11/10/12

Chuyện tình cảm động của 'người phi thường'


 - Tôi “ôm” cô ấy bằng mắt! Ngồi bên nhau tâm tình mặc cho đêm đã về khuya, sao trời càng sáng hơn, không gian yên tĩnh lạ thường. Lúc sau nữa, cô ấy ngồi vào lòng tôi, tôi quàng chân ôm chặt lấy nàng xiết vào lòng…

- Thưa thầy, tấm gương vượt khó vươn lên số phận của thầy đã được nhiều người biết tới. Còn chuyện tình yêu của thầy, vẫn còn nhiều bí mật chưa kể ra, thầy có thể “bật mí” chút gì được chứ ạ…
(Cười vang) Tôi luôn được hạnh phúc, may mắn trong tình bạn, tình yêu dù bị liệt cả hai tay!
Hồi học lớp 6, tôi được mời đi nói chuyện ở một trường bạn. Nói chuyện xong có bạn học sinh nữ chạy lên cởi khăn quàng của bạn ấy quàng vào vai tôi.
Tôi sung sướng vô ngần. Chưa hết đâu. Sang lớp 7, cô ấy chuyển trường về học chung lớp với tôi nữa chứ!
Cô ấy có chiếc compa của Trung Quốc rất tốt, thời ấy hiếm lắm và quý lắm, vậy mà cô ấy bỏ vào chiếc cặp của tôi kèm theo mảnh giấy ghi mấy chữ “Thân tặng NNK”.
Hết lớp 7, Liễu, tên cô bạn đi học kế toán. Sau này ai cũng có gia đình nhưng chúng tôi vẫn giữ quan hệ bạn bè cho tới nay, nửa thế kỷ rồi!
Thầy Ký dùng chân cắm hoa
- Đó là tình bạn, còn chuyện tình yêu? Nghe đồn cũng thi vị chẳng kém…
Bắt đầu từ lúc tôi tốt nghiệp đại học về quê dạy cùng thầy Châu, là thầy dạy thời học phổ thông của tôi.
Có anh bạn dẫn em gái tới chơi. Như tình yêu sét đánh, tôi sững sờ. Cô ấy cũng có “tín hiệu”, tôi ngỏ lời với cô ấy. Cái buổi ban đầu mà như thế là nhanh lắm rồi.
Khoảng 20 ngày sau cô ấy đạp xe như bay xuống thăm người anh lúc người anh…đi vắng! Thế là gặp tôi. Chúng tôi trò chuyện, tâm tình.
Cô ấy rủ tôi đi chơi. Lần đầu tiên tôi ngồi sau xe đạp cho một cô gái chở đi trên đường. Bồi hồi, xúc động lắm.
Hạnh phúc bên người vợ thứ 2 cũng là em vợ mình
Chúng tôi đi chơi, trò chuyện, quên hết thảy những gì xung quanh. Đến lúc chợt nhớ ra thì trời đã tối. Cô ấy định về nhưng tôi nhất quyết giữ cô ấy lại. Đêm hôm ấy trời không có trăng, chỉ đầy sao lấp lánh và chúng tôi bên nhau…
- Rồi sao nữa thầy? Bình thường theo đúng “quy luật” thì tới đó phải có nắm tay rồi “hơn thế nữa”, còn thầy có đôi tay mà cũng như không…
(Cười) Tôi “ôm” cô ấy bằng mắt! Ngồi bên nhau tâm tình mặc cho đêm đã về khuya, sao trời càng sáng hơn, không gian yên tĩnh lạ thường…
Lúc sau nữa, cô ấy ngồi vào lòng tôi, tôi quàng chân ôm chặt lấy nàng xiết vào lòng…
- Ôi, độc đáo quá...!
(Thầy Ký kể đến đây thì ngừng lại. Có lẽ thầy đang bồi hồi nhớ lại “cái thưở ban đầu…” của mình. Rồi thầy dùng chân lục trên giá sách lấy ra quyển sổ ghi chép của những khách đến thăm, ngón chân thầy thoăn thoắt giở lật từng trang, tìm ra bài thơ “Thơ vui tặng Nguyễn Ngọc Ký” của nhà thơ Trương Nam Hương cho tôi xem).
Có một người đi học
Sách vở mang trong đầu
Đôi tay mềm dắt gió
Lấy chân mình chép câu
Yêu đương trong trẻo lắm
Không dùng tay…du xuân
Đêm đêm nằm với vợ
Quấn quýt bằng…ba chân
Chờ tôi đọc xong bài thơ, thầy Ký nói tiếp:
“Nàng” chính là vợ đầu của tôi, tên Vũ Thị Nhiễu, cũng là cô giáo, đã gắn bó cùng tôi mấy chục năm trời, gánh vác chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc đời. Cô ấy đã mất chục năm nay rồi!
- So ra, thầy khá “may mắn” và hạnh phúc trong tình yêu phải không thầy?
Cũng không hoàn toàn vậy đâu! Tôi và cô ấy đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt song vấp phải sự phản đối của gia đình cô ấy cũng vô cùng quyết liệt! Vì yêu tôi, cô ấy đã bị ngăn cản, bị đánh đập nhiều lắm đấy!
