10/10/11

Bé gái 11 tuổi nhận học bổng 2 tỷ đồng


Với học bổng 2 tỷ đồng do trường Trường quốc tế Anh Việt trao tặng, em Phạm Thanh Ngọc sẽ có điều kiện hoàn thành các cấp học trong vòng 7 năm.

Em Phạm Thanh Ngọc đang đọc sách tại thư viện của trường. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Em Ngọc (sinh năm 2000, ngụ tại Tam Bố, Di Linh, Lâm Đồng) nhận được học bổng này sau khi trải qua phần thi Toán lớp 12 do Hội đồng nhà trường đề ra.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng tuyển sinh của trường cho biết thêm: hiện em Thanh Ngọc đã được trường xếp vào học lớp 7 theo đúng độ tuổi.

Tại đây, Thanh Ngọc cùng với các học sinh khác đang được theo học các môn học bằng tiếng Anh, đối với các môn Văn, Sử, Địa… được học bằng tiếng Việt.

Riêng môn Toán học, Thanh Ngọc được gửi sang học chung với các anh chị lớp 12 và lớp 13 (với một thời khóa biểu đặc biệt giành riêng cho Thanh Ngọc) để em có môi trường phát huy tối đa khả năng.

Trước đó, em Thanh Ngọc từng xin học thẳng lên lớp 12 nhưng không được chấp thuận.

Ngày 24/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh này chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thẩm định năng lực cũng như sức khỏe của em, đồng thời có báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh hướng giúp đỡ, hỗ trợ em được học hành bài bản.

Ngày 15/9, Sở GD&ĐT Lâm Đồng lại giao việc này cho Phòng GD&ĐT huyện Di Linh tìm hướng giúp đỡ cho em Phạm Thanh Ngọc. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một phương án tối ưu nhằm bồi dưỡng kiến thức, để trong tháng 10 này sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra chính thức cho em hoàn thành bậc tiểu học.

Ngày 18/6, Phó phòng GD&ĐT huyện Di Linh Huỳnh Thị Tuyết (phụ trách tiểu học), cùng một số cán bộ liên quan của Phòng GD&ĐT huyện Di Linh cũng đã tiến hành kiểm tra thử trình độ của em Thanh Ngọc để tìm hướng giúp đỡ, nhưng trong quá trình kiểm tra không phát hiện em có sự nổi trội so với những học sinh cùng tuổi. Tuy vậy Phòng vẫn tiếp tục tìm cách để bồi dưỡng kiến thức để tiến hành kiểm tra và đưa em đến trường để em phát huy khả năng của mình.

Theo bà Tuyết, kết quả hai bài kiểm tra môn Toán và Tiếng Việt (chưa đạt điểm 5) của em Thanh Ngọc là chưa chính xác.

"Đó mới chỉ là đề kiểm tra sơ bộ chứ chưa phải là chính thức. Mà đã là sơ bộ thì chỉ công nhận sơ bộ chứ đâu có thể nói là kết quả được, ngay như hôm đó nếu em có làm được điểm 10 thì cũng không thể công nhận kết quả đó được vì chỉ là kiểm tra sơ bộ" - bà Tuyết nói.
Theo Võ Trang 
VietNamNet

Vài suy nghĩ về tuyên dương trong giáo dục và Olympic Toán


(Dân trí) - Chủ đích của giáo dục là tạo điều kiện cho mọi trò đều nên người và thành đạt, chứ không phải tạo ra những trò giỏi và trò kém. Có thể định nghĩa ... một cách triết lý: “Dạy trẻ là giúp trẻ thành người tự do”.
Chất keo nhân bản
Phạm trù này gồm nhiều khía cạnh: tự do không lệ thuộc ai, tự do trong tất cả các lựa chọn, có tri thức để tự lập, biết suy nghĩ để thành người tử tế, có đạo đức, có luân lý và là người hạnh phúc.

Trào lưu giáo dục đó được xem là trào lưu giàu nhân bản.

Muốn thế, trường học, trong giới hạn của khả thi phải dùng phương pháp lấy trò làm cơ sở, tôn trọng học trò, dùng giáo dục linh hoạt tùy theo đặc thù của học trò, không chấm điểm xếp hạng, không tạo áp lực...

