18/10/10

Học trung bình, vẫn “rinh” học bổng du học

Ba tháng trước, tin Hoàng Giang (cựu học sinh lớp 11B trường Chuyên Ngữ - Hà Nội) rinh cùng lúc 3 học bổng của các trường trung học Mỹ và Anh khiến bạn bè ai nấy đều “ngạc nhiên chưa!”. Bởi xét về thành tích học tập, Giang không đình đám bằng các bạn cùng trường.
Hẳn anh chàng có “bí kíp”?
Có một bảng thành tích khác
Ở trường, thành tích học tập của Giang chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Nhưng liếc sang “sớ” hoạt động phong trào của anh chàng, bất kì ai cũng có thể “ngợp thở”. Ngay khi vào lớp 10, Giang đã tự tin ứng cử và được bầu vào vị trí phó bí thư Đoàn trường, phụ trách mảng phong trào - thể thao. Và trong lúc bạn bè còn chưa kịp quen mặt “phó bí” thì Giang đã “phát pháo” chương trình đón tân học sinh cực kì “nóng bỏng”. Trong đó, gây “chấn động” nhất là việc cho ra đời đội cổ động, tổ chức sân chơi thể thao liên hoàn. Thừa thắng xông lên, Giang thành lập đội bóng đá, rồi tổ chức giải đấu giao hữu giữa các trường. Chưa hết, anh chàng còn tập huấn các “cầu thủ” trở thành “phóng viên” chuyên quay phim, viết bài cho website của trường... Chính sự năng động của Giang đã “quyến rũ” phỏng vấn viên của các trường mà bạn muốn xin học bổng.

Hoàng Giang.
Đức Hòa (lớp 11A trường Chuyên Ngữ, Hà Nội) cũng vừa rinh được học bổng du học phổ thông trung học Mỹ ASSIST và sẽ lên đường sang Mỹ vào cuối năm học này. Hòa cho biết: “Sức học của tớ thuộc loại trung bình. Tớ rinh được học bổng nhờ đầu tư viết bài luận công phu và tự tin khi dự phỏng vấn. Tớ nghĩ, khi săn học bổng du học, kĩ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ có thể bù đắp phần nào cho thành tích học tập”.

Đức Hòa.
Từ hồi học cấp 2, Thái Hưng (cựu học sinh lớp 12 chuyên Tin trường Phổ Thông Năng Khiếu, hiện là SV trường ĐHQG Singapore) đã lập trình cho mình “công thức” riêng: kiến thức từ trường lớp + hiểu biết xã hội = thành công. Với Hưng, học giỏi mà không biết gì về thế giới xung quanh thì cũng... dở ẹc. Giữ vị trí ủy viên BCH Đoàn trường, Hưng là đồng tác giả của ý tưởng tổ chức Hội sách Năng Khiếu (bán sách giảm giá cho học sinh), lễ hội dành cho teen lớp 10 và 12... Hưng còn nạp thêm vốn sống cho mình bằng việc thường xuyên “xí” chỗ ở những cuộc thi dành cho học sinh. Hưng “tiết lộ”: “Nhờ đi thi nhiều nên tớ khá tự tin. Bởi vậy, lúc phỏng vấn, tớ nói chuyện... tỉnh bơ. Hì hì!”. Bên cạnh chồng hồ sơ “dày cộm” với một loạt “hoạt động ngoài giờ lên lớp”, sự “tỉnh bơ” của Hưng đã giúp anh chàng rinh học bổng “khỏe re”...