Ai mà tin con gái xinh đẹp nhất vùng, học hành tới nơi tới chốn mà lại chọn người yêu, người chồng tật nguyền, liệt 2 cánh tay như tôi?
May nhờ nhà thơ Đoàn Văn Cừ ở gần đấy, ông rất quý tôi và có uy tín lớn với bố cô ấy. Bố cô ấy vốn mê thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ông gặp bố vợ tương lai của tôi nói đại ý là tôi có tài, năng lực tốt, cái tên Ngọc Ký cũng rất tốt. Nói tóm lại là “rể quý” đấy.
Và tình yêu, vợ chồng là duyên phận với nhau v.v…Cuối cùng, bố vợ tôi đồng ý! Thế là đám cưới diễn ra, chúng tôi nên vợ chồng!
- Cuộc sống vợ chồng của thầy với đôi tay bị liệt chắc cũng phải “đặc biệt” lắm mới vượt qua mọi trở ngại và có được hạnh phúc?
Vợ chồng tôi đều là giáo viên, cũng như mọi người, phải cố gắng rất nhiều để xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái nên người! Riêng tôi thì luôn phải cố gắng gấp bội so với người bình thường để bù đắp khiếm khuyết, bất hạnh của mình.
- Ngoài đi dạy, về nhà thầy có làm việc trong nhà giúp vợ, chăm con được không? Thầy làm thế nào?
Chẳng việc gì mà tôi không làm cả. Khó xử nhất là giai đoạn vợ chồng tôi còn ở chung nhà với mẹ tôi. Vợ tôi sinh con đầu lòng, nằm cữ, tôi phải cáng đáng việc nhà nhiều hơn.
Đi dạy về lụi cụi làm việc trong nhà. Sáng dậy sớm ra ao giặt đồ cho vợ con. Mẹ tôi thấy vậy, cụ xót ruột, mắng: “Chồng đã liệt 2 tay, đi dạy cả ngày về còn phải dậy sớm giặt đồ, vợ đành lòng để vậy à?”.
Vợ mới sinh nở, sợ vợ buồn, tôi phải động viên, an ủi. Từ đó về sau tôi phải dậy sớm từ lúc còn tờ mờ để mẹ tôi không biết, giặt xong thau đồ rồi lên nằm chờ sáng để đi dạy. Nhờ vậy mà ổn cả đôi đàng!
Đến cuối đời, tình yêu của họ vẫn còn nồng thắm
- Thầy là tấm gương phi thường nhưng vợ thầy cũng là người phụ nữ phi thường dám yêu bằng trái tim và vượt qua mọi thị phi, trở ngại đến với thầy. Trong đời sống vợ chồng, thầy có bí quyết gì để nuôi dưỡng tình yêu tuyệt vời đó cũng như hạnh phúc gia đình của mình?
Hồi đó, nhiều người bảo tôi rằng, chỉ có những đứa con gái ăn không biết trở đầu đũa mới lấy tôi.
Nên khi lấy được người vợ là cô gái xinh đẹp nhất trong vùng, tôi phải cố gắng xây dựng và gìn giữ hạnh phúc của mình.
Bí quyết gì ư? Sống và cố gắng bằng tất cả trái tim mình.
Tôi đã từng tâm sự với bạn bè rằng, tôi bị liệt đôi tay, bù lại, trời thương ban cho tôi hạnh phúc tuyệt vời.
Vợ tôi đúng là "quà tặng của thượng đế" cho tôi. Lúc biết mình sắp mất, vợ tôi rất lo lắng cho tôi, không biết tôi sẽ sống ra sao nếu không có cô ấy bên cạnh. Con cái thì đã lớn, sẽ có vợ có chồng.
Nằm trên giường bệnh mà vợ tôi cứ thổn thức, suy nghĩ.
Em vợ tôi (tức vợ hiện nay của tôi), lúc ấy ở ngoài Bắc, chồng mất đã hơn 10 năm, một mình ở vậy nuôi 2 đứa con, bay vào thăm bà chị sắp mất.
Nằm trên giường, gặp em gái vào thăm, vợ tôi mừng rơi nước mắt, cầm tay em gái nói: “Chị xin em một điều, chị mất đi rồi, em hãy thay chị làm vợ anh Ký, sống và chăm sóc anh ấy những ngày còn lại…”.
Tôi không kìm được nước mắt, quay mặt đi, chẳng biết nói gì.
Thực ra, trước khi em vợ vào, vợ tôi cũng đã trao đổi với tôi mấy lần về việc này, nhưng tôi gạt đi.
Ngờ đâu, cô em vào tới nơi, vợ tôi nói ra được ước nguyện cuối cùng rồi ra đi mãi mãi…
Người vợ thứ hai hiện nay chính là em vợ của tôi, tên Vũ Thị Đậu….
Duy Chiến
Theo Vietnamnet

