7/5/13

Tự truyện Nick Vujicic (P3): Những câu hỏi ám ảnh


(GDVN) - Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn sắp sửa bước vào tuổi dậy thì; cái giai đoạn tất cả mọi người đều cố gắng xác định vị trí của mình ở đâu, mình là ai, và những gì đang đợi mình ở tương lai.


  • LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. 

Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.


Từ nhỏ, Nick Vujicic đã mang nặng mặc cảm về khuyết tật của mình và nhiều lúc chỉ muốn chết. Nhiều lần tự tử không thành, Nick trở về với cuộc sống thực tại với những câu hỏi đầy ám ảnh như: "Tại sao cậu không có chân tay?"...

Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác. Đoạn trích này ghi lại kế hoạch, tâm trạng dằn vặt của Nick trong ý định tự tử...

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn sắp sửa bước vào tuổi dậy thì; cái giai đoạn tất cả mọi người đều cố gắng xác định vị trí của mình ở đâu, mình là ai, và những gì đang đợi mình ở tương lai. Thông thường, những đứa trẻ làm tôi tổn thương vốn không phải là kẻ tàn nhẫn mà chỉ là chúng quá nghịch ngợm thôi.
“Tại sao cậu không có chân tay?”. Những đứa ấy hỏi.
Khao khát được hòa nhập của tôi cũng giống như khao khát được hòa nhập của bất cứ học sinh nào. Vào những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi chiến thắng những đứa trêu chọc bằng sự hóm hỉnh, và tự nguyện làm trò cười cho chúng bằng cách lăn xe quanh sân trường. Vào những ngày chán nản, tôi giấu mình sau bụi cây hoặc trong những phòng học trống để khỏi bị bọn chúng chế nhạo. Một phần của vấn đề là tôi vốn dành nhiều thời gian ở với người lớn và những anh chị họ lớn tuổi hơn là với bọn trẻ cùng trang lứa. Tôi có một cách nhìn già dặn hơn và những ý nghĩ nghiêm túc xuất hiện trong đầu đôi khi đẩy tôi vào tình trạng buồn tủi.

Mình sẽ không bao giờ chinh phục được một cô gái. Mình thậm chí không có tay để ôm bạn gái. Nếu có con, mình sẽ không bao giờ có thể ôm chúng. Rồi đây làm thế nào mình có thể kiếm nổi việc làm? Ai người ta chịu thuê mình chứ? Bởi vì nếu giao việc cho mình thì người ta lại phải thuê thêm người thứ hai để trợ giúp mình hoàn thành cái công việc mà đáng ra mình phải tự giải quyết được. Ai chịu thuê một người như mình để rồi phải trả công cho hai người?
Những thách thức phần lớn thuộc về thể xác, nhưng rõ ràng chúng đã ảnh hưởng đến tinh thần của tôi. Thuở ấu thơ tôi đã trải qua một giai đoạn trầm cảm rất đáng sợ. Thế rồi, thật đáng kinh ngạc và may mắn, tôi đã bước vào tuổi mới lớn và dần tìm được sự chấp nhận, trước hết là sự chấp nhận từ chính bản thân tôi, sau đó là từ người khác. 
Khi sắp tròn mười một tuổi, tôi bước vào giai đoạn của tuổi mới lớn đầy nhạy cảm, cái giai đoạn mà não của chúng ta tạo ra các kết nối và các chất hóa học lạ lùng lan tỏa khắp cơ thể. Những đứa con trai, con gái khác ở tuổi tôi đã bắt đầu cặp đôi, khiến cho cảm giác lẻ loi trong tôi càng tăng lên. Liệu trên đời này có cô gái nào lại cần một người bạn trai không thể cầm tay mình hoặc khiêu vũ với mình không?
Dù không ý thức, tôi cũng đã cho phép những ý nghĩ u ám và cảm giác tiêu cực ấy đè nặng lên tinh thần của mình và để cho gánh nặng đó ngày càng tăng. Thường thì những ý nghĩ đó len lén đi vào tâm trí tôi trong những đêm tôi không tài nào chợp mắt, hoặc khi tôi cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài ở trường. Chắc hẳn bạn biết cái cảm giác đó; chắc hẳn cũng có lúc bạn mệt mỏi, cảm thấy như thể gánh nặng của cả thế giới đang đè lên vai bạn. Ai trong chúng ta cũng đều trải qua những lúc tâm trạng chùng xuống như vậy, đặc biệt khi chúng ta mất ngủ, ốm yếu, hoặc khi những thách thức khác làm chúng ta cảm thấy bị tổn thương.
Không một ai trên đời này lúc nào cũng được hạnh phúc, lúc nào cũng phấn khởi. Nếu như có lúc tâm trạng của bạn trở nên chán nản thì điều đó cũng tự nhiên thôi. Sự chán nản cũng có mục đích của nó đấy. Theo các nghiên cứu tâm lý gần đây, tâm trạng chán nản có thể khiến bạn đánh giá công việc của mình bằng con mắt nghiêm khắc hơn, giàu tính phân tích hơn. Cách nhìn đó là hữu ích khi bạn thực hiện các việc như cân đối thu chi, tính thuế, hay biên tập một bài báo. Ý nghĩ tiêu cực có thể sản sinh ra kết quả tích cực, miễn là bạn nhận thức một cách rõ ràng về chúng và kiểm soát được chúng. Chỉ khi bạn để cho cảm xúc điều khiển hành động của mình thì bạn mới phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng trầm cảm và có hành vi tự hủy hoại bản thân.
Điều then chốt là hãy kiên quyết không để cho cảm xúc tiêu cực hoặc cảm giác chán nản, tuyệt vọng điều khiển chúng ta. May mắn thay, bạn cũng như tôi, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để điều chỉnh thái độ. Khi bạn phát hiện thấy ý nghĩ tiêu cực đang lan tràn trong tâm trí mình, bạn có thể chọn nhấn nút “tắt”. Hãy nhận biết các cảm xúc, những ý nghĩ tiêu cực và xác định rõ nguyên nhân gây ra chúng, nhưng hãy tập trung tâm trí vào các giải pháp thay vì vào các vấn đề.