Thái Hưng.
Chiêu phỏng vấn của tớ
Đức Hòa “bật mí”: “Trước buổi phỏng vấn, tớ liệt kê những câu hỏi thường gặp như: mối quan hệ gia đình, quá trình học tập, hoạt động xã hội, lí do muốn đi du học... Lúc mặt đối mặt với phỏng vấn viên, tớ luôn tỏ thái độ lắng nghe và dành vài giây để suy nghĩ trước khi trả lời. Trong lúc nói chuyện, tớ để ý xem người phỏng vấn quan tâm vấn đề gì thì tập trung nói nhiều về vấn đề đó, những điều khác tớ chỉ nói sơ qua nhằm tránh người đối diện cảm thấy bị mất thời gian”.
Còn “bí kíp” của Hoàng Giang là sự kiên trì. Suốt hai năm lớp 9 và 10, Giang liên tục “thử nghiệm” việc xin học bổng du học. Với Giang, cứ mỗi lần phỏng vấn “rớt đài”, bạn lại rút ra bài học cho mình: hồ sơ phải đầy đủ, trả lời dứt khoát, bài luận cần nói rõ suy nghĩ của bản thân... Tích lũy một “bụng” kinh nghiệm, sang năm lớp 11, hầu như “vác” hồ sơ đến trường nào Giang cũng được “duyệt” học bổng.
Sau vài lần nộp hồ sơ xin học bổng du học, Hoàng Lan (SV trường ĐHQG Singapore) phát hiện một “bí mật” đáng giá: Nhiều trường không đánh giá cao bảng điểm bằng chiều hướng “lên dốc” của ứng viên. Với họ, sự tiến bộ, cách khắc phục khó khăn khi gặp trở ngại là tiêu chí để nhận xét khả năng của học sinh. Thế nên, lần cuối cùng dự phỏng vấn, Lan nhiệt tình chứng minh cho đại diện của trường thấy nỗ lực không ngừng của mình và bạn đã thành công...
Có rất nhiều điều bạn cần phải trang bị nếu muốn săn học bổng du học. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng cho rằng phải có bảng điểm “như mơ” mới... mơ tới học bổng du học thì hãy suy nghĩ lại nhé. Bởi lẽ, thực tế là có nhiều teen học “bình thường thôi!” nhưng vẫn “ẵm” học bổng “ngon lành”. Nắm được “bí kíp” và có kế hoạch chuẩn bị dài hơi, bạn cũng có thể thành công như họ.
Bí quyết “ăn điểm” khi phỏng vấn
Để không bị... cà lăm khi đối diện với người lạ, trước khi đi phỏng vấn, bạn nên “diễn” một mình trước gương. Đừng quên chuẩn bị sẵn cách trả lời cho những câu hỏi thường gặp.
Không cần thành tích xuất sắc không có nghĩa là bạn học quá... dở. Sẽ “bít cửa” đối với những ai “mù tịt” ngoại ngữ và học lực dưới mức trung bình. Trong lúc nói chuyện, bạn nên đề cập đến các vấn đề thời sự xã hội. Muốn vậy, bạn không thể làm ngơ với sách báo.
Hãy xem buổi phỏng vấn như cuộc trò chuyện giữa hai người quen, bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Đừng quên điều này: bạn chỉ là học sinh, những đề tài vĩ mô không thuộc “tầm kiểm soát” của bạn. Nhiều ứng viên từng bị “out” khi thao thao nói về chuyện “đao to búa lớn”, nhưng lại lúng túng trước những câu hỏi thông thường như: Thức dậy lúc mấy giờ? Thường làm gì trước khi đến trường, cuối tuần đi chơi ở đâu?... Tránh lỗi này nha bạn!
Trước khi quyết định xin học bổng của trường nào, bạn cần tìm hiểu “lí lịch” của trường đó. Bạn có thể tham gia diễn đàn du học sinh của trường để tham khảo ý kiến những anh chị đi trước.
Theo Thúy Vy
                                                                                                                                                   Mực Tím

