7/2/11

“Chúa đảo” Tuần Châu công khai tài sản


Bác bỏ những thông tin có tính chất đồn đoán, như “chúa đảo” có nhiều vợ, nợ hàng nghìn tỷ đồng nên phải bán đảo Tuần Châu cho Hàn Quốc…, ông Đào Hồng Tuyển công khai tài sản cũng như ý tưởng của mình.
Ông Đào Hồng Tuyển.
Sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy, tổng tài sản 2 tỷ USD
Ông Đào Hồng Tuyển nói, ông không làm những cái mà thiên hạ đã làm. “Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được”, ông Tuyển cho hay.
Doanh nhân và chuyện đồn đoán thất thiệt là chuyện không thể tránh khỏi. “Chúa đảo” cho hay, dư luận cũng đồn đại ông nợ 4 ngàn tỷ đồng, không trả cho ngân hàng?
“Tôi chính thức khẳng định rằng, đó là chuyện bịa đặt. Tôi có thuê một công ty Hàn Quốc để họ quản lý kinh doanh các dịch vụ ở Tuần Châu, nhưng xem ra họ không đảm trách được. Năm ngoái, họ đã rút về nước rồi”, ông Tuyển chính thức lên tiếng.
Ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), hiện  giờ ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân…Xác nhận về tài sản của mình, “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển không ngần ngại nói rằng, tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ đô la Mỹ.
Với lượng tài sản khổng lồ nói trên, nhưng khi trả lời câu hỏi “ông là người giàu nhất Việt Nam”, ông Tuyển có một đáp án khác: “Tôi đã tổ chức cuộc gặp một trăm người giàu Việt Nam và một trăm người đẹp từ khắp thế giới về đây… Rất hoành tráng phải không?”.
Làm những cái thiên hạ nghĩ đến mà không làm được
Bí quyết làm giàu của người có “hai tỷ đô la” như ông Tuyển là “không làm những cái mà thiên hạ đã làm. Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được!”.
Ông Tuyển lấy ví dụ, thời điểm đắp đường ra đảo Tuần Châu đúng là không ai dám làm. Khi tôi nói ý định đắp một con đường qua biển nối đất liền với đảo Tuần Châu, nhiều người nói ông bị … tâm thần.
Bây giờ Tuần Châu đang rất nổi tiếng, ngoài sân golf, ông Tuyển cũng đã xây dựng xong một cảng biển, đang đóng 100 du thuyền hiện đại. Từ cảng biển này sang đảo Cát Bà là con đường gần nhất, chỉ mất 20 phút  đi bằng phà du lịch. Từ đây du thuyền qua Hồng Kông, Ma Cao... đều rất thuận lợi.
Một loạt biệt thự cao cấp sẽ được xây dựng, đậu ngay trước nhà là những du thuyền... mở cửa ra là nhìn thấy non nước Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới... Ông Tuyển nói mình không bao giờ quên những tối lang thang, ngủ trong vườn hoa Tao Đàn, như một kẻ bụi đời. Có hôm kẻ cắp lột mất cả đôi dép nhựa Tiền Phong, tài sản quý giá nhất của ông lúc đó.
"Tôi đi dọn phân lợn, hay hầu bia ở quán nhậu… Một đêm, đói lả người, ngồi trong gara ô tô (người đã cho tôi ngủ nhờ), tôi thấm thía cái đói cái rét, cái nghèo, cái hèn… Đêm đó, tôi thầm hứa với mình, sẽ trở thành một người giàu có của Việt Nam", "chúa đảo" nói về những ngày cơ hàn và động lực của sự thành đạt.
Theo ông Tuyển, nếu không dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, thì sẽ khó có những thành công và thay đổi to lớn.
Theo Pháp luật VN