10/10/12

Bức thư đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41


Bức thư gửi VĐV thiểu năng trí tuệ đạt HCV Olympic môn chạy 50m, đoạt giải Nhất UPU 41 quốc gia


Giải thưởng cao nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 của Việt Nam thuộc về em Nguyễn Đăng Quý Minh- học sinh lớp 10A9 trường THPT Nhân Chính (Hà Nội). 
vcvc
Trao giải nhất cho HS Nguyễn Đăng Quý Minh - học sinh lớp 10A9 trường THPT Nhân Chính (Hà Nội)
Bức thư của Nguyễn Đăng Quý Minh gửi cho vận động viên thiểu năng trí tuệ Nguyễn Hữu Kỳ Phong, người đã giành được huy chương vàng môn chạy 50m với thàng tích 10 giây 50 tại Thế vận hội Olympic Athen (Hy Lạp) năm 2011. Bức thư được đánh giá là có ý tưởng độc đáo, câu văn giấu hình ảnh, xúc động, đặc biệt, đoạn kết giàu tính thẩm mỹ và nhân văn. Bức thư này đã được Ban tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi Liên minh Bưu chính thế giới tại Béc – nơ (Thụy Sĩ).

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm nay có đề tài “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”. Theo Ban tổ chức cuộc thi, đã có 932.519 bài thi của các em học sinh trên mọi miền tổ quốc gửi đến. Sau 5 vòng chấm, Ban giám khảo đã chọn ra 50 bài xuất sắc nhất để chấm chọn giải. Kết quả có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 30 giải khuyến khích cùng các giải phụ cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh người dân tộc thiểu số và thí sinh khiếm thị.
Nội dung bức thư đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 41:
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!

Trước hết, em - một cậu học trò bình thường - xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận hội Olympic.

Olympic -  ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!

Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng; để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: “Vì sao các vận động viên không trần như nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?”. Thật đúng là ngây ngô phải không anh?

Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân “Gú Gồ”.

Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa “Olympic”, em bắt gặp một cái tít báo lạ: “Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down”. Em không tin vào mắt mình. Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?

Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!

Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng “muôn sự là tại trời” và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ “thiên mệnh?”. Em hình dung nước mắt lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới trường.

Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ mịt… Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ - món quà vô giá mà thượng đế ban cho loài người.

Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh - cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy - vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong - cơn gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.

Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận?

Nhưng không, bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy; gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy, để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!

Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu “Nhanh hơn - Cao hơn - Xa hơn”, người ta có nghĩ tới điều này không?

Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: “Rốt cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?”. Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.

Anh Kỳ Phong thân mến!

Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!

Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi “cơn gió lạ”? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận giải?

Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.

Anh Kỳ Phong thân mến!

Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi những người như anh - những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên đường đua và đường đời.

Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc rực sáng!

Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!

Một fan hâm mộ của anh.

Nguyễn Đăng Quý Minh (lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).


Theo gdtd.vn




8/10/12

Trường học không có "tự nguyện bình quân"



Trường học không có "tự nguyện bình quân"
Ông Bùi Hồng Quang
Thứ Sáu, 14/09/2012, 02:47 PM (GMT+7)
(giao duc) - Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đề cập tới chuyện tài trợ trong trường học và tiếp nhận các khoản thu tự nguyện bằng một thông tư (chứ không chỉ ra văn bản hướng dẫn đơn thuần). Những bức xúc trong thực tế sẽ được điều chỉnh như thế nào? Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Bùi Hồng Quang trao đổi với báo giới.
- Thưa ông, vào đầu năm học đã có nhiều khoản thu tự nguyện do các cơ sở giáo dục đưa ra. Bộ GD-ĐT đã có giám sát, kiểm kê việc thực hiện giải ngân hiệu quả đến đâu hay không?
Từ năm 2010 đến nay, đầu năm học mới nào, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gửi UBND, Sở GD-ĐT đề nghị kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường quản lí thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu. Tuy nhiên hướng dẫn, quản lý sử dụng các khoản thu tự nguyện chưa đầy đủ cho nên mới ban hành các quy định tiếp.
Năm 2011, Bộ cũng có văn bản đề nghị kiểm tra các khoản thu chi trong trường học trên địa bàn, chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Sau đó, ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra việc thực hiện quy định về học phí mới và nhiều địa phương thời điểm này chưa ban hành.
Trường học không có "tự nguyện bình quân", Giáo dục - du học, hoc phi, nam hoc moi, tu nguyen, tu nguyen quan, hoc sinh, hoc sinh ngheo, phu huynh, khoan thu, lam thu, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn
Ông Bùi Hồng Quang
Bộ cũng yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện học phí mới vì chính vấn đề này cũng có tác động nhất định thu góp ở trong các đơn vị trường học. Thực tế, học phí quá thấp.
Bộ cũng đã thanh kiểm tra vấn đề lạm thu. Nhiều địa phương có động thái, xử lí tích cực như Thanh Hóa, Đà Nẵng...
Ngoài văn bản hướng dẫn, Bộ yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo, giám sát. Riêng năm nay, Bộ GD-ĐT đặt vấn đề, sau khi thông tư có hiệu lực thanh tra Bộ sẽ đi kiểm tra. Trong đó, đặc biệt ưu tiên những trường có địa chỉ mà báo chí đã nêu để chấn chỉnh. Chắc chắn hình thức xử lí sẽ được làm nghiêm chứ không chỉ ngồi nghe báo cáo.
Kế hoạch cụ thể sẽ gặp từng lớp, từng trường, gặp gỡ cha mẹ học sinh để xem lạm thu đến đâu, hình thức trường vận động đóng góp kiểu gì. Do đó, cách thức kiểm tra năm nay sẽ cụ thể hơn.
- Thưa ông, thông tư ban hành đầu năm học mới có phải là động thái hợp thức hóa các khoản thu được nhiều phụ huynh phản ánh "bị ép tự nguyện" đang gây tranh cãi hiện nay?
Theo tôi, không nên đặt vấn đề "hợp thức hóa". Trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước là phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh tất cả những hoạt động thuộc lĩnh vực mình quản lí.
Nguyên tắc xuyên suốt của tất cả các văn bản từ trước đến nay là "tự nguyện", nhưng tự nguyện như thế nào - là vấn đề các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí giáo dục phải chỉ đạo giám sát.
Còn tự nguyện theo kiểu truyền nhau kí tên thì đó chưa phải.
Là người trực tiếp làm công tác tài chính, tôi hết sức trăn trở khâu học phí, học bổng, chấn chỉnh lạm thu.
- Như ông trao đổi thì vấn đề lạm thu diễn ra nhiều năm nay và trước mỗi năm học đều có bức xúc, tại sao không giải quyết được tận gốc?
Thực tế, Bộ đã ban hành một loạt văn bản để quản lí, giám sát; trong đó có hướng dẫn chi tiết. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành 4 văn bản.
Và đến bây giờ, việc quản lí và sử dụng cũng như quy định về tài trợ sẽ thành thông tư, tính pháp lí sẽ cao hơn. Còn sau đây có giải quyết được triệt để vấn đề lạm thu hay không thì cần phải có rất nhiều biện pháp tiếp theo.
Ngoài việc phổ biến điều lệ cha mẹ học sinh, phụ huynh cũng cần từ chối những khoản thu ngoài quy định.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Nơi nào có vấn đề thì ông trưởng phòng GD, GĐ Sở phải chịu trách nhiệm.
Cùng với đó sẽ xử lí nghiêm. Đơn vị nào thu sai sẽ yêu cầu người đứng đầu trả lại tiền và xin lỗi PHHS.
- Quy định cho phép các cơ sở giáo dục nhận tài trợ tiền, vàng, kim cương...Thực tế, đã có "Mạnh Thường Quân" nào ngỏ ý tài trợ vàng, kim cương chưa?
Bây giờ mà nói ngay thì cũng khó, nhưng sắp tới, chúng tôi có một hội nghị vinh danh các nhà hảo tâm có đóng góp cho giáo dục. Hội nghị sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12. Tài trợ trên tinh thần tự nguyện chứ không có tự nguyện bình quân.
- Cảm ơn ông!
Theo Kiều Oanh (Vietnamnet)