13/10/10

“Ngâm mình” trong Facebook


Chưa bao giờ sự ra đời ồ ạt của các mạng xã hội giúp giới trẻ gắn kết với nhau, tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong thế giới ảo dễ dàng như thời điểm này. Nhưng càng ngày, các bạn càng trở nên cô đơn trong đời thực, cô đơn ngay giữa chốn đông người.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia tâm lý đã lên tiếng gọi mạng xã hội ảo là “tên tội phạm được xã hội nuông chiều”.
Mật ngọt chết ai?
Không thể phủ nhận vai trò “người bạn ảo” chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của các trang mạng xã hội thịnh hành với giới trẻ Việt hiện nay như Facebook, Yume, Hi5, Cyworld, Zing, Yobanbe… Người trẻ đến với mạng xã hội xuất phát từ lối sống nhanh, khi không gian chia sẻ đời thực bị thu hẹp. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện đại, nhu cầu chăm chút cho hình ảnh bản thân ngày càng tăng. Những tiện ích không thể chối cãi của mạng xã hội như dễ dàng kết bạn, tìm kiếm, quản lý nhóm, xây dựng mối quan hệ, sự tin tưởng từ cộng đồng là “mật ngọt” dẫn dụ người trẻ dễ sa vào cơn nghiện khó dứt.

Lê Minh (sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM) tâm sự mỗi ngày bạn ghé Facebook không dưới 5 lần, tối hay ngày rảnh rỗi thì “ngâm mình” trong Facebook để tán gẫu, tải ảnh hay ghé thăm bình luận các trang khác. Dần dần cậu mới thấy mình quá lệ thuộc. “Một ngày không vào Facebook thấy trong người nôn nao khó chịu. Vậy là bằng cách này cách khác cũng ráng “chọt” vào một cái” - Minh nói. Còn bạn Phạm Thị Hương (sinh viên Trường đại học KHXH&NV TPHCM) cho biết, trước kia Hương và nhóm bạn của mình thường tụ tập cà phê vỉa hè, đi du lịch hay đến các công viên trong thành phố để sinh hoạt nhóm. Từ khi mỗi bạn có một trang mạng xã hội, nhóm cũng thành lập một trang thì mọi sinh hoạt chủ yếu chỉ diễn ra trên mạng.


Nhiều sinh viên đã biết tận dụng mạng Internet để nghiên cứu và học tập tốt hơn.



Theo Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên môn Đô thị học, Trường đại học KHXH&NV TPHCM), mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ: “Giao tiếp của sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung đang chuyển từ truyền thông liên cá nhân sang truyền thông đại chúng. Thế nên mạng xã hội là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực. Biểu hiện là giới trẻ giảm giao tiếp mặt đối mặt, giảm tần suất đến và dần cách ly không gian thực”.


Nghiên cứu về “Hội chứng nghiện mạng xã hội”, anh Nguyễn Đình Toàn (Học viên Cao học của Trường đại học KHXH&NV) nhận định: “Nghiện mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần. Công nghệ thông tin ở các thành phố lớn phát triển, việc vào mạng một cách dễ dàng như hiện nay là “chất xúc tác” cho sinh viên - những người nắm công nghệ thông tin, dễ vướng vào tình trạng nghiện”.
Làm sao cấm “nghiện”?

Rất dễ dàng để tìm ra thời gian các blogger lên mạng trùng với giờ làm việc và học tập trong ngày. Việc các “con nghiện” mạng xã hội bị ảnh hưởng năng suất làm việc, xao lãng học tập, sức khỏe xuống dốc (giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…) là đương nhiên. Bên cạnh đó, một bình luận ác ý, những lời hăm dọa hay thông tin trang cá nhân bị đánh cắp cũng gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần của người dùng.
Trước nguy cơ giới trẻ “nghiện”, các nhà mạng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn mạng. Các công ty ngăn nhân viên của mình vào trang mạng xã hội để đảm bảo công việc. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Toàn thì: “Các giải pháp này chỉ là nhất thời, không thể ngăn chặn được cơn “nghiện” mạng xã hội. Đôi khi giải pháp cấm còn gây tác dụng ngược, người “nghiện càng “nghiện” nặng hơn. Các phần mềm giải quyết sự ngăn chặn của nhà mạng phát triển theo thời gian. Nhân viên nhiều công ty không vào mạng cơ quan vẫn có nhiều cách vào mạng xã hội như vào bằng di động, vào mạng ở nhà, những nơi công cộng”.

Học điều độ


Mạng xã hội đáp ứng nhu cầu được lên tiếng, được bày tỏ, được chia sẻ và kết nối của sinh viên. Thế nên, việc phát triển các mạng xã hội về lâu dài tốt hơn hết nên gắn với các sân chơi lành mạnh như các phong trào về môi trường, chia sẻ sở thích, sân chơi học thuật… Bên cạnh đó, cải thiện không gian sinh hoạt giới trẻ vốn rất chật hẹp ở các thành phố lớn cũng cần được lưu tâm.

Giải pháp lâu dài để “giảm nghiện” mạng xã hội trước hết là phải cho người trẻ nhìn ra tác hại của tình trạng nghiện này. Nhận thức của người trẻ về “liều lượng” sử dụng mạng xã hội quan trọng không kém. “Tôi tin rằng, thế giới ảo không thể thay thế cuộc sống hiện thực. Việc chịu nhiều áp lực từ cuộc sống sẽ dạy cho các bạn biết đối đầu và là chất xúc tác để bạn trẻ đứng lên và trưởng thành. Chính ta sẽ sống tích cực hơn khi ta sử dụng điều độ những phương tiện hiện đại, trong đó có mạng xã hội” - anh Nguyễn Đình Toàn chia sẻ.

Tiếp cận mạng xã hội từ góc nhìn của vốn xã hội (mối ràng buộc của cá nhân trong một cộng đồng) bà Nguyễn Thị Lệ Uyên đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã nhận định: “Yếu tố mấu chốt của vốn xã hội chính là sự tin tưởng của cộng đồng xung quanh đối với chính bản thân một người trẻ. Vấn đề là bạn trẻ đủ bản lĩnh vượt qua những hạn chế của mạng xã hội ảo để đạt lòng tin của mọi người trong đời thực. Đó mới là cách khai thác mạng xã hội một cách khôn ngoan”.

Blog của bạn thuộc dạng nào?

Có nhiều dạng Blog khác nhau nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương (Viện nghiên cứu phát triển TPHCM), tựu trung blog sẽ thuộc một trong các dạng sau:

1. Blog cá nhân thuần túy: Chủ nhân chủ yếu là sinh viên, học sinh tuổi mới lớn. Nội dung blog ghi lại các sự kiện, suy nghĩ cá nhân. Với loại blog này, tính chất “nhật ký” là nguyên cớ tồn tại.

2. Blog theo nhóm sở thích: Tuy vẫn là “sản phẩm cá nhân” nhưng các trang blog này có xu hướng lập ra để giao tiếp giữa cá nhân với một nhóm (group) hay cộng đồng (public) nào đó. Các blog dạng này thường mang tính mục đích rõ ràng, giống một trang web chuyên môn hơn là nhật ký điện tử.

3. Blog quảng bá: Thực chất là biến tướng của trang web. Việc mở blog này nhắm đến việc quảng bá hay tập hợp nhóm cá nhân cùng mục đích.

4. Blog lưu ký: Mục đích chính của blog này là để lưu trữ dữ liệu và giới thiệu những sản phẩm của cá nhân nào đó.
"Do tính kết nối của cộng đồng lỏng lẻo hơn trước kia nên cá nhân hay giới trẻ cảm thấy mình “cô đơn giữa chốn đông người” và luôn thấy mình tách khỏi cộng đồng. Thế nên, các bạn trẻ hiện nay đặt mình bên cạnh cộng đồng chứ không phải bên trong cộng đồng như trước nữa. Điều này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mạng xã hội. Nhưng nếu đặt cộng đồng truyền thống có sự kết nối cao ngày xưa vào cái thuở không có mạng xã hội bên cạnh hôm nay, thì “tên tội phạm” đang được xã hội nuông chiều buộc phải xuất hiện dưới cái tên “mạng xã hội”, một tác nhân chính làm biến đổi phương thức giao tiếp của con người nói chung và giới trẻ nói riêng." - Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên môn Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV TPHCM).
Theo Xuân HuySinh Viên Việt Nam

Cạm bẫy vòng xoáy bán hàng đa cấp


(Dân trí) - Nộp gần chục triệu đồng sẽ được đặt phòng giá rẻ ở bất cứ quốc gia nào, ngoài ra còn được hưởng nhiều quyền lợi đến… hết đời. Những thông tin "rỉ tai" này khiến hàng chục nghìn người lao vào vòng quay ma trận của một hệ thống bán hàng đa cấp.
Ngồi một chỗ tiền chảy vào túi?!
Qua giới thiệu bảo đảm từ một thành viên của tập đoàn du lịch Diamon Holiday Travel (gọi tắt là DHT), có trụ sở chính tại Mỹ, chi nhánh tại Hồng Kông và mới mở văn phòng chính thức tại phố Khuất Duy Tiến - Hà Nội, dưới hình thức công ty TNHH hợp tác phát triển IQCOM,  tôi được tiếp cận với một phụ nữ đứng tuổi giới thiệu tên là T, đã đạt đến chức  “bàn phó” trong hệ thống bán sản phẩm của hệ thống này.
Ngay trong vài phút đầu gặp gỡ “bàn phó” gây sốc cho người đối diện bằng hàng loạt quyền lợi và những khoản tiền kếch xù dễ dàng kiếm được khi đã nộp tiền và trở thành người của DHT.
“Đây là sản phẩm dịch vụ du lịch. Nộp một khoản tiền là 375 USD, bạn sẽ được cấp một tài khoản và được mở trang web riêng. Từ đó có thể ngồi nhà chọn địa điểm đặt phòng khách sạn 3-5 sao trên toàn thế giới, thuộc đối tác của DHT. Nhưng yêu cầu chỉ có thể thực hiện sau 3-6 tháng”.
Trang web giới thiệu, mời chào người tham gia bán dịch vụ du lịch đa cấp của DHT.
Tuy nhiên, vị “bàn phó” này khẳng định, chẳng ai tham gia vào hệ thống này nghĩ đến chuyện đặt phòng đi du lịch mà chủ yếu để hoạt động môi giới, tìm mọi cách lôi kéo thêm nhiều người khác cùng nộp tiền để hưởng “hoa hồng”. Theo đó, cứ mời được hai người khác tham gia làm thành viên của hệ thống và hỗ trợ họ lôi kéo thêm những người khác tham gia thì sẽ được thăng cấp. Cấp càng cao được thưởng càng lớn cộng với khoản "hoa hồng” hậu hĩnh từ giá trị tiền nộp của những người vào sau.
“Cứ theo thứ tự, nếu mời được người đủ để tiến đến chức “bàn trưởng - hay còn gọi là bàn vàng”, khoản tiền hoa hồng được hưởng là 1.000 USD. Tuy nhiên, đó chỉ là khoản “rau dưa”, mục tiêu chính của tất cả mọi người là tiến đến “bàn đỏ”, được hưởng đến 15.000 USD, lúc đó chẳng phải làm gì  tiền cũng ào ào chảy vào túi. Vì thế mà đến nay đã có tới 14.000 người tham gia vào hệ thống này. Ai cũng kiếm được rất nhiều tiền”- chị “bàn phó” say sưa thuyết trình!
Cũng với mục tiêu được thăng chức, chị “bàn phó” này đã đôn đáo cùng với một người khác cấp cao hơn đi đến tận Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… thuyết trình với rất nhiều người để lôi kéo họ vào hệ thống.
“Kết quả mỹ mãn đến không ngờ, rất nhiều người ở các tỉnh muốn tham gia hệ thống. Có người còn mở tài khoản, nhận hàng  trăm triệu đồng tiền nộp từ những người khác rồi giao dịch qua internet để nộp tiền vào hệ thống”- vị "bàn phó" vui vẻ khoe.
Khi tôi đặt câu hỏi, với khoản tiền lớn như vậy, vì sao không có một loại giấy tờ, phiếu thu thể hiện hay chứng nhận khoản tiền đã nộp vào hệ thống của DHT, “bàn phó” sau một hồi lúng túng đành thú thật:  “Đó là vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết. Đã tham gia làm ăn thì phải tin nhau thôi. Nếu em tin tưởng thì nộp tiền cho chị. Chưa tin tưởng thì có thể đến công ty tham quan rồi dành thời gian qua nhà một “thủ lĩnh” ở Tây Sơn (cho biết nhà biết cửa để yên tâm), chuyên đứng ra nhận tiền rồi mở tài khoản cho khách mới.