Trong đời mình ai cũng từng có những lúc cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, bị ghẻ lạnh, xa lánh, không được yêu thương. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy chênh vênh. Hầu như đứa trẻ nào cũng sợ bị chế giễu bởi vì chúng có cái mũi to, hay vì mái tóc xoăn tít. Những người trưởng thành thì sợ không thanh toán nổi hóa đơn, hoặc sợ không đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống.
Bạn sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc của sự hoài nghi và sợ hãi, chắc chắn rồi. Chúng ta ai cũng vậy thôi, đều phải đương đầu với những lúc như thế. Đôi lúc bạn cảm thấy chán nản, thất vọng cũng là lẽ tự nhiên: đó là một phần của con người thực sự. Những cảm giác đó chỉ gây nguy hại khi bạn cho phép những ý nghĩ tiêu cực đeo bám bạn thay vì trải nghiệm chúng và cố gắng loại bỏ chúng.

* Còn tiếp...

Bích Lan dịch

Tự truyện Nick Vujicic (P2): Kế hoạch tự tử


(GDVN) - "Tôi không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ bỏ lại những người thân của mình, để họ đau khổ và tự dằn vặt bản thân về cái chết của tôi trong suốt phần đời còn lại".

  • LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. 

Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.


“Khi 10 tuổi, tôi đã cố tự tử. Tôi đã cố trầm mình dưới làn nước nhưng không thể. Chúa có một kế hoạch dành cho tôi, mang hy vọng đến với mọi người qua câu chuyện đời tôi” – Nick Vujicic tâm sự trong một clip làm lay động trái tim toàn thế giới.

Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác. Đoạn trích này ghi lại kế hoạch, tâm trạng dằn vặt của Nick trong ý định tự tử...

Một hôm tôi đang ngồi trên mặt chiếc bàn quầy rất cao ở trong bếp nhìn mẹ nấu bữa tối - một thói quen giúp tôi tìm thấy sự an ủi và thư giãn - thì những ý nghĩ tiêu cực bỗng ập đến, tôi muốn ném mình xuống khỏi mặt bàn. Tôi nhìn xuống bên dưới, nghĩ rằng mình sẽ lao xuống, nhưng rồi nỗi sợ hãi lấn át sự tuyệt vọng nên tôi ngưng lại. Lúc bấy giờ tôi đang vật lộn với cảm giác tuyệt vọng, rằng cuộc đời tôi rồi đây sẽ vô cùng khó khăn. Chúa dường như không đáp lại lời nguyện cầu của tôi. Nhìn mẹ tôi làm việc trong nhà bếp, tôi bỗng nhiên không muốn trở thành gánh nặng của bà.

Thế là ý định quăng mình xuống lại tiếp tục tấn công tôi. Tôi loay hoay tính toán xem mình nên lao xuống phía nào, để đảm bảo rằng tôi sẽ gãy cổ và chết ngay tức thì. Nhưng rồi tôi tự bảo mình rằng tôi không nên làm thế, chủ yếu bởi vì nếu ném mình xuống mà không chết thì tôi sẽ phải giải thích tại sao tôi lại thất vọng đến nhường ấy. Cái lần tôi suýt nữa tự hủy hoại mình đó quả là đáng sợ. Đáng lẽ nên nói cho mẹ biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi ngại. Tôi không muốn làm mẹ hoảng sợ.

