6/12/12

Cuộc thi viết thư UPU 42 về “nước là quý”


Các em học sinh tham gia cuộc thi viết thư UPU 42 về “nước là quý” cần lưu ý những điểm nào 
 
Lễ phát động cuộc thi viết thư UPU 42 (2012 - 2013) được tổ chức tại trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội sáng nay 1/11/2012 
(Mic.gov.vn) - Sáng 1/11/2012 tại trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) và Báo Thiếu niên Tiền phong đã tổ chức phát động cuộc thi viết thư của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 42 trên toàn quốc. 

Chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay là “Hãy viết thư để nói tại sao nước là quý” (Tiếng Anh: Write a letter about why water is precious), được gắn với Thập nhiên hành động - nước đối với cuộc sống 2005 - 2015 của Liên hợp quốc.
Đây là cuộc thi dành cho tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2012 - 2013)
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc VNPost, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi UUPU 42 cho biết trình bày dưới dạng một lá thư viết tay, bài dự thi của các em được kỳ vọng tiếp tục lưu giữ một thói quen văn hóa tốt đẹp. Các hình thức truyền thông tin hiện đại như thư điện tử, điện thoại di động, nhắn tin… mang đến thông tin nhanh chóng, nhưng có lẽ những lá thư viết tay sẽ để lại nhiều cảm xúc hơn và nhiều kỷ niệm cho cả người gửi và người nhận. Bên cạnh đó, lá thư do các em viết được dán tem và gửi qua đường bưu chính tới Ban Tổ chức. Thông qua đó, Ban Tổ chức kỳ vọng các em sẽ làm quen và hiểu về các dịch vụ bưu chính.
Về chủ đề của cuộc thi: Tại sao nói “Nước là quý”?
Ban Tổ chức và Ban giám khảo UPU của Việt Nam đã gợi ý để các em tham khảo về chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay:
-  Sẽ có biết bao câu trả lời thú vị: Nước rất cần trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người; Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết của cơ thể; chỉ đơn cử khi bố ốm, em cần uống thuốc mà không có nước thì sẽ ra sao?
- Có em lại nhớ tới dòng sông, con suối của quê hương mình; đặc biệt ở những vùng khô hạn, khan hiếm nước thì thấy rất rõ giá trị của nước.
- Nước rất gần gũi, gắn bó với chúng ta, giúp duy trì sự sống cả vật chất và tinh thần, vậy mà không phải ai cũng thấy được giá trị của nước. Còn nhiều người sử dụng nước lãng phí, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống… Chúng ta đều phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn nước - nguồn tài nguyên quý giá.
- Có thể bằng một câu chuyện, một lời kể, một kỷ niệm liên quan đến nước để thể hiện thành một bức thư đầy sáng tạo, ngẫu hứng qua lăng kính trẻ thơ; Có thể hóa thân thành giọt nước, hoặc dòng sông, con suối trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống để khẳng định: Nước thật quý!
Những điểm lưu ý khi viết bức thư
Qua 23 năm tổ chức và tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Ban Tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi 42 lưu ý các em trước khi viết thư hãy: Tìm hiểu kỹ đề tài để tránh viết lạc đề, lan man, liệt kê dài dòng; Cách thể hiện bức thư sao cho giản dị, trong sáng, hồn nhiên, đúng với suy nghĩ của lứa tuổi các em. Bức thư đảm bảo trình tự của bài văn viết thư: Mở bài, thân bài, kết luận. Mỗi phần viết ngắn gọn, đúng yêu cầu. Phần kết luận cố gắng "mở" vấn đề, tạo suy nghĩ cho người đọc.
Bài dự thi là bài chưa đăng báo hoặc in sách, dài không quá 800 từ. Các bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt (Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt).
Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trái bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.
Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi qua đường Bưu điện. Ngoài ra phong bì, các em cần ghi rõ: Dự thi UPU 42-2013.
Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815.
Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 5/11/2012 đến 8/3/2013 (theo dấu Bưu điện).
Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
Về giải thưởng của cuộc thi
Các giải thưởng của cuộc thi gồm: Giải Nhất 5 triệu đồng, 3 giải Nhì, mỗi giải: 3 triệu đồng, 5 giải Ba, mỗi giải 2 triệu đồng, 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi còn trao các giải phụ dành cho các thí sinh lọt vào chung kết: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: 1.000.000 đồng; Giải dành cho thí sinh là người dân tộc: 1 triệu đồng, Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1 triệu đồng.
Các em đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia về môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và các đơn vị có phong trào tốt sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi Quốc tế. Nếu đoạt giải sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng.
 