Như vậy, khoản tiền gần chục triệu đồng mà mỗi người nộp vào hệ thống thông qua nhiều tầng môi giới hoàn toàn không có chứng từ, mà chỉ dựa vào những thông tin mơ hồ từ người này rỉ tai người khác mà ra.
Cơ quan chức năng không hay biết
Lấy lý do cần nghiên cứu thêm về hình thức hoạt động của hệ thống DHT, tôi vất vả lắm mới từ chối được lời kỳ kèo đóng tiền ngay “kẻo mất cơ hội làm giàu” của “bàn phó”. Dù vậy, cả tuần sau, mỗi ngày ít nhất đến 2 lần tôi nhận được điện thoại thúc giục từ “bàn phó”. Lần tìm đến tận văn phòng giao dịch, mới thấy giật mình về sức hút của hệ thống kinh doanh đa cấp này.
Trong ngôi nhà 4 tầng được dành tầng 1 là nơi tiếp khách chung của mọi thành viên trong hệ thống. Trên tường cao là khung kính trang trọng bên trong có công văn đóng dấu đỏ của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương với nội dung hướng dẫn hoạt động. Cả tầng 1 chật kín người ngồi tràn ra tận sân, ồn ào, sôi nổi bàn về những khoản “hoa hồng” kếch xù mà người này mới có, món quà tặng hấp dẫn người kia mới giành được…
Trụ sở của IQCOM luôn chật kín người đến với khát vọng kiếm nhiều tiền nhanh chóng. (Ảnh: TT)
Việc kiếm tiền nhiều theo giới thiệu thì dường như quá dễ dàng, đơn giản, tiền bạc như luôn sẵn sàng chảy vào túi tất cả mọi người. Như được tiếp thêm động lực, nhiều người nông dân ở ngoại tỉnh chân còn vương bùn, chưa hề biết sử dụng internet ban đầu còn dè dặt nhưng sau đó đã nhanh chóng bảo nhau móc túi, lấy ra món tiền tằn tiện nhiều năm để nộp cho người môi giới, mà không cần một mảnh giấy biên nhận nào.
Ngồi cùng với một số người khác, chị Hương (Gia Lâm) đã từng tham gia bán hàng đa cấp thì thào khuyên nhủ những người bên cạnh: Dự án kinh doanh siêu lợi nhuận mà hệ thống này đưa ra quá vô lý. Thực chất, đây là kiểu lấy tiền người này trả cho người khác. Vì thế, hãy cứ nộp tiền vào, rồi thật nhanh chóng lôi kéo người khác tham gia, rút được tiền gốc của mình ra là yên tâm. Ít nữa,  hệ thống có sập, thì cũng mất tiền của người khác!
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Đức Quế, Trưởng ban điều tra và xử lý các hàng vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định: Đơn vị không hề hay biết đến hoạt động của doanh nghiệp này.
“Trước đó không lâu, IQCOM có gửi công văn lên Cục đề nghị hướng dẫn hoạt động môi giới sản phẩm dịch vụ. Trong công văn gửi  IQCOM, Cục đã cũng khẳng định rõ mọi hoạt động môi giới của doanh nghiệp phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định của Luật thương mại về hoạt động môi giới thương mại…”, ông Quế nói.
Ông Quế cũng cho biết,  hiện Chính phủ chưa cấp phép đối với các hoạt động môi giới là các sản phẩm dịch vụ, nên bản thân Cục không hề hay biết doanh nghiệp này hoạt động theo kiểu gì, đang có văn phòng chính xác ở đâu.
Sau rất nhiều lần liên lạc và nhận được sự hứa hẹn rồi khất lần của đại diện của IQCOM, PV Dân trí vẫn chưa thể gặp gỡ hoặc được tiếp cận với bộ máy lãnh đạo của hệ thống này. Mọi thông tin liên lạc rất bí ẩn và khó khăn?!
P. Thanh