Nick Vujicic, chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh.
Khi ấy tôi còn nhỏ, và mặc dù được sống giữa những người yêu thương mình, tôi đã không tìm đến họ để tâm sự về nỗi lòng của mình. Tôi có những nguồn giúp đỡ và sẻ chia, nhưng tôi đã không sử dụng những nguồn ấy, và đó là một sai lầm… Nhưng lúc đó trong lòng tôi tràn ngập tuyệt vọng. Khi ấy tôi đã quyết định rằng để chấm dứt mọi nỗi đau khổ, tôi nhất định phải kết thúc cuộc sống của mình.
Một buổi chiều sau khi tan học, tôi hỏi mẹ rằng liệu bà có thể giúp đưa tôi vào bồn tắm để tôi dầm nước một lúc không. Khi mẹ ra khỏi phòng tắm, tôi bảo mẹ đóng cửa lại. Sau đó tôi ngâm mình xuống nước, ngâm đến tận tai. Trong im lặng, những ý nghĩ rất nặng nề, u ám lan tràn. Tôi đã lên kế hoạch cho việc tôi muốn làm từ trước.
Nếu Chúa không mang nỗi khổ đau của tôi đi và nếu không có mục đích nào dành cho tôi trong cuộc đời này… nếu tôi tồn tại trên đời này chỉ để chịu đựng sự xa lánh và cô đơn… nếu tôi là gánh nặng cho mọi người và tôi không có tương lai… thì tôi nên kết thúc cuộc sống của mình ngay bây giờ.
Ở trong bồn tắm, tôi cố gắng tính xem có thể giữ được bao nhiêu không khí trong phổi trước khi tôi lật úp người xuống. Mình có thể nín thở trước khi mình lật úp người xuống không? Mình sẽ hít vào một hơi thật sâu, hay chỉ hít vào nửa chừng thôi? Mình có nên thở ra rồi hãy lật người không?
Cuối cùng tôi cứ lật người và úp mặt mình xuống nước. Theo bản năng, tôi giữ hơi. Bởi vì phổi của tôi rất khỏe, nên tôi giữ được người mình nổi được một lúc lâu.
Khi trong phổi tôi đã cạn không khí, tôi lại lật người lên.
Mình có thể làm được việc đó rồi.
Nhưng những ý nghĩ u ám vẫn bám lấy tôi: Mình muốn thoát khỏi cuộc đời này. Mình chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này.
Tôi trút hết không khí trong phổi ra và lại lật úp người xuống một lần nữa. Tôi biết mình có thể giữ hơi được ít nhất mười giây, vậy nên tôi đếm…10…9…8…7…6…5…4…3
Trong khi tôi đếm, một hình ảnh vụt hiện trong đầu tôi: hình ảnh cha mẹ tôi đang đứng trước mộ tôi khóc trong đớn đau. Tôi nhìn thấy đứa em trai bảy tuổi, Aaron, cũng đang khóc. Tất cả những người thân yêu nhất của tôi đều đang khóc và nói rằng đó là lỗi của họ, rằng lẽ ra họ phải làm được nhiều hơn cho tôi.
Tôi không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ bỏ lại những người thân của mình, để họ đau khổ và tự dằn vặt bản thân về cái chết của tôi trong suốt phần đời còn lại.
Mình ích kỷ quá.
Tôi vội lật người lên và hít vào một hơi thật sâu. Tôi không thể làm điều đó. Tôi không thể để lại cho gia đình mình gánh nặng của sự mất mát và cảm giác có lỗi.
Trong một thời gian dài đến khó tin, tôi đã nghĩ rằng nếu cơ thể tôi “bình thường” hơn thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng biết bao. Điều mà tôi không hiểu là tôi không nhất thiết cứ phải là người bình thường, tôi chỉ cần là chính tôi... Ban đầu tôi không sẵn sàng đối mặt với sự thật rằng điều thực sự tồi tệ không phải là những khiếm khuyết về thân thể của tôi, mà là những giới hạn mà tôi tự đặt ra cho mình và tầm nhìn hạn hẹp về các khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống.
Nếu bạn không được ở vị trí mà bạn mong muốn hoặc không đạt được những gì bạn hy vọng đạt được, thì nhiều khả năng lý do không nằm ở xung quanh bạn, không nằm ở bên ngoài bạn mà ở trong chính bản thân bạn. Hãy nhìn nhận trách nhiệm một cách sáng suốt và sau đó hãy hành động. Tuy nhiên, trước hết bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và giá trị của mình. Bạn không thể ngồi đó đợi người khác phát hiện ra cơ may giúp bạn. Bạn không thể ngồi yên chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra hoặc chờ đợi “cơ hội thích hợp”. Bạn nên coi mình là chiếc đũa và thế giới là nồi thịt hầm của bạn. Hãy khuấy nó lên!

