4/10/12

VỤ NHẬP GÀ THẢI TỪ HÀN QUỐC: Dùng cho gia súc nhưng lại bán cho dân


.


Một số doanh nghiệp tại Tp.HCM nhập gà thải từ Hàn Quốc về theo đường chính ngạch để cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị. Đây là gà không còn giá trị dinh dưỡng, chỉ dùng chế biến thức ăn gia súc.

Theo ghi nhận của PV  ngày hôm qua (3/10) cho thấy, tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn Tp.HCM, mặt hàng gà thải Hàn Quốc có mặt khắp nơi với giá khá cao so với sản phẩm gà công nghiệp trong nước.

Gà dai ... đắt hàng

Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi tìm đến một siêu thị tư nhân trên đườngHoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, Tp.HCM) để “lùng” mua gà Hàn Quốc. Khi đặt vấn đề cần mua gà Hàn Quốc, một nhân viên của siêu thị này nói: “Chị cần mua bao nhiêu cũng có chị ơi, nhưng phải đặt trước do hôm nay hụt hàng”.

Theo nhân viên này thì những ngày trước, số lượng gà thịt nhập khẩu từ Hàn Quốc về siêu thị có hàng thường xuyên, bán cũng rất chạy nhưng từ vài ngày trở lại đây, lượng hàng có ít hơn, khách muốn mua phải đặt trước.

Rời quầy hàng thịt tươi, chúng tôi cũng đặt vấn đề cần mua thịt gà chế biến sẵn của siêu thị này, thì được các nhân viên giới thiệu ngay: “Tất cả gà quay ở đây đều là gà nhập từ Hàn Quốc, nếu chị cần, chúng tôi có thể bán cho ngay”.
Gà dai Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị BigC Hà Nội chiều 3.10.
Gà dai Hàn Quốc được bày bán tại siêu thị BigC Hà Nội chiều 3/10.
Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm gà dai quay (của Hàn Quốc) bán trong siêu thị có giá 61.900 đồng/con, gà dai luộc có giá 74.000 đồng/con. Ngoài bán nguyên con, sản phẩm này còn được chặt nhỏ, bán từng phần với giá dao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg tùy từng bộ phận như cánh gà, đùi gà, ức gà…

Hầu hết các sản phẩm chế biến sẵn đều không có nhãn mác, nguồn gốc nguyên liệu, nơi chế biến… Khách hàng chọn mua sẽ được nhân viên quầy hàng gói vào một túi nylon, kèm theo vài gói gia vị như tương ớt, tương cà.

Khảo sát tại các chi nhánh khác của hệ thống siêu thị này tại đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú), sản phẩm gà dai không nhãn mác cũng được bày bán rất nhiều. Không chỉ tại hệ thống siêu thị, sản phẩm gà dai Hàn Quốc cũng được bày bán tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Tp.HCM như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu(quận Bình Thạnh)...

Sẽ kiểm soát nhập gà

Trên thực tế, từ lâu Việt Nam được coi là thị trường “béo bở” để các doanh nghiệp nước ngoài “tống” những sản phẩm “tạp nham” từ cổ, cánh gà cho đến lục phủ ngũ tạng lợn và gần đây là gà dai loại thải từ Hàn Quốc. Đây là những sản phẩm chỉ được các nước sử dụng để chế biến thức ăn gia súc do một mặt sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, một mặt do không đảm bảo chất lượng.
Một số chuyên gia nhận định, sở dĩ gà loại thải được nhập về Việt Nam ngày càng nhiều là do, tâm lý người Việt Nam chuộng gà dai hơn gà công nghiệp, thêm vào đó, giá của các loại gà này cũng rẻ hơn so với gà tươi trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngoài gà lậu còn có gà thải loại, chân gà, cánh gà... của Hàn Quốc được nhập chính thức (có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng). Theo ông Sơn, gà thải loại của Hàn Quốc được nhập từ cuối tháng 8 đến nay, nhưng hiện chưa có con số thống kê cụ thể.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, do gà lậu và gà thải loại đã làm cho giá gà trong nước giảm mạnh, người chăn nuôi bị thua lỗ từ 5.000-7.000 đồng/kg gà, từ đó ảnh hưởng tới việc tái đàn của người chăn nuôi, nguy cơ thiếu thực phẩm dịp cuối năm có thể xảy ra rất cao.

Ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Trước đây, chúng ta cũng nhập khẩu hàng loạt các loại nội tạng trắng, nội tạng đỏ, nhập khẩu thịt… nhưng sau khi đưa ra quy chuẩn kỹ thuật (như bắt buộc về tỷ lệ đạm, các chất dinh dưỡng…), tình trạng nhập khẩu đã giảm mạnh”.

Do đó, ông Tần khẳng định: “Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng ngay quy chuẩn kỹ thuật về nhập khẩu gà và các sản phẩm từ gà. Đồng thời, Cục Chăn nuôi phải rà soát ngay và có báo cáo cụ thể về tình hình nhập khẩu gà thải của Hàn Quốc. Bởi nếu không kiểm soát được việc nhập khẩu gà thải loại và gà nhập lậu, sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước”.
PGS-TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm): 

Nguy cơ gây nhiều bệnh

Gà già, gà thải loại, gà đông lạnh đương nhiên chất lượng dinh dưỡng không còn tốt, thậm chí còn biến chất. Khi nhập bất cứ loại thực phẩm nào thì việc kiểm dịch phải vô cùng chặt chẽ, nếu không có thể gây ra nhiều loại bệnh dịch như cúm H1N1, tả E.coli…

Ngoài ra, cần phải kiểm dịch chặt chẽ về dư lượng hóa chất tồn dư trong các loại thực phẩm này. Kháng sinh có thể được cho vào quá trình chăn nuôi để phòng bệnh, kích thích tăng trọng, tiêm vào gà trước khi giết thịt với mục đích kéo dài thời gian tươi ngon của thịt… Các chất tồn dư như kháng sinh có thể làm giảm sức đề kháng của người tiêu dùng, dị ứng nếu người ăn dị ứng với kháng sinh, gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh ở người.

Cho dù việc trộn hormon tăng trọng đã bị cấm sử dụng nhưng có thể người chăn nuôi vẫn lén lút sử dụng, vì thế, trong vật nuôi lâu năm có thể có dư lượng từ các chất tăng trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của con người… Ngoài ra còn nhiều chất gây ung thư, tim mạch… có tác hại rất lớn đến con người.

Diệu Linh (ghi)

PGS-TS Hoàng Văn Tiệu (nguyên viện trưởng viện chăn nuôi quốc gia): 

Sẽ ảnh hưởng chăn nuôi trong nước

Người Việt Nam có sở thích tiêu thụ gà già (gà loại thải). Nguyên nhân là loại gà này dai, ngọt nước, thường được sử dụng cho các món bún, phở. Vì vậy, ở trong nước, gà già luôn đắt hơn gà non. Trong khi đó, ở nhiều nước, họ không có thói quen sử dụng loại gà già do nó bị xem là một thực phẩm có phẩm cấp thấp, giá bán cũng rất rẻ. Đây là lý do gà già được nhập từ các nước về Việt Nam.

Hiện tượng này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Các cơ quan chức năng không thể cấm nhập khẩu loại gà này, vì sẽ vi phạm các cam kết của WTO. Giải pháp cần làm là có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát việc nhập lậu, nhập khẩu loại gà này...

Sỹ Lực (ghi)
Theo Thuận Hải - Thanh Xuân
Dân Việt

1/10/12

Công bố các mức thu ở trường học



Sở GD& ĐT quy định có 4 khoản thu được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS.