(nguồn ảnh: internet)

Trường học không phải là một sân bóng đá, phải có đội thắng và đội thua. Trường học cũng không phải là một “lò rèn” những chú lính chì.

Về y khoa, bất cứ một bác sĩ  thần kinh nào cũng sẽ nói rằng não của trẻ rất uyển chuyển- plasticité neuronale - ta “nhào nặn” thế nào cũng được. Khả năng tiếp thu của các cháu rất lớn, nếu dạy chuyên thì các cháu sẽ chuyên. Nhưng có thể các cháu chỉ chuyên Toán, chuyên Vật lý hay chuyên Tin học… mà không chú trọng đến những môn còn lại. Như vậy sau trường chuyên, các cháu sẽ ra thế nào? Trách nhiệm đó là trách nhiệm của người đi dạy.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email:thaolam@dantri.com.vn
Ở châu Âu, chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp của các lực sĩ sau thời Olympic vàng son, lớn tuổi hơn với thời gian dễ rơi vào tình trạng nghiện rượu hay ma túy rồi sống cuối đời thảm thương.

Đối với các em học sinh thì không đến nỗi như thế. Sau khi đi thi Olympic về, có thể  các em được thử thách và rèn luyện, được trao huy chương, có bằng, thấy tự hào và thích thú. Nhưng rất có thể các em chưa cảm nhận rõ ý nghĩa sâu xa của việc học và chưa có thói quen học tập không vị lợi, không vì danh hiệu này danh hiệu nọ, mà vì sự hứng thú, vì yêu thích khám phá những tri thức mới mẻ.

Dạy theo trường chuyên có thể ta sẽ tạo ra một số học sinh chỉ học và làm việc với mục tiêu được tuyển chọn đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi Olympic và sẽ giành được giải, được tuyên dương. Như vậy có thể vô tình tạo ra một thế hệ chuộng khen thưởng hình thức chứ không hẳn vì yêu khoa học, thích tìm tòi hiểu biết và thấm nhuần những giá trị nhân bản (“có thể” thôi vì chưa kiểm chứng).

Mà tính nhân bản lại là một “chất keo” rất cần cho một xã hội an lành trong đó mọi người tử tế với nhau chứ không phải đua chen, người này phải loại người kia để chiếm hạng cao.

Tổ chức trường chuyên lại tốn kém, mà chỉ đào tạo một thiểu số, đào tạo “đặc biệt” để đi thi Olympic.

Cuộc thi chơi

Theo cách xếp hạng của GS Nguyễn Văn Tuấn, Việt Nam đứng thứ 22, Bỉ thứ 29 và Phần Lan - một trong những nước có nền giáo dục trung học tốt nhất thế giới, hạng 39 (có thể xem trên http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1321-thu-xep-hang-olympic-toan-cho-viet-nam). Ở Bỉ và Phần Lan không có trường chuyên.

Olympic Toán là một cuộc thi chơi, nếu mọi người cùng đồng ý với nhau như thế thì mọi viêc sẽ tốt đẹp, như cuộc thi “đố vui” trên TV. Đứng hạng cao trong một cuộc thi chơi không có nghĩa là trình độ giáo dục của quốc gia ấy cao. Có một vài người giỏi, nhưng một cây không che hết cánh rừng – l'arbre ne cache pas la forêt!

Một Đặng Thái Sơn không có nghĩa là cả nước giỏi nhạc cổ điển. Ta hãnh diện vì Đặng Thái Sơn, nhưng tôi sẽ hãnh diện hơn nữa nếu cả nước biết, dù một tí thôi, xướng âm.  
Tôi vốn tha thiết đến giáo dục cho quảng đại quần chúng và ít chú ý đến 2 hay 3% trong đồ thị hình cái chuông (courbe de Gauss) phần những người xuất chúng hay những người tệ nhất. Vả lại, các cháu được tuyên dương ở các Olympic Toán chưa hẳn là xuất chúng. Đi đường dài mới biết ngựa hay ...

