cậu nhóc ngày xưa đã là giảng viên của một trường đại học, vẫn là khách hàng thân thiết của tôi”.
Chia sẻ về việc phải đóng cửa tiệm sách, ông Trí bùi ngùi tiếc nuối. 30 năm làm cầu nối với những người yêu sách, ông cảm thấy đau khi phải rời xa công việc này. Lý do ông phải giải nghệ vì phải trả gấp mặt bằng mà chưa tìm được mặt bằng mới với giá cả phù hợp. Căn nhà ông thuê để ở tại quận Bình Thạnh thì diện tích quá nhỏ không có chỗ chứa sách.
Trước khi thông tin về cửa hàng sách của ông đóng cửa, có cô gái ở Bình Thạnh tha thiết mong ông tiếp tục mở lại cửa hàng bán sách tại một địa điểm khác. Cô gái ấy sẵn sàng bỏ tiền ra để giúp ông thuê mặt bằng, khi nào có tiền thì trả lại. Sau khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, có hàng trăm người muốn chung tay giúp ông gầy dựng lại. Ông vẫn còn muốn tiếp tục nghề nhưng chưa phải bây giờ vì còn phải chuẩn bị vốn liếng và thời gian để săn tìm đủ sách. “Còn người, còn của, tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với sách. Người đọc sách, tìm sách, yêu quý sách còn rất nhiều. Tôi cũng muốn góp phần duy trì văn hóa đọc trong mỗi người và cũng là để tiếp tục niềm đam mê cả đời mình đã theo đuổi” - ông Trí nói.
Thôi chú cầm đi!
Đã hơn 11 giờ khuya, lượng khách đến mua sách đã vãn, một anh công nhân đi làm về còn mặc nguyên đồ bảo hộ lao động dựng chiếc xe máy cà tàng và lặng lẽ vào kiếm sách. Một lúc sau đi ra với duy nhất một cuốn sách mỏng, nhàu nhĩ đã ố vàng. Ông Trí nhìn anh công nhân cười: “Thôi chú cầm đi”! Nhưng anh công nhân móc túi đưa tờ 50.000 đồng và dứt khoát không lấy tiền thừa. Sợ khách ngại, ông chủ tiệm sách ra giá 5.000 đồng. Anh công nhân vẫn tìm cách dúi vào tay ông tờ 50.000 đồng rồi nổ máy xe chạy đi…
Ông Trí cho biết từ khi thông tin về tiệm sách của ông đóng cửa, người dân khắp nơi trong TP đã tìm đến gõ cửa tiệm sách từ 6 giờ sáng cho tới hơn 11 giờ khuya. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm bán sách cũ, ông đã tiếp một lượng khách hàng “khủng” đến như thế.