* Còn tiếp...
Bích Lan (dịch)

Tự truyện Nick Vujicic (P1): Nỗi đau ngày chào đời


(GDVN) - Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.
  • LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. 

Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.

Trong phần này, Nick kể câu chuyện về ngày ra đời của mình. Mắc bệnh hội chứng Tetra-amelia bẩm sinh, một rối loạn gene hiếm gặp gây ra sự thiếu hụt chân, tay, điều đó đồng nghĩa với việc Nick không còn có hy vọng để sống một cuộc đời bình thường. Người mẹ và người cha thân yêu của anh lần đầu nhìn thấy con trai đã đau đớn tột cùng. Sự ra đời của Nick đã làm chao đảo cả cuộc sống của gia đình. Họ khó có thể chấp nhân được sự thật đau lòng về đứa con bé bỏng bất hạnh dị thường; không chỉ vô cùng đau khổ, họ còn hết sức lo lắng cho tương lai của con trai.
Phải mất một thời gian dài tôi mới nghiệm ra những lợi thế tiềm ẩn trong hoàn cảnh nghiệt ngã của mình. Mẹ tôi mang thai tôi, đứa con đầu lòng của bà, khi bà hai mươi lăm tuổi. Mẹ tôi vốn là một nữ hộ sinh, làm việc tại một phòng hộ sinh nơi bà chăm sóc cho hàng trăm bà mẹ và những đứa con sơ sinh của họ. Mẹ tôi biết phải làm gì khi bà mang thai, biết duy trì chế độ ăn uống hợp lý, rất thận trọng khi dùng thuốc, không sử dụng đồ uống có cồn, không dùng aspirin hay bất cứ loại thuốc giảm đau nào. Bà tìm đến những bác sĩ giỏi nhất để khám thai định kỳ và các bác sĩ quả quyết với bà rằng tất cả mọi thứ đều ổn cả.
Mặc dầu vậy mẹ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảm giác lo lắng. Khi ngày trở dạ đến gần, bà thỉnh thoảng lại chia sẻ với cha tôi những nỗi lo lắng của mình. Bà nói, “Em hy vọng mọi chuyện với con chúng ta đều ổn cả”.

Hình ảnh Nick Vujicic ngày nhỏ
Trong hai lần mẹ tôi đi siêu âm, các bác sĩ đều không phát hiện thấy bất cứ điều gì bất thường. Các bác sĩ nói với cha mẹ tôi rằng con đầu lòng của họ là con trai, nhưng tuyệt đối không nói gì về chứng khuyết thiếu chân tay!

Khi tôi chào đời vào ngày 4 tháng mười hai năm 1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi, và câu hỏi đầu tiên mẹ hỏi bác sĩ là: “Con tôi ổn chứ?”. Đáp lời là một sự im lặng. Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy tôi. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra. Thay vì mang tôi đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi mẹ tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.
Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.
Nhưng mẹ tôi đâu có ngốc. Nhìn vẻ mặt của các bác sĩ và y tá là mẹ biết có điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra.
“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?’ Mẹ hỏi.
Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ tôi cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa.
“Đứa bé bị chứng phocamelia,” ông ấy nói.
Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.
Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.
“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.
“Ông nói gì cơ?”. Không tin, cha tôi hỏi lại.
Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.
Mấy cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.
“Hãy mang nó đi đi”, mẹ nói. “Tôi không muốn chạm vào nó, không muốn nhìn thấy nó”.
Cho đến tận ngày hôm nay cha tôi vẫn cảm thấy rất buồn vì hôm ấy các nhân viên ở phòng hộ sinh đã không cho cha có thời gian để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, để mẹ có thể đối mặt với sự thật phũ phàng đó một cách tốt hơn. Một lúc sau, khi mẹ đã thiếp đi, cha đến thăm tôi ở phòng dành cho trẻ sơ sinh. Lúc quay lại, cha nói với mẹ: “Con trai của chúng ta kháu lắm”. Cha hỏi liệu bây giờ mẹ đã muốn gặp tôi chưa, nhưng mẹ vẫn chối từ, vẫn một mực lắc đầu. Cha tôi hiểu và tôn trọng những cảm xúc của mẹ.