24/10/12

Bài văn hội ngộ Tấm Cám dưới âm phủ



 - Với đề bài “hãy kể lại cuộc gặp gỡ giữa Tấm và Cám dưới Âm phủ”, một học sinh lớp 10 chuyên Anh đã có bài tưởng tượng sinh động.
Đã ba năm trời kể từ ngày Cám và dì mất, cũng là từng ấy thời gian Tấm trở lại sống trong cung cùng nhà vua. Mặc dù cuộc sống trôi đi yên bình, hạnh phúc, nhưng luôn có một nỗi niềm làm Tấm không khỏi bận lòng - về Cám!

Tháng bảy mới sang, lại gần đến ngày lễ Vu lan và ngày Xá tội vong nhân. Độ này Tấm hay nằm mơ thấy Cám. Những giấc mơ - kì lạ thay - giống hệt như nhau. Cám lơ lửng trong một khoảng không mịt mùng, vừa như gần mà lại xa vời vợi, mỏng manh như sương khói. Cám bận bộ quần áo giản đơn, trông gầy guộc xanh xao, hai hốc mắt trũng sâu, chỉ nhìn Tấm buồn rầu rầu, ánh mắt thiết tha như có điều muốn rãi tỏ. Giấc mơ lặp đi lặp lại khiến Tấm suy nghĩ rất nhiều - phải chăng ngày xá tội gần kề, Cám muốn gặp Tấm để bày tỏ điều gì? Nghĩ vậy, nàng quyết định sẽ lên chùa vào ngày xá tội năm nay.

Ngày xá tội vong nhân đến. Sáng sớm, Tấm đã dậy, tự tay làm chút đồ lễ rồi khởi hành đến ngôi chùa trên núi - có tiếng rất thiêng. Tấm đến chùa thì đã gần trưa, nàng sắp lễ rồi thắp một nén nhang, thành tâm cầu khẩn! Nàng khấn cho Dì, cho Cám, cầu cho linh hồn của hai người được rửa tội và siêu thoát! Giữa lúc ấy, đột nhiên Tấm nghe ù ù bên tai, mở mắt ra thì không còn thấy điện thờ nữa, chỉ thấy mình đang lơ lửng giữa khoảng không xám đặc, cuộn xoáy! Chưa kịp định thần thì Tấm thấy mình bị hút về phía trước, mãi cho đến khi gặp một cánh cửa, cửa bật tung, Tấm bị hút vào đó. Sau cánh cửa là một căn phòng. Căn phòng trống không, tường và trần đều một màu xám, Tấm ngỡ ngàng. Nhưng đó chưa phải là điều lạ lùng nhất, cảnh cửa mở ra lần nữa, và Cám bước vào. Đúng là Cám, không mờ ảo như trong giấc mơ của Tấm, mà thực sự hiện hữu - Cám bằng xương bằng thịt! Tấm không nói được lời nào, trong nàng tràn ngập nỗi hoang mang và hàng trăm ngàn câu hỏi. Nàng đang ở đâu? Tại sao nàng bị đưa đến đây? Nơi này cách ngôi chùa kia bao xa? Giữa lúc bối rối, Cám chợt lên tiếng, tiếng nói nghe cũng rất thật, rất đỗi thân quen, nhưng thoáng chút gì như nghẹn ngào, và vang hơn bình thường:

- Chị Tấm!

Tấm hoảng hốt, hình ảnh Cám, giọng nói Cám, sống động quá. Nàng hoang mang: đây là mơ, hay là thực? Như đọc được suy nghĩ của Tấm, Cám tiếp:

- Chị Tấm, chị và em đang ở dưới Âm Phủ! Đây là nơi mà người trần lẽ ra không được đến, chỉ có chị - người được thần thánh phù độ, trải qua bao kiếp nạn mới tới được!