Cậu sinh viên từ bỏ giấc mơ Mỹ


Từ chối lời mời làm việc tại Google - một trong những gã khổng lồ Mỹ với mức lương 8.000 đôla, chưa kể nhà, xe... Nguyễn Xuân Tài cùng nhóm bạn của mình tự lập công ty riêng, miệt mài làm việc tới 16 giờ mỗi ngày.
Sinh năm 1983 ở vùng quê nghèo của Nghệ An, kinh doanh cũng không phải lĩnh vực ước mơ từ nhỏ, Tài đặt chân vào thương trường rất tình cờ. “Em chỉ có một niềm đam mê lớn nhất ấy là khám phá công nghệ”, Tài tâm sự.
Năm 14 tuổi, lần đầu tiên xem tivi trên chuyên mục quảng cáo có hình ảnh chiếc máy tính ở một cửa hàng vàng, Tài tò mò muốn biết nó là cái gì. Trong đầu cậu luôn đặt ra các câu hỏi người ta sẽ làm gì với chiếc máy tính và Tài luôn đau đáu một điều phải đi đến tận cùng để khám phá những điều bí ẩn từ sản phẩm công nghệ này. Niềm đam mê công nghệ hình thành trong Tài từ đó. Và năm lớp 7, cậu bé vùng quê Nghệ An này đã biết tự mua các thiết bị về để lắp cho mình một chiếc radio.
“Hồi đó, máy tính rất đắt, nó bằng 4 mảnh đất rộng 500 m2. Do vậy, phải mất rất lâu sau đó, em mới được chạm vào chiếc máy vi tính, nó là của bố cậu bạn thân”, Tài cho biết.
997864321_Nguyen_Xuan_Tai_5B1_5D
Tổng giám đốc Socbay.com - Nguyễn Xuân Tài.
Chiếc vi tính đầu tiên mà Tài được thấy và tiếp cận là một máy Compaq 486 ở nhà một người bạn tên là Giang. Tài hay đến học chung với bạn và phát hiện bố Giang quản lý rất chặt chiếc máy tính. Muốn vào phòng để máy tính ở tầng hai thì phải lên bằng cầu thang mà bố Giang thì thường xuyên ngồi gần đó. Vì vậy, cả Tài lẫn Giang cùng trèo lên mái nhà bên cạnh, sau đó bò sang mái nhà của Giang để đột nhập vào phòng để máy tính. Tài kể: “Để khỏi bị lộ, bọn em di chuyển rất nhẹ nhàng và cứ dùng máy khoảng 30 phút thì tắt máy một lần cho máy khỏi nóng. Bọn em học tin học theo kiểu như vậy suốt ba năm ròng...”.
Đam mê tin học là một chuyện song để hình thành nên tính cách, con người Tài như bây giờ phải kể đến 4 nhân vật khá quan trọng và là thành viên sáng lập của công ty - nơi anh đảm nhận vai trò Tổng giám đốc. Đó là 4 người bạn nối khố của Tài - Hồ Minh Đức, Đinh Nho Nam, Lê Văn Hùng và Nguyễn Hoàng Trung.
5 chàng trai xứ Nghệ này cùng sinh một năm và chơi thân với nhau từ nhỏ. Họ đam mê và theo đuổi ngành học công nghệ thông tin rồi cùng nhau lập công ty riêng Naiscorp và xây dựng cổng thông tin tìm kiếm có cái tên rất lạ Socbay.com, do chính Tài làm Tổng giám đốc. Có người gọi vui là “sốc-bậy”, có người đọc là “sốc-bay” đơn giản vì nó không có dấu. Song các thành viên là 5 bạn trẻ thuộc thế hệ 8X này chỉ giải thích ngắn gọn rằng cái tên Socbay ra đời dựa trên hình ảnh con sóc nhanh nhẹn, năng động cần cù, cặm cụi nhặt hạt dẻ - giống như công cụ tra cứu thông tin (search) mà các thành viên muốn gửi gắm tới cộng đồng những người yêu công nghệ.
1502471948_socbay
5 thành viên sáng lập Socbay tại trụ sở của Google, Mỹ.
Socbay ra đời dựa trên khát vọng xây dựng cổng thông tin tìm kiếm thuần Việt, trong suốt ba năm cuối đại học của 5 chàng trai xứ Nghệ. Họ đã cùng nhau nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm, tập trung vào khả năng xử lý tiếng Việt và khối dữ liệu lớn. Đến tháng 7/2006, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhóm quyết định thành lập riêng. Gia tài lúc bấy giờ là 5 chiếc máy tính, một căn phòng nhỏ để làm việc, toàn bộ tài sản này là của nhà tài trợ. Xác định thấy tiềm năng của công ty, nhiều quỹ đầu tư tìm đến hợp tác, Ban giám đốc trẻ đã quyết định chọn Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG và Softbank làm bạn đồng hành.
Cơ hội đến với 5 cậu sinh viên này khá nhanh và suôn sẻ cho đến một ngày, biến cố xảy ra. Đây cũng chính là bước ngoặt cuộc đời mà 5 chàng trai này phải đối mặt. “Chưa bao giờ bọn em đứng trước một lựa chọn khó khăn và tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng và lứa tuổi của bọn em lúc bấy giờ”, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tài nhớ lại.
Sau đúng 3 tháng kể từ khi công ty thành lập, gã khổng lồ Google của Mỹ đã tìm đến Việt Nam để đàm phán mua công ty và công nghệ của Socbay. Đồng thời đề nghị các thành viên sáng lập công ty sang Mỹ làm việc. Vốn coi Google là một hãng hàng đầu thế giới về tìm kiếm nên khi họ tìm đến, Tài cũng như các bạn đều không giấu được sự sửng sốt. “Ai cũng trầm trồ và nghĩ đến một tương lai sáng lạn, làm việc ở trời Tây và cọ xát với phong cách quản lý điều hành kiểu Mỹ”, Tài kể. Sau quá trình đàm phán và thương lượng, 5 thành viên công ty quyết định nhận lời và khăn gói quả mướp sang trời Tây. Họ mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với niềm hy vọng về tương lai tươi sáng.
Những ngày sống trên đất Mỹ, làm việc trong tập đoàn mà họ cho là thiên đường không những là của giới công nghệ mà là còn cả thiên đường của cuộc sống trong mơ, họ được tiếp xúc với các chuyên gia của Google trong những đàm phán về công nghệ và kinh doanh, tiếp xúc với Tổng giám đốc Google - Eric Schmidt. Lúc bấy giờ, giá trị công nghệ của nhóm được định giá lên tới hàng chục triệu USD, cả 5 thành viên Socbay được hứa hẹn mức lương 8.000 đôla cùng với xe hơi, nhà ở, các khoản chi tiêu hằng ngày. Tài cùng những người bạn của mình cảm giác như trong cuộc đời này chẳng có sự ưu ái nào lớn hơn dành cho họ.
Thế rồi, những ngày kế tiếp, cả 5 chàng trai mới bắt đầu cảm nhận được những khác biệt, không chỉ về khí hậu, múi giờ. Và họ như thấy mình lạc lõng giữa đất nước mà người ta vẫn gọi là thiên đường. “Ngày buồn ngủ díp mắt, tối lại thức chong chong, khi quen được môi trường, sinh hoạt mới cũng là lúc bọn em chuẩn bị về nước. Bọn em đấu tranh tư tưởng ghê gớm giữa nhận lời mời làm việc với việc trở về VN để tiếp tục duy trì ước mơ xây dựng cái của riêng mình”, Tài kể.
Trước lựa chọn gần như sinh tử như vậy, bên họ không có bất cứ sự hậu thuẫn nào từ các bậc đàn anh đi trước. Cha mẹ người thân chỉ có mỗi lời động viên an ủi rằng: Tùy các con quyết định. Trong khi với một sinh viên vừa ra trường, khoản tiền lớn đó và với mức lương 8.000 đôla một tháng quả là ghê gớm. Sự giằng co tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của lứa tuổi 22 của họ lúc bấy giờ lúc bấy giờ. Họ đứng trước sự lựa chọn: Nếu làm cho Google với công việc theo thỏa thuận, cả đời Tài và các bạn không phải bận tâm đến tiền. Còn nếu về Việt Nam, cậu và các bạn sẽ phải xây dựng công ty từ những ngày đầu, chật vật, vất vả mà giống như một canh bạc, chưa biết thắng hay thua.
“Có một yếu tố gần như là sống còn khiến bọn em lựa chọn con đường trở về VN, từ chối lời mời của Google đó chính là tình bạn. 5 đứa bạn em chơi với nhau từ bé và lớn lên bên nhau, nếu ở VN chúng em vẫn tiếp tục làm việc với nhau, còn nếu làm cho Google, 5 đứa sẽ được phân công 5 công việc khác nhau, điều này khiến chúng em lo sợ nhất”, Tài nhớ lại.
Phó tổng giám đốc của Socbay - Hồ Minh Đức cũng chia sẻ: “Khi thực sự va vấp với cuộc sống, có chút bươn chải trên thương trường, bọn em hiểu rằng có những điều không thể mua được bằng tiền”.
Google đặt vấn đề mua lại Socbay cùng với việc mời các thành viên trong nhóm sang Mỹ làm việc, Đức cho rằng cái mà gã khổng lồ này cần không phải công ty mà là con người. Bởi hồi đó, Socbay mới ra đời được 3 tháng và hầu như chưa có doanh thu. Hiểu được điều này, 5 chàng trai xứ nghệ cho rằng chẳng phải cứ đâu trên đất Mỹ mà bằng sự đoàn kết của mình, nhóm cậu vẫn có thể đi đến đến tận cùng với sản phẩm của mình, muốn được độc lập.
Quả nhiên, sau hơn 2 năm phát triển, với khởi đầu 5 “lãnh đạo kiêm nhân viên”, đến nay nhân sự của công ty đã lên tới 125 người và mạng lưới cộng tác viên rộng khắp. Hệ thống Socbay đang cung cấp các dịch vụ tìm kiếm web, nhạc MP3, tra từ điển trực tuyến đa ngôn ngữ, rao vặt và địa điểm. Ngoài ra, Socbay còn cung cấp cho cộng đồng mạng một loạt các sản phẩm mới với nhiều tiện ích: Cổng thông tin Socbay Travel tiếp thị điện tử cho doanh nghiệp du lịch, Socbay iMedi - Cổng thông tin tìm kiếm và giải trí trên di động với số lượng người dùng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.
“Niềm vinh hạnh nhất của chúng em đó là công nghệ Việt được khẳng định, chúng em đã triển khai thành công công nghệ của mình để phục vụ cho Chính Phủ, các tập đoàn lớn của Việt Nam như VinaPhone, MobiFone, Viettel. Công nghệ Socbay đã được các tập đoàn như Nokia, Samsung… áp dụng trong các sản phẩm chiến lược của mình”, Tài tâm sự
“Điều chúng em mong muốn nhất là sản phẩm của công ty được nhiều người sử dụng, đó là tiêu chí của sản phẩm thành công”, các thành viên sáng lập của Socbay cho biết.
Và giờ đây khi công ty cứng cáp và đi vào hoạt động ổn định, Tài cũng như các bạn tự hào khoe rằng: Sự trở về Việt Nam là sáng suốt. Họ vẫn làm việc cùng nhau để đang hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một thiên đường mạng kiểu Mỹ ngay trên đất Việt.

Theo VNexpress

"Cách làm giàu khôn ngoan nhất là làm theo người giàu"

Theo VTC

"Làm việc chăm chỉ không bao giờ có thể giàu có, làm việc khôn ngoan mới nhanh giàu. Và cách làm giàu khôn ngoan nhất là làm theo người giàu", ông Ngô Quang Hùng - giám đốc Công ty tài chính 115, người rất thành công trong kinh doanh tài chính và BĐS, chia sẻ bí quyết với những ai muốn nhanh chóng trở thành triệu phú.
“Trước đây, tôi sống trong gia đình chưa bao giờ có được một bộ quần áo mới. Khi đi học, tôi phải viết bằng bút chì rồi tẩy đi nháp lại. Tận đến lúc lập gia đình và sinh được 2 đứa con, đứa đầu tiên tôi còn không có tiền mua đồ chơi cho cháu. Năm 2000, cháu thứ 2 không may bị mắc bệnh tim bẩm sinh, không có điều kiện để đưa cháu sang Singapore hoặc sang Mỹ - những nơi có điều kiện để mổ tim cho trẻ sơ sinh, vợ chồng tôi đã phải ký vào bản cam kết với bác sĩ Việt Nam về việc không đảm bảo cứu được tính mạng con khi phẫu thuật tại Việt Nam. Khi đó, tôi đã tìm ra được động lực, động cơ phải trở nên giàu có để bảo vệ những người yêu thương của mình", ông Hùng bắt đầu câu chuyện làm giàu của mình bằng những kí ức gian truân.

Có được động cơ cũng là lúc ông Hùng nhận ra rằng: Làm việc chăm chỉ không bao giờ có thể giàu có, làm việc khôn ngoan mới nhanh giàu. “Và cách làm giàu khôn ngoan nhất là làm theo người giàu nhất, người giàu làm gì, mình làm theo như vậy",  ông Hùng thẳng thắn.

Nói là như thế nhưng những ngày đầu tiên học làm giàu của ông không dễ dàng, suôn sẻ. Sau thời gian đắn đo, suy nghĩ, ông quyết định bỏ việc để tìm hiểu “người giàu là ai” và “họ làm gì?”.


351096316_ok_1
Ông Ngô Quang Hùng nhắn nhủ với những ai nuôi trí làm giàu: "Muốn bay như đại bàng thì không nên chơi với bầy gà, muốn thành công phải chơi và học hỏi với người thành công". (Ảnh: Phương Hạ)

Ông nghĩ rằng: Những người giàu sẽ có mặt nhiều nhất ở nơi tập trung nhiều tiền vì vậy suốt cả tuần ông lang thang khắp các ngân hàng theo dõi xem họ làm gì. Ông không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra một nghịch lý: Những người đi bộ, đi xe đạp thì tới gửi tiền còn những người đi ô tô lại đến ngân hàng để vay tiền. Ông băn khoăn: Tại sao người nghèo đi gửi còn người giàu lại đi vay, để rồi tìm ra câu trả lời: Hóa ra, người giàu đi vay để mua BĐS, để thanh toán tiền vật tư…

Qua quan sát, ông tiếp tục nhận thấy: Cả người vay và người gửi đều không vui. Người vay thì phàn nàn vì thủ tục vay rườm rà, thời gian rất chậm, vốn được vay không được như họ mong muốn. Người đến gửi cũng buồn vì họ muốn lãi suất nhiều hơn, vì lãi suất hiện tại không cao như họ kỳ vọng. Chính vì thế, ông nảy ra ý tưởng thành lập Công ty tài chính 115 với 2 mục tiêu giúp người dân gửi tiền an toàn và lãi suất tốt hơn, cho người vay tiền được nhiều hơn và nhanh hơn.


Để có được sự giàu có, ông Hùng luôn quan niệm: “Số tiền nằm trong túi bạn không quan trọng bằng những gì nằm trong trái tim bạn”. Với ông, tiền đến từ người khác và để mở được chiếc ví ấy “trước hết phải mở được trái tim của họ, rồi đến mở bộ não, cuối cùng ví tiền sẽ tự mở ra”.

Theo ông Hùng: Muốn giàu có phải cho đi một cách điên cuồng để đổi về lợi nhuận không thể tin nổi. Ông đã từng khuyên nhủ những nhà kinh doang rằng: "Muốn marketing tốt bắt buộc phải sáng tạo. Sáng tạo chỉ đến khi bạn không chịu lùi bước và lúc nào cũng trăn trở về cái điều mình muốn đạt được. Cho đi điên cuồng là một trong những công cụ marketing tuyệt vời nhất".


784308339_ok3
"Hãy theo chân người giàu nếu muốn làm giàu nhanh chóng". (Ảnh chụp ông Hùng cùng Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Dạy con làm giàu" - Ảnh tư liệu)

Ông kể: “Khi gặp một người bạn muốn mở tiệm rửa xe máy trên địa bàn Hà Nội với số vốn ít ỏi, tôi cho anh ấy lời khuyên. Ngay ngày hôm sau, anh treo một cái biển quảng cáo: “Rửa 300 chiếc xe miễn phí đầu tiên”. Sau đó không lâu, mỗi tháng anh thu về 50 triệu đồng. Còn một người bán kem đã loan tin: “Thứ 7 sẽ tặng kem miễn phí cho mọi người” và ngày thứ 7 ấy đông vô cùng, từ đó, như một thói quen, lần sau họ lại đến tiếp”.

Ngoài ra, để kiếm tiền không đủ, người giàu nhất là những người biết cách quản lý đồng tiền của mình. Nhà triệu phú này nhấn mạnh: “Quản lý tiền thì bạn mới có tiền để quản lý. Tất cả những người giàu nhất luôn làm việc chăm chỉ tới cần mẫn và họ sống thấp dưới mức sống mà lẽ ra họ đáng được hưởng, dùng tiền để mua tài sản và trở nên giàu có thêm. Và tài sản mà ông nói ở đây đó là kiến thức và thông tin.

Đối với một nhà kinh doanh, thông tin luôn đóng vai trò rất quan trọng. Ông Hùng cho rằng: Nguyên nhân của sự thất bại là do khâu chuẩn bị, "chúng ta thất bại không phải chúng ta không biết chiến đấu mà vì chúng ta không biết cách chuẩn bị mà thôi!”. Từ đó, theo ông Hùng, để chiến đấu thành công, bạn phải có 2 thứ: Đầu tiên là vũ khí, nó cũng giống như muốn kinh doanh thì phải có vốn, phải có nền tảng vật chất để tạo ra cơ hội và sự thành công. Thứ hai là phải có một nhà đào tạo, một huấn luyện viên giỏi để hướng dẫn cho bạn những kinh nghiệm, đường đi nước bước, cung cấp các thông tin tốt để đầu tư và kinh doanh có hiệu quả.

Trước đây, nhiều bạn trẻ yêu quý và cảm phục nhà tài chính tài ba này bắt đầu từ câu nói “bất hủ”: “Muốn bay như đại bàng thì không nên chơi với bầy gà, muốn thành công phải chơi và học hỏi với người thành công” và phương pháp làm giàu “bất hủ”: “Tìm ra 6 người giàu nhất, giỏi nhất, mỗi ngày gọi điện cho 1 người. Mỗi tuần gặp 1 người giỏi nhất. Một ngày nào đó tài sản của bạn sẽ bằng 6 người cộng lại chia cho 6”.


7 nguyên tắc sống của người giàu


Những nguyên tắc sống của người giàu mà ông Ngô Quang Hùng nêu ra dưới đây có thể là "cẩm nang" cho những ai khao khát làm giàu:

1. Rõ ràng. Biết mình muốn gì? Mục tiêu trong từng giai đoạn là gì?

2. Tập trung: Khi đã có mục tiêu phải toàn tâm toàn ý. Khi tập trung cao độ sẽ lóe lên những ý tưởng táo bạo.


3. Ra quyết định: không phải mọi quyết định đều đúng nhưng thời gian sẽ chứng minh cho bạn thấy đa số quyết định là đúng.

4. Làm việc chuyên nghiệp: Việc ra một đồng, cũng phải làm chuyên nghiệp.


5. Lời nói đi đôi với việc làm: Nói những điều mình làm và làm những gì mình nói.

6. Tập-Tập-Tập
Trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, đặc biệt là kinh doanh, các bạn đều phải tập. Sau lần tập thứ nhất, bạn sẽ mắc lỗi. Sau lần tập thứ 2 mắc lỗi ít hơn. Sau lần tập thứ 3, bạn mới có thể thành công. Kinh doanh ảo về bất động sản theo quy tắc 100-10-3-1 là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này. Thành công là sự nở hoa trong nhọc nhằn.