* Còn tiếp...
Bích Lan (dịch)

6/12/12

Cuộc thi viết thư UPU 42 về “nước là quý”


Các em học sinh tham gia cuộc thi viết thư UPU 42 về “nước là quý” cần lưu ý những điểm nào 
 
Lễ phát động cuộc thi viết thư UPU 42 (2012 - 2013) được tổ chức tại trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội sáng nay 1/11/2012 
(Mic.gov.vn) - Sáng 1/11/2012 tại trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) và Báo Thiếu niên Tiền phong đã tổ chức phát động cuộc thi viết thư của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 42 trên toàn quốc. 

Chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay là “Hãy viết thư để nói tại sao nước là quý” (Tiếng Anh: Write a letter about why water is precious), được gắn với Thập nhiên hành động - nước đối với cuộc sống 2005 - 2015 của Liên hợp quốc.
Đây là cuộc thi dành cho tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2012 - 2013)
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc VNPost, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi UUPU 42 cho biết trình bày dưới dạng một lá thư viết tay, bài dự thi của các em được kỳ vọng tiếp tục lưu giữ một thói quen văn hóa tốt đẹp. Các hình thức truyền thông tin hiện đại như thư điện tử, điện thoại di động, nhắn tin… mang đến thông tin nhanh chóng, nhưng có lẽ những lá thư viết tay sẽ để lại nhiều cảm xúc hơn và nhiều kỷ niệm cho cả người gửi và người nhận. Bên cạnh đó, lá thư do các em viết được dán tem và gửi qua đường bưu chính tới Ban Tổ chức. Thông qua đó, Ban Tổ chức kỳ vọng các em sẽ làm quen và hiểu về các dịch vụ bưu chính.
Về chủ đề của cuộc thi: Tại sao nói “Nước là quý”?
Ban Tổ chức và Ban giám khảo UPU của Việt Nam đã gợi ý để các em tham khảo về chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay:
-  Sẽ có biết bao câu trả lời thú vị: Nước rất cần trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người; Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết của cơ thể; chỉ đơn cử khi bố ốm, em cần uống thuốc mà không có nước thì sẽ ra sao?
- Có em lại nhớ tới dòng sông, con suối của quê hương mình; đặc biệt ở những vùng khô hạn, khan hiếm nước thì thấy rất rõ giá trị của nước.
- Nước rất gần gũi, gắn bó với chúng ta, giúp duy trì sự sống cả vật chất và tinh thần, vậy mà không phải ai cũng thấy được giá trị của nước. Còn nhiều người sử dụng nước lãng phí, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống… Chúng ta đều phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn nước - nguồn tài nguyên quý giá.
- Có thể bằng một câu chuyện, một lời kể, một kỷ niệm liên quan đến nước để thể hiện thành một bức thư đầy sáng tạo, ngẫu hứng qua lăng kính trẻ thơ; Có thể hóa thân thành giọt nước, hoặc dòng sông, con suối trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống để khẳng định: Nước thật quý!
Những điểm lưu ý khi viết bức thư
Qua 23 năm tổ chức và tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Ban Tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi 42 lưu ý các em trước khi viết thư hãy: Tìm hiểu kỹ đề tài để tránh viết lạc đề, lan man, liệt kê dài dòng; Cách thể hiện bức thư sao cho giản dị, trong sáng, hồn nhiên, đúng với suy nghĩ của lứa tuổi các em. Bức thư đảm bảo trình tự của bài văn viết thư: Mở bài, thân bài, kết luận. Mỗi phần viết ngắn gọn, đúng yêu cầu. Phần kết luận cố gắng "mở" vấn đề, tạo suy nghĩ cho người đọc.
Bài dự thi là bài chưa đăng báo hoặc in sách, dài không quá 800 từ. Các bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt (Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt).
Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trái bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.
Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi qua đường Bưu điện. Ngoài ra phong bì, các em cần ghi rõ: Dự thi UPU 42-2013.
Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815.
Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 5/11/2012 đến 8/3/2013 (theo dấu Bưu điện).
Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
Về giải thưởng của cuộc thi
Các giải thưởng của cuộc thi gồm: Giải Nhất 5 triệu đồng, 3 giải Nhì, mỗi giải: 3 triệu đồng, 5 giải Ba, mỗi giải 2 triệu đồng, 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi còn trao các giải phụ dành cho các thí sinh lọt vào chung kết: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: 1.000.000 đồng; Giải dành cho thí sinh là người dân tộc: 1 triệu đồng, Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1 triệu đồng.
Các em đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia về môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và các đơn vị có phong trào tốt sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi Quốc tế. Nếu đoạt giải sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng.