22/10/10

Phát động cuộc thi vẽ tranh thiếu thi quốc tế ENIKKI



(VOV) - Cuộc thi nhật ký bằng tranh (ENIKKI) là cuộc thi cho thiếu nhi các nước Châu Á, bằng các bức tranh các em giới thiệu cuộc sống hàng ngày của mình.  

Sáng 13/10, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Liên đoàn các Hiệp hội UNESCO tại Nhật Bản tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế ENIKKI cho thiếu nhi cả nước.
Các em thiếu nhi đang vẽ tranh
Trong lần thứ 8 được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi mang chủ đề “Đây là cuộc sống của em”. Qua đó khuyến khích khả năng sáng tạo nghệ thuật của thanh niên, thi đồng, tạo điều kiện giúp trẻ em bày tỏ quan điểm về cuộc sống. Đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các em thiếu nhi. Cuộc thi nhật ký bằng tranh dành cho thiếu nhi từ 6 - 12 tuổi.
Các em thể hiện nội dung nhật ký thông qua 5 bức tranh khổ A4 và phần minh họa bằng lời. Các em có thể vẽ bất cứ điều gì trong nhật ký bằng tranh như: Trò chơi ưa thích, trường học, kỷ niệm đẹp, gia đình… Tác phẩm dự thi gửi về Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Địa chỉ: Số 38 Cao Bá Quát - Quận Ba Đình – Hà Nội, Điện thoại: 04.38452740   từ 15 - 18/11/2010 (tính theo dấu bưu điện)./.
Ngọc Thương

18/10/10

Sắc thu rực rỡ tại xứ sở sương mù


(Dân trí) - Lá đã chuyển sang vàng và đỏ trên khắp nước Anh, mang đến cho mùa thu tại xứ sở sương mù những sắc màu rực rỡ.


Du khách thích thú với tán lá cây màu vàng rực.


Các loại bầu bí được trưng bày tại Triển lãm vụ mùa mùa thu của Hội làm vườn hoàng gia tại London.


Một phụ nữ ngắm nhìn những khung cửa lãng mạn trong tiết thu tại Bắc Yorkshire.


Một con nai tuyệt đẹp trong công viên Richmond ở London.

Một cây nấm tán bay với màu cam pha đỏ rực rỡ.


Một cặp đôi ngồi trong nắng mùa thu gần cầu Clifton ở Bristol.

Những trái táo chín đỏ ở Woodbridge, Suffolk.


Những chùm Sơn Trà, một loài dâu dại, chín đỏ ở Suffolk.


Những tán cây lá màu vàng và đỏ đặc trưng của mùa thu tại vườn ươm Westonbirt ở Gloucestershire.


Hạt quả khô của cây anh túc.




Một chú hươu lang thang trong công viên Richmond ở London.


Những tán cây màu vàng gần một ngôi chùa ở vườn thực vật hoàng gia Kew tại London.

Những quả táo tây dại chín mọng báo hiệu mùa hè đã kết thúc.


Sóng ập vào ngọn đèn hải đăng Roker tại Sunderland.


Công viên Exhibition ở Newcastle bắt đầu khoe các sắc màu của mùa thu.


Bố, mẹ và con đi dạo trong trời thu thanh bình tại Jesmond Dene, Newcastle upon Tyne.


Những quả bí đỏ được trồng ở Eggington, Derby.

Con nhện giăng tơ giữa những tán lá cây màu vàng.


Sương sớm đọng trên mạng nhện.

An BìnhTổng hợp

Học trung bình, vẫn “rinh” học bổng du học

Ba tháng trước, tin Hoàng Giang (cựu học sinh lớp 11B trường Chuyên Ngữ - Hà Nội) rinh cùng lúc 3 học bổng của các trường trung học Mỹ và Anh khiến bạn bè ai nấy đều “ngạc nhiên chưa!”. Bởi xét về thành tích học tập, Giang không đình đám bằng các bạn cùng trường.
Hẳn anh chàng có “bí kíp”?
Có một bảng thành tích khác
Ở trường, thành tích học tập của Giang chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Nhưng liếc sang “sớ” hoạt động phong trào của anh chàng, bất kì ai cũng có thể “ngợp thở”. Ngay khi vào lớp 10, Giang đã tự tin ứng cử và được bầu vào vị trí phó bí thư Đoàn trường, phụ trách mảng phong trào - thể thao. Và trong lúc bạn bè còn chưa kịp quen mặt “phó bí” thì Giang đã “phát pháo” chương trình đón tân học sinh cực kì “nóng bỏng”. Trong đó, gây “chấn động” nhất là việc cho ra đời đội cổ động, tổ chức sân chơi thể thao liên hoàn. Thừa thắng xông lên, Giang thành lập đội bóng đá, rồi tổ chức giải đấu giao hữu giữa các trường. Chưa hết, anh chàng còn tập huấn các “cầu thủ” trở thành “phóng viên” chuyên quay phim, viết bài cho website của trường... Chính sự năng động của Giang đã “quyến rũ” phỏng vấn viên của các trường mà bạn muốn xin học bổng.

Hoàng Giang.
Đức Hòa (lớp 11A trường Chuyên Ngữ, Hà Nội) cũng vừa rinh được học bổng du học phổ thông trung học Mỹ ASSIST và sẽ lên đường sang Mỹ vào cuối năm học này. Hòa cho biết: “Sức học của tớ thuộc loại trung bình. Tớ rinh được học bổng nhờ đầu tư viết bài luận công phu và tự tin khi dự phỏng vấn. Tớ nghĩ, khi săn học bổng du học, kĩ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ có thể bù đắp phần nào cho thành tích học tập”.

Đức Hòa.
Từ hồi học cấp 2, Thái Hưng (cựu học sinh lớp 12 chuyên Tin trường Phổ Thông Năng Khiếu, hiện là SV trường ĐHQG Singapore) đã lập trình cho mình “công thức” riêng: kiến thức từ trường lớp + hiểu biết xã hội = thành công. Với Hưng, học giỏi mà không biết gì về thế giới xung quanh thì cũng... dở ẹc. Giữ vị trí ủy viên BCH Đoàn trường, Hưng là đồng tác giả của ý tưởng tổ chức Hội sách Năng Khiếu (bán sách giảm giá cho học sinh), lễ hội dành cho teen lớp 10 và 12... Hưng còn nạp thêm vốn sống cho mình bằng việc thường xuyên “xí” chỗ ở những cuộc thi dành cho học sinh. Hưng “tiết lộ”: “Nhờ đi thi nhiều nên tớ khá tự tin. Bởi vậy, lúc phỏng vấn, tớ nói chuyện... tỉnh bơ. Hì hì!”. Bên cạnh chồng hồ sơ “dày cộm” với một loạt “hoạt động ngoài giờ lên lớp”, sự “tỉnh bơ” của Hưng đã giúp anh chàng rinh học bổng “khỏe re”...

Thái Hưng.
Chiêu phỏng vấn của tớ
Đức Hòa “bật mí”: “Trước buổi phỏng vấn, tớ liệt kê những câu hỏi thường gặp như: mối quan hệ gia đình, quá trình học tập, hoạt động xã hội, lí do muốn đi du học... Lúc mặt đối mặt với phỏng vấn viên, tớ luôn tỏ thái độ lắng nghe và dành vài giây để suy nghĩ trước khi trả lời. Trong lúc nói chuyện, tớ để ý xem người phỏng vấn quan tâm vấn đề gì thì tập trung nói nhiều về vấn đề đó, những điều khác tớ chỉ nói sơ qua nhằm tránh người đối diện cảm thấy bị mất thời gian”.
Còn “bí kíp” của Hoàng Giang là sự kiên trì. Suốt hai năm lớp 9 và 10, Giang liên tục “thử nghiệm” việc xin học bổng du học. Với Giang, cứ mỗi lần phỏng vấn “rớt đài”, bạn lại rút ra bài học cho mình: hồ sơ phải đầy đủ, trả lời dứt khoát, bài luận cần nói rõ suy nghĩ của bản thân... Tích lũy một “bụng” kinh nghiệm, sang năm lớp 11, hầu như “vác” hồ sơ đến trường nào Giang cũng được “duyệt” học bổng.
Sau vài lần nộp hồ sơ xin học bổng du học, Hoàng Lan (SV trường ĐHQG Singapore) phát hiện một “bí mật” đáng giá: Nhiều trường không đánh giá cao bảng điểm bằng chiều hướng “lên dốc” của ứng viên. Với họ, sự tiến bộ, cách khắc phục khó khăn khi gặp trở ngại là tiêu chí để nhận xét khả năng của học sinh. Thế nên, lần cuối cùng dự phỏng vấn, Lan nhiệt tình chứng minh cho đại diện của trường thấy nỗ lực không ngừng của mình và bạn đã thành công...
Có rất nhiều điều bạn cần phải trang bị nếu muốn săn học bổng du học. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng cho rằng phải có bảng điểm “như mơ” mới... mơ tới học bổng du học thì hãy suy nghĩ lại nhé. Bởi lẽ, thực tế là có nhiều teen học “bình thường thôi!” nhưng vẫn “ẵm” học bổng “ngon lành”. Nắm được “bí kíp” và có kế hoạch chuẩn bị dài hơi, bạn cũng có thể thành công như họ.
Bí quyết “ăn điểm” khi phỏng vấn
Để không bị... cà lăm khi đối diện với người lạ, trước khi đi phỏng vấn, bạn nên “diễn” một mình trước gương. Đừng quên chuẩn bị sẵn cách trả lời cho những câu hỏi thường gặp.
Không cần thành tích xuất sắc không có nghĩa là bạn học quá... dở. Sẽ “bít cửa” đối với những ai “mù tịt” ngoại ngữ và học lực dưới mức trung bình. Trong lúc nói chuyện, bạn nên đề cập đến các vấn đề thời sự xã hội. Muốn vậy, bạn không thể làm ngơ với sách báo.
Hãy xem buổi phỏng vấn như cuộc trò chuyện giữa hai người quen, bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Đừng quên điều này: bạn chỉ là học sinh, những đề tài vĩ mô không thuộc “tầm kiểm soát” của bạn. Nhiều ứng viên từng bị “out” khi thao thao nói về chuyện “đao to búa lớn”, nhưng lại lúng túng trước những câu hỏi thông thường như: Thức dậy lúc mấy giờ? Thường làm gì trước khi đến trường, cuối tuần đi chơi ở đâu?... Tránh lỗi này nha bạn!
Trước khi quyết định xin học bổng của trường nào, bạn cần tìm hiểu “lí lịch” của trường đó. Bạn có thể tham gia diễn đàn du học sinh của trường để tham khảo ý kiến những anh chị đi trước.
Theo Thúy Vy
                                                                                                                                                   Mực Tím

13/10/10

“Ngâm mình” trong Facebook


Chưa bao giờ sự ra đời ồ ạt của các mạng xã hội giúp giới trẻ gắn kết với nhau, tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong thế giới ảo dễ dàng như thời điểm này. Nhưng càng ngày, các bạn càng trở nên cô đơn trong đời thực, cô đơn ngay giữa chốn đông người.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia tâm lý đã lên tiếng gọi mạng xã hội ảo là “tên tội phạm được xã hội nuông chiều”.
Mật ngọt chết ai?
Không thể phủ nhận vai trò “người bạn ảo” chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của các trang mạng xã hội thịnh hành với giới trẻ Việt hiện nay như Facebook, Yume, Hi5, Cyworld, Zing, Yobanbe… Người trẻ đến với mạng xã hội xuất phát từ lối sống nhanh, khi không gian chia sẻ đời thực bị thu hẹp. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện đại, nhu cầu chăm chút cho hình ảnh bản thân ngày càng tăng. Những tiện ích không thể chối cãi của mạng xã hội như dễ dàng kết bạn, tìm kiếm, quản lý nhóm, xây dựng mối quan hệ, sự tin tưởng từ cộng đồng là “mật ngọt” dẫn dụ người trẻ dễ sa vào cơn nghiện khó dứt.

Lê Minh (sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM) tâm sự mỗi ngày bạn ghé Facebook không dưới 5 lần, tối hay ngày rảnh rỗi thì “ngâm mình” trong Facebook để tán gẫu, tải ảnh hay ghé thăm bình luận các trang khác. Dần dần cậu mới thấy mình quá lệ thuộc. “Một ngày không vào Facebook thấy trong người nôn nao khó chịu. Vậy là bằng cách này cách khác cũng ráng “chọt” vào một cái” - Minh nói. Còn bạn Phạm Thị Hương (sinh viên Trường đại học KHXH&NV TPHCM) cho biết, trước kia Hương và nhóm bạn của mình thường tụ tập cà phê vỉa hè, đi du lịch hay đến các công viên trong thành phố để sinh hoạt nhóm. Từ khi mỗi bạn có một trang mạng xã hội, nhóm cũng thành lập một trang thì mọi sinh hoạt chủ yếu chỉ diễn ra trên mạng.


Nhiều sinh viên đã biết tận dụng mạng Internet để nghiên cứu và học tập tốt hơn.



Theo Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên môn Đô thị học, Trường đại học KHXH&NV TPHCM), mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ: “Giao tiếp của sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung đang chuyển từ truyền thông liên cá nhân sang truyền thông đại chúng. Thế nên mạng xã hội là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực. Biểu hiện là giới trẻ giảm giao tiếp mặt đối mặt, giảm tần suất đến và dần cách ly không gian thực”.


Nghiên cứu về “Hội chứng nghiện mạng xã hội”, anh Nguyễn Đình Toàn (Học viên Cao học của Trường đại học KHXH&NV) nhận định: “Nghiện mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần. Công nghệ thông tin ở các thành phố lớn phát triển, việc vào mạng một cách dễ dàng như hiện nay là “chất xúc tác” cho sinh viên - những người nắm công nghệ thông tin, dễ vướng vào tình trạng nghiện”.
Làm sao cấm “nghiện”?

Rất dễ dàng để tìm ra thời gian các blogger lên mạng trùng với giờ làm việc và học tập trong ngày. Việc các “con nghiện” mạng xã hội bị ảnh hưởng năng suất làm việc, xao lãng học tập, sức khỏe xuống dốc (giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…) là đương nhiên. Bên cạnh đó, một bình luận ác ý, những lời hăm dọa hay thông tin trang cá nhân bị đánh cắp cũng gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần của người dùng.
Trước nguy cơ giới trẻ “nghiện”, các nhà mạng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn mạng. Các công ty ngăn nhân viên của mình vào trang mạng xã hội để đảm bảo công việc. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Toàn thì: “Các giải pháp này chỉ là nhất thời, không thể ngăn chặn được cơn “nghiện” mạng xã hội. Đôi khi giải pháp cấm còn gây tác dụng ngược, người “nghiện càng “nghiện” nặng hơn. Các phần mềm giải quyết sự ngăn chặn của nhà mạng phát triển theo thời gian. Nhân viên nhiều công ty không vào mạng cơ quan vẫn có nhiều cách vào mạng xã hội như vào bằng di động, vào mạng ở nhà, những nơi công cộng”.