7. Khi thất bại, hãy tự an ủi mình bằng cách đưa ra 4 điều tự vấn:
+ Mình đã học được điều gì tuyệt vời từ sự việc này?
+ Số tiền mình mất là một phần hay là tất cả tài sản của mình?
+ Mình chỉ mất tiền chứ không mất sinh mạng
+ Kẻ lấy trộm là nó chứ không phải là mình

17/1/11

9 bài viết được quan tâm nhất năm 2010


Năm 2010, ngành giáo dục có những dự án nghìn tỉ, thay đổi nhân sự đầu ngành, hay hút giấy mực với những sự kiện nóng bỏng của xã hội, thì ở trên mặt báo, bạn đọc cũng có những mối quan tâm của riêng mình. Các bài viết dưới đây không chỉ lọt danh sách "được đọc nhiều nhất" mà còn là những bài viết có lượng ý kiến phản hồi của độc giả lớn, có những chủ đề kéo dài nhiều tháng như tâm tư của giảng viên là tiến sĩ, hay đầu tư cho con đi học ở nước ngoài từ bé...
1- Nhân sự trẻ nhảy việc khỏi Bộ Giáo dục

Đầu năm 2010, đang "bù đầu" với cải tổ, đổi mới, Bộ GD-ĐT cũng liên tục thông báo tuyển nhân lực cho 11 vụ, cục. Nhiều công chức trẻ ở các vụ đã "nhảy việc". Bộ GD- ĐT đang vướng bài toán nhân sự vì mức lương "vênh" khá nhiều so với bên ngoài. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại thực tế, để vào được cơ quan nhà nước, cụ thể ở Bộ GD-ĐT, vẫn là "trong mơ" của nhiều người.