                                                                       Nguyễn Huỳnh Mai
                                                                              Liège Bỉ

LTS Dân trí - Vốn là nhà nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục và y tế, qua bài viết ngắn trên đây,  tác giả đã trình bày rõ quan điểm nhân bản của mình về giáo dục. Đây cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của giáo dục trong thời đại ngày nay vì tính nhân bản được coi là “chất keo” rất cần thiết cho mọi người chung sống với nhau trong một xã hội tiến bộ và yên bình.

Từ quan điểm đó, tác giả cho rằng không nên tổ chức trường chuyên vừa tốn kém vừa không đạt được mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh. Thậm chí còn làm cho học sinh học lệch, muốn học giỏi để được chọn vào đội tuyển và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Giáo dục theo cách đó dễ tạo ra một lớp trẻ “háo danh” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mà thiếu sự đam mê học tập một cách tự nhiên, tự tìm thấy sự hứng thú và say sưa học tập vì ham hiểu biết, muốn tìm tòi khám phá cái mới…chứ không vì những danh hiệu hình thức nào hết.

Cũng vì vậy, không nên đánh giá quá cao về các kết quả đạt được ở các kỳ thi Olympic quốc tế. Chúng ta chưa thể yên tâm tự hào về nền giáo dục của nước nhà vì được xếp thứ 22 trong kỳ thi Olympic Toán,  trong khi Phần Lan có nền giáo dục phổ thông đứng hàng đầu thế giới chi xếp thứ 39!

Hụt nguồn giáo viên tiếng Anh


Dù Bộ GD-ĐT đã chấp nhận hạ chuẩn, nhưng đến năm thứ hai triển khai đề án dạy ngoại ngữ bậc tiểu học, các trường vẫn không tìm đâu ra giáo viên, nhất là giáo viên đạt trình độ B2, có nghiệp vụ sư phạm và khả năng gắn bó lâu dài với nghề.