Tấm không biết nói gì, nàng còn chưa hết sững sờ.

- Chị Tấm, sao chị không nói gì?

Tấm nhắm mắt, hít một hơi dài. Giờ thì nàng chắc chắn rằng đây không phải là mơ, nàng chọn lời:

- Em Cám à! Em đưa chị đến đây sao? Có phải em đã tìm gặp chị suốt mấy đêm rồi?

Cám gật đầu.

- Vậy phải chăng em có điều gì muốn nói? - Tấm tiếp.

- Vâng, hôm nay là ngày phán quyết của em. Hôm nay Diêm Vương sẽ định đoạt liệu linh hồn em có được siêu thoát, được đầu thai hay không.

"Cám khác quá!" - Tấm tự nhủ. Cám đang đứng trước mặt Tấm lễ phép, điềm đạm, hoàn toàn khác xưa.
- Em Cám, suốt ba năm qua em ở đâu?

Cám cười, nụ cười rầu rầu:

- Em được Diêm Vương sai đi chứng kiến cảnh khổ đau trong nhân gian, cảnh người ta bị lừa gạt, bị hãm hại, chứng kiến lòng đó kị, tham lam. Cứ đi một ngày, em phải về báo những gì mình nhìn được cho Diêm Vương, và cả những gì mình cảm thấy.

- Rồi sao nữa?

- Ban đầu em dửng dưng, em vô cảm, nhìn người khác đau đớn, bất hạnh, em không có lấy một chút mủi lòng. Vì thế mà Diêm Vương trừng phạt em bằng cách bắt em chịu tất cả những cảm xúc đau khổ ấy. Em quằn quại, em cầu xin dừng tay, nhưng vô ích! Cảm giác của người bị tra tấn, của người mất cha, mất mẹ, của người bị ruồng bỏ, của người bị hãm hại, như trận cuồng phong cào xé em. Em bị trừng phạt cho đến khi em biết đồng cảm, biết thương xót.

- Đến khi nào em mới biết thương xót những cảnh khốn cùng ấy?

- Hai năm trời chị Tấm ạ!

- Thế một năm còn lại em làm gì?

- Em xá tội cho những tội lỗi của mình. Diêm Vương gửi hồn em vào một con bống, con bống bị lừa gạt rồi bị làm thịt; rồi Diêm Vương gửi em vào con chim vàng anh, con chim cũng bị giết; Diêm Vương lại cho em vào cây xoan đào, cây xoan đào cũng bị đốt trụi! Như thế em cũng phải bỏ mạng bốn lần, bằng số lần em hãm hại chị.

Tấm im lặng. Ba năm trời ròng linh hồn Cám bị đày đọa, cái giá đắt cho những lỗi lầm khi còn sống.

- Vậy dì đâu, em đã phải chịu phạt cho cả phần dì nữa ư?

Cám rùng mình một cái, cô cất giọng buồn. Trông Cám như muốn khóc mà không thể khóc. Hẳn là người chết rồi không khóc được nữa.

- Mẹ em khi xuống đây đã làm náo loạn cả âm phủ, đắc tội với Diêm Vương. Mẹ quyết không nhận lỗi, vì thế mà phải chịu trừng phạt đau đớn, không những thế, đời đời kiếp kiếp phải đầu thai vào con ruồi, con cóc.

Dẫu dì đã làm nhiều điều độc ác với Tấm, Tấm nghe vậy cũng không khỏi xót xa! Đúng là không gì qua được mắt thần linh, tội lỗi dù sớm muộn đều bị trừng trị. Nghĩ đến đây, Tấm nhìn lại mình, bàn tay Tấm cũng từng rót nước sôi giết Cám, bàn tay Tấm cùng từng gửi hũ mắm đến cho Dì, khiến dì chết vì kinh sợ, bàn tay ấy đã từng làm điều xấu, từng giết người!

- Em Cám, em nói hôm nay là ngày phán quyết, phải chăng đích thân Diêm Vương sẽ...

Tấm chưa dứt câu, đột nhiên cả căn phòng rung chuyển, rồi bất thình lình nới rộng ra, thành một nơi rộng mênh mông, u ám, tường vẽ đầy hình người bị tra tấn, trần thì cao hun hút. Tấm lờ mờ đoán ra: đây ắt hẳn là phòng xử của Âm Phủ.

Bàn xử án sừng sững trước mặt, Diêm Vương hiện ra. Vượt ra ngoài ngôn ngữ và trí tưởng tượng của con người, Diêm Vương, và cả bầu không khí toát ra từ Người không một từ nào có thể miêu tả. Ngài cất tiếng nói làm rúng động không gian:

- Cám, hẳn ngươi biết vì sao mình lại ở đây. Tấm, ngươi là người trần đầu tiên đặt chân xuống Âm Phủ, người biết vì sao không?

- Dạ bẩm, tì nữ người trần mắt thịt, không thấu được hết ý định của bậc thần linh.

Diêm Vương cười lớn:

- Hôm nay, ta sẽ ra phán quyết định đoạt số phận của hai ngươi. Cám, ngươi trước.

Cám bước về phía trước.

- Hẳn ngươi biết tội của mình chứ?

- Dạ, con biết. - Cám trả lời, nghe giọng nói thoáng run nhưng cứng cỏi lạ thường.

- Ngươi đã cùng mẹ hãm hại Tấm nhiều lần, còn tranh giành hạnh phúc của Tấm. Ta hỏi nhà ngươi, nhà ngươi có thật sự yêu vị vua đó không?

- Dạ bẩm, con không ạ.

- Vậy suy cho cùng ngươi vì lòng đố kị và lòng ham mê phú quý mà làm vậy?

- Dạ, vâng ạ.

- Ngươi đã chuộc tội suốt ba năm vừa rồi, đã học được cách thương xót, đã biết đồng cảm, đã nếm mọi khổ đau trong nhân gian. Ngươi có thấy mình xứng đáng được đầu thai làm người không?

Cám chợt im lặng. Một khoảng dài trôi qua, rồi Cám lên tiếng:

- Dạ bẩm, không ạ.

Diêm Vương thoáng ngạc nhiên, rồi gật đầu:

- Ngươi nói vậy, và ngươi thực sự nghĩ vậy, điều ngươi thật sự nghĩ mới quan trọng! Ngươi biết không, đầu thai làm người là một ân huệ lớn lao, nhưng cũng là một sứ mệnh khó khăn, làm người không hề dễ dàng. Ngươi đã chịu phạt không có nghĩa là linh hồn ngươi đã được gột rửa. Vì tội lỗi của ngươi một phần là do mẹ nhà ngươi xúi giục mà ngươi lại chịu đựng cả hình phạt của mẹ mình, nên ta cho phép nhà ngươi được đầu thai thành bông hoa sen. Ngươi sẽ có ba kiếp làm hoa trước khi ta xem xét ngươi có thể được đầu thai làm người một lần nữa không.

- Dạ! Con xin tạ ơn ân đức của Diêm Vương. - Cám nói, rồi bước xuống.

- Tấm, đến lượt ngươi.

Tấm bước lên trước.

- Tấm, ngươi không thắc mắc vì sao ngươi là người trần mà lại phải xuống âm phủ để nhận phán quyết về số phận mình không?

- Dạ bẩm, không ạ.

- Một phần là vì ta đã hứa với Cám sẽ ban một ân huệ cho những tháng ngày chuộc tội, và Cám xin được gặp ngươi. Phần khác, phần khiến ngươi được phán quyết khi còn sống là bởi ngươi đã trải qua bao khổ nạn - điều không hề được ghi trong sách sinh tử. Sức sống và sự trong sạch của ngươi đã khiến thần linh động lòng mà thay đổi điều được sắp đặt, lẽ ra ngươi đã chết ngay từ lúc dì ngươi chặt đổ cây cau, khiến ngươi ngã.

- Nhưng con đã giết người, thưa Diêm Vương, con đã làm việc tàn độc, linh hồn con đã bị vấy bẩn.

Diêm Vương khẽ làm một hành động như cười mỉm.

- Ngươi giết người đâu phải vì dã tâm. Ngươi đã cảnh báo mẹ con Cám nhiều lần nhưng hai người đó không hề thay đổi. Ngươi giết người là hành động tự bảo vệ mình, khi sự can thiệp của thánh thần cũng chỉ có hạn, khi người bên cạnh ngươi - là vị vua kia - cũng không ra tay giúp. Tuy vậy, hành động giết người luôn luôn là sai trái. Như thế, ngươi sẽ vẫn được đầu thai làm người. NHƯNG. Nhưng sau khi vị vua kia mất, ngươi sẽ phải quy y cửa phật và dành phần đời còn lại là một nữ tu, ăn chay niệm phận để xá tội.

- Dạ, tạ ơn ân đức của Diêm Vương.

Diêm Vương gật đầu

- Vậy thì ta tuyên bố: PHIÊN XỬ KẾT THÚC!

Nói rồi, Diêm vương biến mất, căn phòng lại chuyển động dữ dội, rồi trở lại là căn phòng nhỏ khi nãy.

- Chị Tấm! - Cám lên tiếng - Em phải chia tay chị thôi. Vậy là em được thỏa tâm nguyện gặp chị lần cuối. Em xin lỗi, chị Tấm ạ, em xin lỗi, cho những gì mẹ con em đã làm!

Tấm trào nước mắt, chỉ biết gật đầu.

- Vậy em đi nhé, chị Tấm! - Cám nói, đoạn đưa tay ra, rồi hình bóng mờ dần, mờ dần, đến khi biến mất hẳn.
Cửa phòng bật mở, Tấm bị hút ra ngoài, trở về với điện thờ.

***
Năm ấy, hồ sen trong cung chỉ nở đúng một bông, nhưng tươi tắn và thơm lạ thường. Tấm thường ra ngồi ở lầu trước hồ sen cùng nhà vua. Cứ mỗi lần ấy, Tấm lại thấy như nghe được giọng Cám nói khe khẽ :"Chị Tấm ơi! Chị Tấm ơi!" - như tiếng thỏ thẻ của người em gái ruột thân thương!
  • Dương Quỳnh Anh (Lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương)

14/10/12

Những bức ảnh tình yêu lãng mạn nhất mọi thời đại



Những bức ảnh của các đôi uyên ương, từ thế hệ twitter cho tới những cặp đôi cách đây vài thế hệ; từ năm 1586 cho tới năm 2012 và từ Paris cho tới Quảng trường Thời đại, là những ảnh lãng mạn nhất mọi thời đại.
Bức ảnh "Nụ hôn ở quảng trường Thời Đại" lừng danh thế giới, miêu tả nụ hôn nổi tiếng giữa chàng thủy thủ và cô y tá người Mỹ tại quảng trường Thời Đại, thành phố New York khi cả nước Mỹ đổ xuống đường ăn mừng quân đồng minh chiến thắng phát xít Nhật ngày 14/8/1945. Sau khi nụ hôn kết thúc, cặp đôi chia tay nhau, mỗi người bước đi mỗi ngả khác nhau và không một lần ngoái lại. Bức ảnh do phóng viên ảnh Afred Eisenstaedt của tạp chí Life chụp cách đây 67 năm (14/8/1945).

Bức ảnh "Cặp đôi hôn nhau trong bạo loạn" gây sốt cho cư dân mạng năm ngoái. Giữa lúc bạo loạn nổ ra trên đường phố Vancouver, sau khi đội khúc côn cầu Boston Bruins đánh bại đội chủ nhà Vancouver Canucks để giành cúp Stanley khiến 150 người bị thương và 100 người bị bắt giữ, nhiếp ảnh gia Richard Lam ghi lại được khoảnh khắc để đời: hai người trẻ tuổi trao nhau nụ hôn say đắm như thể không có chuyện khủng khiếp gì diễn ra quanh họ. Danh tính cặp đôi nhanh chóng được phát hiện, chàng trai tên là Scott Jones, người Australia và cô gái tên là Alex Thomas, người Canada.