2- Chuyện 13 tuổi vào đại học ở Việt Nam
Thông tin về nhiều học sinh nhỏ tuổi ở các nước trở thành sinh viên  hoặc tốt nghiệp các trường ĐH ở độ tuổi vị thành niên, từ 11 đến 16 tuổi xuất hiện ở nhiều nước. Khi đặt vấn đề “13 tuổi có thể dự thi vào ĐH ở Việt Nam”, cả cô giáo cũng như phụ huynh đều cho rằng, họ ủng hộ việc đó và không lo ngại gì về việc có theo được kiến thức hay không. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào bỏ qua một vài năm học phổ thông để theo học chương trình ĐH, dù quy chế thi tuyển sinh không giới hạn độ tuổi. Chỉ ra nước ngoài, HS Việt Nam mới có cơ hội học vượt.
1626558952_20110102190810_situ
3- Tự sự nhức lòng của tiến sĩ "ngoại" về đại học lớn 
2010 là năm đầu tiên trong "cuộc cải tổ 3 năm ở bậc đại học" được Chính phủ ra chỉ thị, ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT thảo nghị quyết. Trên diễn đàn chính thống, lãnh đạo các trường ĐH sôi nổi nói chuyện "đổi mới". Với giáo giới, phóng viên Sơn Khê đã lắng nghe một tâm tư. Từ câu chuyện của người giảng viên này, bạn đọc tranh cãi gay gắt xung quanh các về chủ đề mục đích học tập, đào tạo tiến sĩ và cách sử dụng con người trong môi trường ĐH...
4 - Bản nháp, lỗi kỹ thuật và trách nhiệm của Bộ Giáo dục
Ngày 23/2/2010, Bộ GD-ĐT công bố bản dự thảo về một số điều kiện và hồ sơ mở ngành đại học, cao đẳng với mục đích là siết chặt hơn nữa các điều kiện mở ngành. Quy định về điều kiện giảng viên khá cụ thể và chặt chẽ. Tuy nhiên, "lạc" vào bản quy định có nhiều tiến bộ này lại là một điều khoản vừa không logic, vừa gây ngỡ ngàng: "không cho phép các trường ngoài công lập đào tạo luật, báo chí, sư phạm".
5 - "Đường lên đỉnh Olympia" có phải có hủy kết quả?
Mặc dù xuất hiện đã 10 năm, sân chơi trí tuệ dành cho học sinh phổ thông - cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" vẫn thu hút sự quan tâm của người xem. Năm nay, cuộc thi diễn ra đầy kịch tính ở phút chót và mọi chuyện vẫn chưa dừng khi vòng nguyệt quế đã được trao cho người chiến thắng. Nhiều bạn đọc phản ánh về sự chưa rõ ràng trong phát âm chữ “plumber” và đề nghị nên thi lại bằng câu hỏi phụ. Trước những thắc mắc này, ban tổ chức quyết định vẫn giữ nguyên kết quả. Với người chiến thắng - 1 học sinh lớp 12, sự kiện này là một áp lực quá sức, nhưng nhìn ở tổng thể, phần lớn bạn đọc cho rằng, chiến thắng của Nguyễn Minh Đức là xứng đáng. 
398677310_20110102142710_roiletrongle
6 -Bức thư rơi lệ trong lễ trưởng thành
Tổ chức lễ tri ân và trưởng thành trong ngày bế giảng năm học là một sáng kiến của phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" mà Bộ GD-ĐT phát động. Sáng 26/5, tại lễ tri ân và trưởng thành ở Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, một học sinh chuyên Toán đã đọc bức thư gửi mẹ làm nhiều thầy cô rơi nước mắt. Bức thư đã được cô giáo của trường gửi tới VietNamNet chia sẻ với bạn đọc.
7- Sốt du học từ trong bụng mẹ
Nuôi con thành những “siêu nhân” đội vòng nguyệt quế du học từ lúc còn trong bụng mẹ đang trở thành một xu hướng phổ biến của nhiều gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay. Trên một diễn đàn nổi tiếng về trẻ thơ của Việt Nam lưu truyền câu chuyện về một gia đình đã mừng phát khóc khi đứa con 14 tuổi được nhận học ở Singapore. Trong cơn phấn khích, ông bà thốt lên: “Cháu tôi đã được làm người rồi”. Phóng viên Phù Sa đã có loạt bài về chủ đề này. 
681497885_20110102165140_duhoc2
8- Chuyện bây giờ mới kể về thời đi học của GS Ngô Bảo Châu 
Trong ngày GS. Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields ở Đại hội Toán học thế giới, một người bạn thuở nhỏ của GS, anh Nguyễn Hoàng Anh, đã gửi tới VietNamNet bài viết với nhiều kỷ niệm và tình tiết đáng nhớ lại và suy nghĩ về thời học phổ thông của GS. Dù cho nhân vật chính, GS.Ngô Bảo Châu bày tỏ nỗi buồn vì "những chuyện lương khô" bạn bè đưa lên mặt báo, nhưng bài viết nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc, đồng cảm với những câu chuyện đẹp đẽ về thời đi học của nhân vật mà họ yêu mến.
9- Cậu bé đánh giầy 10 năm đỗ đại học báo chí
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 không còn hiện tượng "nở rộ" thủ khoa điểm 30, nhưng những thí sinh đặc biệt thì năm nào cũng xuất hiện. Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, khu vực gần Đài Truyền hình Hà Nội từ hơn một năm đã trở thành “lãnh địa” đánh giầy của em Nguyễn Văn Phúc (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Phúc đỗ vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Để theo đuổi việc học, Phúc đã có thâm niên 10 năm kiếm sống bằng nghề đánh giầy. Cộng tác viên Nguyễn Hường đã gặp nhân vật từ khi chưa thi ĐH và gửi bài viết tới VietNamNet khi biết kết quả thi của Phúc.
Theo Vietnamnet