12/10/10

Mỗi người Việt Nam gánh 600 USD nợ công VnExpress


Mỗi người Việt Nam gánh 600 USD nợ công
Với nợ công chiếm 51,7% GDP, mỗi người dân Việt Nam gánh gần 600 USD nợ nần, theo tạp chí The Economist trong bảng đồng hồ nợ toàn cầu.
>>Niềm đam mê du thuyền của ông chủ Kềm Nghĩa
>> "Bùng nổ" chung cư giá thấp
>> iPhone 4 xách tay tiếp tục tăng giá
Ý tưởng đồng hồ nợ không mới. Bất cứ ai đi đến quảng trường Thời đại ở New York đều có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc đống hồ nợ của Mỹ. Lần này, Tờ The Economist cũng tạo một cái đồng hồ như thế nhưng chỉ khác là cho toàn thế giới.
Chiếc đồng hồ tính nợ thế giới do tờ báo này thống kê vẫn đang tích tắc không ngừng và cứ mỗi giây con số lại tăng thêm vài trăm nghìn USD.
Tính đến 17h30 chiều qua theo giờ Hà Nội, tổng số nợ toàn cầu mà đồng hồ đo được là 27.395 tỷ USD, sang đến 15h chiều nay đã lên đến 39.792 tỷ USD.
Mỗi người Việt Nam gánh 600 USD nợ công
Đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist tính đến 15h chiều nay.

Theo bản đồ nợ của The Economist, trong năm 2010 con số nợ chi tiết của Việt Nam là 50.716.438.356 USD (50,7 tỷ USD), chiếm 51,7% GDP. Điều này có nghĩa là với dân số 87,6 triệu, mỗi người Việt Nam gánh 578,65 USD nợ công.
Cũng theo thống kê này, kể từ năm 2001 đến nay, số nợ trên đầu người của Việt Nam ngày càng tăng. Hồi 2001, tỷ lệ nợ công trên GDP tương đương 26,6% và nợ công đầu người chỉ là 106 USD.
Dự báo cho năm 2011 khả quan hơn khi mặc dù nợ công tăng thêm gần 6 tỷ USD, nhưng tỷ lệ so với GDP giảm xuống còn 50,9%. Tuy nhiên, vào lúc đó, nợ công đầu người là 638 USD.
Mỗi người Việt Nam gánh 600 USD nợ công
Thống kê nợ công của Việt Nam năm 2009.

Trong số các quốc gia được liệt vào hàng nợ cao, có Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Ví dụ, tại Pháp, mỗi người dân phải gánh gần 32.000 USD nợ công còn ở Hy Lạp, con số này là 34.000 USD. Thống kê của The Economist được tính toán dựa trên báo cáo hàng quý của các quốc gia, theo dõi 99% lượng GDP của toàn cầu.
Mới đây, IMF đưa ra cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp, nợ công cao và hệ thống ngân hàng yếu ớt sẽ là những mối nguy hại đối với sự thịnh vượng toàn cầu. "Nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mở rộng 4,2% vào năm sau, thay vì 4,3% như trong dự báo cách đây ba tháng", báo cáo cập nhật mới nhất của IMF viết. Tuy nhiên, dự báo cho năm nay lại được điều chỉnh tăng thêm 0,2% lên 4,8%.
Thanh Bình