4/10/12

VỤ NHẬP GÀ THẢI TỪ HÀN QUỐC: Dùng cho gia súc nhưng lại bán cho dân


.


Một số doanh nghiệp tại Tp.HCM nhập gà thải từ Hàn Quốc về theo đường chính ngạch để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị. Đây là gà không còn giá trị dinh dưỡng, chỉ dùng chế biến thức ăn gia súc.

Theo ghi nhận của PV  ngày hôm qua (3/10) cho thấy, tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn Tp.HCM, mặt hàng gà thải Hàn Quốc có mặt khắp nơi với giá khá cao so với sản phẩm gà công nghiệp trong nước.

Gà dai ... đắt hàng

Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi tìm đến một siêu thị tư nhân trên đườngHoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, Tp.HCM) để “lùng” mua gà Hàn Quốc. Khi đặt vấn đề cần mua gà Hàn Quốc, một nhân viên của siêu thị này nói: “Chị cần mua bao nhiêu cũng có chị ơi, nhưng phải đặt trước do hôm nay hụt hàng”.

Theo nhân viên này thì những ngày trước, số lượng gà thịt nhập khẩu từ Hàn Quốc về siêu thị có hàng thường xuyên, bán cũng rất chạy nhưng từ vài ngày trở lại đây, lượng hàng có ít hơn, khách muốn mua phải đặt trước.

Rời quầy hàng thịt tươi, chúng tôi cũng đặt vấn đề cần mua thịt gà chế biến sẵn của siêu thị này, thì được các nhân viên giới thiệu ngay: “Tất cả gà quay ở đây đều là gà nhập từ Hàn Quốc, nếu chị cần, chúng tôi có thể bán cho ngay”.
Gà dai Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị BigC Hà Nội chiều 3.10.
Gà dai Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị BigC Hà Nội chiều 3/10.
Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm gà dai quay (của Hàn Quốc) bán trong siêu thị có giá 61.900 đồng/con, gà dai luộc có giá 74.000 đồng/con. Ngoài bán nguyên con, sản phẩm này còn được chặt nhỏ, bán từng phần với giá dao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg tùy từng bộ phận như cánh gà, đùi gà, ức gà…

Hầu hết các sản phẩm chế biến sẵn đều không có nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu, nơi chế biến… Khách hàng chọn mua sẽ được nhân viên quầy hàng gói vào một túi nylon, kèm theo vài gói gia vị như tương ớt, tương cà.

Khảo sát tại các chi nhánh khác của hệ thống siêu thị này tại đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), sản phẩm gà dai không nhãn mác cũng được bày bán rất nhiều. Không chỉ tại hệ thống siêu thị, sản phẩm gà dai Hàn Quốc cũng được bày bán tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Tp.HCM như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu(quận Bình Thạnh)...