Học điều độ


Mạng xã hội đáp ứng nhu cầu được lên tiếng, được bày tỏ, được chia sẻ và kết nối của sinh viên. Thế nên, việc phát triển các mạng xã hội về lâu dài tốt hơn hết nên gắn với các sân chơi lành mạnh như các phong trào về môi trường, chia sẻ sở thích, sân chơi học thuật… Bên cạnh đó, cải thiện không gian sinh hoạt giới trẻ vốn rất chật hẹp ở các thành phố lớn cũng cần được lưu tâm.

Giải pháp lâu dài để “giảm nghiện” mạng xã hội trước hết là phải cho người trẻ nhìn ra tác hại của tình trạng nghiện này. Nhận thức của người trẻ về “liều lượng” sử dụng mạng xã hội quan trọng không kém. “Tôi tin rằng, thế giới ảo không thể thay thế cuộc sống hiện thực. Việc chịu nhiều áp lực từ cuộc sống sẽ dạy cho các bạn biết đối đầu và là chất xúc tác để bạn trẻ đứng lên và trưởng thành. Chính ta sẽ sống tích cực hơn khi ta sử dụng điều độ những phương tiện hiện đại, trong đó có mạng xã hội” - anh Nguyễn Đình Toàn chia sẻ.

Tiếp cận mạng xã hội từ góc nhìn của vốn xã hội (mối ràng buộc của cá nhân trong một cộng đồng) bà Nguyễn Thị Lệ Uyên đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã nhận định: “Yếu tố mấu chốt của vốn xã hội chính là sự tin tưởng của cộng đồng xung quanh đối với chính bản thân một người trẻ. Vấn đề là bạn trẻ đủ bản lĩnh vượt qua những hạn chế của mạng xã hội ảo để đạt lòng tin của mọi người trong đời thực. Đó mới là cách khai thác mạng xã hội một cách khôn ngoan”.

Blog của bạn thuộc dạng nào?

Có nhiều dạng Blog khác nhau nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương (Viện nghiên cứu phát triển TPHCM), tựu trung blog sẽ thuộc một trong các dạng sau:

1. Blog cá nhân thuần túy: Chủ nhân chủ yếu là sinh viên, học sinh tuổi mới lớn. Nội dung blog ghi lại các sự kiện, suy nghĩ cá nhân. Với loại blog này, tính chất “nhật ký” là nguyên cớ tồn tại.

2. Blog theo nhóm sở thích: Tuy vẫn là “sản phẩm cá nhân” nhưng các trang blog này có xu hướng lập ra để giao tiếp giữa cá nhân với một nhóm (group) hay cộng đồng (public) nào đó. Các blog dạng này thường mang tính mục đích rõ ràng, giống một trang web chuyên môn hơn là nhật ký điện tử.

3. Blog quảng bá: Thực chất là biến tướng của trang web. Việc mở blog này nhắm đến việc quảng bá hay tập hợp nhóm cá nhân cùng mục đích.

4. Blog lưu ký: Mục đích chính của blog này là để lưu trữ dữ liệu và giới thiệu những sản phẩm của cá nhân nào đó.
"Do tính kết nối của cộng đồng lỏng lẻo hơn trước kia nên cá nhân hay giới trẻ cảm thấy mình “cô đơn giữa chốn đông người” và luôn thấy mình tách khỏi cộng đồng. Thế nên, các bạn trẻ hiện nay đặt mình bên cạnh cộng đồng chứ không phải bên trong cộng đồng như trước nữa. Điều này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mạng xã hội. Nhưng nếu đặt cộng đồng truyền thống có sự kết nối cao ngày xưa vào cái thuở không có mạng xã hội bên cạnh hôm nay, thì “tên tội phạm” đang được xã hội nuông chiều buộc phải xuất hiện dưới cái tên “mạng xã hội”, một tác nhân chính làm biến đổi phương thức giao tiếp của con người nói chung và giới trẻ nói riêng." - Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên môn Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV TPHCM).
Theo Xuân HuySinh Viên Việt Nam