(giao duc) - Không được bình quân hoá hoặc ép buộc các khoản đóng góp tự nguyện; Sẽ kiểm tra đột xuất thu, chi ở nhiều trường tiểu học, mầm non
Ngày 13/9, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa có văn hướng dẫn tạm thời thực hiện các khoản thu ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2012-2013. Theo đó, các khoản thu được chia làm 3 loại gồm thu hộ, thu thỏa thuận và thu tự nguyện.
Sở GD&ĐT Hà Nội xác định rõ khoản thu hộ ở đây chính là Bảo hiểm y tế. Khoản thu thỏa thuận là những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh. Về khoản này Sở GD& ĐT quy định có 4 khoản thu được phép thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.
Một là khoản thu phục vụ bán trú, trong đó bao gồm: tiền ăn (thu theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh); tiền chăm sóc bán trú (không quá 150.000 đồng/HS/tháng); tiền trang thiết bị phục vụ bán trú (không quá 150.000 đồng/HS/năm với mầm non và không quá 100.000 đồng/HS/năm với HS tiểu học và THCS.
Hai là khoản thu học 2 buổi/ngày (không quá 100.000 đồng/HS/tháng với tiểu học và không quá 150.000 đồng/HS/tháng với HS THCS). Ba là tiền học phẩm, khoản thu này chỉ áp dụng với HS mầm non với mức thu không quá 150.000 đồng/HS/năm học. Bốn là khoản thu nước uống tinh khiết cho HS, áp dụng cho tất cả các cấp học từ mầm non tới THPT với mức thu không quá 12.000 đồng/HS/tháng.
Trên cơ sở mức trần quy định, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu. Có văn bản thỏa thuận đến từng cha mẹ học sinh về nội dung chi, mức thu với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong Ban giám hiệu nhà trường.
Trong văn bản hướng dẫn tạm thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã giải thích rõ về việc đưa ra khoản thu tiền nước uống. Theo đó, mặc dù định mức phân bổ ngân sách của UBND thành phố đã có kinh phí cho khoản chi này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Khoản ngân sách đó chi cho tiền nước uống đun sôi cho học sinh, trong trường hợp cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con em mình uống nước tinh khiết thì sẽ đóng thêm khoản chênh lệch để mua nước uống tinh khiết. Căn cứ mức thu thực tế từng thời kỳ, từng cấp học để nhà trường thống nhất với cha mẹ học sinh quyết định mức thu cho phù hợp, nhưng không quá mức quy định tại hướng dẫn này và chỉ thực hiện khi có yêu cầu của ban đại diện cha mẹ học sinh trường cần có nước uống tinh khiết cho học sinh.
Văn bản này cũng nêu rõ về khoản thu đóng góp tự nguyện. Theo đó, với những khoản đóng góp tự nguyện khác để hỗ trợ xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh, chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật.
Sở GD&ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu để nhân dân, cha mẹ HS biết thực hiện. Các cấp quản lý sẽ định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra thực hiện thu, chi các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố
Theo Thu Phương (Công an nhân dân)

Xử lý nghiêm trường loạn thu


- Ông Phan Đình Chương, Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ làm việc với trường học có những khoản thu khiến trẻ nhà nghèo có nguy cơ phải nghỉ học.


Ông Chương khẳng định, trường hợp lạm thu, loạn thu vẫn xảy ra nhưng mức độ như Trường THPT Võ Trường Toản là không nhiều.
Xử lý nghiêm trường loạn thu
Ông Đào Đức Trình, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính
Trước khai giảng năm học mới, Sở đã có công văn số gửi các trường trung học phổ thông, phòng giáo dục, trung tâm… về việc thục hiện các khoản thu trong trường năm học 2012- 2013. Trong đó đã quy định rất rõ về các khoản thu như học phí, các loại bảo hiểm học sinh, quỹ phụ huynh học sinh, các khoản thu khác như phù hiệu, đồng phục…
Sở cũng đã yêu cầu các trường phải thực hiện công khai, minh bạch trong vấn đề thu chi, các khoản thu phải được tập trung ở bộ phận Tài vụ, có chế độ hóa đơn, chứng từ. Nhà trường khi thu cũng phải cung cấp biên lai thu tiền hoặc phiếu thu cho học sinh. Vì vậy, sắp tới Sở sẽ tổ chức kiểm tra công tác thu chi của các trường, các cơ sở đào tạo để giám sát việc thực hiện và chấn chỉnh về tình trạng lạm thu nếu có.
Đối với Trường THPT Võ Trường Toản, hiện nay Sở đã nhận được đơn thư kiến nghị của phụ huynh về tình trạng loạn thu của trường. Phòng kế hoạch tài chính và thanh tra sở sẽ làm việc với trường về vấn đề này.
Sau khi có báo cáo giải trình theo đơn của Trường, Sở sẽ lập đoàn để xác minh lại việc giải trình của nhà trường để có những kết luận chính thức.
Vẫn theo ông Chương, hiện tại, Sở đã nhận được chỉ đạo của ủy ban phòng chống tham nhũng của UBND Tỉnh. Quan điểm làm rõ đúng người đúng việc, sai sót đến đâu sẽ xử lý đến đó để làm gương cho các trường học khác.
Về vấn đề lạm thu trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai, ông Trình cho biết. Đồng Nai là tỉnh có quy mô giáo dục rất lớn, toàn tỉnh có gần 700 trường từ mẫu giáo đến cấp 3. Công tác thu chi được quản lý tương đối tốt, nhất là các khoản bảo hiểm, khoản thu cho học sinh và thu hộ.Tình trạng lạm thu, loạn thu vẫn xảy ra nhưng mức độ như Võ Trường Toản là không nhiều. Là một trường vùng sâu, vùng xa, nông dân nghèo, mất mát nếu đóng những khoản này quá lớn. Liệu có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh hay không và nếu đồng thuận thì ở mức nào. Đây là một vấn đề cần phải chấn chỉnh mạnh.
Ông Đào Đức Trình, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính cũng cho biết, qua việc “tố” loạn thu của Trường THPT Nguyễn Trường Toản, và ý kiến của phụ huynh học sinh, Sở sẽ thành lập để kiểm tra tình hình thu chi ở các trường. Các trường có thể hoán đổi kiểm tra chéo nhau nhằm công khai minh bạch trong thu chi, hiệu trưởng các trường cũng sẽ ra soát lại mình, chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường trên địa bàn.
Toàn tỉnh có gần 700 trường từ mẫu giáo đến THPT. Được biết trong năm học trước, Trường THPT Võ Trường Toản cũng đã bị phụ huynh “tố” do lạm thu và phải giải trình về vấn đề này.

Theo tin247

20/9/12

Thư gửi các cháu học sinh nhân đầu năm học mới


Nhân chuẩn bị đón năm học mới, vài điều suy nghĩ ta gửi đến các cháu!
Các cháu có biết không? 
Ngày xưa, các cháu học chỉ một buổi, một buổi tụ năm tụ bảy chơi đùa ngoài đường, ngoài ngõ. Chơi đủ thứ trò: đánh đáo, nhảy dây, ô quan..., dang nắng, nghịch đất rất khỏe.
Ngày nay, các cháu học ba buổi, hai buổi ở trường, một buổi học thêm. Các cháu chỉ chơi trò công nghệ cao là xem tivi và chơi vi tính. Dang nắng, nghịch đất sẽ bệnh ngay, vi trùng sẽ xâm nhập.Theo chỉ đạo của nhà nước khuyến khích thứ bảy được nghỉ làm, thế là một số trường đăng ký phụ đạo 4 ngày thứ bảy một tháng và thu tiền. Vì là học phụ đạo nên không bắt buộc nhưng nếu không đăng ký học thì sẽ không biết hậu quả như thế nào.Thế là ngày thứ bảy đáng lý là ngày các cháu nghỉ ngơi hoặc tham gia các lớp học ngoại khóa về "kỹ năng mềm" thì một số cháu phải cắp sách đến trường.Những gia đình khá khá không thích con mình phải học ngày thứ bảy vì muốn cho các cháu biết thêm về nhiều thứ nữa, muốn các cháu có " kỹ năng mềm" sau này. Những gia đình nghèo không thích học thứ bảy vì phải tốn tiền vô ích. Tiền học thêm hằng tháng tại "nhà cô" vẫn phải đóng, vậy học thứ bảy không có nghĩa lý gì, ngày xưa học không tốn tiền, ngày nay phải tốn tiền. 
Các cháu có biết không, cũng vốn kiến thức đó, ngày xưa sao tốn ít thời gian đến thế. Các cháu phải xem xét lại bản thân mình, phải chăng ngày nay các cháu kém cỏi hơn cha anh ta, học từ sáng đến tối mịt mới hiểu à. Càng ngày càng tiến bộ, mọi việc nhanh như tên lửa sao các cháu lại thụt lùi, chậm chạp một cách đáng sợ thế. Các cháu phải biết học một cách khoa học, nhanh gọn để không phải tốn nhiều thời gian cho việc học, còn nhiều thứ xung quanh ta để ta học lắm. 
Các cháu hãy vừa cố gắng học tập vừa dành thời gian suy nghĩ, làm sao cho tương lai một nền giáo dục của nước nhà chạy nhanh, chạy kịp công nghệ hiện đại của thế giới.
Đón năm học mới, chúc các cháu học giỏi, không là mọt sách mà phải hành động. Năng động lên nhé các cháu.