Lauren Bacall và Humphrey Bogart phải lòng nhau sau khi đóng chung bộ phim “To have and have not”. Họ kết hôn năm 1945. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 12 năm khi Bogart mất năm 1957. Bacall đã chôn theo chồng chiếc còi nhỏ bằng vàng mà ông tặng bà khi họ chưa kết hôn. Chiếc còi khắc câu nói rất nổi tiếng trong bộ phim "To have anda have not": Nếu bạn muốn bất cứ điều gì, bạn chỉ cần nói ra điều đó".

Màn cầu hôn cổ điển cực kỳ lãng mạn của anh chàng Daniel với cô bạn gái Candye khiến cho cô gái bật khóc vì bất ngờ và hạnh phúc.

Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị gặp tình yêu của cuộc đời mình, Hoàng tử Philip khi bà chỉ mới 13 tuổi và phải lòng chàng hoàng tử ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau đó, hai người trao đổi thư từ cho nhau. Cặp đôi bí mật đính hôn vào năm 1946 nhưng Hoàng gia Anh quyết định chỉ tổ chức hôn lễ khi Nữ hoàng Elizabeth tròn 21 tuổi. Năm 1947, họ kết hôn.
Đây là những lời nữ hoàng dành tặng cho người đàn ông của cuộc đời mình: “Anh ấy không thích nhận những lời tán tụng hoa mỹ. Nhưng nói thực lòng, anh ấy là sức mạnh của tôi, người đã ở bên tôi trong suốt cuộc đời này. Tôi và toàn bộ thành viên trong gia đình, ở đất nước này và trên cả các quốc gia khác trên thế giới, nợ anh ấy nhiều hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể nghĩ tới”.

Anh chàng thuỷ thủ Isiah Beauchamp bất ngờ quỳ xuống cầu hôn bạn gái trong thời gian nghỉ giải lao giữa một trận thi đấu tại sân vận động của trường trung học cũ nơi hai người từng theo học.

Cặp đôi vàng của Hollywood, Richard Burton và Elizabeth Taylor phải lòng nhau sau khi đóng chung trong bộ phim nổi tiếng Cleopatra năm 1963. Chuyện tình của họ từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực bởi họ đã kết hôn rồi ly dị tới hai lần.
Trong nhiều bài phỏng vấn sau khi Richard Burton qua đời vào năm 1984, Elizabeth Taylor từng thổ lộ người đàn ông mà bà yêu nhất trong cuộc đời chính là Richard dù hai người không chung sống với nhau tới cuối đời. Cho tới khi chết, Elizabeth vẫn giữ thói quen cất thư tình của Richard dưới gối và yêu cầu con cháu chôn mình cùng những bức thư tình của Richard.
Về phía Richard, ông cũng khẳng định, Elizabeth là tình yêu duy nhất và mãi mãi của cuộc đời mình trong những dòng nhật ký viết tháng 11/1968: "Tôi gặp nhiều may mắn trong suốt cuộc đời nhưng điều may mắn nhất của tôi chính là Elizabeth. Nàng giúp tôi trở thành một người đàn ông mẫu mực thay vì một kẻ đạo đức giả. Nàng là một nữ diễn viên tuyệt vời, vừa cao ngạo vừa thông minh, vừa bao dung, nhân từ lại vừa đáng yêu. Tôi nguyện yêu nàng mãi mãi".

Các bức ảnh ghi lại những giây phút hạnh phúc của cặp đôi cặp vợ chồng đạo diễn – diễn viên Paul Newman và Joanne Woodwan. Họ đã kết hôn và chung sống hạnh phúc bên nhau 50 năm.

Cặp đôi John Lenon và Yoko Ono cùng nhau vẽ tại căn hộ riêng ở Greenwich, Anh năm 1972. Cặp đôi đến từ hai nền văn hóa khác nhau, một người đến từ phương Đông, một người đến từ phương Tây, tin tưởng rằng, tình yêu của họ là chìa khóa vạn năng để phá bỏ mọi rào cản về địa lý.