VIỆT HOA

Chọn trường cho con

Trường công lập có thể chia ra nhóm có thương hiệu và nhóm “nghe nói” có thương hiệu.
Những trường tư thục chất lượng cao đã có bề dày hoạt động cạnh tranh đầu vào gay gắt, trong khi một số trường mới chưa được khẳng định về thương hiệu. Những trường có yếu tố nước ngoài như trường quốc tế, trường song ngữ hoặc tư thục chất lượng cao đang có vấn đề là thu học phí rất đắt.
chạy trường, trường điểm
Ảnh minh họa (Văn Chung)
Dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về định hướng của nhà trường thay vì chạy theo xu hướng, lựa chọn môi trường phù hợp, định hướng rõ rệt với sự phát triển của các em nhỏ... là góp ý của các chuyên gia giáo dục
Không chọn trường theo sự “nghe đồn”
Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, hiệu trưởng hệ thống trường mầm non Just Kids, phụ huynh nên nhìn nhận lại về các khóa học chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1. “Chúng ta hay nghĩ “chuẩn bị” xong là có thể “ném” trẻ vào môi trường mới. Tuy nhiên, “hành trang” không quan trọng bằng “sức chịu đựng””.
Hai kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với trẻ khi từ mầm non lên lớp một, theo bà Cúc Hà, là kỹ năng vệ sinh và kỹ năng tự phục vụ. “Các con phải đảm bảo tự giữ được vệ sinh và phục vụ bản thân mình khi không có các cô giáo giám sát giúp đỡ như ở mầm non. Những kỹ năng này cần đặc biệt lưu ý khi con học ở trường đông học sinh”.
Tuy nhiên, theo bà Cúc Hà, kỹ năng quan trọng nhất để trẻ chịu dựng được ở môi trường mới là cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. “Điều này hay bị bỏ quên, mặc dù thực hiện đơn giản thôi. Ví dụ khi con cầm cốc nước và kêu nước nóng quá, thông thường mẹ sẽ bảo để mẹ đổ thêm nước nguội vào cho. Như vậy là lấy đi mất khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Thay vì giải quyết hộ trẻ, hãy tạo cho bản thân mình thói quen hỏi lại, như “Ý con là gì?”, “Con nghĩ như thế nào?”… để con tự xoay xở vấn đề”.
Nhưng có chuẩn bị mấy cũng không đủ, mà cần chọn cho trẻ một môi trường phù hợp.
Th.S Hoàng Tùng, giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên tạm quên chuyện chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp về tài chính, bởi nuôi con là chặng đường dài. Phụ huynh cần tránh tự tạo sức ép cho nhau bằng cách theo phong trào, trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ”.
Còn với bà Cúc Hà, sự phù hợp còn liên quan tới tính cách, đặc điểm của trẻ: “Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, tăng động, không nên cho vào trường công vì với một lớp học quá đông học sinh, cô sẽ “ghét” do không xử lý được. Trẻ sẽ trở nên cá biệt trong môi trường đó. Trong khi đó, cũng trong nhà trường công lập, một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú. Một ví dụ dễ thấy là nếu như ở các cấp học dưới có thể trẻ ở trường công, tư đều có kết quả học tập sàn sàn như nhau, nhưng lên đến các cấp học cao hơn, ở các kỳ thi quốc tế, những em đạt kết quả xuất sắc nhất bao giờ cũng là học sinh trường công lập, và thường là các em chăm, ngoan từ nhỏ”.
Thế nào là môi trường phù hợp?
Sự phù hợp mà ở đây còn liên quan tới tài chính.
“Một gia đình không có tích lũy, đầu tư quá nhiều cho việc học của con là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc bố mẹ phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Tôi không lo ngại khả năng thích nghi của trẻ, nhưng thay đổi định hướng giáo dục (chẳng hạn từ môi trường đa dạng, chú trọng vui chơi và tinh thần, sang môi trường chỉ biết điểm số) luôn tạo ra ảnh hưởng không tốt, thậm chí hạn chế rất nhiều đến sự phát triển lâu dài của trẻ” – ông Hoàng Tùng phân tích.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), “không có mô hình không tốt, chỉ có phù hợp ở mức độ nào”.
Ông Việt Hùng đưa ra ví dụ một trường hợp xảy ra tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Với đề bài: “Hãy mô tả loài hoa mà con yêu thích nhất”, một học sinh đã viết như thế này: “Con xin lỗi cô con không làm bài văn này. Vì con không thực sự yêu quý loài hoa nào. Cô vẫn thường nói nếu chúng ta không yêu thích việc gì thì chúng ta sẽ làm không tốt”.
“Có hai khả năng xảy ra khi giáo viên nhận bài viết này. Khả năng thứ nhất là giáo viên có thể cho điểm 1, và phụ huynh cần chia sẻ với giáo viên nếu họ làm điều này” – ông Hùng nhận xét. “Thế nhưng, đáng mừng là đã xảy ra khả năng thứ hai, khi không có điểm 1 nào, mà giáo viên đã giải thích cho trẻ dựa trên triết lý giáo dục mà ngôi trường này theo đuổi: “Mỗi học sinh là một cá tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, học tập cũng là nghĩa vụ và có những nhiệm vụ cần được hoàn thành”.
Vì vậy, để chọn đúng trường, “Bạn cần đến tận trường để cảm nhận chính xác về không gian giáo dục ấy, đừng đổ xô vào trường điểm chỉ vì nghe đồn” – ông Hoàng Tùng gợi ý.
Chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp đầu cấp, tức là các phụ huynh cũng phải xác định cho và bản thân mình việc dành thời gian học cùng con, khi theo bà Cúc Hà “Con tôi vào lớp 6 tôi còn thấy nặng nề hơn khi con vào lớp 1”.
Phụ huynh rất hay than thở không có thời gian ngồi cùng học với con vì bận quá nhiều việc. “Nhưng…” - ông Việt Hùng đưa ra phép so sánh – “nếu như đọc 1.000 trang sách với tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 1.000 phút, quãng thời gian này = 8 trận bóng đá = 16 tập phim = 5 trận tennis = vài lần đi spa. Bớt thời gian dành cho thú vui riêng của mình, bạn sẽ có thời gian đồng hành với con, khi con chập chững bước vào môi trường mới”.

Theo Ngân Anh (Vietnamnet)