15/7/14

Bạn Có Nghèo Không ?

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến một nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. "Đây là là một cánh để dạy con biết qúy trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình." - người cha nghĩ đó là bài học thực tế tố cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: " Chuyến đi như thế nào hả con ?"


- Thật tuyệt vời bố ạ !
-Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy !
-Ô, vâng.
-Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này ?

Đứa bé không ngần ngại:
-Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn trong vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm.Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phải phục vụ người khác. Chùng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra nững thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau...

Đến đây người cha không nói gì cả.
"Bố ơi, con đạ biết chúng ta nghèo như thế nào rồi.."- cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì chúng ta đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì không có. 

Cũng có những thứ không có giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đứng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.

13/5/14

GIẬN



Giận làm sao hỡi những người Trung Quốc 
Những con người ta rất đỗi thương yêu
Những con người là bạn những sớm chiều
Cùng uống nước cùng sẻ chia bầu bạn

Ôm vai nhau tình thương không giới hạn
Ngôn ngữ nào bằng tình nghĩa anh em
Chung Mẹ Biển Đông rộng lớn êm đềm
Lo đầy đủ chúng ta thêm giàu có

Vậy mà sao bạn luôn phải dòm ngó
Bạn là anh, rất giỏi và giàu sang
Sao đi cướp, bắt nạt quá hung hăng
Người bạn nhỏ, đứa em còn nghèo khó

Việt Nam ta lịch sử còn nguyên đó
Trung Quốc ơi ta thương bạn nhiều lắm
Bao nhiêu lần xâm lược chỉ lỗi lầm
Dẫm lên những giá trị thiêng liêng nhất

Còn đâu nữa nghĩa tình nay đã mất
Việt Nam đau, Trung Quốc có đau không
Hay đang cười nhắm mắt trong cơn mộng
Rồi sẽ khóc, trời không dung kẻ ác

Nhìn ra biển ước gì là kẻ khác
Không phải bạn ta đã trót thương yêu
Không phải bạn ta không buồn thêm nhiều
Một tình yêu đã bị bạn lừa dối.
13/05/2014


ĐỖ NGỌC HẠNH




8/9/13

UPU khởi động cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 43



Với việc chính thức công bố chủ đề cuộc thi “Hãy viết thư để nói âm nhạc có tác động như thế nào tới đời sống”, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) vừa chính thức khởi động cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 43 năm 2014.


Nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ; đồng thời giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội, bắt đầu từ năm 1972, UPU đã tổ chức thường niên cuộc thi viết thư quốc tế dành cho các em thiếu nhi, học sinh trên toàn thế giới, từ 15 tuổi trở xuống.

Từ đó đến nay, mỗi năm có hàng triệu thiếu nhi trên toàn thế giới đã tham gia cuộc thi viết thư UPU ở cấp quốc gia và quốc tế. Việt Nam bắt đầu tổ chức cho các em thiếu nhi, học sinh trên khắp mọi miền đất nước tham gia tranh tài trong cuộc thi này từ năm 1987. Trong 24 lần tham gia thi viết thư quốc tế UPU, thiếu nhi Việt Nam đã 9 lần giành được giải thưởng quốc tế, với 1 giải Nhất (UPU 39-2010), 1 giải Nhì (UPU 38-2009), 3 giải Ba (các năm 1993, 1999 và 2004) cùng 4 giải Khuyến khích.
Mới đây, trên trang web của UPU, tổ chức này đã chính thức công bố chủ đề của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014 (UPU 43-2014) là: “Write a letter describing how music can touch lives” (tạm dịch: “Hãy viết thư để nói âm nhạc có tác động như thế nào tới đời sống”). Đồng thời, UPU cũng đã cung cấp cho các nước thành viên các tài liệu, thông tin hỗ trợ như: mẫu áp-phích, tờ rơi giới thiệu về chủ đề cuộc thi viết thư UPU 43 - 2014.
Cũng theo quy định của UPU, các tác phẩm dự thi viết thư quốc tế phải được các em thiếu nhi, học sinh viết trong thời gian gần đây, chưa từng được công bố và phải được trình bày dưới hình thức một lá thư (gồm tên, địa chỉ của cả người nhận và người gửi và được kết thúc bằng một chữ ký). Đặc biệt, bài dự thi phải tôn trọng chủ đề của cuộc thi và tuân thủ quy định về số lượng từ được phép trong ngôn ngữ gốc (từ 500 - 800 từ).
Thời hạn cuối cùng để các quốc gia nộp bức thư xuất sắc nhất của nước mình tới Văn phòng UPU tại Bern (Thụy Sĩ) để tham dự cuộc thi viết thư UPU 43 - 2014 là ngày 30/4/2014.
Tại Việt Nam, dự kiến lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43 - 2014 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Bưu chính Thế giới, mùng 9/10/2013.

5/8/13

Toàn văn lá thư đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 42

(ICTPress) - Sáng nay 13/5, Ban tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 của Việt Nam đã trao giải Nhất cho bài dự thi của em Đào Thị Thùy Dương, lớp 6/10, trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã hóa thân thành Thủy Tinh viết thư cho Sơn Tinh để viết tại sao nước lại quý.