Một cảnh vệ quốc gia người California cố nhoài người ra ngoài thông qua khe cửa sổ tàu hoả để hôn từ biệt vợ mình trước khi đi làm nhiệm vụ năm 1950.

Cặp đôi Christopher Reeve và Dana. Christopher Reeve bị tai nạn và bị liệt từ cổ trở xuống, vợ anh, Dana trong lễ kỷ niệm 4 năm ngày cưới, đã viết cho chồng một bức thư tình vô cùng cảm động. Nội dung bức thư có đoạn: "Anh Stopher yêu dấu! Con đường mà chúng ta đi luôn ẩn giấu đầy những bất ngờ, bí ẩn, chông gai và cả những điều kỳ diệu. Chúng ta đã chọn song hành cùng nhau và bất chấp tất cả những bất hạnh vừa ập đến với chúng ta, em hoàn toàn không có điều gì phải ân hận.
Trên thực tế, tất cả những khó khăn và thách thức mà chúng ta đang trải qua lại giúp em nhận ra, em yêu anh nhiều biết nhường nào và em thấy biết ơn vì chúng ta có thể song hành cùng nhau trên đường đời. Mọi thứ sẽ ổn thôi anh yêu ạ và tương lai của chúng ta vẫn rất tươi sáng bởi vì chúng ta luôn ở bên nhau. Em yêu anh rất nhiều".

Cặp vợ chồng trẻ Ahmad và Fatima. Fatima bị mất đôi chân còn Ahmad bị mất đôi tay. Hai người họ đã nương tựa vào nhau để sống và chăm sóc lẫn nhau khiến cuộc sống hôn nhân của họ đầy màu sắc.

Cặp đôi Emilie Gossiaux và Alan Lundgard. Emilie Gossiaux bị một chiếc xe 18 bánh tông phải khi đang đi dạo bằng đạp xe khi vừa tròn 21 tuổi. May mắn thoát chết nhưng cô gái trẻ phải gánh chịu những thương tật vô cùng khủng khiếp. Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến xương cô gái trẻ gãy nát, xương hàm mặt cũng bị vỡ. Chưa hết, cô gái trẻ còn bị mù lòa vì dây thần kinh thị giác bị đứt và phải chấp nhận khả năng nghe kém dần từng ngày.
Các bác sĩ quan ngại, Emilie sẽ sống thực vật suốt đời. Họ tin cô không thể phục hồi và không thể giao tiếp được nữa. Tuy nhiên, người bạn trai Alan của Emilie quyết không từ bỏ hi vọng. Anh ở bên cạnh người yêu và chăm sóc cô mỗi ngày. Alan thường nắm tay trái Emilie và dùng ngón tay viết vào lòng bàn tay người yêu dòng chữ : "Anh yêu em". Một đêm nọ, vào lúc 3 giờ sáng, Emilie bất ngờ đáp trả những lời yêu ngọt ngào của Alan : "Anh yêu em ạ? Em cám ơn anh" cho dù lúc ấy, Emilie chưa nhận ra Alan. May thay sau đó, Emilie dần nhớ ra mọi chuyện. Cô gái được chuyển tới Trung tâm Rusk, một trong những cơ sở phục hồi hàng đầu của New York.

Đôi xăng-đan đặc biệt này được tìm thấy trong nấm mồ của một người đàn ông ở thế kỷ 16 tên là Eung-Tae Lee, mất lúc khoảng 30 tuổi, để lại người vợ trẻ đang mang thai. Đôi xăng-đan được kết từ tóc của người vợ trẻ được chôn kèm với một lá thư để trong ngực của Lee. Lá thư được viết ngày 1/6/1586.
Nội dung bức thư có đoạn: "Cha của Won yêu thương! Chàng vẫn luôn nói rằng "Vợ yêu dấu của ta, chúng ta hãy sống cùng nhau cho tới khi đầu bạc răng long nhé”. Thế nhưng tại sao giờ đây chàng lại bỏ đi trước như vậy? Thiếp và con sẽ sống thế nào? Đứa con bé bỏng của chúng ta biết gọi ai khi con chào đời? Tại sao chàng có thể bỏ lại tất cả và ra đi trước như thế?
Thiếp không thể sống mà không có chàng. Hãy cho thiếp biết chàng đang ở đâu và hãy về đây, mang thiếp đi cùng chàng. Làm sao thiếp và con có thể sống với nỗi mong nhớ chàng da diết? Chàng hãy đọc bức thư này của thiếp nhé và hãy về trong giấc mơ của thiếp nhé. Chàng hãy kể cho thiếp biết chàng đang ở đâu và trò chuyện cùng thiếp. Có quá nhiều điều mà thiếp muốn chia sẻ với chàng…”