Một buổi học tiếng Anh của học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM. Đây là một trong chín trường tại TP.HCM được chọn thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3.
Sau khi thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 vào năm học trước ở 18 tỉnh, thành với gần 100 trường tiểu học, năm học 2011- 2012 Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 4 ở các trường trên và mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3 ở những nơi đủ điều kiện.
Mỗi trường một giáo viên
Để chuẩn bị cho việc dạy tiếng Anh thí điểm năm học 2010-2011, có 150 giáo viên dạy tiếng Anh được chọn từ các trường tiểu học trên cả nước để kiểm tra trình độ. Tuy nhiên, trong số này chỉ 92 giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình tiếng Anh tiểu học mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện (đạt trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL). Với trên 90 trường thực hiện thí điểm tiếng Anh lớp 3 năm trước, trung bình mỗi trường chỉ có khoảng một giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn đảm nhiệm. Đó là chưa kể khả năng đáp ứng về nghiệp vụ sư phạm, khả năng thích ứng phương pháp dạy tiếng Anh cho đối tượng học sinh tiểu học...
Bất cập cơ chế
Cô Phạm Thị Yến, hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội, cho biết Hà Nội cho định biên mỗi trường có một giáo viên biên chế tiếng Anh trong khi trường có tới 31 lớp học. Để có giáo viên dạy chương trình thí điểm và chương trình tiếng Anh tự chọn, ngoài một giáo viên biên chế, trường phải ký hợp đồng với hai giáo viên khác. Nhưng để có tiền trả lương cho giáo viên là việc phải cân nhắc.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Xuân Tiến - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, do nguồn thu hạn chế (chủ yếu dựa vào khoản thu học buổi thứ hai), nhiều trường chỉ có thể trả 17.000 đồng/tiết và trả theo tiết cho giáo viên hợp đồng. Về việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, một chuyên viên của Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Chúng tôi làm việc với phòng nội vụ để xin biên chế cho giáo viên tiếng Anh, họ vẫn khăng khăng cho rằng tiếng Anh tiểu học là tự chọn, không thể bổ sung biên chế”.
Năm học 2011-2012, để có giáo viên triển khai thí điểm tiếp chương trình tiếng Anh lớp 4 đồng thời mở rộng dạy tiếng Anh lớp 3, Bộ GD-ĐT đã phải có giải pháp tình thế là chấp nhận những giáo viên có trình độ cận B2 dạy chương trình tiếng Anh lớp 3. Những giáo viên này phải vừa dạy vừa học để đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế việc mở rộng dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học vẫn khó do bài toán giáo viên không giải quyết được.
Là nơi có lợi thế hơn nhiều tỉnh thành về nguồn giáo viên tiếng Anh, nhưng năm học trước 20 giáo viên thủ đô Hà Nội được kiểm tra trình độ thì chỉ chín người đạt yêu cầu. Với số giáo viên khiêm tốn này, Hà Nội chỉ có tám trường tiểu học tham gia dạy thí điểm trong khi có tới gần 700 trường tiểu học. Số giáo viên này năm nay lại tiếp tục dạy thí điểm lớp 4.
Không được đào tạo bài bản
Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, nhà trường phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức các chương trình tiếng Anh khác nhau. Nguồn giáo viên tiếng Anh dạy các chương trình này có đủ, nhưng để thực hiện chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT triển khai với yêu cầu cao về giáo viên thì chưa thể đáp ứng.
Nguồn giáo viên dạy các chương trình tiếng Anh trong các trường tiểu học hiện nay rất đa dạng, có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm chính quy hoặc tại chức, có người không có nghiệp vụ sư phạm. Hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu để dạy tiếng Anh tiểu học, chủ yếu giáo viên dạy tiểu học trong diện biên chế đều là giáo viên tiếng Anh bậc trung học, do dư thừa được điều động xuống dạy tiểu học.
Năm học 2011-2012, với hi vọng mở rộng diện thực hiện đề án tiếng Anh ở 150 trường, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát để cử khoảng 5 giáo viên/quận, huyện đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ công nhận trình độ tiếng Anh. Thế nhưng, H.N., một giáo viên tiểu học ở huyện Chương Mỹ, thừa nhận: “Việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ thường xuyên thì được, nhưng bồi dưỡng để đạt chuẩn B2 trong thời gian ngắn quá khó, nếu không nói là bất khả thi”.
Tỉnh Ninh Bình năm trước chỉ có duy nhất một trường tiểu học tham gia dạy tiếng Anh thí điểm. Bởi vì, theo lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này, sở “không tìm được giáo viên đạt chuẩn”. Sau một năm tình hình này vẫn không khả quan hơn, dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương “mềm hóa” yêu cầu về trình độ giáo viên.
Tại Hòa Bình, theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - chuyên viên phụ trách mảng này của Sở GD-ĐT tỉnh, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Hòa Bình hiện nay cũng là giáo viên tiếng Anh dôi dư của cấp THCS chuyển xuống. Dù các giáo viên đều có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, thậm chí nhiều người còn có bằng đại học tại chức, nhưng để đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT họ cần được bồi dưỡng thêm.
Trong cuộc sát hạch của Bộ GD-ĐT về trình độ tiếng Anh, tỉnh Hòa Bình có tám giáo viên của năm trường tiểu học đi thi, nhưng chỉ ba người đạt yêu cầu. Theo bà Diễm, năm học này ba giáo viên trên tiếp tục dạy thí điểm tiếng Anh lớp 4. Ngoài ra sẽ triển khai việc dạy tiếng Anh lớp 3 ở chín huyện và thành phố, mỗi nơi có 2-3 trường. Để có giáo viên đảm nhiệm, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã khảo sát, chọn lọc từ gần 200 giáo viên (tính cả biên chế, hợp đồng) để có kế hoạch đưa đi bồi dưỡng, số giáo viên được bồi dưỡng tới tháng 1-2012 mới được tổ chức thi lấy chứng chỉ.
Tại Hải Dương, trong khoảng 700 giáo viên, chỉ có chục người vượt qua đợt sát hạch đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Trong số những người trượt, có người chưa đạt trình độ B1 nhưng vẫn đang dạy tiếng Anh theo chương trình tự chọn ở trường tiểu học.
Theo Thư Hiên - Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