Em Đào Thị Thủy Dương, Lớp 6/10 trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Ban Tổ chức cho biết từ 1.245.088 bài dự thi được gửi về, Ban tổ chức đạt chọn 10.000 bài vào vòng 2, vòng 3 là 5000 bài. Tổng số bài lọt vào chung khảo trước khi Ban giám khảo quốc gia chấm là 300 bài và Tổng số bài chọn vào vòng chung khảo quốc gia là 63 bài.
Ông Vũ Quang Vinh, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết các bài thi đều được đánh máy và rọc phách. Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn được 5 bài cuối cùng. Bài dự thi của em Đào Thị Thùy Dương đã đạt số điểm cao nhất là 16,83/20 điểm và nhận được 100% ý kiến nhất trí của Ban giám khảo bằng bỏ phiếu kín.
Dưới đây xin giới thiệu toàn văn bài dự thi của em Đào Thị Thùy Dương, đạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 của Việt Nam.
Biển Đông, ngày 1.1.2013
Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đợi trời chung của ta!
Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này vì xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay, ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng.
Chả là, ta thấy xưa nay con người bao giờ cũng yêu mến, quý trọng mi hơn ta. Ngay cả vua Hùng anh minh là thế cũng muốn chọn mi làm rể nên đã ra yêu cầu sính lễ toàn là những thứ chỉ có ở giang sơn của mi. Chuyện ấy làm ta cay cú vì thực ra, trong cuộc thi tài ngày ấy mi với ta có ai thắng ai đâu. Mi có tài xây thành chuyển núi thì ta có tài hô mưa gọi gió. Sức mạnh chúng ta đều đọ ngang trời đất. Hàng năm, ta dâng nước trả hờn mi cũng chỉ vì “ngứa ghẻ đòn ghen” mà thôi, ta đâu ngờ nó lại khiến cho loài người khốn đốn. Song, bây giờ ngồi ngẫm lại, ta thấy con người bị liên lụy cũng không oan vì họ chỉ tung hô mi, chỉ thấy mi là quý mà không biết rằng Thủy Tinh ta cũng đáng quý biết bao!
Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này, điều hòa nhiệt độ làm cho khí hậu mát lành. Nếu không có ta, muôn vật cùng cỏ cây sẽ chết khô chết héo và con người không sống quá năm ngày. Tất nhiên, khi ấy mi cũng trở thành nghĩa địa.
Đối với loài người, ta là sự sống của họ vì ta chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể và tham gia vào quá trình trao đổi chất giúp con người sống và tồn tại. Ta còn giúp cho họ cái ăn, cái mặc, làm chạy tuốc - bin nhà máy, tham gia vào rất nhiều ngành nghề sản xuất, tạo ra nguồn của cải vật chất dồi dào. Trong đời sống, ta luôn đồng hành thân thiết với con người mọi lúc mọi nơi: khi ăn uống, lúc rửa ráy, tắm táp, vệ sinh… Không có ta họ không chỉ chết khát mà còn chết đói nữa, thậm chí có muốn khóc họ cũng chẳng khóc được vì không có nước mắt.
Chưa hết, ta còn góp phần tạo nên những vẻ đẹp thiên nhiên, huyền diệu, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Hình ảnh vua Thủy Tề, nàng Tiên Cá, Lạc Long Quân… đã từ lâu đi vào huyền thoại mà người đời chẳng thể nào quên. Nhờ thế, đời sống tinh thần của con người thêm phần phong phú và vui vẻ.
Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ, nhưng sao họ lại chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay thì lãng phí ta như thể là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí, họ còn giở âm mưu thâm độc, chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô.
Ta thấy ngày nay con người thật dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”, hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật…
Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi là do lài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa.
Trong lúc ta không biết làm sao để mọi người hiểu ra vấn đề thì bỗng nhiên nghe tiếng trẻ em vừa tắm biển vừa xôn xao bàn tán về đề tài cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 “Tại sao nước lại quý?”. Ha ha ha! Ta rất vui vì có ngày con người tỉnh ngộ, biết quan tâm đến ta. Nhưng vẫn còn rất nhiều người quay lưng ngoảnh mặt với ta nên ta quyết định viết thư này, gởi qua đường UPU để mọi người hiểu rõ giá trị của ta và không oán thù ta nữa. Ta muốn họ hiểu rằng những hành động hủy hoại nguồn nước cũng chính là hủy hoại đi nguồn sống của chính họ và Mẹ Trái đất. Vậy, các Chính phủ phải sớm đề ra kế hoạch thường xuyên chăm sóc và bảo vệ nguồn nước ngọt, trồng thêm nhiều cây rừng để ta có chỗ trú thân, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân biết cách bảo vệ ta bằng những hành động giản đơn như khóa ngay công tắc vòi nước sau khi dùng, sử dụng ta thật tiết kiệm, tránh lãng phí…
Ta nghĩ, chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ bình yên và ta cũng chẳng còn lý do gì mà gây ra lũ lụt nữa.
Chào mi!
Thủy Tinh