Chuyên gia rà phá bom mìn Taylor Morris thuộc Hải quân Mỹ chỉ mới 23 tuổi khi gặp tai nạn trong một lần phá bom khiến anh phải cưa cả đôi tay và đôi chân. Bạn gái của anh, Daielle Kelly, cũng 23 tuổi đã luôn ở cạnh người yêu và ủng hộ anh.

Thống nhất nguyên tắc thu và quản lý tiền học thêm


(Dân trí) - Chiều ngày 17/5, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm. Một trong những quy định quan trọng chính là thống nhất toàn quốc về nguyên tắc thu và quản lý tiền học thêm

Theo đó, đối với dạy thêm, học thêm (DT, HT) trong nhà trường thì tiền HT được sử dụng để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý DT, HT của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ DT, HT. Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường.
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền HT thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên DT không trực tiếp thu, chi tiền HT.
Đối với DT, HT ngoài nhà trường thì mức thu tiền HT do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức DT, HT. Tổ chức, cá nhân tổ chức DT, HT thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền HT.
 
Thống nhất nguyên tắc thu và quản lý tiền học thêm
Quy định mới sẽ quản lý việc dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường chặt chẽ hơn (Ảnh minh họa) 
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng - Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD- ĐT) cho biết:“ Ngoài điểm mới này thì hàng loạt quy định khác cũng được đưa vào nhằm siết chặt, làm rõ ý so với trước đây”.
Theo ông Chuẩn các điểm mới đó là quy định rõ các nguyên tắc DT, HT. Cụ thể, HT phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ DT; không DT trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Đối tượng HT là học sinh có nhu cầu HT, tự nguyện HT và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh HT.
Không tổ chức lớp DT, HT theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp DT, HT phải có lực học tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp DT, HT phải căn cứ vào học lực của học sinh. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DT, HT phải chịu trách nhiệm về các nội duung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động DT, HT.
Hai là, quy định các trường hợp không được DT, gồm: Không DT đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày; không DT đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức DT, HT các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không đươc tổ chức DT, HT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường; không được DT ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Thứ 3 là quy định rõ đối với việc tổ chức DT, HT trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường. Theo đó, đối với việc tổ chức DT, HT trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng HT phải viết đơn xin HT gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin HT trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về DT, HT vào đơn xin HT và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin HT của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức DT theo nhóm học lực của học sinh.
Giáo viên có nguyện vọng DT phải có đơn đăng ký DT; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về DT, HT trong nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên DT, phân công giáo viên DT, xếp thời khóa biểu DT phù hợp với học lực của học sinh.
Quy định mới cũng nêu rõ, đối với tổ chức DT, HT ngoài nhà trường thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DT, HT cam kết với ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn nơi đặt điểm DT, HT thực hiện các quy định về DT, HT ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức DT, HT. Công khai tại địa điểm tổ chức DT trước và trong thực hiện DT gồm giấy phép tổ chức hoạt động DT, HT; danh sách người DT; thời khóa biểu DT, HT; mức thu tiền HT.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý DT, HT của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện, đến xã; các cấp quản lý giáo dục từ sở, phòng GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DT, HT và của người DT.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, ngoài quy định mới về DT, HT, thời gian tới sẽ tiếp ban hành các văn bản khác để “siết chặt” tránh tình trạng tràn lan gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên để thực hiện tốt thì địa phương cũng phải vào cuộc rất quyết liệt.
Nguyễn Hùng