Sẽ kiểm soát nhập gà

Trên thực tế, từ lâu Việt Nam được coi là thị trường “béo bở” để các doanh nghiệp nước ngoài “tống” những sản phẩm “tạp nham” từ cổ, cánh gà cho đến lục phủ ngũ tạng lợn và gần đây là gà dai loại thải từ Hàn Quốc. Đây là những sản phẩm chỉ được các nước sử dụng để chế biến thức ăn gia súc do một mặt sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, một mặt do không đảm bảo chất lượng.
Một số chuyên gia nhận định, sở dĩ gà loại thải được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều là do, tâm lý người Việt Nam chuộng gà dai hơn gà công nghiệp, thêm vào đó, giá của các loại gà này cũng rẻ hơn so với gà tươi trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngoài gà lậu còn có gà thải loại, chân gà, cánh gà... của Hàn Quốc được nhập chính thức (có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng). Theo ông Sơn, gà thải loại của Hàn Quốc được nhập từ cuối tháng 8 đến nay, nhưng hiện chưa có con số thống kê cụ thể.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, do gà lậu và gà thải loại đã làm cho giá gà trong nước giảm mạnh, người chăn nuôi bị thua lỗ từ 5.000-7.000 đồng/kg gà, từ đó ảnh hưởng tới việc tái đàn của người chăn nuôi, nguy cơ thiếu thực phẩm dịp cuối năm có thể xảy ra rất cao.

Ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Trước đây, chúng ta cũng nhập khẩu hàng loạt các loại nội tạng trắng, nội tạng đỏ, nhập khẩu thịt… nhưng sau khi đưa ra quy chuẩn kỹ thuật (như bắt buộc về tỷ lệ đạm, các chất dinh dưỡng…), tình trạng nhập khẩu đã giảm mạnh”.

Do đó, ông Tần khẳng định: “Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng ngay quy chuẩn kỹ thuật về nhập khẩu gà và các sản phẩm từ gà. Đồng thời, Cục Chăn nuôi phải rà soát ngay và có báo cáo cụ thể về tình hình nhập khẩu gà thải của Hàn Quốc. Bởi nếu không kiểm soát được việc nhập khẩu gà thải loại và gà nhập lậu, sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước”.
PGS-TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm): 

Nguy cơ gây nhiều bệnh

Gà già, gà thải loại, gà đông lạnh đương nhiên chất lượng dinh dưỡng không còn tốt, thậm chí còn biến chất. Khi nhập bất cứ loại thực phẩm nào thì việc kiểm dịch phải vô cùng chặt chẽ, nếu không có thể gây ra nhiều loại bệnh dịch như cúm H1N1, tả E.coli…

Ngoài ra, cần phải kiểm dịch chặt chẽ về dư lượng hóa chất tồn dư trong các loại thực phẩm này. Kháng sinh có thể được cho vào quá trình chăn nuôi để phòng bệnh, kích thích tăng trọng, tiêm vào gà trước khi giết thịt với mục đích kéo dài thời gian tươi ngon của thịt… Các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người.

Cho dù việc trộn hormon tăng trọng đã bị cấm sử dụng nhưng có thể người chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng, vì thế, trong vật nuôi lâu năm có thể có dư lượng từ các chất tăng trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của con người… Ngoài ra còn nhiều chất gây ung thư, tim mạch… có tác hại rất lớn đến con người.

Diệu Linh (ghi)

PGS-TS Hoàng Văn Tiệu (nguyên viện trưởng viện chăn nuôi quốc gia): 

Sẽ ảnh hưởng chăn nuôi trong nước

Người Việt Nam có sở thích tiêu thụ gà già (gà loại thải). Nguyên nhân là loại gà này dai, ngọt nước, thường được sử dụng cho các món bún, phở. Vì vậy, ở trong nước, gà già luôn đắt hơn gà non. Trong khi đó, ở nhiều nước, họ không có thói quen sử dụng loại gà già do nó bị xem là một thực phẩm có phẩm cấp thấp, giá bán cũng rất rẻ. Đây là lý do gà già được nhập từ các nước về Việt Nam.

Hiện tượng này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Các cơ quan chức năng không thể cấm nhập khẩu loại gà này, vì sẽ vi phạm các cam kết của WTO. Giải pháp cần làm là có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát việc nhập lậu, nhập khẩu loại gà này...

Sỹ Lực (ghi)
Theo Thuận Hải - Thanh Xuân
Dân Việt